Một số lưu ý về xây dựng ma trận và bản đặc tả kiểm tra định kì môn Ngữ văn

04/11/2024 08:52
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc xây dựng ma trận và bản đặc tả kiểm tra định kì môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông cần tuân theo quy trình chặt chẽ.

Vừa qua, giáo viên cốt cán bậc trung học cơ sở, trung học phông đã được tập huấn về việc xây dựng đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) môn Ngữ văn theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Người viết là giáo viên Ngữ văn xin được tóm tắt một số nội dung chính liên quan đến việc xây dựng ma trận và bản đặc tả kiểm tra định kì môn Ngữ văn chia sẻ cùng thầy cô.

v.png
Ảnh minh hoạ.

Cấu trúc và yêu cầu của đề kiểm tra định kì

Theo định hướng của Chương trình, đề kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và hình thức tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá năng lực đọc hiểu và tạo lập văn bản theo từng kiểu bài đã được học; có thể sử dụng hình thức kiểm tra vấn đáp (để đánh giá nói và nghe) nếu thấy cần thiết và có điều kiện.

Mô hình đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn gồm hai phần Đọc hiểu và Viết: Tỉ lệ điểm dự kiến cho các phần Đọc hiểu – Viết: 60/40, 50/50 hoặc 40/60 (tuỳ vào mục đích kiểm tra hoặc độ khó/phức tạp của văn bản đọc và yêu cầu viết).

Nếu mục đích kiểm tra của giáo viên trong thời điểm đó chú trọng vào kĩ năng đọc hiểu của học sinh thì phần đọc có thể thiết kế với các câu hỏi có tổng điểm là 6/10.

Ngược lại, nếu giáo viên muốn kiểm tra trọng tâm vào phần viết của học sinh thì tổng điểm của phần đọc hiểu có thể giảm xuống và tăng điểm viết thành 6/10 điểm...

Nếu văn bản có thể dễ dàng giải mã thì điểm cho phần đọc có thể giảm xuống 5/10 điểm. Nếu văn bản khó/ phức tạp do học sinh có thể vấp nhiều mã trong quá trình đọc thì điểm cho phần đọc có thể tăng lên 6/10 điểm.

Số lượng câu hỏi đọc hiểu: khoảng 5 - 6 câu (với đề tự luận); có thể thay đổi linh hoạt tùy theo dạng câu hỏi sử dụng (tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan), trong đó, tích hợp đánh giá kiến thức tiếng Việt trong Đọc hiểu.

Có thể thiết kế đề kiểm tra định kì bằng dự án học tập. Nếu áp dụng hình thức này, cần có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện. Các tiêu chí đánh giá dự án học tập cần đáp ứng mục
tiêu của môn học, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Xây dựng ma trận

Ma trận đề kiểm tra là bản thiết kế đề kiểm tra, chứa đựng những thông tin về cấu trúc cơ bản của đề kiểm tra, như: thời lượng, số câu hỏi, dạng thức câu hỏi; lĩnh vực kiến thức, cấp độ năng lực của từng câu hỏi, thuộc tính các câu hỏi ở từng vị trí.

Với năng lực đọc, cần liệt kê tên các thể loại, loại văn bản cần đánh giá; viết các yêu cầu cần đạt (theo Chương trình) đối với mỗi cấp độ tư duy.

Với năng lực viết, cần liệt kê các kiểu bài mà học sinh đã học (kể chuyện, thuyết minh, nghị luận); phân phối tỉ lệ % điểm cho mỗi phần (đọc, viết...); tính số điểm cho mỗi phần tương ứng với tỉ lệ
%; quyết định số lượng câu hỏi cho mỗi yêu cầu cần đạt tương ứng và điểm tương ứng; tính tổng số điểm và tổng số câu hỏi cho mỗi cột và kiểm tra tỉ lệ % tổng số điểm phân phối cho mỗi cột.

Ví dụ, với lớp 10, có thể lựa chọn một trong hai khung ma trận kiểm tra đánh giá định kì như sau:

Khung ma trận đề kiểm tra định kì lớp 10 kết hợp trắc nghiệm và tự luận:

KH1.jpg
KH2.jpg

Khung ma trận đề tự luận lớp 10:

TL1.jpg
TL2.jpg

Xây dựng bản đặc tả

Để xây dựng bản đặc tả môn Ngữ văn, cần dựa trên yêu cầu cần đạt của Chương trình phân thành các chỉ báo cụ thể.

Ví dụ, với lớp 11, có thể xây dựng khung đặc tả như sau:

DT0.jpg
ĐT2.jpg
ĐT3.jpg
V1.jpg
V2.jpg
V3.jpg
V4.jpg

Đề minh hoạ lớp 12

1.jpg
2.jpg

Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1.
Đề tài của văn bản trên là gì?

Câu 2. Những chi tiết nào trong văn bản cho thấy sự dữ dội của thiên nhiên?

Câu 3. Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn: “Cái khác ấy là con xuồng thả xuống hệt như chiếc lá dềnh lên trụt xuống khủng khiếp, khác hẳn những lần chúng tôi cập xuồng vào đảo” là gì?

Câu 4. Những chi tiết miêu tả sự hi sinh của các cán bộ, chiến sĩ có ý nghĩa như thế nào đối với bài phóng sự

Câu 5. Những lời bình luận ngoại đề về sự hi sinh của các chiến sĩ nhà giàn trong văn bản trên thể hiện thái độ gì của tác giả?

Câu 6. Văn bản phóng sự trên đã khơi gợi trong anh/chị suy nghĩ gì về vẻ đẹp của sự cống hiến thầm lặng? (Trình bày bằng 01 đoạn văn khoảng 5-6 dòng)

II. PHẦN VIẾT (5,0 điểm)

Anh/chị hãy viết một lá thư (khoảng 600 chữ) gửi tới các bạn học sinh trong trường để thuyết phục các bạn thành lập câu lạc bộ “Việc tử tế” để giúp đỡ những số phận không may mắn trong nhà trường, tại địa phương và đề xuất phương án hoạt động của câu lạc bộ.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Đề tài: biển đảo.

Câu 2. Những chi tiết diễn tả sự dữ dội của thiên nhiên trong văn bản:

+ Cơn sóng dữ dội trên biển: Khoảng biển giữa con tàu chúng tôi tới cái chòi tít mù kia sáng nay tự dưng sóng dồi lắc một cách dữ dằn; Biển vẫn làm trò tung hứng chiếc xuống như một thứ đồ chơi mỏng manh.

+ Những trận bão lớn đã khiến mười bốn cán bộ chiến sĩ nhà giàn hi sinh.

Câu 3. Phép so sánh: con xuồng được thả xuống biển với chiếc lá dềnh lên trụt xuống khủng khiếp.

Tác dụng:

- Gợi liên tưởng về sức nước dữ dội và sự nguy hiểm của biển khơi.

- Diễn tả cảm giác bất ngờ của tác giả trước một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ khi đối diện với sự hung bạo của biển khơi. - Gia tăng sức gợi hình và gợi cảm cho câu văn.

Câu 4. Ý nghĩa của những chi tiết miêu tả sự hi sinh của các cán bộ, chiến sĩ:

- Tái hiện cuộc sống và chiến đấu gian lao, vất vả, hiểm nguy của các chiến sĩ giữa biển khơi một cách cụ thể, xác thực. Từ đó, đảm bảo tính phi hư cấu của văn bản phóng sự.

- Khơi gợi cảm xúc biết ơn, ngưỡng mộ, niềm xúc động của người đọc trước sự hi sinh quả cảm của những người anh hùng thời bình.

Câu 5. - Lời bình luận ngoại đề của tác giả về sự hi sinh của các chiến sĩ nhà giàn: Giai điệu bài Hồn tử sĩ bất ngờ cất lên trầm buồn. Lạ làm sao thời khắc này biển đang cồn cào thế chợt lặng... Tôi để ý thấy vòng hoa không xoáy chồm lên cuốn ra xa mà dập dềnh theo tàu hồi lâu.

- Lời bình luận thể hiện nỗi xót xa và lòng cảm phục của tác giả trước sự hi sinh của những chiến sĩ nhà giàn; đồng thời gia tăng giá trị biểu cảm cho bài phóng sự.

Câu 6. Gợi ý:

- Sự cống hiến thầm lặng là lí tưởng sống cao đẹp, tự nguyện hi sinh lợi ích cá nhân, đóng góp công sức và giá trị của bản thân vì lợi ích chung của cộng đồng mà không cần đến sự tán dương, khen thưởng.

- Sự cống hiến thầm lặng đem lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng, góp phần làm nên sức mạnh của cộng đồng trước những thử thách của thời đại; lan tỏa nguồn cảm hứng sống đẹp, sống có ích tới những người xung quanh.

II. VIẾT

* Giới thiệu người nhận thư, mục đích viết thư

* Triển khai vấn đề nghị luận:

- Nêu ý nghĩa của việc thành lập câu lạc bộ “Việc tử tế”:

+ Xây dựng một hoạt động xã hội thiết thực, giàu giá trị nhân văn đối với các bạn học sinh.

+ Hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa lẽ sống tương thân tương ái…

- Đưa ra phương án hoạt động của câu lạc bộ:

+ Các dự án trong tương lai của câu lạc bộ.

+ Phân chia nhân sự trong câu lạc bộ tương ứng với các hoạt động cụ thể của câu lạc bộ…

+ Nhờ sự hỗ trợ của nhà trường, các thầy cô giáo…

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên