Không nên mua sách giáo khoa trôi nổi, không rõ nguồn gốc dù giá thành rẻ

08/11/2024 06:52
Thúy Quỳnh

GDVN-Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Ba Đình, để ngăn SGK giả trà trộn vào trường học, các nhà trường cần tăng cường sự phối hợp với các đơn vị cung ứng SGK.

Sách giáo khoa giả chất lượng kém có thể ảnh hưởng đến thị lực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, về việc mua sách giáo khoa, các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ngày 10/6/2022 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị cung ứng sách giáo khoa (sau khi đã được các nhà xuất bản lựa chọn và thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo), xây dựng kế hoạch tổ chức cung ứng, phát hành sách giáo khoa đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, đúng danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt; đáp ứng nhu cầu của giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa năm học 2024-2025.

“Dựa theo nhu cầu và tinh thần tự nguyện, phụ huynh có thể đăng ký mua sách giáo khoa tại trường để đảm bảo chất lượng học tập và quyền lợi của học sinh, hoặc nhà trường hướng dẫn phụ huynh tự mua sách giáo khoa tại các cửa hàng thuộc hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Do vậy, trong các năm qua, các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Ba Đình chưa phát hiện trường hợp học sinh mua sách giả”, vị lãnh đạo này cho biết.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Đình, phụ huynh nếu mua tại các cửa hàng, có thể sẽ khó mua được đầy đủ sách như đăng ký mua tại trường. Bởi, hiện nay, có nhiều sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 do các đơn vị khác nhau xuất bản và số lượng đặt mua tùy thuộc vào nhu cầu chọn sách của các địa phương, các trường.

Chính vì vậy, những cửa hàng nhỏ lẻ không nắm bắt được chính xác nhu cầu và có thể không nhập đủ đầu sách, dẫn đến không đáp ứng được hết nhu cầu của phụ huynh.

Vị này cũng chỉ ra một số nội dung trong sách giả còn được đánh máy, nhập liệu và dựng lại hình ảnh, nhưng chưa được qua các khâu kiểm duyệt, nên khó tránh khỏi sự sai lệch về nội dung, kiến thức.

Ngoài ra, sách giả không có tiện ích và tài nguyên hỗ trợ học tập đi kèm ảnh hưởng tới quá trình học tập của học sinh; các hình ảnh, nội dung trong sách bị nhòe, mờ, không rõ nét dẫn đến việc thị lực bị suy giảm nếu sử dụng sách kém chất lượng trong thời gian dài. Chất lượng giấy và mực in của sách in giả không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.

GDVN_TT1.JPG
Ảnh minh họa: Thùy Trang.

Không nên mua sách trôi nổi, không rõ nguồn gốc dù giá thành rẻ

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Lộc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hải Phòng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin tình hình thị trường về mặt hàng sách giáo khoa, đồ dùng học tập trên địa bàn, tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện kịp thời và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

“Thông qua công tác giám sát, các đơn vị của Cục tích cực tuyên truyền đến chủ cơ sở kinh doanh về các quy định pháp luật trong quá trình kinh doanh sách và đồ dùng học tập.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người kinh doanh, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn”, vị Phó Cục trưởng chia sẻ.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Bá Lộc cho biết, vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã mở cửa Phòng trưng bày chủ đề “Nhận diện đúng sách giáo khoa và đồ dùng học tập”. Trong đó, sản phẩm trưng bày là các loại sách giáo khoa, sách tham khảo cùng nhiều loại đồ dùng học tập khác với đầy đủ các dấu hiệu nhận diện và so sánh để biết sản phẩm thật - giả.

Qua đó, có thể nhận thấy, những sản phẩm sách giáo khoa giả, sách in lậu thường có những sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hoặc thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin dẫn đến sai lệch về nội dung.

“Tại sự kiện khai mạc phòng trưng bày đó, đại diện lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã chỉ rõ các dấu hiệu phân biệt sách thật - sách giả, đó là về giá thành, quy cách, màu sắc và mã tem chống hàng giả.

Sách giả có hình thức tương tự với sách thật, tuy nhiên, giá thành lại rẻ hơn nhiều. Sách giả thường có màu sắc không tự nhiên, ám đen, khó xem vì sử dụng mực in kém chất lượng, bị mờ, chỗ đậm, chỗ nhạt. Hình ảnh trong sách giả không đẹp, chất lượng kém và tối hơn do scan, photo lại từ sách thật.

Cách đơn giản nhất để phân biệt, đó là đối chiếu màu sắc, tính sắc nét của chữ in, hình ảnh với sách thật. Đặc biệt, mỗi quyển sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều đi kèm với một mã thẻ cào riêng để kích hoạt kho học liệu điện tử. Mã thẻ cào của sách giả thường được sao chép từ mã sách thật, nên khi kích hoạt sẽ bị báo mã không đúng hoặc đã qua sử dụng, học sinh không thể truy cập vào hệ thống học liệu số” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hải Phòng nhấn mạnh.

13c6dfe848d99887c1c82.jpg
Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Thành phố Hải Phòng, nhằm xử lý triệt để tình trạng sách giáo khoa giả, in lậu, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra của các lực lượng chức năng, còn cần sự chung tay của các phụ huynh và học sinh trong việc cảnh giác, tránh mua sách từ những nguồn không rõ ràng để đảm đảm chất lượng học tập.

“Riêng với sách giáo khoa, như khuyến cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phụ huynh và học sinh nên mua ở nhà sách uy tín, nhà sách thuộc hệ thống của ngành giáo dục, đăng ký mua sách tại trường học; không mua sách trôi nổi dù giá thành có thể rẻ hơn”, ông Nguyễn Bá Lộc cho biết.

Tăng cường sự phối hợp giữa các bên trong việc chống sách giáo khoa giả

Theo vị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, việc quản lý, kiểm soát chưa chặt chẽ các cơ sở in cũng là một nguyên nhân dẫn đến vấn nạn sách giáo khoa giả, in lậu trên thị trường. Bên cạnh đó, sự tham gia của loại hình sách điện tử và sách được buôn bán trên sàn thương mại điện tử ngày càng nhiều. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện nay chưa quản lý hết được các hoạt động “trực tuyến” này.

“Nhằm ngăn chặn nạn sách giáo khoa giả, in lậu, đồng thời giúp phụ huynh, học sinh mua được sách chuẩn, đảm bảo chất lượng, các nhà trường trên địa bàn quận Ba Đình tổ chức tuyên truyền tới cha mẹ học sinh trên các kênh truyền thông của nhà trường; hướng dẫn cách nhận biết sách thật do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành; giới thiệu các cửa hàng thuộc hệ thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó, phối hợp với đơn vị cung ứng sách giáo khoa, tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh đăng ký mua sách tại nhà trường”, lãnh đạo phòng chia sẻ.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cũng nhấn mạnh, các đơn vị cung ứng sách giáo khoa cho các trường trên địa bàn phải đảm bảo những yêu cầu như:

Có giấy phép đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản, in ấn, và phát hành sách, bao gồm sách giáo khoa.

Có Giấy phép phát hành sách hoặc hợp tác với các nhà xuất bản có giấy phép.

Có hợp đồng cung ứng với nhà xuất bản như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để đảm bảo nguồn sách hợp pháp và có chất lượng.

Có mạng lưới phân phối rộng khắp để tiếp cận các trường học, phụ huynh, và học sinh.

Cung ứng với mức giá theo quy định, tránh tình trạng lợi dụng độc quyền cung cấp để tăng giá.

Tuân thủ quy định về bản quyền, tránh phát hành sách giả, sách không phép.

Chất lượng dịch vụ đảm bảo, giao sách đúng hạn, hỗ trợ đổi trả khi có sai sót, và hỗ trợ giải đáp thắc mắc liên quan đến sách giáo khoa.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình nhấn mạnh, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng, gồm: các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng công an, quản lý trường... Bên cạnh đó, các nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn sách giả.

“Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần hợp tác với các nhà xuất bản uy tín, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của sách giả và khuyến khích người tiêu dùng mua sách chính hãng.

Ngoài ra, phụ huynh, học sinh và người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về việc lựa chọn sách chính hãng, không mua sách ở những nơi không rõ nguồn gốc và tố giác các hành vi bán sách giả, sách in lậu tới cơ quan chức năng”, vị này cho hay.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hải Phòng, để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường cả nước nói chung và Cục Quản lý thị trường Thành phố Hải Phòng nói riêng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như công an, thuế,...

Đồng thời, kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài trên địa bàn thành phố tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng các quy định về sản xuất, phát hành các xuất bản phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đối với mặt hàng sách in.

Thúy Quỳnh