Theo chia sẻ của một số lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học có tổ chức kỳ thi riêng, mục đích của kỳ thi riêng là nhằm đánh giá năng lực, tư duy học sinh trung học phổ thông để cung cấp thông tin, dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trước việc “trăm hoa đua nở” kỳ thi riêng, nhiều chuyên gia giáo dục đại học bày tỏ lo ngại sẽ dẫn tới tiêu tốn sức người, sức của và thiếu công bằng cho những thí sinh ở xa các địa điểm tổ chức kỳ thi riêng.
Trong khi, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Càng nhiều kỳ thi riêng càng gây rối cho thí sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng khi “nở rộ” các kỳ thi riêng trong những năm gần đây.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, về mặt pháp luật, các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, cũng như tổ chức các kỳ thi riêng để lựa chọn thí sinh phù hợp với điều kiện đầu vào khi xét tuyển đại học. Tuy nhiên, trên thực tế không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng đủ khả năng để tổ chức kỳ thi riêng với nhiều đợt thi/năm.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Nghị quyết số 29 nêu rõ đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Trong khi đó, việc tổ chức kỳ thi riêng có phần gây tốn kém nguồn lực xã hội. Chính vì vậy, việc tổ chức các kỳ thi riêng không chỉ đi ngược với tinh thần Nghị quyết mà còn phần nào tạo thêm phiền hà, áp lực lên thí sinh, gia đình, xã hội.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến một số nội dung đặt ra đối với việc có nhiều kỳ thi riêng được tổ chức để sử dụng điểm xét tuyển đại học.
Thứ nhất, mỗi kỳ thi riêng được tổ chức bởi mỗi cơ sở giáo dục đại học khác nhau sẽ dẫn đến cấu trúc, cách thức ra đề hoặc phạm vi nội dung đề thi sẽ khác nhau (vì phụ thuộc vào mục đích tuyển sinh của cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi riêng).
Thứ hai, kỳ thi riêng cũng ít nhiều gây ra sự thiếu công bằng giữa các thí sinh.
“Do đặc điểm vùng miền nên về cơ bản kỳ thi riêng thường chỉ được tổ chức ở một số khu vực nhất định. Ví dụ, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có độ bao phủ các điểm thi ở khu vực Nam Trung Bộ; còn kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội thường thu hút được nhiều thí sinh tham dự từ tỉnh Thanh Hóa trở ra,...
Như vậy, nếu khoanh vùng phạm vi tổ chức kỳ thi riêng hiện nay, những thí sinh ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên gần như không có cơ hội tiếp cận ở mức độ gần với địa điểm tổ chức thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nếu muốn tham gia kỳ thi, các thí sinh tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên sẽ phải di chuyển khá xa, rất vất vả, tốn kém tiền, thời gian và công sức. Điều này cũng tạo ra thách thức lớn trong việc đảm bảo công bằng giữa các thí sinh có cơ hội tham gia và không tham gia thi”, Tiến sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.
Thứ ba, nội dung và phạm vi kiến thức đề thi của từng kỳ thi riêng do mỗi đơn vị tổ chức khác nhau sẽ rất khó cho cơ sở giáo dục đại học xác định căn cứ để quy đổi điểm, ví dụ, kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khác với kết quả thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
"Càng nhiều kỳ thi riêng càng gây rối cho thí sinh và các trường trong lựa chọn sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, tư duy của đơn vị tổ chức để xét tuyển đại học", Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định.
Nhiều kỳ thi riêng gây ra tốn kém cho xã hội
Chỉ ra một số hệ lụy khi có quá nhiều kỳ thi riêng được tổ chức, thu hút lượng lớn thí sinh dự thi trong những năm gần đây, theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, điểm hạn chế đầu tiên phải kể đến là lãng phí tiền của xã hội.
Đối với những cơ sở giáo dục đại học không tổ chức kỳ thi riêng nhưng có sử dụng điểm của kỳ thi riêng do trường khác tổ chức để xét tuyển đại học sẽ có sự lệ thuộc vào kết quả này, trong khi có quá nhiều kỳ thi riêng khiến cho việc xác định điểm chuẩn ở mức nào, chọn điểm thi đánh giá năng lực của trường nào để xét tuyển đại học cũng là một vấn đề lớn đối với các trường.
Ví dụ, trường A tổ chức một kỳ thi riêng, trường B tổ chức một kỳ thi riêng. Trường C sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của trường A và B để xét tuyển đại học nhưng trường C lựa chọn mức điểm chuẩn xét tuyển đối với sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của trường A khác với trường B. Như vậy, khi có quá nhiều kỳ thi riêng, liệu trường C có đủ sức để giải thích cho những người trong cuộc (cơ quan quản lý, thí sinh, phụ huynh) về việc vì sao lựa chọn mức điểm chuẩn đối với kỳ thi đánh giá năng lực của trường này lại khác mức điểm chuẩn đối với kỳ thi đánh giá năng lực của trường kia.
Bày tỏ sự lo ngại khi một số cơ sở giáo dục đại học dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, một chuyên gia giáo dục cho rằng, việc xét tuyển đại học nhằm chọn ra người đủ điều kiện theo học một chương trình đào tạo, ngành đào tạo cụ thể. Vài ba năm nữa có thể tạo ra một xu hướng là nhà nhà, vùng vùng tổ chức và tham gia kỳ thi riêng. Nhưng dần dần, xã hội sẽ nhận thấy những điều bất cập.
Theo vị này, nên đưa kỳ thi riêng vào ổn định, có chăng cả nước chỉ khoảng chừng 3-4 kỳ thi riêng và phải đảm bảo chất lượng.
"Bản thân cơ sở giáo dục đại học khi tổ chức kỳ thi riêng sẽ phải đầu tư rất nhiều như: thuê máy tính (đối với cơ sở không có đủ thiết bị), thuê địa điểm, đội ngũ nhân viên làm dịch vụ,... Do đó, chỉ có những cơ sở giáo dục đại học "tầm cỡ" mới có thể gánh vác được việc tổ chức kỳ thi riêng.
Việc tổ chức kỳ thi riêng cũng có sự điều tiết của thị trường. Điều này thể hiện ở việc trong khi có quá nhiều kỳ thi riêng, nếu số lượng thí sinh tham dự giảm đi thì cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng cũng sẽ “chết chìm” khi phải chi trả các khoản tiền thuê địa điểm, thiết bị máy tính. Do đó, thị trường sẽ tự động điều tiết thông qua việc các cơ sở giáo dục đại học phải phối hợp với nhau để cùng tổ chức một kỳ thi riêng đảm bảo chất lượng tốt nhất thay vì làm xuất hiện trào lưu “trăm hoa đua nở” kỳ thi riêng như hiện nay", vị chuyên gia giáo dục chia sẻ.
Cùng nêu quan điểm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, để kỳ thi riêng đảm bảo chất lượng thì cần phải chứng minh được cơ sở giáo dục đó có đủ khả năng tổ chức hay không. Chất lượng này thể hiện ở việc có đội ngũ chuyên gia đủ “tầm” - đủ kiến thức am hiểu về đo lường, đánh giá trong lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện vai trò quản lý trong việc các cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng, nghĩa là cần phải thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá năng lực của cơ sở giáo dục đại học khi tổ chức kỳ thi riêng.
Chia sẻ thêm về việc chưa thể dừng tổ chức kỳ thi riêng, theo vị chuyên gia, các đơn vị tổ chức kỳ thi riêng cần lưu ý về thời điểm công bố kết quả thi để tránh việc làm cho những học sinh lớp 12 vì đạt điểm cao trong kỳ thi riêng mà dẫn tới chủ quan, chểnh mảng trong học tập khi chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Mặt khác, ghi nhận từ cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thạc sĩ Dương Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa cho biết, thực tế những năm gần đây, học sinh lớp 12 của nhà trường không chỉ tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn chủ động tham gia các đợt thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức.
Theo cô Hà, không thể phủ nhận việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy giúp thí sinh có thêm cơ hội chạm tay đến ngưỡng cửa đại học nhưng cách thức thực hiện kỳ thi riêng như tổ chức nhiều đợt thi/năm, tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp, công bố kết quả thi đánh giá năng lực trước khi thí sinh hoàn thành chương trình lớp 12 đang khiến trường phổ thông gặp khó trong hoàn thành kết quả năm học.
"Thực tế những năm gần đây, kỳ thi riêng được tổ chức, học sinh lớp 12 của nhà trường cũng tất tưởi ôn luyện để chủ động tham gia thi với mong muốn có thêm cơ hội trúng tuyển đại học thay vì chỉ sử dụng điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển vào các trường. Trong đó, có nhiều học sinh đạt điểm tốt qua các đợt thi đánh giá năng lực và chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp là các em có thể trúng tuyển vào trường đại học có sử dụng điểm thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.
Các đợt thi đánh giá năng lực thường được tổ chức trước khi trường phổ thông kết thúc chương trình lớp 12. Do đó, bên cạnh những học sinh có ý thức học tập nghiêm túc thì hầu hết các em học sinh khi biết điểm thi đánh giá năng lực và chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp là có thể đỗ đại học đều sinh ra chủ quan, ý thức hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông không tốt, làm ảnh hưởng đến những học sinh khác trong lớp, cũng như ảnh hưởng chung đến kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường", cô Hà bày tỏ.
Cô Hà cho rằng, cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng nên công bố điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy sau khi trường phổ thông hoàn thành chương trình lớp 12.
"Tôi cho rằng, không nên công bố kết quả của kỳ riêng sớm như những năm gần đây vì có thể gây ra sự thiếu tập trung cho học sinh trong việc hoàn thành kết quả chương trình giáo dục phổ thông. Vì lợi ích chung của học sinh và nhà trường, thiết nghĩ, kết quả của kỳ thi riêng cần được công bố sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông", Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.