Đề xuất bỏ kỳ thi giáo viên giỏi cấp trường, đổi mới thi cấp huyện, tỉnh

25/01/2024 06:48
Minh Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kỳ thi giáo viên giỏi cấp trường nên bỏ, cấp huyện, cấp tỉnh nếu vẫn còn thì nên có sự thay đổi trong đó, phải có lực lượng tham gia đánh giá là học sinh.

Thời gian qua, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT thi giáo viên giỏi các cấp, những áp lực về kỳ thi không còn lớn, áp lực không còn nhiều như trước đây.

Tuy nhiên, theo người viết, đối với bậc mầm non, phổ thông các kỳ thi giáo viên giỏi ở cấp trường, cấp huyện, còn mang tính hình thức, chưa thực chất.

Có bao nhiêu thầy cô trượt giáo viên giỏi cấp trường?

Tận mắt chứng kiến, làm giám khảo các hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, người viết không khỏi “chạnh lòng”, rõ ràng thời gian qua các kỳ thi áp lực thì nhiều, kinh phí lớn nhưng hiệu quả chưa cao hay nói đúng hơn là chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngành giáo dục ban hành Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT thi giáo viên giỏi các cấp, sau kỳ thi gồm 2 vòng trình bày giải pháp và thực hiện một tiết dạy tại trường mình đang công tác, nếu đạt thì được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp (cấp trường, huyện, tỉnh).

Kể cả thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp huyện, tỉnh cũng tương tự gồm trình bày 1 giải pháp và thực hành 1 tiết sinh hoạt lớp hoặc sinh hoạt trải nghiệm tại trường mình đang công tác.

Để được dự thi cấp tỉnh giáo viên phải đạt danh hiệu giáo viên cấp huyện, để được dự thi cấp huyện phải đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường (đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở).

Tuy nhiên, việc tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường rất hình thức. Tại đơn vị tôi công tác, mỗi năm có từ 5-7 giáo viên dự thi cấp trường (xen kẽ thi giáo viên giỏi văn hóa và giáo viên chủ nhiệm giỏi) nhưng việc tổ chức thì tốn kém kinh phí, thời gian nhưng kết quả thì đạt 100%. Qua hơn 5 năm, có hàng chục giáo viên dự thi và kết quả năm nào cũng đạt 100%. Ở trường tôi, hơn 5 năm tổ chức thi chưa có bất kỳ ai trượt giáo viên giỏi cấp trường.

Có lẽ ở trường mầm non, phổ thông nào tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường hiếm có giáo viên không đạt.

Bởi lẽ, ban giám hiệu và tổ chuyên môn trong đơn vị cử giáo viên dự thi, người chấm cũng là ban giám hiệu hoặc các thành viên trong tổ hoặc trong đơn vị nên việc chấm không có ai trượt là điều dễ hiểu. Người viết cũng cho rằng nếu tiếp tục duy trì kỳ thi giáo viên giỏi cấp trường thì thời gian tới vẫn là 100% đạt. Với kỳ thi mà tỷ lệ đạt cao như vậy có nên duy trì?

Kỳ thi cấp trường tổ chức đầy đủ thành phần Ban tổ chức, Ban giám khảo, tốn nhiều kinh phí chi cho ban tổ chức, chấm thi, khen thưởng,…nhưng kết quả đạt 100% thì không nên duy trì, đối với cấp cơ sở (cấp trường) chỉ nên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, dự giờ để góp ý, giúp đỡ để giáo viên tham dự kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh tốt hơn.

Cần xem xét đánh giá việc tổ chức kỳ thi giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh qua 1 tiết dạy

Bên cạnh đó, các kỳ thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức hình thức giống nhau cùng trình bày giải pháp, giảng dạy thực hành 1 tiết duy nhất để được công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, cấp tỉnh cũng nên được xem xét lại, nếu giữ phải thay đổi cách đánh giá, công nhận.

Chỉ giảng dạy 1 tiết nhưng đánh giá là giáo viên giỏi, liệu có xứng đáng? Thực tế giảng dạy, đôi khi trong suốt quá trình giảng dạy, có người “xuất thần”, “ngẫu hứng” trong 1 vài tiết, có thể dạy chuyên đề này rất hay nhưng chuyên đề khác không hấp dẫn, không lôi cuốn học sinh đó là thực tế.

Một giáo viên dạy Toán có thể dạy tốt phần đại số, chưa tốt phần hình học, trong phần hình học cũng có thể có hình học không gian dạy tốt, hình học phẳng dạy chưa tốt,…

Đôi khi học sinh tạo những cảm xúc đặc biệt, giáo viên thao thao bất tuyệt, dạy vô cùng hay đối với những tiết thực dạy trên lớp, nhưng không thể dạy tốt ở lớp khác,…

Đó chính là phản ánh chân thật, khách quan của công việc nhà giáo,…có hài, có bi, có tiết dạy tốt và chưa tốt.

Giáo viên dạy chỉ 1 tiết duy nhất (cùng với việc trình bày giải pháp), nếu được 3 giám khảo (2 giám khảo đánh giá loại Giỏi, 1 đánh giá loại Khá trở lên) thì được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh liệu có phản ánh đúng thực tế khách quan, đúng với mục đích tôn vinh và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục trẻ em, học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn ngành.

Giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh phải là những giáo viên giỏi thật sự, yêu nghề, giỏi cả quá trình phấn đấu, trao dồi, được đồng nghiệp và học sinh đánh giá cao, không thể qua 1 tiết dạy mà đánh giá giáo viên giỏi.

Thực tế, học sinh ít quan tâm đến giáo viên có danh hiệu giáo viên giỏi hay không, học sinh chỉ cần được dạy bởi giáo viên có tâm trong sáng, có tinh thần trách nhiệm, dạy và yêu thương học sinh hết mình.

Nhiều giáo viên dạy rất tốt, được đồng nghiệp, học sinh tín nhiệm, dạy nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao,....cấp huyện, tỉnh thậm chí là cấp quốc gia, quốc tế xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận là giáo viên giỏi, chứ không phải qua 1 tiết dạy hay 1 tiết "diễn" là được công nhận giáo viên giỏi.

Giáo viên cũng không mong đồng nghiệp khoe danh hiệu này hay danh hiệu khác, chỉ cần đồng nghiệp dạy hết mình trên lớp, có tinh thần trách nhiệm, giúp nhau cùng tiến bộ.

Người viết cho rằng đã đến lúc nghiêm túc, xem xét việc bỏ danh hiệu giáo viên giỏi nhất là danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, danh hiệu giáo viên giỏi nên để học sinh, phụ huynh đánh giá, tôn vinh, tránh tình trạng giáo viên nào cũng có vài giấy chứng nhận giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện để “khoe” nhưng làm việc chưa hẳn hiệu quả.

Kỳ thi giáo viên giỏi cấp trường nên bỏ, các kỳ thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nếu vẫn còn thì nên có sự thay đổi trong đó, phải có lực lượng tham gia đánh giá là học sinh và việc công nhận phải là một quá trình, kết quả đầu ra của học sinh, không nên duy trì chấm 1 tiết dạy để đánh giá giáo viên giỏi các cấp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa