Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT), thành lập năm 1996, là một trong những trường đại học tư thục đào tạo đa ngành. Theo thông tin đăng tải trên website, hiện nhà trường đang đào tạo 27 ngành hệ đại học chính quy thuộc các lĩnh vực Kinh tế, Quản trị, Ngôn ngữ, Công nghệ, Kỹ thuật và Sức khoẻ.
Nhà trường có đa dạng chương trình đào tạo bao gồm đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, hệ đại học chính quy, hệ đào tạo liên thông, hệ đại học tại chức, hệ văn bằng 2, hệ đào tạo từ xa.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh hệ đào tạo từ xa với 3 ngành bao gồm: Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội liên tục tổ chức tuyển sinh cho hệ đào tạo từ xa nhưng thực tế không có sinh viên đăng ký theo học. Việc này đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả và mục tiêu của chương trình.
Học phí hệ đào tạo từ xa cao hơn hệ đại học chính quy
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, học phí hệ đào tạo từ xa của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thu theo hình thức tín chỉ với 400.000 đồng/tín chỉ.
Cụ thể, học phí ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ thông tin lần lượt là 54.800.000 đồng/toàn khóa/137 tín chỉ; 54.800.000 đồng/toàn khóa/137 tín chỉ; 62.000.000 đồng/toàn khóa/155 tín chỉ (không kể khối lượng học phần Giáo dục quốc phòng, an ninh và Giáo dục thể chất).
Tuy nhiên, ở hệ đại học chính quy, mức học phí của 2 ngành Kế toán và Tài chính - Ngân hàng thuộc lĩnh vực 2 với 6.400.000 đồng/học kỳ, tương đương 51.200.000 đồng/toàn khóa/137 tín chỉ.
Riêng ngành Công nghệ thông tin, mức học phí thuộc lĩnh vực 4 với 8.610.000 đồng/kỳ, tương đương 68.880.000 đồng/toàn khóa/155 tín chỉ (không kể khối lượng học phần Giáo dục quốc phòng, an ninh và Giáo dục thể chất).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ nhiệm khoa Đại học liên thông và Đào tạo từ xa, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lý giải về sự chênh lệch học phí giữa 2 hệ đào tạo: “Đối với hệ đào tạo từ xa, những ngành có các học phần thực hành, thí nghiệm vẫn phải được giảng dạy trực tiếp và thực hiện như đối với hệ đào tạo chính quy theo đúng Quy định đào tạo từ xa trình độ đại học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Quyết định số 956/QĐ-BGH ngày 9/3/2018).
Đồng thời, học phí hệ đào tạo từ xa cao hơn là do số lượng sinh viên ít hơn so với hệ đại học chính quy khiến chi phí tổ chức các lớp học tăng lên. Cụ thể, nhà trường phải chi trả các khoản phí liên quan đến việc đi lại của giảng viên cũng như chi phí tổ chức thi các học phần tại các trạm từ xa đặt ở các tỉnh khiến tổng chi phí đào tạo cao hơn so với hệ chính quy".
Nhà trường cam kết chất lượng đào tạo từ xa tương đương với hệ đại học chính quy
Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức đào tạo từ xa theo các phương thức sau: phương thức truyền thống (tự học có hướng dẫn với học liệu được cung cấp); phương thức phát thanh, truyền hình; phương thức trực tuyến hoặc kết hợp các phương thức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của trường.
Khoản 7, Điều 9, Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học quy định: Việc tổ chức đào tạo từ xa phải đảm bảo sự tương tác giữa người học với giảng viên, giữa người học với người học; bảo đảm ít nhất 4 hoạt động học tập chính: tham dự buổi học, buổi hướng dẫn, trao đổi thảo luận chuyên đề và hội thảo; học tập những nội dung từ các học liệu chính và các học liệu bổ trợ; thực hiện các hoạt động học tập và làm các bài tập đánh giá; tham vấn và đặt câu hỏi với giảng viên.
Trong khi đó, hệ đào tạo chính quy đòi hỏi sinh viên phải tham gia học trực tiếp với sự tương tác thường xuyên cùng giảng viên và các bạn học. Ngược lại, hệ đào tạo từ xa của nhà trường đang áp dụng phương thức học tập không tập trung, trong đó, giảng viên chủ yếu hướng dẫn sinh viên tự học thông qua các nền tảng quản lý học tập trực tuyến.
Mặc dù hình thức này mang lại sự linh hoạt cho người học, nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc duy trì sự kết nối chặt chẽ giữa giảng viên và sinh viên, cũng như giữa các sinh viên với nhau. Điều này cũng khiến dư luận băn khoăn về chất lượng đào tạo giữa hai hệ.
Đáng chú ý, khoản 4, Điều 12 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 quy định: "Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau". Do đó, sinh viên theo học hệ đào tạo từ xa sẽ được cấp bằng tốt nghiệp có giá trị như sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy.
Trước băn khoăn của phóng viên về chất lượng đào tạo giữa hệ từ xa và hệ chính quy liệu có tương đương, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, việc đào tạo từ xa của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dù được tổ chức dưới bất kỳ phương thức nào vẫn áp dụng đúng theo chương trình đào tạo chính quy của ngành tương ứng (bao gồm chuẩn đầu ra).
Cô Hà khẳng định rằng, việc tổ chức đào tạo và tổ chức kiểm tra, đánh giá, thi đều tuân thủ theo đúng quy định như hệ đại học chính quy được nêu tại Điều 3 phương thức tổ chức đào tạo, Điều 8, tổ chức giảng dạy và học tập, Điều 9, đánh giá và tính điểm học phần của Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời được nêu ở Quy định đào tạo từ xa trình độ đại học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (QĐ số 956/QĐ-BGH ngày 09/03/2018).
“Nếu sinh viên hệ đào tạo từ xa chọn học theo phương thức tự học có hướng dẫn với học liệu được cung cấp, người học sẽ tự học theo các tài liệu học tập từ xa được nhà trường biên soạn.
Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 19 Quy định đào tạo từ xa trình độ đại học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Quyết định số 956/QĐ-BGH ngày 09/03/2018) nêu rõ: Sinh viên phải tham gia các buổi học tập trực tiếp hoặc trực tuyến qua lớp học ảo (Vclass) theo phương thức đào tạo từ xa và theo kế hoạch đào tạo để nghe hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, thảo luận trao đổi kiến thức và làm bài tập. Sinh viên được quyền trao đổi thảo luận, hỏi và trao đổi ý kiến với giảng viên thông qua diễn đàn trực tuyến hoặc qua các kênh như email, chat, tin nhắn,...
Bên cạnh đó, các học phần thực hành, thí nghiệm vẫn được giảng dạy trực tiếp tại trường. Việc kiểm tra, đánh giá và thi kết thúc học phần được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định như đào tạo hệ đại học chính quy.
Đồng thời, việc tổ chức giám sát người học cũng được thực hiện tương đương như sinh viên chính quy dưới sự giám sát của giảng viên, cố vấn học tập, cán bộ hỗ trợ học tập thông qua giám sát việc hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo kế hoạch đào tạo. Vì vậy, chất lượng hệ đào tạo từ xa vẫn được đảm bảo theo đúng quy định”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.
Tuy nhiên, cô Hà cũng cho biết thêm từ năm học 2020-2021 đến nay, nhà trường không tổ chức xét tuyển đầu vào cho hệ đào tạo từ xa do không có thí sinh nộp hồ sơ, không có sinh viên hệ đào tạo từ xa. Khi phóng viên đặt ra câu hỏi về việc không có sinh viên hệ đào tạo từ xa trong nhiều năm, nếu trong năm 2024 có sinh viên đăng ký theo học, nhà trường sẽ bố trí giảng viên giảng dạy và tổ chức lớp học ra sao, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà cho hay: "Trong trường hợp nếu có thí sinh theo học hệ đào tạo từ xa, việc thi kết thúc học phần cũng sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định như đối với hệ đào tạo chính quy từ khâu ra đề, tổ chức coi thi, chấm thi.
Ngoài ra, địa điểm thi có thể tổ chức tại cơ sở đặt lớp ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hoặc trạm đào tạo từ xa và luôn tuân thủ nghiêm ngặt các khâu của quá trình tổ chức thi theo đúng quy định tại Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT ban hành kèm theo Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định đào tạo từ xa trình độ đại học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Quyết định số 956/QĐ-BGH ngày 9/3/2018).
Đồng thời, việc bố trí giảng viên tham gia giảng dạy chương trình đào tạo sẽ tuân thủ đúng quy định nêu trên. Nhà trường có đội ngũ đủ về số lượng lẫn chất lượng để đảm nhiệm khối lượng giảng dạy, thể hiện trong đề án tuyển sinh".
Khoản 7, Điều 5 Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT quy định về đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý đủ về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu; đã được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp giảng dạy và quản lý đào tạo từ xa.
a) Giảng viên cơ hữu phải đáp ứng quy định về chuẩn chương trình đào tạo và các chuẩn chương trình đào tạo có liên quan do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và chủ trì giảng dạy chương trình theo quy định về mở ngành đào tạo và chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải trực tiếp tham gia giảng dạy chương trình đào tạo từ xa;
b) Tối đa 30% khối lượng chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bởi giảng viên thỉnh giảng; và được tăng lên tối đa 50% khi và chỉ khi giảng viên thỉnh giảng là giảng viên cơ hữu của cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này thực hiện trên 20% khối lượng chương trình đào tạo từ xa.