Ngành giáo dục có đầy đủ nhân lực và các điều kiện để chủ động tuyển dụng GV

09/11/2024 06:28
Trần Trang

GDVN - Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho các cơ quan quản lý giáo dục là rất hợp lý.

Ngày 17/10, Chính phủ có tờ trình số 656/TTr-CP gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo chương trình, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Về vấn đề tuyển dụng nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo nêu: “Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng”.

Nội dung này trong dự thảo đang nhận được sự ủng hộ của cán bộ trong ngành giáo dục. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa kì vọng khi quyền tuyển dụng giáo viên được giao cho cơ quan quản lý giáo dục sẽ giải quyết được tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ hiện nay.

Tuyển dụng giáo viên chậm trễ, không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy

Thanh Hóa là một trong những tỉnh có tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng nhất cả nước. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, hiện tại, ngành giáo dục địa phương đang còn thiếu 8.244 giáo viên so với định mức tối đa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thậm chí gần đây, tình hình thiếu giáo viên tại tỉnh Thanh Hóa đã khiến một số cơ sở giáo dục phải dừng dạy các môn học đặc thù như Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức chia sẻ: "Trong những năm qua, việc tuyển dụng giáo viên đối với khối Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố quản lý (gọi chung là khối Ủy ban nhân dân huyện quản lý) cơ bản được giao cho Phòng Nội vụ chủ trì tham mưu thực hiện còn Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ có vai trò phối hợp.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ có vai trò phối hợp với Sở Nội vụ trong việc thẩm định kế hoạch tuyển dụng giáo viên. Do chỉ giữ vai trò phối hợp nên ngành giáo dục không chủ động được về thời gian, chỉ tiêu, cơ cấu, chất lượng giáo viên cần tuyển, gây khó khăn trong việc bố trí giáo viên giảng dạy".

150d3113733t2271l8-260620241043-z557492.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa chỉ ra những khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay:

Thứ nhất, việc tuyển dụng giáo viên còn chậm, chưa kịp thời, chưa đáp ứng nhu cầu giáo viên từ đầu năm học. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thường giao biên chế sự nghiệp giáo dục cho các địa phương vào tháng 12 hằng năm và Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ tuyển dụng giáo viên từ tháng 1 đến tháng 8 năm tiếp theo để bổ sung cho số giáo viên còn thiếu trước thềm năm học mới.

Tuy nhiên, thực tế có những địa phương đến tháng 10, 11, 12 mới trình Sở Nội vụ thẩm định kế hoạch tuyển dụng, do đó không đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở giáo dục trong năm học mới.

Theo ông Thức, việc tuyển dụng giáo viên chậm, chưa kịp thời tại cấp huyện cũng có nhiều nguyên nhân.

Quá trình rà soát đội ngũ, xây dựng kế hoạch tuyển dụng của Ủy ban nhân dân cấp huyện chậm do phải thông qua nhiều bước (rà soát số liệu đội ngũ, dự thảo kế hoạch, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, xin ý kiến Thường vụ huyện ủy cấp huyện), trong khi Phòng Giáo dục và Đào tạo không được chủ trì và sự phối hợp giữa Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo tại một số địa phương có nơi, có lúc chưa nhịp nhàng.

Việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên của Ủy ban nhân dân cấp huyện đôi khi chưa bám sát số liệu về biên chế giao, biên chế hiện có, biên chế phải giảm theo lộ trình của từng cấp nên khi phối hợp thẩm định buộc Sở Giáo dục và Đào tạo phải có ý kiến đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện điều chỉnh, từ đó Sở Nội vụ phải thông tin cho huyện xây dựng lại kế hoạch và trình thẩm định lại nên mất nhiều thời gian.

"Theo Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, quy định Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo dục (khoản 6 Điều 13), phối hợp với Phòng Nội vụ thực hiện quy trình, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục.

Tuy nhiên, tại một số địa phương vai trò của Phòng Giáo dục và Đào tạo trong tuyển dụng giáo viên "rất mờ nhạt", thậm chí có những địa phương khi xây dựng Kế hoạch tuyển dụng, tại mục Tổ chức thực hiện không phân công nhiệm vụ cụ thể cho Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Việc tuyển dụng giáo viên hiện nay được thực hiện theo quy trình tuyển dụng viên chức phải thực hiện qua nhiều bước, nên mất rất nhiều thời gian" - ông Thức bày tỏ.

Thứ hai, chỉ tiêu tuyển dụng, cơ cấu tuyển dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại cơ sở giáo dục. Nguyên nhân là do dù thiếu giáo viên nhưng các địa phương không tuyển hết chỉ tiêu còn thiếu, mà phải dành chỉ tiêu để giảm theo lộ trình quy định.

Cũng do quá trình tuyển dụng chậm nên có nơi khi tuyển xong giáo viên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch biên chế sự nghiệp mới với số lớp, số học sinh tăng hơn so với số lớp, số học sinh khi xây dựng kế hoạch tuyển dụng nên dẫn tới cơ cấu, số lượng giáo viên không đáp ứng được nhu cầu.

Thứ ba, việc tuyển giáo viên hiện nay chủ yếu được thực hiện qua hình thức vấn đáp về kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, phương thức này lại không bao gồm phần kiểm tra thực hành sư phạm, tức là việc đánh giá năng lực giảng dạy thực tế của ứng viên.

Điều này dẫn đến tình trạng có thể bỏ sót những giáo viên có khả năng giảng dạy xuất sắc, nhưng lại không thể thể hiện đầy đủ năng lực của mình trong một cuộc phỏng vấn vấn đáp lý thuyết.

Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy sau khi tuyển dụng, vì thực tế trong môi trường lớp học đòi hỏi không chỉ kiến thức lý thuyết mà còn cả khả năng truyền đạt, quản lý lớp học và ứng phó với các tình huống sư phạm.

Thứ tư, việc đồng loạt nhiều địa phương trên địa bàn một tỉnh tổ chức tuyển dụng giáo viên tại một thời điểm sẽ dẫn tới tình trạng một số địa phương, nhất là khu vực khó khăn sẽ thiếu nguồn giáo sinh để tuyển dụng do thí sinh sẽ ưu tiên lựa chọn tuyển dụng tại các địa bàn thuận lợi.

Có thí sinh tham gia tuyển dụng tại nhiều địa phương và khi có kết quả tuyển dụng sẽ lựa chọn địa phương có điều kiện thuận lợi hơn để ký hợp đồng làm việc. Hệ quả là các địa phương ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thường không thể tuyển đủ số lượng giáo viên theo chỉ tiêu đã được giao, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và việc duy trì hoạt động giảng dạy tại các trường học ở những khu vực này.

Ông Thức nêu ý kiến: "Việc giao quyền chủ trì tuyển dụng cho các cơ quan quản lý giáo dục (gồm Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo) sẽ giúp khắc phục được những khó khăn nêu trên. Đồng thời, với nguồn nhân lực như hiện nay và việc được biệt phái giáo viên từ cơ sở giáo dục về cơ quan quản lý giáo dục như tại dự thảo Luật Nhà giáo, ngành giáo dục sẽ có đầy đủ nhân lực và các điều kiện khác để thực hiện việc tuyển dụng đội ngũ nhà giáo".

Cần chủ động, linh hoạt điều phối chỉ tiêu biên chế giáo viên

Khi quyền tuyển dụng giáo viên được giao cho cơ quan quản lý giáo dục, ông Trần Văn Thức cho rằng, để góp phần giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo trước hết cần thực hiện một số nhiệm vụ.

Đầu tiên, khẩn trương rà soát, đánh giá đúng thực trạng cơ cấu đội ngũ. Chủ động, linh hoạt điều phối chỉ tiêu biên chế và thực hiện điều động, biệt phái đội ngũ giáo viên hiện có giữa các địa phương, giữa các cơ sở giáo dục trong cùng địa phương để phù hợp với thời gian năm học và thực tế của ngành, góp phần giải quyết bước đầu tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại từng cơ sở giáo dục và tại từng địa phương, đơn vị.

Tiếp theo đó, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xây dựng chiến lược, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được giao, ngành giáo dục chủ động tuyển dụng đội ngũ giáo viên phù hợp với cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của ngành, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên để giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bổ sung kịp thời cho số giáo viên còn thiếu ở các cơ sở giáo dục.

Cuối cùng, cần triển khai các hình thức tuyển dụng viên chức giáo dục theo quy định, trong đó chú trọng hình thức thực hành sư phạm nhằm đề cao chất lượng chuyên môn của người được tuyển dụng, lựa chọn được các nhà giáo thực sự có tâm, có tầm, tâm huyết với nghề giảng dạy.

Hi vọng không còn tình trạng giáo viên "môn này thiếu, môn kia thừa"

Theo ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: "Nếu được giao quyền tuyển dụng giáo viên, ngành giáo dục được tự chủ, tự xây dựng kế hoạch và tự bố trí phân công nhiệm vụ nên sẽ sát với thực tế hơn.

Bởi lẽ, ở những địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa như huyện Mường Nhé thường xuyên xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, môn này không có giáo viên nhưng môn kia lại thừa.

Với một số môn đặc thù như Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật không tuyển được giáo viên, nếu được chủ động, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện có thể giải quyết bằng cách thuê giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng để đảm bảo chất lượng giảng dạy, không cần phải chờ luân chuyển, điều động, đặc phái từ nơi khác.

Trước đây đã có Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có đưa ra nội dung này, tuy nhiên thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm vẫn thuộc về Ủy ban nhân dân huyện.

Hiện tại, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu sâu hơn về Dự thảo Luật Nhà giáo và kì vọng sớm được trải nghiệm những quy định mới trong thực tế".

Trần Trang