Tuyên truyền mua SGK ở địa chỉ uy tín, không để sách giả trà trộn vào trường

10/10/2024 09:28
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- SGK giả thường có sai sót dẫn đến lệch lạc về nội dung, ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của HS. Nhà trường tuyên truyền với PHHS chỉ mua sách ở địa chỉ uy tín.

Tình trạng sách giả, sách lậu đã và đang là vấn đề gây nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến toàn ngành xuất bản. Đặc biệt, những cuốn sách giáo khoa giả mạo gây ra hệ lụy khó lường tới chất lượng giáo dục.

Người chịu thiệt nhiều nhất là thế hệ tương lai của đất nước

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Quốc tế Singapore (Cần Thơ) chia sẻ: "Sách giáo khoa giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến người đọc vì những ấn phẩm giả mạo không được kiểm tra về nội dung hoặc in sai, in thiếu, kênh hình, kênh chữ không chuẩn, chất lượng giấy kém.

Bản thân tôi cũng là tác giả viết sách. Trong quá trình thực hiện, tôi được làm việc với hai biên tập viên từ những phác thảo, định hướng ban đầu đến khi có bản thảo, rồi lại tiếp tục chỉnh sửa. Sau một năm phát hành, nhận được thêm góp ý của độc giả, chúng tôi tổng hợp lại và cùng ban biên tập thống nhất điều chỉnh.

Trong khi đó, những cuốn sách làm giả, thường thiếu tính cập nhật, vì đối tượng vi phạm sau khi in lậu bản đầu tiên, sẽ không quan tâm đến những chỉnh sửa sau đó; cộng thêm việc bản in kém chất lượng nên không tránh khỏi sai sót, gây ra những hiểu lầm về mặt kiến thức".

Thay Tran Thanh Tam.jpg
Thầy Trần Thanh Tâm (thứ hai từ phải sang) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Quốc tế Singapore. Ảnh: NVCC.

Chính vì vậy, nếu sử dụng sách giáo khoa giả, sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Thầy Tâm nêu ý kiến: "Nhất là với lứa tuổi học sinh, sách giáo khoa sao chép có những nhẫm lẫn khiến học sinh hoang mang, nghi ngờ kiến thức mình được truyền đạt, giảm uy tín của thầy cô, người viết sách và nói rộng hơn là tác động tiêu cực đến cả một nền văn hóa đọc.

Người chịu thiệt nhiều nhất trước vấn nạn sách giả là người đọc, vì đôi khi bản thân họ cũng khó phân biệt được đâu là sách thật, sách giả.

Đối với sách giáo khoa, khi những thế hệ tương lai của đất nước tiếp nhận kiến thức không chính thống là vô cùng tai hại.

Còn ở phương diện tác giả sách, điều này vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, người viết không nhận được đúng nhuận bút lẽ ra thuộc về họ".

Đề cập về hệ lụy của sách giáo khoa giả, thầy Đỗ Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Lâm Đồng) bày tỏ: "Chất lượng của sách giáo khoa giả, sách giáo khoa in lậu không đảm bảo, hình ảnh mờ nhòe, thiếu rõ ràng.

Ngoài ra, nội dung có thể không chính xác, gây sai lệch về kiến thức, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận của học sinh. Không chỉ vậy, những cuốn sách giả mạo này còn có thể khiến giáo viên và học sinh hoang mang trong việc xác định đúng nội dung kiến thức".

Nhà trường tuyên truyền với phụ huynh, học sinh chỉ mua sách ở địa chỉ uy tín

Thầy Đỗ Văn Quang cũng cho biết, hằng năm, nhà trường sẽ công khai danh mục sách giáo khoa trên bản tin và cổng thông tin điện tử của nhà trường, để phụ huynh, học sinh chủ động mua cho con em.

Đồng thời, nếu phụ huynh, học sinh nào có nhu cầu đăng ký mua sách theo trường, nhà trường sẽ tổng hợp số lượng, đăng ký với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để đặt về.

Nhà trường đã tuyên truyền, cảnh báo cho cha mẹ học sinh về tình trạng sách giả, hướng dẫn nên mua sách giáo khoa tại các nhà sách có uy tín hoặc đăng ký tại trường, để nhà trường đặt trực tiếp từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Nhờ vậy, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp học sinh nào của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du sử dụng sách giáo khoa giả".

Theo thầy Đỗ Văn Quang, "cuộc chiến" chống sách giáo khoa giả cần có sự chung tay của nhiều phía: Thứ nhất, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm. Thứ hai, các nhà trường cần phổ biến, thông tin kịp thời đến phụ huynh và học sinh về nguy cơ của việc sử dụng sách giả. Thứ ba, người sử dụng cũng cần thay đổi thói quen chuộng đồ rẻ mà không quan tâm đến chất lượng.

Thầy Đỗ Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Lâm Đồng). Ảnh: NVCC.

Thầy Đỗ Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Lâm Đồng). Ảnh: NVCC.

Lãnh đạo một trường trung học cơ sở ở Hậu Giang thông tin, hằng năm, việc mua sách giáo khoa cho học sinh nhà trường sẽ do phụ huynh tự chủ động. Nhà trường không tổ chức mua bán sách, chỉ giới thiệu các nhà sách uy tín cho phụ huynh.

Ban giám hiệu thông tin thêm đến giáo viên, học sinh, hạn chế mua sách qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội vì khó xác thực được chất lượng. Bên cạnh sự tiện dụng, các hình thức mua bán qua internet có thể tạo điều kiện cho sách giả sách, sách lậu trà trộn với sách thật.

Ngoài ra, nhà trường không phép cho các đối tượng mua bán, kinh doanh sách, thiết bị giáo dục không có giấy phép hoạt động trong nhà trường.

Kiên quyết để sách giả không thể trà trộn vào nhà trường

Nhắc đến biện pháp ngăn chặn tình trạng sách giáo khoa giả, vị lãnh đạo này bày tỏ: "Các ban ngành, chức năng liên quan nên siết chặt quy định, tiến hành kiểm tra đồng thời cung cấp cho nhà trường danh sách các hệ thống phân phối sách giáo khoa chuẩn.

Còn ở phía nhà trường, chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo phụ huynh mua theo hệ thống nhà sách uy tín. Ngoài ra, chúng tôi có mua thêm sách tham khảo cho thư viện để giáo viên, học sinh sử dụng. Việc này được đăng ký theo hệ thống từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn từ chối những lời giới thiệu từ các đối tượng buôn bán sách không có cam kết đảm bảo chất lượng".

Cô Khương Thị Thoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Sóc Trăng) chia sẻ, việc mua sách cho học sinh được phụ huynh chủ động.

Trước đó, vào đầu năm học, nhà trường sẽ truyền thông cho phụ huynh về các loại sách, mẫu mã đúng chuẩn. Giáo viên cũng đưa ra những lời khuyên, tư vấn cho phụ huynh lựa chọn mua sách ở các nhà sách uy tín.

Vì vậy, đến hiện tại, ban giám hiệu Trường Tiểu học Lê Hồng Phong chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng sách giả.

Đối với sách dành cho giáo viên, nhà trường đầu tư cho thư viện đa dạng các loại sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các bộ sách giáo khoa thuộc Danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để giáo viên có thể sử dụng, nên sách giả không thể trà trộn vào nhà trường.

Còn với sách của học sinh, khi các thông tin trong sách giả không được chính xác, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu của các em. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong khẳng định, nếu phát hiện có trường hợp như vậy, nhà trường sẽ có giải pháp phù hợp.

Đề cập đến nguyên nhân và giải pháp đẩy lùi sách giáo khoa giả, vị Hiệu trưởng chia sẻ thêm: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sách giả, sách lậu có lẽ là do công tác quản lý chưa thực sự sát sao, vẫn để một số cơ sở in ấn tự do.

Theo tôi, để giải quyết tình trạng này, cần có sự chung tay của nhiều phía, từ người sử dụng sách cũng như các đơn vị chức năng liên quan đến phát hành, xuất bản, cơ quan quản lý thị trường, cần nâng cao cảnh giác và tinh thần trách nhiệm".

phong dọc sach truong th lê hồng phong.jpg
Phòng đọc sách cho học sinh tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Sóc Trăng). Ảnh: Website nhà trường.

Theo Thầy Trần Thanh Tâm, nguyên nhân dẫn đến vấn đề sách giả, sách thật lẫn lộn trước hết xuất phát từ lòng tham, sự hám lợi nhằm thu lợi nhuận của những đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử ngày càng phát triển, trong khi cơ quan chức năng lại thiếu người quản lý nên kênh buôn bán này có thể vô tình tạo kẽ hở cho sách giả xuất hiện và tiếp cận người tiêu dùng.

"Ngoài ra, các quy định và chế tài chưa thực sự đủ tính răn đe, nên những đối tượng này vẫn thản nhiên vi phạm. Thủ đoạn của những người buôn giả, bán lậu lại ngày càng tinh vi nên gây khó khăn trong việc phát hiện và điều tra" - thầy Tâm nhấn mạnh.

Thầy Trần Thanh Tâm cũng bày tỏ: "Để đẩy lùi sách giả, cần có sự vào cuộc của nhiều lực lượng. Trước hết, đối với các tác giả sách, cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối từ chối những lời mời hợp tác làm ăn phi pháp, không có nhà xuất bản cụ thể, không có ban biên tập uy tín.

Ngoài ra, các nhà xuất bản, nhà sách, nhà trường cùng các cơ quan chức năng cần chung tay, mỗi đơn vị tự nâng cao trách nhiệm của mình.

Đồng thời, các bên chức năng cũng nên công bố những đầu sách in giả để truyền thông đến người tiêu dùng và có cơ chế chặt chẽ, răn đe hơn về hình thức xử phạt các đối tượng làm giả và tiêu thụ ấn phẩm giả mạo".

Hồng Linh