GV băn khoăn với định hướng mới về chọn ngữ liệu đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn

22/11/2024 06:46
HƯƠNG GIANG

GDVN - Điều đáng băn khoăn là những nội dung định hướng trong tập huấn cũng chỉ dừng lại ở “chỉ đạo miệng” của báo cáo viên và sau đó là hướng dẫn nội bộ mà thôi.

Kể từ năm học 2022-2023, những lớp dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn đã thực hiện theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT- GDTrH được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 21/07/2022.

Cụ thể, Công văn số 3175/BGDĐT- GDTrH hướng dẫn: “trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Ngày 30/07/2024, Bộ Giáo dục và Đào ban hành Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 hướng dẫn: “Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Với hướng dẫn của Bộ như vậy, những năm học vừa qua, khi tập huấn, giáo viên còn được chuyên viên của Sở nhấn mạnh cụm không dùng ngữ liệu “trong sách giáo khoa” là cả ngữ liệu của 3 bộ sách (Cánh Diều, Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống”. Và, gần như giáo viên dạy Ngữ văn trên cả nước vẫn đang thực hiện lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa của 3 bộ sách khi làm đề kiểm tra định kỳ.

v-2810.png
Ảnh minh họa

Cho lấy ngữ liệu cùng thể loại của 2 bộ sách giáo khoa còn lại?

Một tổ trưởng môn Ngữ văn ở một tỉnh phía Nam chia sẻ rằng: yêu cầu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khiến cho không ít giáo viên gặp không ít khó khăn khi lựa chọn, xử lí ngữ liệu trong kiểm tra định kì và tất nhiên học sinh càng khó khăn hơn khi các em làm bài với những ngữ liệu mới.

Ngày 25, 26/10/2024 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn về xây dựng đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn cho một số tỉnh phía Nam đã làm rõ cụm từ ngữ liệu “ngoài sách giáo khoa” nhằm đảm bảo mục tiêu dạy học phát triển năng lực, theo yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Sau tập huấn, Hội đồng cốt cán môn Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo đã có những hướng dẫn đến các nhà trường. Theo đó, người viết là giáo viên tham dự tập huấn xin chia sẻ lại thông tin về ngữ liệu khi ra đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn được định hướng như sau:

Ngữ liệu của các bộ sách giáo khoa khác: Cách làm hiệu quả nhất và cũng tiện lợi nhất là sử dụng các ngữ liệu của các bộ sách khác để xây dựng đề kiểm tra đánh giá định kì.

Chẳng hạn, học sinh học bộ sách Cánh Diều có thể được kiểm tra bằng các ngữ liệu của các bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống hay Chân trời sáng tạo nếu những ngữ liệu này không trùng với ngữ liệu trong sách giáo khoa bộ Cánh diều và học sinh chưa được học.

Như vậy, giáo viên sẽ có được ngữ liệu tương đương về thể loại/ loại văn bản so với đoạn trích/văn bản mà học sinh của mình đã được học. (Lưu ý các văn bản giữa các bộ sách trùng nhau rất nhiều, có thể khác lớp học, giáo viên nên xem kĩ trước khi lựa chọn)

Hiện nay, có 03 bộ sách giáo khoa Ngữ văn đang được triển khai dạy học ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Mỗi trường/ cơ sở giáo dục chỉ học 01 bộ sách, nên khi kiểm tra đánh giá định kì, giáo viên chỉ cần tránh sử dụng lại những ngữ liệu bản đã học trên lớp.

Cách làm này vẫn bảo đảm tính khách quan lại vừa thuận lợi cho việc khai thác nguồn ngữ liệu. Bởi lẽ, các bộ sách hiện hành đã có sự chọn lựa khá kĩ về các ngữ liệu cho dạy học các thể loại văn bản.

Những đoạn ngữ liệu này cũng đã được thông qua bởi Hội đồng thẩm định Quốc gia khi thẩm định từng bộ sách. Có thể coi đó là những ngữ liệu tiêu biểu cho các thể loại văn bản mà học sinh đã/cần được học.

Mặt khác, việc lựa chọn một ngữ liệu phù hợp đối với phần đông các giáo viên hiện nay là điều không dễ dàng. Do đó, tận dụng ngữ liệu từ các bộ sách khác là phương án khả thi và mang tính hiệu quả cao.

Ngữ liệu ngoài các bộ sách giáo khoa: sử dụng ngữ liệu mới trong kiểm tra đánh giá luôn luôn là điều cần thiết và cũng là điều khó khăn đối với mỗi giáo viên.

Để lựa chọn được ngữ liệu mới, cần phân biệt sự khác nhau giữa các thể loại văn bản trong cùng loại hình (ví dụ cùng là tác phẩm tự sự nhưng truyện ngắn khác tiểu thuyết, tiểu thuyết hiện đại khác với tiểu thuyết chương hồi cổ điển) để bảo đảm chọn được những ngữ liệu có giá trị; giúp xây dựng được hệ thống câu hỏi có sự phân hóa, hướng vào đánh giá mức độ hoàn thành yêu cầu cần đạt của Chương trình.

Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 nên lựa chọn Ngữ liệu ngoài các bộ sách giáo khoa để kiểm tra định kì nhằm giúp học sinh làm quen để thi Tuyển sinh vào lớp 10 và thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Với gợi và hướng dẫn như thế này, chỉ có lớp 9 và lớp 12 được gợi ý là “nên” sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (cả 3 bộ sách). Các lớp còn lại có thể lấy ngữ liệu ở 2 bộ sách khác với bộ sách mà nhà trường đang dạy.

Băn khoăn về việc cho phép lấy ngữ liệu từ các bộ sách khác?

Thực tế cho thấy, việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa là một thách thức không nhỏ với nhiều giáo viên Ngữ văn bởi không dễ để tìm được những ngữ liệu trùng hợp về thể loại, nội dung của chủ đề mà học sinh đã được học trong sách giáo khoa.

Tuy nhiên, với hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT- GDTrH, giáo viên đã được hướng dẫn và họ đã đang thực hiện hơn 2 năm học vừa qua là lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa và họ đã bắt đầu quen với hình thức này.

Việc Bộ tập huấn và có những Sở đã chỉ đạo cho phép lấy ngữ liệu ở 2 bộ sách giáo khoa còn lại e rằng chưa thực sự đúng với hướng dẫn với Công văn số 3175/BGDĐT- GDTrH vì mục đích hướng dẫn này là nhằm “khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Nếu cho phép lấy ngữ liệu ở 2 bộ sách khác, miễn là ngữ liệu đó, học sinh chưa được học ở bộ sách còn lại thì vẫn là cách học thuộc và sao chép tài liệu có sẵn. Bởi, tài liệu cho từng bộ sách có rất nhiều.

Một lo lắng nữa là với định hướng mới này, vô hình trung học sinh phải học nhiều bộ sách. Học bộ này nhưng ngữ liệu nội dung kiểm tra là ở bộ sách khác. Vô tình, tạo điều kiện tốt cho giáo viên dạy thêm.

Điều đáng băn khoăn nhất là những nội dung định hướng trong tập huấn cũng chỉ dừng lại ở “chỉ đạo miệng” của báo cáo viên và hướng dẫn nội bộ đối với bộ môn Ngữ văn. Công văn số 3175/BGDĐT- GDTrH đang còn nguyên hiệu lực.

Đặc biệt, thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đã bàn rất nhiều về ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những chia sẻ của thầy Đỗ Ngọc Thống- Tổng Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn (Chương trình 2018) khi chia sẻ: “Giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học trên cơ sở bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Việc đánh giá kết quả học tập định kì (cuối kì, cuối năm, cuối cấp) không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá” [1].

Mới đây, cũng thầy Đỗ Ngọc Thống tiếp tục chia sẻ với báo chí: “Đề thi hoàn toàn dựa vào ngữ liệu mới, do đó chỉ có thể dạy cách đọc hiểu, viết các kiểu văn bản để khi làm bài thi, các em không lúng túng trước yêu cầu đọc hiểu và viết với ngữ liệu mới. Dạy cho học sinh cách thức (cách đọc, cách viết...) chính là cung cấp cho các em chiếc cần câu và cách câu cá chứ không phải cung cấp cá có sẵn” [2].

Từ những hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT- GDTrH và những chia sẻ của thầy Tổng Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn (Chương trình 2018) rõ ràng ngữ liệu để kiểm tra, thi môn Ngữ văn là ngoài sách giáo khoa (cả 3 bộ sách) chứ không phải là dạy bộ sách này có thể lấy ngữ liệu cùng thể loại của bộ sách khác để ra đề kiểm tra, đề thi cho học sinh.

Vì thế, giáo viên Ngữ văn rất mong muốn bộ phận chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo có những chỉ đạo rõ ràng bằng văn bản để giáo viên có cơ sở thực hiện. Bởi lẽ, chỉ việc lựa chọn ngữ liệu cho việc ra đề kiểm tra, đề thi đang xuất hiện những mâu thuẫn trong quá trình thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://danviet.vn/de-thi-mon-van-chuong-trinh-gdpt-2018-tram-hoa-dua-no-khien-giao-vien-hoc-sinh-do-khoc-do-cuoi-20240109064201391.htm

[2]https://danviet.vn/ra-de-khi-khong-dung-ngu-lieu-trong-sach-giao-khoa-go-kho-cho-giao-vien-20240812164838412.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG