Bài viết "Từ năm học 2024-2025 sẽ không còn xếp loại học lực giỏi, trung bình, yếu, kém" đăng tải ngày 27/10 trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam của tác giả Kim Oanh đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc trên cả nước.
Bởi từ năm học 2024-2025, học sinh các khối lớp ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên cả nước đều đã học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cách xếp loại học lực những môn học đánh giá bằng nhận xét sẽ có 2 mức: đạt, chưa đạt; những môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số sẽ được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Điều này có nghĩa là học sinh không còn xếp học lực loại giỏi như Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi. Vì thế, khi không còn đánh giá học lực theo loại giỏi thì tên gọi “kỳ thi học sinh giỏi” liệu có còn phù hợp nữa hay không?
Tên gọi “kỳ thi học sinh giỏi” sẽ mâu thuẫn với cách đánh giá, xếp loại học học lực của học sinh
Những năm học vừa qua, cấp Tiểu học đã không còn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cho học sinh tham dự nhưng cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều đặn tổ chức kỳ thi này qua từng năm học.
Đối với cấp Trung học cơ sở sẽ có kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện (do Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức) và kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh (do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức).
Ở cấp Trung học phổ thông, học sinh sẽ tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp trường (nhưng không nhiều đơn vị tổ chức) và thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn những em ưu tú nhất đại diện cho địa phương tham dự kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.
Những em đạt điểm cao trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia sẽ được Bộ lựa chọn, bồi dưỡng để tham dự kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Điều này cho thấy đa số các kỳ thi đều có tên gọi “kỳ thi học sinh giỏi cấp….”.
Điều đáng băn khoăn là hiện nay Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 20/7/2021 đã áp dụng ở các lớp 6,7,8,10,11 ở các năm học vừa qua- những lớp giảng dạy chương trình 2018 trong những năm học vừa qua.
Theo đó, các môn học đánh giá bằng nhận xét sẽ có 2 mức: đạt, chưa đạt; những môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số sẽ được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Với việc xếp loại học lực theo 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt cho thấy mức cao nhất là mức “tốt”. Học sinh được xếp loại học lực “tốt” thì điều đương nhiên tên gọi “kỳ thi học sinh giỏi” sẽ không phù hợp, khiên cưỡng. Bởi, có còn học lực giỏi nữa đâu mà “thi học sinh giỏi”?
Nếu như trước đây, khi học chương trình 2006, việc đánh giá xếp loại học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì học lực của học sinh được xếp ở các loại: giỏi; khá, trung bình; yếu; kém (theo hướng dẫn của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và sau này là Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi) thì tên gọi “thi học sinh giỏi” không có vấn đề gì.
Bởi lẽ, hướng dẫn xếp loại học lực của học sinh trước đây được xếp theo 5 loại và loại học lực cao nhất là “giỏi” thì tên gọi “kỳ thi học sinh giỏi” phù hợp, tương đồng với cách đánh giá, xếp loại học lực trên lớp.
Năm học 2024-2025, Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi đã không còn hiệu lực, đương nhiên cũng không còn học lực giỏi. Chính vì thế, tên gọi “kỳ thi học sinh giỏi” trước đây phải đổi thành “kỳ thi học sinh tốt” mới phù hợp với hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.
Nếu thay đổi tên gọi từ “thi học sinh giỏi” thành “thi học sinh tốt” liệu có ổn?
Xét về lý và căn cứ vào câu chữ trong hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 20/7/2021 thì tên gọi “kỳ thi học sinh giỏi” sẽ không phù hợp vì cách đánh giá, xếp loại mới vì năm học này đã không còn học lực “giỏi”.
Nhưng, nếu thay bằng “kỳ thi học sinh tốt” e rằng cũng không phù hợp bởi nghĩa của từ “tốt” bao hàm nghĩa rộng hơn. Cách gọi tên cũng rất lạ, rất kỳ cục. Theo cách giải thích thông thường về nghĩa của từ thì trái với từ “giỏi” là từ “yếu, kém”- giống với cách xếp loại học lực trước đây. Nhưng, trái với từ “tốt” là từ “xấu”.
Nếu học sinh từ năm học này tham dự kỳ thi học sinh giỏi các cấp và đạt giải, khi làm giấy khen cũng sẽ mâu thuẫn. Thi học sinh giỏi đạt giải thì khen danh hiệu Học sinh giỏi cấp huyện; cấp tỉnh; Quốc gia thấy cũng ổn. Nhưng, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT không có học lực giỏi và danh hiệu học tập của học sinh hiện nay thì “Học sinh Giỏi” lại đứng sau danh hiệu “Học sinh Xuất sắc”.
Rõ ràng, kể từ năm học 2024-2025 này, tên gọi “kỳ thi học sinh giỏi” đã không còn phù hợp với Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT nhưng thay bằng tên gọi “kỳ thi học sinh tốt” lại quá mới mẻ và chắc chắn một điều sẽ tạo ra nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
.