Đào tạo giáo viên phải coi trọng rèn nghề, thực hành sư phạm

03/12/2019 06:24
LÃ TIẾN
(GDVN) - Việc thành lập các trường thực hành trong hệ thống giáo dục của các trường đại học giúp nâng cao chất lượng thực tập, thực hành trong đào tạo giáo viên.

Việc thực hành, thực tập nghề trong các trường cao đẳng, đại học là một công việc rất quan trọng, liên quan tới chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường trong bối cảnh yêu cầu của xã hội ngày càng cao.

Đối với ngành đào tạo giáo viên, mức độ cần thiết và đòi hỏi công tác thực hành, thực tập lại càng được coi trọng và đề cao.

Lý do, ngành đào tạo giáo viên có tính chất đặc thù, các trường sư phạm được coi như những chiếc “máy cái” đào tạo ra những người thầy của xã hội.

Trường Đại học Hải Phòng luôn chú trọng công tác thực hành, thực tập để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên (Ảnh: LT)
Trường Đại học Hải Phòng luôn chú trọng công tác thực hành, thực tập để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên (Ảnh: LT)

Theo Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn, Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm non (Trường Đại học Hải Phòng), một trong những yếu tố quyết định chất lượng đào tạo nghề giáo viên đó là công tác thực hành, thực tập.

Trong đó mối quan hệ giữa chủ thể đào tạo (các khoa, các trường sư phạm) và những đơn vị thực hành, thực tập (các trường phổ thông) mang tính quyết định.

Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn cho rằng, nằm trong bối cảnh như vậy, Trường Đại học Hải Phòng không phải là ngoại lệ.

Suốt những năm tháng từ khi nhà trường thành lập, hiệu quả của mối quan hệ công tác, sự phối kết hợp giữa nhà trường thực hành và các đơn vị đào tạo trong trường sư phạm ở Hải Phòng được thể hiện rõ nét.

Cụ thể, trước khi có sự xuất hiện các trường thực hành, trong toàn khóa học giáo sinh chỉ có một đợt thực tế khoảng 2-3 tuần và một đợt thực tập từ 4-6 tuần.

Ngoài ra, giáo sinh không có cơ hội được tiếp xúc với học sinh phổ thông và các giờ lý thuyết trên lớp học của giáo viên và giáo sinh cũng không được minh họa bằng thực tế.

Nhưng sau khi các trường thực hành sư phạm được thành lập, ngay từ đầu năm học đầu tiên, giáo sinh đã được tiếp xúc trực tiếp với học sinh, được tham gia tổ chức, điều hành các hoạt động giáo dục.

Nên thay đổi hoàn toàn cách đào tạo giáo viên hiện nay
Nên thay đổi hoàn toàn cách đào tạo giáo viên hiện nay

Sau các giờ dạy lý thuyết của giảng viên sư phạm thì các giáo sinh đều được xuống dự các giờ minh họa của giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy của các trường thực hành để giáo sinh thông qua đây được kiểm nghiệm và lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm một cách sâu sắc hơn.

Nhờ vậy, chất lượng đào tạo giáo viên của các trường sư phạm được nâng lên.

Giáo sinh khi được đi thực tập có kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp vững vàng, được các trường phổ thông nơi các em đến thực tập đánh giá cao.

Hơn nữa, với sự xuất hiện các trường thực hành trong trường sư phạm ở Hải Phòng, giảng viên sư phạm cũng có nhiều thuận lợi trong việc nghiên cứu, triển khai, minh họa và ứng dụng thực nghiệm những phương pháp dạy học mới ở phổ thông.

“Những năm qua đã có nhiều giảng viên sư phạm nghiên cứu, đề xuất các phương pháp dạy học đổi mới, có hiệu quả trọng giáo dục học sinh phổ thông được thực nghiệm thông qua môi trường giáo dục tại các trường thực hành trong trường sư phạm.

Điều này đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa kiến thức lý thuyết hàn lâm trên giảng đường đối với giáo sinh và kiến thức, nghiệp vụ được áp dụng triển khai trong trường thực hành cũng trở lên bài bản và khoa học hơn”, Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn nói.

Trong thời gian gần đây, các trường thực hành đã đóng góp vai trò như một thành viên của Hội đồng đào tạo tại các khoa sư phạm khi tham gia vào các khâu, các công việc.

Cụ thể như: hướng dẫn, chỉ đạo thực hành, thực tập và đánh giá năng lực thực hành, thực tập của giáo sinh;

Tham gia góp ý vào việc thiết kế mới hoặc chỉnh sửa chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu xã hội;

Tham gia bồi dưỡng hoặc minh họa các phương pháp dạy học mới hoặc triển khai hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trực tiếp cho giáo sinh các khoa sư phạm.

Trong lộ trình tự chủ đại học, Trường Đại học Hải Phòng phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo giáo viên (Ảnh: LT)
Trong lộ trình tự chủ đại học, Trường Đại học Hải Phòng phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo giáo viên (Ảnh: LT)

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, Trường Đại học Hải Phòng đang chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tự chủ đại học.

Để công tác thực tập, thực hành thường xuyên trong đào tạo giáo viên được tiếp tục và ngày càng nâng cao chất lượng hơn, đòi hỏi nhà trường phải có một cách tiếp cận mới trong khâu tổ chức, vận hành, phối hợp công tác giữa khoa sư phạm và các trường thực hành.

Theo Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn, để làm được việc này, Trường Đại học Hải Phòng cần duy trì và mở rộng hệ thống liên kết với một số trường phổ thông trong thành phố có chất lượng giáo dục cao, môi trường giáo dục tốt.

Từ đó tạo thành hệ thống các trường vệ tinh gắn bó, tin cậy trong triển khai công tác thực hành, thực tập, giúp khâu rèn nghề đạt chất lượng cao hơn.

Cùng với đó, các kế hoạch, chương trình thực hành thường xuyên trong chương trình đào tạo giáo viên của các khoa sư phạm cần được thiết kế dưới dạng là các Modul.

Các Modul có tính thống nhất cao trong toàn bộ chương trình thực hành thường xuyên của khóa học với những mục tiêu, phương pháp và cách thức triển khai ở từng Modul cụ thể, giúp giáo sinh biết được cái đích cụ thể của từng công việc phải đạt được.

Các khoa sư phạm và các trường thực hành phải lựa chọn phân công các giảng viên sư phạm, các giáo viên tại các trường thực hành có chuyên môn vững vàng, có trình độ nghiệp vụ giỏi, tâm huyết, trách nhiệm với công việc.

Các khoa sư phạm phải bằng mọi cách để có cơ hội tiếp cận và tiếp nhận những vấn đề đổi mới đang diễn ra trong giáo dục phổ thông.

Từ đó làm căn cứ cho việc hoạch định, xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo giáo sinh cho sát với thực tiễn, thể hiện được vai trò “máy cái” trong đào tạo giáo viên.

Đây chính là yếu tố căn bản quyết định chất lượng đào tạo nghề của các khoa sư phạm.

“Để công tác thực hành, thực tập tại các trường thực hành đạt hiệu quả và chất lượng cao trong đào tạo giáo viên, Trường Đại học Hải Phòng phải xây dựng một quy chế, quy định phù hợp về mối quan hệ công tác và cơ chế phối, kết hợp giữa các khoa sư phạm và trường thực hành.

Qua đó giúp các khoa sư phạm có điều kiện thuận lợi chủ động trong triển khai công tác thực hành thường xuyên và trong nghiên cứu hoặc triển khai các dự án, đề tài khoa học giáo dục tại các trường thực hành”, Tiến sĩ Tuấn nói.

LÃ TIẾN