Lùm xùm tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN: Cần sớm xử lý, tránh hệ lụy

20/04/2024 06:42
Thành An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Theo các chuyên gia, những tồn tại ở Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là chưa đúng theo quy định của Luật GD đại học, cần sớm được xử lý.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết đề cập đến lùm xùm trong quản trị kéo dài tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Từ lúc được thành lập (năm 1996), Giáo sư Trần Phương là hiệu trưởng nhà trường. Theo chia sẻ của một phó hiệu trưởng nhà trường, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT), về mặt pháp lý thì đến thời điểm hiện tại, Giáo sư Trần Phương vẫn là hiệu trưởng. Như vậy, tính đến nay Giáo sư Trần Phương đã làm hiệu trường của trường đại học này liên tục trong suốt gần 30 năm.

Ngày 3/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 671/QĐ-TTg về việc chuyển đổi trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sang loại hình trường đại học tư thục.

Điều này đồng nghĩa với việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải thành lập Hội đồng trường. Tuy nhiên, đến nay, sau 4 năm chuyển đổi sang loại hình trường đại học tư thục, trường này vẫn chưa thành lập Hội đồng trường.

Hoạt động không có Hội đồng trường là sai luật, dẫn đến nhiều hệ lụy

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Qua phản ánh của báo chí đến thời điểm này, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn chưa thành lập được Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật.

trinh-thi-tu-anh-1396.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC.

Cụ thể, Điều 16a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (gọi tắt là Luật giáo dục đại học 2018) đã quy định về nhà đầu tư, trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư của cơ sở giáo dục đại học tư thục. Điều 17 Luật Giáo dục đại học nêu rõ về thành phần số lượng thành viên Hội đồng trường, tiêu chuẩn của chủ tịch trường, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Điều 8 Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về thủ tục thành lập Hội đồng trường, công nhận Hội đồng trường, công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch Hội đồng trường, công nhận hiệu trưởng của trường đại học tư thục.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019 đến nay, đã là hơn 4 năm rồi, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn chưa thành lập được hội đồng trường. Theo tìm hiểu của tôi, hiện tại, trên website của Trường Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội, vẫn thể hiện là Hội đồng quản trị. Điều này được hiểu là trường vẫn đang theo cơ chế chịu sự quản lý của Hội đồng quản trị doanh nghiệp, chứ không phải mô hình của Hội đồng trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tôi cũng có tìm hiểu và được biết, nhà trường cũng đã tổ chức hội nghị nhà đầu tư và cũng đã tiến hành Hội nghị thành lập Hội đồng trường theo quy định. Tuy nhiên, việc làm đó lại không thành công, có nghĩa là đến bây giờ, Hội đồng trường vẫn chưa có.

Trên thế giới, việc quản trị của cơ sở giáo dục đại học thông qua thiết chế Hội đồng trường khá phổ biến, dù là ở các nước phát triển, đang phát triển hay các nước có nền kinh tế chuyển đổi,... vì đây là một tổ chức quản trị và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu không chỉ có quyền đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.

Như vậy, tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện chỉ đang tồn tại thiết chế Hội đồng quản trị, tức là chưa đảm bảo hoạt động thông suốt và đúng luật”.

Ảnh.JPG
Cơ cấu tổ chức được công khai trên website của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, vẫn chưa có Hội đồng trường. Ảnh chụp màn hình ngày 14/4/2024.

Nữ đại biểu cũng phân tích thêm: “Đối với người học, sự thiếu minh bạch trong quản lý này có thể làm ảnh hưởng chất lượng đào tạo.

Còn đối với đội ngũ cán bộ và giảng viên, việc nhà trường hoạt động không có Hội đồng trường cũng có thể gây ra những mối nghi ngờ về quy trình và trách nhiệm đưa ra các quyết định lớn của nhà trường liệu có minh bạch, rõ ràng không? Liệu có được lấy ý kiến của tất cả các bên liên quan hay chưa và có phù hợp với tôn chỉ, mục đích của trường, cũng như đảm bảo nguyên tắc là đảm bảo quyền lợi của giảng viên và người học hay không?

Thực tế, thời gian vừa qua, cũng đã có khiếu nại liên quan đến Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội...

Đối với các nhà đầu tư, việc hoạt động của trường không được quản lý một cách minh bạch và có hiệu quả, thì có thể tạo ra hệ quả về quản trị cũng như làm suy giảm uy tín của nhà trường và ảnh hưởng đến các giá trị của các khoản đầu tư mà nhà đầu tư tham gia vào, nhất là trong giai đoạn hiện nay - khi mùa tuyển sinh đang đến gần”.

Không có hội đồng trường, dễ dẫn đến nhiều hệ lụy

Bên cạnh đó, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng phân tích: “Trong Luật Giáo dục đại học đã quy định các trường phải có Hội đồng trường, để chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo cũng như chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của trường như tài chính, đội ngũ, học thuật. Nếu nhà trường không có Hội đồng trường có thể sẽ rất dễ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bởi vì, có những vấn đề phải thuộc về tập thể lãnh đạo, chứ không phải chỉ là cá nhân. Hội đồng trường được thành lập phải đảm bảo đủ thành phần thành viên theo quy định, để có thể hoạt động một cách khách quan.

Nếu không có Hội đồng trường, tức là đã vi phạm Luật Giáo dục đại học. Nếu không có Hội đồng trường, khi trường có vi phạm, không ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho học sinh, sinh viên, cho chính cán bộ, giảng viên trong trường...”.

gdvn-le-nhu-tien-6642-3166.jpg
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: M.T.

Ông Lê Như Tiến cũng đề cập: “Đây giống như một hồi chuông cảnh báo. Nếu như tồn tại chỉ diễn ra trong nửa năm, một năm, thì còn có thể “chiếu cố” được. Tại sao đến hơn 4 năm không có Hội đồng trường mà cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản không “thổi còi”, không có biện pháp xử lý triệt để?", ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Cần quy định rõ chế tài xử phạt trong trường hợp này

Theo Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với hoạt động của trường. Tuy nhiên, trong những năm qua, cũng có nhiều cái khó. Bởi vì, chúng ta chưa có một hành lang pháp chế, chưa đặt ra câu hỏi nếu nhà trường không thành lập Hội đồng trường thì xử lý như thế nào”.

Chế tài khi không thành lập Hội đồng trường

Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 127/2021/NĐ-CP) như sau: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Theo đó, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh cho biết: Hiện tại, chỉ có một quy định về việc xử phạt hành chính như vậy, chứ không nêu rõ, nếu trường không thành lập Hội đồng trường mà đã được nhắc nhở lần thứ nhất, lần thứ hai... thì phải xử lý như thế nào... Vì chưa có các quy định cụ thể như vậy, cho nên cũng rất là khó cho Bộ Giáo dục Đào tạo có căn cứ, cơ sở để ra quyết định xử phạt.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, “tại sao không đình chỉ tuyển sinh hay rút giấy phép?”... nhưng cũng phải theo quy định, mà chủ yếu ở đây là theo Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT ngày 06/9/2017, không có quy định trường hợp bị đình chỉ tuyển sinh khi cơ sở giáo dục không có Hội đồng trường.

Chỉ có một quy định nếu cơ sở giáo dục đã có Hội đồng trường thì được tự chủ tuyển sinh, còn trong trường hợp không có Hội đồng trường thì phải làm văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để Bộ quyết định việc tuyển sinh. Cho nên, điều đó tạo ra một “kẽ hở”.

Nữ đại biểu bày tỏ: “Chính vì vậy, theo tôi, thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tham mưu để sửa đổi nghị định công bố về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thứ hai, trong quy định đó, cũng phải nêu rõ thời hạn: Nếu như không thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật, thì cần có những chế tài, đặc biệt là những chế tài liên quan tới mặt tuyển sinh. Khi ấy, mới có đủ sức răn đe, để các trường có thể tuân theo.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tham mưu để sửa Nghị định 04 và Nghị định 99. Chúng ta cũng cần tính toán tới quan điểm về Hội đồng trường của hai khối công tư. Để có thể quản lý được tất cả những hoạt động của trường, trước tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có văn bản hướng dẫn cụ thể”.

“Đối với trường hợp những tồn tại của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, theo tôi, trước tiên, phải đốc thúc việc trường vẫn chưa nộp báo cáo, giải trình. Đồng thời, phải hướng dẫn trường và cũng phải có một thời hạn cụ thể. Chúng ta phải có một cách xử lý rất là khéo léo trong trường hợp này, mà tôi cho rằng, vai trò hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất cần thiết” - nữ đại biểu nêu quan điểm.

Không ai có thể đứng trên luật pháp

Chia sẻ liên quan đến lùm xùm của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: “Về trường hợp này, ngày 25/3/2024, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đề nghị trường báo cáo Bộ. Tuy nhiên, thời hạn báo cáo là ngày 30/3/2024. Tuy nhiên, cho đến ngày 10/4/2024, Thanh tra Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo theo yêu cầu.

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có ý kiến để sớm xử lý việc này thật kiên quyết, nếu không sẽ có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

Nếu cần thiết, Bộ cần yêu cầu dừng tuyển sinh, đến khi nào chấn chỉnh xong đội ngũ, mới cho tiếp tục tuyển sinh. Bởi vì, Hội đồng trường, Ban giám hiệu là tổ chức quản trị mà Luật Giáo dục đại học đã yêu cầu, nhà trường phải đảm bảo thì mới vận hành được.

Hơn nữa, về mặt trách nhiệm, khi người đứng đầu nhà trường gần 100 tuổi, năng lực điều hành, lãnh đạo có đảm bảo không? Nếu hoạt động của trường có vấn đề gì, liệu người đứng đầu này có chịu trách nhiệm không và sẽ chịu trách nhiệm ra sao?”.

tien-si-hoang-ngoc-vinh-2108-9429.jpg
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: T.D.

“Tất nhiên, để xử lý chuyện này cũng rất khó. Cần có sự thanh tra toàn diện cả về quản trị, tài chính và học thuật...

Trường này cũng như tất cả các trường khác, đã trái luật, đều phải xử lý. Không ai có thể đứng trên luật pháp” - Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ.

Thành An