Nghị định 125 tạo thuận lợi thành lập trường ĐH để đạt mục tiêu 260 SV/vạn dân

03/11/2024 06:16
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Điểm mới tại Nghị định số 125/2024/NĐ-CP của Chính phủ góp phần vào công cuộc giúp ngành giáo dục phấn đấu đạt mục tiêu 260 sinh viên/vạn dân.

So với Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, yêu cầu về điều kiện thành lập trường đại học công lập, cho phép thành lập trường đại học tư thục là "đạt bình quân tối thiểu 25 m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển" đã không còn trong Nghị định số 125/2024/NĐ-CP.

Điểm mới phù hợp với Chuẩn cơ sở giáo dục đại học

Trước điểm mới trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ miền Đông bày tỏ, việc bỏ quy định “đạt bình quân tối thiểu 25 m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển" nhằm phù hợp với Thông tư 01/2024/TT-BGDĐTvề chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Cụ thể, tại tiêu chí 3.1, Thông tư 01 quy định, từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.

Như vậy, việc bỏ quy định này ở Nghị định 125 không đồng nghĩa với việc trường đại học không có quỹ đất đạt 25m2/sinh viên mà sẽ tránh mâu thuẫn giữa thời điểm “thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển” và “từ năm 2030”.

banner-trai-nghiem-fpt.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ miền Đông (Nguồn: Website nhà trường).

Bên cạnh đó, việc bỏ quy định trên có thể tạo thuận lợi trong giai đoạn này về thủ tục thành lập, khi nhà đầu tư không cần lập đề án về số lượng sinh viên và đất sau 10 năm. Đổi lại, nhà đầu tư cần định hướng đến năm 2030 đạt 25m2 đất/sinh viên. Vì vậy, giáo dục đại học vẫn luôn yêu cầu các nhà đầu tư phải có tâm và có tầm nhìn dài hạn để hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, điểm tiến bộ của Nghị định 125/2024 là quy định rõ hơn về các bước, trình tự, hồ sơ thành lập và cho phép hoạt động. Các quy định này được chi tiết, rõ ràng hơn, hầu hết các thủ tục liên quan đều được “mẫu hóa”. Sự thay đổi này là phù hợp với chủ trương chính sách thúc đẩy dịch vụ công và đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ, giúp các nhà đầu tư giảm công sức và thời gian rất nhiều trong “công việc gian nan” là xin thành lập trường.

Bên cạnh đó, Nghị định 125 cũng kéo dài thời gian trình hồ sơ xin thành lập trường từ 03 năm lên 05 năm, từ ngày có văn bản của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập hoặc cho phép thành lập trường, giúp các nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị dài hơn, kĩ hơn.

Ở chiều ngược lại, Nghị định 125 cũng bổ sung điều kiện về chứng minh tài chính đối với nhà đầu tư “được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản” cũng như xác nhận về quyền sử dụng đất của cơ quan địa phương. Điều này cũng giúp tránh trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, dẫn đến những “hệ lụy” sau này mà người chịu thiệt sẽ là sinh viên, phụ huynh và toàn xã hội.

Ngoài ra, Nghị định 125 vẫn giữ lại quy định điều kiện thành lập trường đại học công lập, cho phép thành lập trường đại học tư thục là “Có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 05 ha”. Như vậy, có thể hiểu là trường đại học phải có quy mô tối thiểu về đất xây dựng.

Nghị định 125 vẫn quy định điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu, đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý phải đáp ứng yêu cầu hoạt động đối với các ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo, quy mô dự kiến tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định này phù hợp với quy định tại Điều 104, 105 của Luật Giáo dục hiện hành về nội dung và thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục.

Tóm lại, theo thầy Song, những thay đổi, điều chỉnh của Nghị định 125 là phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học hiện hành và tránh chồng chéo giữa các văn bản. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập trường đại học, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.

Từ đó, góp phần vào công cuộc giúp ngành giáo dục phấn đấu đạt mục tiêu 260 sinh viên/vạn dân theo Nghị quyết số 81/2023/QH15.

Bởi, mục tiêu phát triển đến năm 2030 đạt 260 sinh viên/vạn dân của Nghị quyết số 81/2023/QH15 là hết sức quan trọng đối với việc nâng cao dân trí và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Hiện nay, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo đại học năm học 2021-2022 là 2.145.426 sinh viên, tương đương chỉ đạt 215 sinh viên/vạn dân. Chính vì vậy, việc có thêm các trường đại học là rất quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Và việc hoàn thiện các văn bản như ban hành Nghị định 125 nêu trên là hết sức cần thiết nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, giáo dục đại học là lĩnh vực đầu tư cần nguồn lực lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên cần thêm nhiều chính sách để huy động nguồn lực. Do đó, cần lưu tâm hơn về giải pháp thiết thực và ảnh hưởng lớn nhất là tăng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu… Ngoài ra, các thủ tục tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, thủ tục về đất đai với việc thành lập trường đại học cần đơn giản hóa, “mẫu hóa” mạnh mẽ hơn nữa.

Bên cạnh đó, việc trường đại học huy động những nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đến cựu sinh viên cũng là một giải pháp cần được quan tâm hàng đầu. Thực tế đã chứng minh, tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, nguồn thu từ các hoạt động xã hội hóa đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngôi trường. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, cơ sở giáo dục và cộng đồng xã hội, thông qua việc xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật minh bạch.

Góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đạt 260 sinh viên/vạn dân

Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến – nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) cho hay, khi xem lại trong các nghị định, có thể thấy, theo Khoản 3, Điều 87 của Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định điều kiện thành lập trường đại học là “Có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 05 ha và đạt bình quân tối thiểu là 25 m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển; có cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giảng viên cơ hữu đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường. Địa điểm xây dựng trường đại học phải bảo đảm về môi trường giáo dục, an toàn cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của trường.”

Workshop-TTU.jpg
Sinh viên Trường Đại học Tân Tạo, Long An (Ảnh: Website Nhà trường).

Còn theo Khoản 3, Điều 92 về điều kiện thành lập trường đại học công lập hoặc cho phép thành lập trường đại học tư thục của Nghị định 125/NĐ-CP có quy định “Có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 05 ha. Địa điểm xây dựng trường đại học phải bảo đảm về môi trường giáo dục, an toàn cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; không đặt gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ và không nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm.”

Như vậy, có thể thấy rằng, quy định mới khoa học hơn vì điều kiện thành lập trường đại học được xem xét khi cơ sở giáo dục đại học thực hiện thủ tục xin phép thành lập chứ không phải là xem xét 10 năm sau đó. Trong khi đó, quy định cũ đưa ra yêu cầu diện tích đất đạt bình quân tối thiểu 25m2/sinh viên sau 10 năm là thừa vì khi đi vào hoạt động, cơ sở giáo dục đại học phải tuân thủ các tiêu chuẩn, tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học, trong đó sẽ quy định chi tiết, cụ thể hơn chứ không chỉ yêu cầu về diện tích đất.

Có thể thấy, việc bỏ bớt trong quy định giúp cho thủ tục xin phép mở trường đại học cũng như quy trình xem xét, thẩm định và cấp phép hoạt động được đơn giản, nhanh chóng hơn.

Hơn nữa, việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thành lập trường đại học trong bối cảnh hiện nay mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.

Cụ thể, việc tăng số lượng trường đại học sẽ giúp đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân, giảm tải áp lực cho các trường đại học công lập. Đặc biệt, các trường đại học tư thục thường có những mô hình đào tạo linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hơn. Việc thành lập trường đại học là một kênh đầu tư hấp dẫn, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, sự cạnh tranh giữa các trường đại học sẽ thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình học, để thu hút sinh viên.

Muốn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc thành lập trường đại học mới thì điều quan trọng là cần có cơ chế thông thoáng, công bằng, công khai, minh bạch, không phân biệt đại học công hay tư trong mọi khâu của quá trình thành lập, vận hành, và hoạt động đào tạo. Đặc biệt, cần xem xét cấp các ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi như cung cấp điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để các nhà đầu tư có thể xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường, nhất là trong những năm đầu mới thành lập trường.

Mặt khác, trước ý kiến cho rằng việc bỏ quy định nêu trên nhằm mục đích tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư để thành lập các trường đại học mới, phù hợp với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt 260 sinh viên/vạn dân theo Nghị quyết số 81/2023/QH15, thầy Luyến cho rằng, nếu chỉ nói riêng việc nới lỏng các quy định về thành lập trường đại học nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục, từ đó tăng nhanh số lượng trường đại học và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người dân, đây có thể là một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu tăng số lượng sinh viên trên một vạn dân.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thứ nhất, việc tăng số lượng trường đại học không đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ, việc cấp phép dễ dàng có thể dẫn đến tình trạng các trường đại học kém chất lượng mọc lên, gây ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống giáo dục đại học.

Thứ hai, việc cạnh tranh để thu hút sinh viên có thể dẫn đến tình trạng các trường đại học chạy theo số lượng, giảm chất lượng đào tạo để thu hút sinh viên.

Thứ ba, việc tăng số lượng trường đại học đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo. Nếu không có sự phân bổ nguồn lực hợp lý, các trường đại học mới có thể thiếu thốn về nhiều mặt, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Có thể thấy, muốn đạt được mục tiêu 260 sinh viên/vạn dân cũng không phải là điều dễ dàng.

Theo thầy Luyến, hiện nay, Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế để đạt được mục tiêu 260 sinh viên/vạn dân.

Đơn cử, chất lượng giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và thị trường lao động; Việc đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; Cơ sở vật chất của các trường đại học phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, gây khó khăn cho người dân ở các vùng nông thôn tiếp cận giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của nhiều trường đại học chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường khó tìm việc làm; Việc đào tạo đội ngũ giảng viên chất lượng cao, có trình độ chuyên môn cao và năng lực nghiên cứu khoa học còn gặp nhiều khó khăn, và hệ luỵ của một thời gian dài buông lỏng việc quản lý chất lượng đào tạo của các loại hình đào tạo phi chính quy, hiện nay dư luận xã hội không có nhiều thiện cảm với các loại hình đào tạo này.

Do đó, việc tuyển sinh đào tạo các loại hình đào tạo phi chính quy gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, quy mô đào tạo phi chính quy trên thế giới chiếm tỷ trọng cao trong tổng quy mô đào tạo.

Vậy nên, bên cạnh việc nới rộng hơn về quy định thành lập trường đại học, để đạt được mục tiêu 260 sinh viên/vạn dân, chúng ta cần phải giải quyết được những vấn đề khó khăn trên, đặc biệt là trong việc quản lý chất lượng đào tạo, sao cho không có sự khác biệt có ý nghĩa về chất lượng đào tạo giữa các loại hình đào tạo để thay đổi nhận thức trong xã hội Việt Nam.

Còn theo Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, việc bỏ quy định "đạt bình quân tối thiểu 25 m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển" đối với điều kiện thành lập trường đại học công lập, cho phép thành lập trường đại học tư thục sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư không bị áp lực về diện tích đất khi muốn thành lập trường đại học. Bởi, càng ngày diện tích đất càng nhỏ đi, trong khi đó những nhà đầu tư là những người tính toán về hiệu quả kinh tế. Nếu diện tích nhiều quá mà hiệu quả kinh tế lại ít, họ sẽ ngần ngại.

Tuy nhiên, điểm mới này có thể gây hạn chế nếu nhà đầu tư chỉ chú tâm vào mỗi hiệu quả kinh doanh mà không để tâm đến chất lượng.

Mặt khác, theo thầy Sơn, sự phát triển của các trường đại học tư thục vốn có lợi cho nhà nước khi nhà nước không phải đầu tư ngân sách; luôn bị áp lực để có được những sản phẩm đầu ra tốt nếu không sẽ dễ tự đào thải khỏi xã hội. Bên cạnh đó, họ cũng không bị áp lực nhiều về cơ chế như các trường đại học công lập trong việc mở và đào tạo những ngành học xu hướng, phù hợp với thời đại. Tại nhiều nước trên thế giới, hệ thống trường đại học tư thục rất phát triển và hầu như những trường tốp đầu là những cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Chính vì vậy, việc gia tăng số lượng các trường tư cũng giúp cho chất lượng giáo dục đại học nước ta ngày càng được nâng cao. Và với điểm mới trên, sẽ góp phần thúc đẩy giải pháp trên sớm được thực hiện, từ đó góp phần giúp triển khai mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt 260 sinh viên/vạn dân theo Nghị quyết số 81/2023/QH15.

Tường San