Dự thảo Luật Nhà giáo: Ngành Giáo dục chủ động tuyển dụng, sử dụng nhà giáo

25/10/2024 07:07
Minh Chi

GDVN -Dự thảo Luật Nhà giáo bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 09 chương, 50 điều.

Ngày 17/10, Chính phủ có tờ trình số 656/TTr-CP gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo chương trình, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo

GDVN_gv.jpg
Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Tại bản Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến, nhiều chính sách mới với nhà giáo được đề xuất, trong đó, một điểm đáng chú ý là quy định giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Nhà giáo cũng khẳng định quan điểm “Nhà giáo công lập là viên chức đặc biệt”.

Theo đó nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của Luật viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này.

Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là người lao động đặc biệt, áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động và thêm những quy định đặc thù của nhà giáo tại Luật này.

Về vấn đề tuyển dụng nhà giáo, quy định về tuyển dụng nhà giáo trong Dự thảo Luật đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác (nhà giáo công lập), khác với người lao động thuần túy (nhà giáo ngoài công lập).

Trong đó, một nội dung điều chỉnh quan trọng trong tuyển dụng nhà giáo là: Phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, yêu cầu tuyển dụng nhà giáo phải có thực hành sư phạm sẽ giúp gia tăng chất lượng chuyên môn của người được tuyển dụng làm nhà giáo, lựa chọn được đúng người vào nghề.

Về vấn đề sử dụng nhà giáo, Dự thảo Luật Nhà giáo quy định tường minh hơn về các tình huống sử dụng nhà giáo gắn với đặc trưng cấp học và trình độ đào tạo bao gồm: điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp.

Các chính sách này, nhất là điều động nhà giáo được kỳ vọng là giải pháp để tháo gỡ vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong thời gian vừa qua ở các cấp học mầm non, phổ thông.

Theo Dự thảo Luật, trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời hạn tối đa 12 tháng. Sau thời gian bảo lưu thì thực hiện theo các chế độ, chính sách của vị trí công việc mới.

Không thực hiện điều động nhà giáo đối với nhà giáo nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà giáo có vợ hoặc chồng đang làm nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo trừ trường hợp nhà giáo có nguyện vọng; Nhà giáo thuộc các trường hợp quy định chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và pháp luật có liên quan.

Người có chức danh Giáo sư được kéo dài tuổi nghỉ hưu tối đa 10 năm

AH9I2029.jpg
Ảnh minh hoạ: VNU

Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất quy định chi tiết về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo phù hợp với hoạt động nghề nghiệp.

Theo đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Trong đó, thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính sách nghỉ hưu được thiết kế riêng nhằm đáp ứng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, đồng thời phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của nhà giáo.

Lắng nghe ý kiến từ dư luận xã hội: Rút đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý tại bản Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu là việc bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo.

Việc bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo thể hiện sự lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện từ dư luận xã hội của cơ quan soạn thảo.

Trước đó, tại Dự thảo Luật trình phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 8/10, có đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ.

Đề xuất này sau đó đã nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội (nhất là về kinh phí), trong đó đa phần ý kiến cho rằng đề xuất có thể tạo sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục, một số ý kiến khác cho rằng khó hiệu quả và không khả thi.

“Với tinh thần nghiêm túc lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện để điều chỉnh kịp thời nếu đủ căn cứ, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra khỏi dự thảo nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Minh Chi