Thanh Hóa: Thiếu giáo viên, có nơi việc học bị gián đoạn, Sở GD&ĐT có kiến nghị

31/10/2024 09:13
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Thiếu GV khiến 1 số trường gián đoạn việc học, Sở GD Thanh Hóa đề nghị Trung ương hỗ trợ khi tỉnh gặp khó trong hợp đồng GV; không tiếp tục giảm biên chế từ 2025.

Là một trong những địa phương thiếu giáo viên trầm trọng, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục và bước đầu đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên, song, địa phương hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đáng nói, đã có một số trường học phải tạm dừng một số môn học, do thiếu giáo viên.

so gd thanh hoa.jpg
Ảnh minh họa: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.

Có kế hoạch dạy bù môn đã phải dừng học do thiếu giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) xác nhận, tình hình thiếu giáo viên trong thời gian gần đây đã khiến một số trường trên địa bàn huyện phải dừng một số môn học như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc.

Theo vị lãnh đạo, ngay sau đó, địa phương đã sắp xếp giáo viên dạy liên trường và bố trí nguồn kinh phí chi trả cho giáo viên dạy thêm giờ để đảm bảo chương trình theo quy định. Cho đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, các hoạt động dạy và học tại các trường đã được đảm bảo và sẽ có kế hoạch dạy bù những môn đã phải dừng học do thiếu giáo viên.

Vị này cũng cho biết thêm, hiện tại, toàn huyện Lang Chánh đang thiếu 92 biên chế sự nghiệp giáo dục ở các bậc học. Trong đó, 29 giáo viên mầm non; 38 giáo viên tiểu học; 22 giáo viên trung học cơ sở; 3 giáo viên giáo dục thường xuyên.

“Số giáo viên còn thiếu hiện nay chủ yếu là giáo viên văn hóa ở cấp tiểu học, giáo viên của các bộ môn đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Lang Chánh thực hiện hợp đồng giao khoán công việc cho giáo viên dạy.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện đã và đang cố gắng sắp xếp nguồn kinh phí để hợp đồng giáo viên, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện. Ngoài vấn đề về kinh phí, địa phương còn gặp khó khăn về nguồn tuyển. Để tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh đã tổ chức phân công giáo viên dạy liên trường để đảm bảo công tác dạy và học”, vị lãnh đạo cho hay.

Thầy Lê Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, năm học 2024-2025, nhà trường có 688 học sinh và 30 giáo viên, hiện còn thiếu 6 giáo viên so với biên chế được giao.

“Nhà trường hiện đang thiếu giáo viên, tập trung nhiều ở môn Tiếng Anh. Đây là môn học đặc thù, các giáo viên khác không thể kiêm nhiệm được, nên để khắc phục tình trạng này, nhà trường bố trí cho các giáo viên môn Tiếng Anh dạy thêm giờ, đảm bảo chất lượng giáo dục”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Ong Tran Van Thuc.jpg
Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: dbndthanhhoa.gov.vn

Toàn tỉnh đang thiếu 8.244 giáo viên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan

Thông tin về tình hình thiếu giáo viên trên địa bàn, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến tháng 10/2024, toàn ngành giáo dục có tổng số 44.065 giáo viên trong biên chế (chưa kể cán bộ quản lý và nhân viên hành chính).

Trong đó, có 13.988 giáo viên mầm non; 14.004 giáo viên tiểu học; 10.665 giáo viên trung học cơ sở; 4.975 giáo viên trung học phổ thông và 433 giáo viên giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, có 1.780 giáo viên hợp đồng (theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập).

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, hiện tại, ngành giáo dục địa phương đang còn thiếu 8.244 giáo viên so với định mức tối đa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, 2.275 giáo viên mầm non; 3.372 giáo viên tiểu học; 2.056 giáo viên trung học cơ sở; 352 giáo viên trung học phổ thông và 189 giáo viên giáo dục thường xuyên.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập và Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, định mức tối đa giáo viên trên nhóm, lớp cụ thể đối với từng cấp học như sau: Nhóm trẻ: 2,5 giáo viên/nhóm; mẫu giáo: 2,2 giáo viên/lớp; tiểu học: 1,5 giáo viên/lớp đối với lớp học 2 buổi/ngày; trung học cơ sở: 1,9 giáo viên/lớp; trung học phổ thông: 2,25 giáo viên/lớp.

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố và các trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, các khu vực miền núi cao và vùng đặc biệt khó khăn là những nơi thiếu nhiều giáo viên nhất.

Địa phương hiện nay đang thiếu nhiều giáo viên văn hóa ở cấp tiểu học; giáo viên Tin học, Tiếng Anh ở cả 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Bên cạnh đó, địa phương còn thiếu giáo viên dạy các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông; Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở.

Vị Giám đốc Sở cũng lý giải: “Tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất phát bởi một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau:

Theo quy định, đến năm 2026, tỉnh Thanh Hóa phải thực hiện giảm 10% biên chế viên chức so với chỉ tiêu giao năm 2021, tương ứng 6.086 người. Trong đó, chủ yếu giảm biên chế sự nghiệp giáo dục; trong khi số lượng biên chế giáo viên được Trung ương giao bổ sung cho tỉnh hằng năm chưa đáp ứng được nhu cầu bổ sung cho số biên chế phải giảm hằng năm và số giáo viên tăng do tăng quy mô học sinh cũng như đáp ứng chương trình.

Trong những năm qua, quy mô số học sinh, số lớp các cấp học của tỉnh liên tục gia tăng. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 quy định học sinh cấp tiểu học học 2 buổi/ngày và một số môn học như Tiếng Anh, Tin học là môn bắt buộc; cấp trung học phổ thông có các môn học mới như: Âm nhạc, Mỹ thuật; cấp trung học cơ sở có các môn mới tích hợp như Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên; các cấp học phổ thông đều có hoạt động giáo dục mới như Trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương… Do đó, đã làm tăng nhu cầu về đội ngũ giáo viên.

Công tác tuyển dụng giáo viên, xét tuyển lao động hợp đồng làm giáo viên gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển dụng. Nguyên nhân do giai đoạn trước năm 2020, Nhà nước chưa có chính sách thu hút sinh viên học nghề sư phạm, nên số lượng sinh viên theo học khá ít, số khác tuy đã có bằng sư phạm nhưng không tham gia giảng dạy mà tìm kiếm các công việc có mức lương tốt hơn. Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; tuy nhiên, do tỉnh chưa cân đối được nguồn ngân sách, nên việc giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đối với các cơ sở giáo dục thuộc tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm đối với cơ sở giáo dục ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Do đó, công tác đào tạo mới giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với đội ngũ nhà giáo chưa được cải thiện. Thậm chí, chính sách về phụ cấp đối với nhà giáo thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh bị giảm do nhiều trường, địa phương theo quy định mới của Nhà nước không còn được hưởng các phụ cấp ưu đãi như trước đây, dẫn đến khó thu hút giáo viên công tác tại khu vực này”.

Đề nghị không tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp giáo dục từ năm 2025

Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ông Trần Văn Thức cũng cho biết thêm, trong năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đề nghị Trung ương giao bổ sung 2.654 biên chế sự nghiệp cho tỉnh. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giao 3.840 chỉ tiêu lao động hợp đồng làm giáo viên theo quy định của Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.

Với tổng số 6.494 chỉ tiêu biên chế và lao động hợp đồng làm giáo viên được giao bổ sung, Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực thực hiện tuyển dụng, xét tuyển lao động hợp đồng làm giáo viên.

Từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương đã tuyển dụng và xét tuyển thêm hơn 3.000 giáo viên và đang tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyển dụng, báo cáo Sở Nội vụ thẩm định, nhằm kịp thời bổ sung giáo viên còn thiếu.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, việc Ủy ban nhân dân tỉnh giao bổ sung 6.494 chỉ tiêu biên chế và hợp đồng lao động làm giáo viên, đã giúp cho ngành giáo dục địa phương từng bước giải quyết căn bản vấn đề thiếu giáo viên trong thời gian qua.

“Trong năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Sở Nội vụ, tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trình các cơ quan có thẩm quyền giao bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh Thanh Hóa trong tổng số 10.304 biên chế được Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo (tại văn bản số 7751/VPCP-TCCV về bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024-2025).

Đồng thời, tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao chỉ tiêu lao động hợp đồng (theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP), nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục”, ông Trần Văn Thức cho hay.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ thêm, hiện nay, Sở và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh vẫn là một bài toán.

Biên chế giáo viên Trung ương dự kiến giao bổ sung năm 2025 cho các địa phương trên toàn quốc rất ít (tổng số 10.304 biên chế), trong khi ngân sách của tỉnh Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn để hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP và đào tạo mới giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Trước thực tế khó khăn đó, vị Giám đốc Sở đề cập đến một số đề xuất, kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền quan tâm, nghiên cứu và ban hành một số chính sách. Cụ thể: “Tiếp tục quan tâm, ưu tiên giao bổ sung biên chế giáo viên năm 2025 cho tỉnh Thanh Hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu giáo viên của địa phương.

Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh: Cân đối kinh phí giao chỉ tiêu lao động hợp đồng làm giáo viên và nhân viên hành chính năm 2025 theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, đảm bảo đạt trên 40% số thiếu giữa biên chế giao năm 2025 và nhu cầu theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (theo quy định của Trung ương: giao không quá 70% số thiếu giữa biên chế giao và theo định mức quy định). Trong trường hợp tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, đề nghị Trung ương hỗ trợ để đảm bảo thực hiện.

Mặt khác, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giao tăng chỉ tiêu đào tạo mới giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong năm 2025 so với các năm 2023 và 2024, nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên ở các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể về tổ chức dạy liên trường, liên cấp, dạy tăng tiết, dạy online nhiều học sinh; điều động giáo viên từ trường thừa đến trường thiếu,…và có hướng dẫn chế độ chính sách về việc tổ chức dạy theo các hình thức nêu trên nhằm giúp các địa phương triển khai thực hiện thông suốt, đồng bộ.

Cuối cùng, đề nghị không tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp giáo dục từ năm 2025 nhằm đảm bảo có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp theo định mức quy định”.

Thúy Quỳnh