Bỏ quy định "đạt tối thiểu 25 m2/SV", nhà đầu tư sẽ mạnh dạn thành lập trường ĐH

05/11/2024 06:25
Tường San

GDVN -Theo lãnh đạo một số cơ sở GDĐH, việc tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thành lập trường đại học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Việc bỏ quy định "đạt bình quân tối thiểu 25 m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển" tại Nghị định số 125/2024/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế cho Nghị định số 46 năm 2017) đã nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học.

Giúp trường đại học tập trung vào chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên và giải pháp công nghệ

Bàn về điểm mới trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn - Phó hiệu trưởng, Trưởng Phòng đào tạo Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng bày tỏ, việc bỏ quy định về diện tích tối thiểu bình quân 25 m²/sinh viên giúp giảm bớt một rào cản lớn về cơ sở vật chất đối với một số cơ sở giáo dục đại học. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với các trường đại học tư thục và những nhà đầu tư mới vào lĩnh vực giáo dục.

Theo thầy Hoàn, trước đây, quy định diện tích tối thiểu yêu cầu nhiều trường phải đầu tư cơ sở vật chất quy mô lớn ngay từ đầu, khiến chi phí thành lập rất cao và không phải nhà đầu tư nào cũng có thể đáp ứng. Thay vào đó, nghị định mới cho phép các trường tập trung vào chất lượng đào tạo, nguồn lực giảng viên, và các giải pháp công nghệ để cải thiện hiệu quả học tập. Điều này không chỉ khuyến khích các nhà đầu tư mà còn tạo ra sự đa dạng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

49947511_556021721539627_8507268067963699200_n-650x390.jpg.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng).

Mặt khác, thầy Hoàn chia sẻ, mục tiêu đạt 260 sinh viên/vạn dân vào năm 2030 tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Quốc hội là một bước tiến đáng kể, thể hiện quyết tâm của nước ta trong việc mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục đại học, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn và hạn chế tồn tại.

Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng và chất lượng giảng dạy, dù diện tích không còn là yêu cầu bắt buộc, nhưng nếu không có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ học tập và đội ngũ giảng viên chất lượng, việc mở rộng chỉ mang tính hình thức, khó đạt hiệu quả thực chất.

Thứ hai, đội ngũ giảng viên chất lượng cao còn thiếu, đặc biệt khi nhu cầu mở rộng đào tạo tăng nhanh. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và trải nghiệm học tập của sinh viên.

Thứ ba, đầu tư vào giáo dục cần nguồn vốn lớn, tuy nhiên một số nhà đầu tư có thể gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động giáo dục lâu dài, dẫn đến rủi ro về chất lượng đào tạo.

Thứ tư, hệ thống quản lý giáo dục đại học cần được hoàn thiện hơn để theo dõi, đánh giá và điều chỉnh chất lượng các cơ sở đào tạo mới, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng không hiệu quả.

Vậy nên, bên cạnh việc tạo ra nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư, việc bỏ quy định về diện tích tối thiểu bình quân 25 m²/sinh viên như vậy còn phù hợp với mục tiêu đạt 260 sinh viên/vạn dân vào năm 2030. Từ đó, giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc thành lập trường đại học, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục đại học trong bối cảnh kinh tế và xã hội phát triển.

Cũng theo thầy Hoàn, việc tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thành lập trường đại học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trước hết, điều này góp phần tăng cường năng lực đào tạo của hệ thống giáo dục, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho nhiều người hơn.

Bên cạnh đó, khi có sự tham gia của khu vực tư nhân, nguồn lực xã hội cho giáo dục sẽ được bổ sung, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo sẽ tạo ra động lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Để thúc đẩy vấn đề này, thầy Hoàn cho rằng, cần có những giải pháp nhằm tạo nền tảng vững chắc, từ đó mở rộng hệ thống giáo dục đại học, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả.

Trước hết, cần có cơ chế ưu đãi đầu tư như những chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi hoặc các gói hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực giáo dục.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng và cấp phép rõ ràng, minh bạch, đảm bảo các trường mới đáp ứng tiêu chuẩn về đào tạo và nguồn lực giảng viên. Khuyến khích ứng dụng công nghệ, như hệ thống học trực tuyến hoặc các nền tảng quản lý giáo dục số, để nâng cao hiệu quả đào tạo, nhất là trong bối cảnh diện tích không còn là tiêu chí bắt buộc.

Ngoài ra, cần giảm thiểu các thủ tục phức tạp, đồng thời cung cấp hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình thành lập và vận hành trường.

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Cùng bàn về điểm mới trên, theo Thạc sỹ Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định bày tỏ, việc bỏ quy định trên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của các trường đại học hiện nay trong quá trình phát triển. Thực tế hiện nay, khi việc học online và thực tiễn, xu thế chuyển đổi số ngày càng được chú trọng, nhiều cơ sở giáo dục đại học đầu tư về công nghệ, đội ngũ giảng viên nhiều hơn là vấn đề mở rộng về đất đai mà nhiều khi không sử dụng tới gây lãng phí.

Như tại Trường Đại học Gia Định, nhằm giúp các em tiếp cận được với kiến thức thực tiễn sau khi tốt nghiệp ra trường, thay vì phải đến trường học nhiều như trước kia, Nhà trường có xây dựng một học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, điểm mới trên nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi đối với việc thành lập trường đại học mới là chính và tùy thuộc vào nhu cầu xã hội cũng như định hướng phát triển của từng nhà đầu tư. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải thực hiện đúng lộ trình đạt chuẩn, điều kiện tối thiểu theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Screenshot_40.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Gia Định).

Mặt khác, thầy Chung bày tỏ, điểm mới này cũng nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế hiện nay, do quỹ đất ngày càng hạn chế nếu vẫn thực hiện như quy định cũ sẽ là khó khăn cho những nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thành lập trường đại học mới ở Việt Nam.

Có thể thấy rằng, nếu có sự đầu tư thêm của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện để nước ta sớm đạt được mục tiêu đến năm 2030 đạt 260 sinh viên/vạn dân theo Nghị quyết số 81/2023/QH15.

Ngoài ra, điểm mới này cũng giúp phát triển mạng lưới trường đại học tại những địa phương lân cận thành phố lớn. Bởi, khi có được điều kiện thành lập trường thuận lợi hơn, nhiều nhà đầu tư sẽ không ngần ngại đặt vấn đề mở rộng đầu tư trường đại học tại những tỉnh, thành phố xung quanh tỉnh/ thành phố lớn khi những khu vực này đã quá đông lượng sinh viên tham gia học. Từ đó, làm hạn chế sự mất cân bằng về số lượng sinh viên đại học giữa các địa phương.

Cũng theo thầy Chung, đầu tư giáo dục là chiến lược dài hạn, chính vì vậy, điều quan trọng là mỗi nhà đầu tư cần xác định được vị trí, nguồn lực đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội để thu hút người học, giải quyết bài toán tuyển sinh.

Còn theo Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á, theo quy định hiện hành về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, điều kiện thành lập trường đại học công lập hoặc cho phép thành lập trường đại học tư thục đối với trường công lập phải có dự án đầu tư xây dựng trường được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch. Đối với trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường); vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản; đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng. Với quy định trên, nhiều nhà đầu tư không khỏi áp lực, ngần ngại khi phải đầu tư là phải đầu tư ngay thời điểm được cho phép thành lập trường là 500 tỷ đồng.

Bởi, mức kinh phí này tương đương với việc đáp ứng quy mô 10.000 sinh viên, một con số mà thường phải 10 đến 15 năm các trường mới có thể đạt được.

Chính vì vậy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư để đạt được mục tiêu đến năm 2030 đạt 260 sinh viên/vạn dân, thầy Tuấn cho rằng, nên quy định mức kinh phí đầu tư phải có theo lộ trình phát triển của mỗi cơ sở giáo dục

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, tại những thành phố lớn đã có số sinh viên/vạn dân cao hơn 260 nhưng tại khu vực 3 Tây (Tây Bắc - Tây Nguyên – Tây Nam Bộ) lại chưa được thu hút được người học, chúng ta cần phải có nhiều chính sách khuyến khích hơn nữa như tạo điều kiện học bổng, học phí để tăng quy mô sinh viên tại những khu vực này.

Tường San