Tôi thấy thi giáo viên dạy giỏi vẫn rất cần nhưng phải thay đổi

16/11/2024 09:51
HƯƠNG MAI

GDVN - Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp nhằm đánh giá, tôn vinh giáo viên nên các giám khảo phải công tâm, có chuyên môn tốt mới đủ điều kiện cầm cân nảy mực.

Đối với bất kỳ ngành, nghề nào cũng thường có những hội thi để đánh giá tay nghề và tôn vinh những nhân tố tích cực trong ngành. Ngành Giáo dục cũng vậy, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp nhằm mục đích phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên và nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Đồng thời, từ hội thi này sẽ giúp cho giáo viên phấn đấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp. Cùng với đó, giáo viên có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy của mình.

Tuy nhiên, hội thi chỉ thực sự hiệu quả khi giáo viên dự thi đăng ký trên tinh thần tự nguyện và người chấm phải thực sự là những người công tâm, vững vàng về chuyên môn để sau mỗi lần tham dự hội thi, giáo viên cảm thấy đó là việc làm cần thiết, hữu ích cho họ, cho nhà trường.

Hiện nay, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường ở một số đơn vị chưa thực sự tạo được điểm nhấn cần thiết nên để lại không ít sự hoài nghi cho đội ngũ nhà giáo về tính trung thực, công tâm khi tổ chức; tham gia dự thi; chấm thi.

4-4766.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Đa số giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường

Theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT, chu kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp trường là 2 năm tổ chức 1 lần. Khi giáo viên (cấp Mầm non, Tiểu học; Trung học cơ sở) có 2 lần được nhà trường công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường thì đủ điều kiện dự thi cấp huyện; khi có 2 lần được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện thì đủ điều kiện dự thi cấp tỉnh.

Đối với giáo viên Trung học phổ thông thì không phải tham dự kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện vì cấp học này trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Từ trải nghiệm của bản thân, chúng tôi thấy rằng kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp trường ở một số đơn vị hiện nay được tổ chức khá cồng kềnh, lãng phí và chất lượng không cao do cơ cấu giám khảo và sự cả nể trong quá trình dự thi và chấm thi.

Bởi lẽ, nhiều giáo viên ở các nhà trường đều tham dự thi kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp trường với quan niệm đằng nào thì tổ chuyên môn cũng dự giờ mình thì đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cấp trường luôn cho tiện cả đôi đường.

Dù tham dự hội thi phải đầu tư hơn một chút khi phải làm thêm một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân vài trang giấy nhưng không quá yêu cầu cao nên gần như ai thi cũng được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường. Khi đạt danh hiệu thì có giấy chứng nhận công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường và có tiền khen thưởng đi kèm mà không ai quở trách được.

Hiện nay, việc tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp trường khá đơn giản. Theo cơ cấu ban giám khảo của phần nhiều các trường hiện nay khi chấm giáo viên giỏi sẽ có 3 người, trong đó có 2 giám khảo cùng tổ chuyên môn và 1 giám khảo là Ban giám hiệu nhà trường.

Vậy nên, chuyện anh chấm cho tôi, tôi chấm cho anh thì có gì là khó khăn. Hơn nữa, cùng tổ chuyên môn với nhau, góp ý cho nhau cũng phải nhìn nhau mà nói, nên ai cũng dành cho nhau những lời lẽ nhẹ nhàng nhất có thể để động viên và khích lệ nhau.

Giám khảo là thành viên Ban giám hiệu thì cũng lúc dự, lúc không vì nhiều lí do khác nhau. Cơ cấu đôi lúc cũng chỉ là cho đủ thành phần. Vì thế, có cả tình trạng không ít những thành viên Ban giám hiệu làm giám khảo chấm thi giáo viên giỏi cấp trường không tham dự chấm mà còn yêu cầu 1 trong 2 giám khảo còn lại viết thay phiếu chấm giải pháp và phiếu dự giờ rồi mình chỉ việc… ký tên.

Một khi được Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng yêu cầu, giáo viên nào không dám thực hiện. Nguyên nhân, lí do họ không tham gia chấm thi thì có nhiều vì họ nói phải dự họp; giao ban; tiếp đoàn nọ, đoàn kia; tiếp phụ huynh; bận làm báo cáo.

Nếu đoàn kiểm tra, thanh tra cấp Phòng, Sở về trường mà kiểm tra hồ sơ giáo viên dạy giỏi cấp trường sẽ thấy không ít hồ sơ giáo viên dạy giỏi có các phiếu chấm cùng một nét chữ nhưng chữ ký, tên người chấm thì khác nhau.

Vì vậy, mục đích hội thi đúng nhưng cách thực hiện không phải trường nào cũng làm theo hướng dẫn. Sau mỗi hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, số lượng giáo viên dự thi bao giờ cũng nhiều và tất nhiên số tiền chi cho khen thưởng, giám khảo cũng không phải là ít.

Có một nghịch lí là mặc dù số lượng giáo viên dạy giỏi cấp trường qua các năm rất đông nhưng khi Phòng và Sở tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì số lượng giáo viên đăng ký dự thi rất khiêm tốn.

Có lẽ, tâm lí giáo viên là ngại…Ban giám khảo và phải đầu tư, chuẩn bị kĩ lưỡng hơn. Đặc biệt là hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh thì giám khảo thường là từ huyện khác đến chấm nên áp lực tâm lí sẽ nhiều hơn và tất nhiên việc nhận xét, rút kinh nghiệm cũng kĩ lưỡng hơn.

Vì thế, những giáo viên tham dự thi giáo viên giỏi cấp huyện, nhất là cấp tỉnh thường là những giáo viên bản lĩnh, cứng tay nghề. Và, từ việc tham dự hội thi, họ sẽ rút ra được những kinh nghiệm cần thiết sau khi được góp ý, rút kinh nghiệm.

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường nên hướng đến chất lượng chứ không cần số lượng

Nguyên tắc của hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp được hướng dẫn tại Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT như sau: “Dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi; Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất…”.

Điều này cho thấy hướng dẫn cho hội thi giáo viên dạy giỏi không bắt buộc giáo viên tham dự và chất lượng cho hội thi thi mới là điều mà Bộ hướng đến khi ban hành văn bản.

Bản thân người viết bài đã từng tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp và cũng thường xuyên tham gia chấm thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Thực lòng mà nói hội thi vẫn rất cần thiết đối với ngành Giáo dục. Nhưng, cách thực hiện cần phải có sự thay đổi.

Thứ nhất: các nhà trường không nên khoán chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn; không ràng buộc khi xét viên chức, thi đua cuối năm. Hãy để giáo viên tự nguyện tham gia- nếu họ thấy thực sự cần thiết, hữu ích cho bản thân và đơn vị.

Không ít lần khi đi chấm thi giáo viên giỏi cấp huyện, chúng tôi vẫn thấy có những giáo viên không có sự chuẩn bị chu đáo, hời hợt với hội thi.

Thứ hai: đối với hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường thì Ban giám hiệu cũng cần cân nhắc xem mình có nên tham gia làm giám khảo hay không? Nếu tham gia, có tên trong danh sách chấm thì nên tham gia đầy đủ để làm gương cho giáo viên trong trường. Không nên chỉ có tên trong danh sách để nhận chế độ nhưng khi chấm lại tìm lí do để không tham dự.

Thứ ba: Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường hiện nay chưa thực sự hiệu quả, nhiều trường tổ chức còn mang tính hình thức nhưng tốn kém tiền bạc, thời gian của giáo viên dự thi, người chấm. Bởi vậy, lãnh đạo ngành cũng nên xem xét có nên duy trì nữa hay chỉ nên tổ chức cấp huyện, cấp tỉnh để giảm áp lực cho giáo viên.

Thứ tư: đối với hội thi cấp huyện, cấp tỉnh không nhất thiết phải cơ cấu thành viên ban giám hiệu của các nhà trường vào ban giám khảo vì thực tế họ là cán bộ quản lý rất khó sâu sát với thực tế. Giám khảo nên là những thành viên cốt cán của từng bộ môn và những thầy cô đã từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh qua nhiều năm. Họ cứng tay nghề, có bản lĩnh và sâu sát với môn học.

Những giáo viên này họ đang giảng dạy trực tiếp đủ số tiết/ tuần và tất nhiên bám sát với yêu cầu cần đạt và những đổi mới của môn học. Những lời nhận xét sau khi chấm sẽ sát thực hơn, ý nghĩa hơn. Quan trọng là không gây áp lực cho người dự thi.

Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là nhằm đánh giá, tôn vinh giáo viên nên những giám khảo phải thực sự là những người công tâm, có chuyên môn tốt mới đủ điều kiện cầm cân nảy mực.

Nếu vẫn tổ chức theo kiểu lấy số lượng và cơ cấu thành viên Ban giám hiệu đi chấm như một số nơi đang làm không hẳn là điều hay, phù hợp bởi không phải thành viên Ban giám hiệu nào cũng giỏi và chuyên tâm cho chuyên môn bởi vai trò quản lý của họ mới là việc chính.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI