Lùi công bố kết quả xét tuyển sớm là hợp lý vì biết đã đỗ ĐH ít em muốn học nữa

15/11/2024 07:19
Diệp Anh

GDVN - Theo lãnh đạo các trường phổ thông việc công bố kết quả xét tuyển sớm trước khi năm học kết thúc có thể gây tác động tiêu cực tới quá trình ôn tập của học sinh.

Những năm gần đây, việc nở rộ kỳ thi riêng của các cơ sở giáo dục đại học cũng như có thêm nhiều hình thức xét tuyển sớm giúp học sinh có thêm cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, việc các trường đại học công bố kết quả xét tuyển sớm trước thời điểm kết thúc năm học vô tình gây ảnh hưởng đến công tác ôn tập của các trường trung học phổ thông. Nhiều thí sinh sau khi biết kết quả xét tuyển sớm không còn chú tâm học hành, ảnh hưởng đến các học sinh khác.

Từ thực tế này, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các trường đại học không công bố kết quả xét tuyển sớm trước ngày 31/5. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhiều trường trung học phổ thông trên cả nước.

Hạn chế của việc công bố kết quả xét tuyển sớm trước khi kết thúc năm học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Huy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ cho hay, đề xuất lùi thời điểm công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm là phù hợp với tình hình thực tế.

“Các em học sinh khi đã yêu thích ngành học nào thì sẽ ưu tiên chọn trường có ngành học đó. Vì thế, các trường đại học vẫn sẽ tuyển được đủ chỉ tiêu tuyển sinh dù công bố kết quả xét tuyển sớm sau 31/5. Việc lùi thời gian công bố kết quả xét tuyển sớm sẽ giúp học sinh ổn định tâm lý, tập trung hơn vào việc ôn tập. Qua đó phản ánh chính xác hơn về chất lượng dạy học của các trường phổ thông”, thầy Huy chia sẻ.

GDVN_TH.JPG
Thầy Trần Huy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Thi Thi)

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành 1, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết thầy rất ủng hộ đề xuất lùi thời gian công bố kết quả xét tuyển sớm.

Thầy Thanh khẳng định: “Những năm qua, các trường đại học được tự chủ trong xây dựng phương án tuyển sinh và có nhiều hình thức xét tuyển. Điều đó, tạo ra nhiều cơ hội cho học sinh vào đại học. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, học sinh khi đã biết kết quả đỗ đại học trước khi thi tốt nghiệp thường có sự chủ quan, không còn chú tâm ôn tập, chuẩn bị kiến thức tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thậm chí có trường hợp xét tuyển sớm đỗ đại học nhưng sau này thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại trượt tốt nghiệp.

Việc đa dạng hóa các phương thức xét tuyển dù tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh nhưng khi các em biết kết quả sớm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tinh thần học tập, về phía nhà trường việc tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh cũng bị ảnh hưởng”.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành 1 đưa ra số liệu cụ thể, năm học 2022-2023, nhà trường đứng thứ 14/20 toàn quốc về tỷ lệ trường có trên 200 học sinh thi đánh giá năng lực và có kết quả cao. Thực tế là các em khi đã đỗ đại học sớm ít còn mong muốn trau dồi kiến thức. Đây chính là hạn chế của việc công bố kết quả xét tuyển sớm trước thời điểm kết thúc năm học.

Do đó, theo thầy Thanh, nếu có thể công bố kết quả xét tuyển sớm sau khi năm học kết thúc hoặc sau khi học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì sẽ không ảnh hưởng đến động lực học tập của học sinh. Bởi, thời điểm đó các em đã ôn thi xong, nếu biết kết quả xét tuyển sớm cũng không ảnh hưởng đến động lực học tập. Khi ấy, các em có thể yên tâm chuẩn bị cho các bước tiếp theo trong hành trình vào đại học.

unnamed (46).png
Thầy Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Thuận Thành 1, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: website nhà trường)

Trong khi đó, thầy Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát - Gia Lâm (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Thực chất nhiều em học sinh cũng có các mục tiêu khác nhau, có những học sinh vẫn có nguyện vọng đỗ vào các trường top đầu nên không chểnh mảng, vẫn ôn thi để có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông xét tuyển đại học.

Hơn nữa, hiện tại những trường top đầu hoặc những ngành “hot” gần như không sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ mà chủ yếu dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy. Để vượt qua các kỳ thi đó, đòi hỏi học sinh cũng phải nắm rất chắc kiến thức của nhiều môn học. Tuy nhiên, việc có quá nhiều kỳ thi riêng cũng dẫn tới học sinh áp lực hơn trong việc ôn tập.

Thầy Thuận chỉ ra, việc công bố kết quả xét tuyển sớm trước ngày 31/5 ảnh hưởng không nhỏ tới một bộ phận thí sinh.

“Bên cạnh ưu điểm là giúp các em học sinh có tâm lý thoải mái hơn, không bị áp lực trong việc ôn thi thì việc công bố kết quả xét tuyển sớm trước ngày 31/5 khiến một bộ phận học sinh chủ quan, biết chắc mình sẽ đỗ đại học nên coi nhẹ việc học ở giai đoạn cuối, không quyết tâm để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, thầy Thuận nhấn mạnh.

Cần nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Một vấn đề đáng chú ý hiện nay là các phương thức xét tuyển sớm đang dần chiếm tỷ lệ cao trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường đại học, dẫn đến sự giảm sút của chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điều này khiến cho không ít học sinh dù có điểm thi cao nhưng lại không đủ điểm vào các trường đại học mà mình yêu thích, gây mất công bằng trong giáo dục, nhất là với học sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc thi chứng chỉ quốc tế.

unnamed (47).png
Học sinh Trường trung học phổ thông Thuận Thành 1. (Ảnh: website nhà trường)

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành 1, giải pháp để đảm bảo công bằng đối với các em học sinh trong việc xét tuyển là có thể tích hợp cả điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển. Khi đó sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích cho học sinh, nhất là các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, thầy Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát - Gia Lâm cho rằng, bất kỳ hình thức xét tuyển nào cũng chỉ mang tính chất tương đối, không thể đảm bảo được sự công bằng cho tất cả các thí sinh.

“Đối với các hình thức xét tuyển sớm, nên phân loại tỷ lệ giữa các vùng miền để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Cùng với đó, các kỳ thi phải được tổ chức sao cho tất cả các thí sinh đều có cơ hội tham gia”, thầy Thuận nói thêm.

unnamed (48).png
Thầy Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Cao Bá Quát - Gia Lâm (Gia Lâm, Hà Nội). (Ảnh: website nhà trường)

Theo Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Cao Bá Quát - Gia Lâm, việc cần làm của các trường phổ thông hiện tại là phân loại được học sinh theo năng lực từ đó có những tư vấn, giải pháp phù hợp trong việc dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Bên cạnh đó, thầy Thuận cho hay, cần tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của việc nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tới cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động.

Đồng thời, giáo viên giảng dạy các môn thi tốt nghiệp cho học sinh ngoài năng lực chuyên môn vững vàng, phương pháp làm việc khoa học, tinh thần trách nhiệm cao, sự tâm huyết, lòng say mê với nghề nghiệp còn cần phải biết truyền ngọn lửa đam mê học tập cho các em học sinh.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Trần Huy, Hiệu trưởng của Trường trung học phổ thông Thanh Thủy đưa ra lời khuyên cho các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 rằng: "Các trường đại học đã được giao tự chủ trong hoạt động, công tác tuyển sinh, tỉ lệ xét tuyển cho các phương thức nằm ở đề án tuyển sinh của từng trường. Các em học sinh cần nghiên cứu kỹ đề án của trường, ưu tiên chọn ngành trước khi chọn trường.

Thời điểm hiện tại, các trường đại học ngày càng mở rộng các chuyên ngành, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập, việc đầu tư nhiều thời gian, công sức vào các phương thức xét tuyển khác nhau chưa chắc đã đem lại hiệu quả như mong muốn”.

z6032180530066_99011907998c0b4342fb069ed5adefd8.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Thanh Thuỷ. (Ảnh: Website nhà trường)

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 có nhiều sự thay đổi so với các năm trước. Đây là năm đầu tiên các thi sinh thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Theo thầy Trần Huy: “Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 trở đi dự báo sẽ đảm bảo chất lượng hơn, các trường đại học sẽ căn cứ vào đó để điều chỉnh tỉ lệ xét tuyển cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tuy nhiên, các trường đại học cũng phải đảm bảo chất lượng đào tạo, được minh chứng qua tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, nếu không sẽ không thu hút được học sinh hoặc không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh".

Diệp Anh