Bố tai biến, anh trai qua đời: Nữ sinh vừa giúp mẹ làm ruộng vừa nỗ lực học tốt

26/11/2024 07:10
Diệp Anh

GDVN - Bố tai biến đi lại khó khăn, anh trai qua đời, Lương Thị Huyền Linh cùng mẹ gánh vác việc gia đình. Nữ sinh vừa giúp mẹ làm đồng áng vừa tranh thủ học bài.

Trong hành trình đến trường của nhiều học sinh, có những câu chuyện không chỉ là bài học về nghị lực mà còn là biểu tượng của ý chí vượt khó vươn lên. Em Lương Thị Huyền Linh, học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), là một tấm gương sáng vươn lên từ nghịch cảnh.

Nghị lực của nữ sinh 16 tuổi giữa hoàn cảnh khó khăn

Huyền Linh sinh ra trong một gia đình khó khăn ở xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Cuộc sống của em liên tiếp gặp phải những biến cố khiến gia đình ngày càng kiệt quệ.

Nữ sinh chia sẻ, khoảng 10 tuổi, em đã phải chứng kiến cảnh bố của mình, người đàn ông từng mạnh mẽ và kiên cường bị tai biến dẫn tới liệt nửa người, phải sống dựa vào sự chăm sóc của người thân.

Bước đi chập chững bên bố, Huyền Linh bộc bạch rằng em thấy được cái nhìn trống rỗng trong đôi mắt bố mình, đôi mắt tràn đầy sự thất vọng khi không còn khả năng bảo vệ gia đình.

GDVN_nu-sinh-2.jpg
Em Lương Thị Huyền Linh, học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Diệp Anh

Mẹ của Huyền Linh sức khỏe yếu, chỉ có thể làm được những công việc nhẹ nhàng, không đủ để trang trải cái ăn, cái mặc cho gia đình. Nữ sinh tâm sự: "Ngoài công việc đồng áng, mẹ em thường xuyên đi cắt cỏ thuê, hay làm bất cứ việc gì khi có người thuê. Thậm chí, những lúc khó khăn quá, mẹ phải làm cả những công việc nặng nhọc như bốc vác. Em thật sự rất thương mẹ".

Cuộc sống của nữ sinh này chưa hết nghiệt ngã khi không lâu sau thời điểm người bố bị tai biến, Huyền Linh phải trải qua nỗi đau mất đi người anh trai. Trong một tai nạn đuối nước thương tâm sau khi đi cắt cỏ ngoài đồng, anh trai của Linh đã ra đi mãi mãi.

Huyền Linh không kìm được nước mắt khi nhắc về anh trai. Nữ sinh bộc bạch: “Em rất nhớ anh, người luôn mang lại tiếng cười cho gia đình. Những kỷ niệm hai anh em bên nhau vẫn hiện rõ trong tâm trí em, từ những trò chơi nghịch ngợm đến những buổi chiều cùng nhau đi làm đồng. Anh là người gánh vác nhiều thứ trong gia đình, luôn sẵn sàng đỡ đần mẹ và em”.

Giờ đây, khi anh không còn, nữ sinh cảm thấy trống trải và nặng nề hơn rất nhiều. Những khó khăn trong cuộc sống trở nên chồng chất và Huyền Linh hiểu rằng mình phải cố gắng hơn nữa để thay anh gánh vác gia đình, nhưng nỗi nhớ anh vẫn luôn ám ảnh em.

“Em thật sự mong có thể ôm anh một lần nữa và nói với anh rằng em rất cần anh”, Huyền Linh nói.

Kể từ khi anh trai không còn, gánh nặng đè lên vai Linh ngày càng nặng nề. Em phải thay anh chăm sóc cho em gái nhỏ, chỉ mới lên ba tuổi và thường xuyên đỡ đần bố mẹ trong những công việc nhà.

Thỉnh thoảng, khi đêm xuống, Linh lại ôm em gái vào lòng, thì thầm kể cho em nghe những câu chuyện về anh trai, về những ngày hạnh phúc mà gia đình từng có. Em không dám nói hết nỗi lòng mình, chỉ mong sao em gái không phải chịu đựng những nỗi đau mà mình đã trải qua. Linh biết rằng, dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu, em vẫn phải đứng vững, không chỉ cho bản thân mà còn vì những người mình yêu thương.

Huyen-Linh-11.png
Bố mẹ và em gái của Huyền Linh. (Ảnh: NVCC)

Mỗi sáng, nữ sinh dậy sớm đỡ đần bố mẹ rồi vội vàng tới trường trong bộ đồng phục đã bạc màu. Tình yêu thương và trách nhiệm với gia đình trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, giúp Huyền Linh kiên cường vượt qua mọi thử thách, tiếp tục hành trình học tập của mình.

Ngoài giờ học Huyền Linh còn phụ mẹ công việc đồng áng, đi cắt cỏ thuê để có thêm thu nhập. Đồng thời, nữ sinh cũng đảm đương các công việc nhà và chăm sóc, hỗ trợ bố trong sinh hoạt. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng nữ sinh vẫn vươn lên giành nhiều thành tích cao trong học tập. Huyền Linh luôn nỗ lực để đạt học sinh giỏi, thường xuyên có tên trong danh sách khen thưởng của xã, huyện.

Nữ sinh khiêm tốn chia sẻ rằng, cần cù bù thông minh chính là điều mà em áp dụng trong học tập. Bằng niềm đam mê với những câu chuyện lịch sử của đất nước, năm lớp 8, Huyền Linh đã đạt giải Nhì cấp huyện trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử. Thành tích này đã làm bước đệm cho nữ sinh tiếp tục đạt giải giải Nhì cấp tỉnh khi tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử năm lớp 9.

Tuy chỉ mới bước vào lớp 10, Huyền Linh đã được cô giáo môn Lịch sử chọn tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử vào năm tới.

Ngoài nỗ lực học tập, Huyền Linh còn sắp xếp thời gian để giúp đỡ gia đình: "Em lên kế hoạch hàng ngày, phân chia thời gian hợp lý giữa việc học và giúp đỡ gia đình. Lập thời gian biểu giúp em quản lý tốt công việc, vừa học tập hiệu quả vừa không quên trách nhiệm với gia đình".

GDVN_nu-sinh.jpg
Huyền Linh (thứ 2 từ phải sang) được địa phương tuyên dương là một trong những học sinh đạt thành tích học tập nổi bật. Ảnh: Diệp Anh

Niềm đam mê với môn Lịch sử và ước mơ trở thành nhà báo

Huyền Linh chia sẻ: "Em luôn cảm thấy lịch sử như một bức tranh sống động, nơi có những câu chuyện không chỉ đáng nhớ mà còn dạy cho chúng ta nhiều bài học quý giá”. Chính sự thôi thúc từ những câu chuyện lịch sử đã khiến em trở thành một thành viên xuất sắc trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Lịch sử của trường, của huyện".

Trên con đường học tập đầy chông gai, Huyền Linh đã gặp không ít khó khăn. Thời gian ôn thi trước kỳ thi học sinh giỏi, em đã học ngày học đêm, với tinh thần không biết mệt mỏi. "Ngay cả khi ra đồng phụ giúp mẹ, em vẫn tranh thủ mang theo sách vở học bài", Huyền Linh nhớ lại.

Nữ sinh đã tạo cho mình một thói quen học tập khoa học đó là nhẩm đi nhẩm lại những kiến thức quan trọng, vẽ sơ đồ tư duy và ghi nhớ theo cách riêng của mình. Đối với em, việc học không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một niềm vui và một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Chia sẻ về những kỷ niệm trong quá trình ôn thi môn Lịch sử, Huyền Linh không quên kể về khoảng thời gian đầy thử thách nhưng cũng vô cùng đáng nhớ tại ngôi trường chuyên của huyện.

"Khi em được chọn đi thi tỉnh, em phải rời ngôi trường “làng” mà em gắn bó để tới học tại trường điểm của huyện Thanh Thủy trong vòng 3 tháng, cảm giác hồi hộp và lo lắng lẫn lộn. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy cô và bạn bè ở ngôi trường mới, em đã vượt qua những khó khăn ban đầu. Đó thực sự là một kỷ niệm quý giá trong cuộc đời học sinh của em", nữ sinh nói với ánh mắt rạng rỡ.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Huyền Linh cho biết em mong muốn trở thành một nhà báo. Với niềm đam mê mãnh liệt đối với việc truyền tải thông tin và kể những câu chuyện có ý nghĩa, nữ sinh muốn ngòi bút của mình trở thành tiếng nói đại diện cho những người chưa có cơ hội được lên tiếng, đặc biệt là những mảnh đời khó khăn xung quanh mình.

Khi nói về ước mơ này, Huyền Linh ánh lên sự nhiệt huyết trong từng lời nói. Nữ sinh chia sẻ: “Em muốn sử dụng nghề báo để khám phá và ghi lại những câu chuyện về mọi người, và những vấn đề xã hội quan trọng. Em tin rằng, thông qua báo chí, em có thể góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực trong cộng đồng”.

GDVN_nu-sinh-1.jpg
Huyền Linh có niềm đam mê mãnh liệt với môn Lịch sử. Ảnh: Diệp Anh

Đối với nữ sinh lớp 10 này, nhà báo không chỉ đơn thuần là người cung cấp thông tin mà còn là một cầu nối giúp mọi người hiểu nhau hơn, khơi dậy sự đồng cảm và hành động vì một xã hội tốt đẹp hơn. Niềm đam mê này đã hình thành trong Huyền Linh từ những buổi học Lịch sử, nơi em được khám phá những giai thoại và sự kiện lịch sử. Từ đó, em thấy rõ vai trò của việc ghi chép và truyền đạt thông tin.

Huyền Linh cho rằng, mỗi câu chuyện đều có sức mạnh riêng và một nhà báo giỏi sẽ là người biết cách làm cho những câu chuyện ấy sống động và ý nghĩa hơn trong lòng người đọc.

Nữ sinh gửi gắm một thông điệp đến những bạn học sinh có hoàn cảnh tương tự rằng: "Hãy luôn tin vào bản thân mình, dám ước mơ và không nản chí trước khó khăn. Mỗi thử thách đều là một bài học quý giá trên hành trình chinh phục ước mơ của mình".

Diệp Anh