Người thầy truyền cảm hứng sống đẹp cho tôi

20/11/2024 06:42
Bài và ảnh: Trần Văn Tâm

GDVN - Làm việc với thầy, tôi càng kính trọng thầy hơn nữa bởi cách làm việc với tinh thần nhẹ nhàng, thoải mái, cách hướng dẫn thật đơn giản...

Năm 2021, sau hơn 20 năm tốt nghiệp đại học sư phạm, tôi quyết định trở lại giảng đường đại học với mục đích cập nhật kiến thức phục vụ cho công tác chuyên môn.

Cảm giác nôn nao chờ đợi được sống lại thời sinh viên ngồi trên giảng đường nghe thầy giảng thật thú vị như cảm giác ngày đầu tiên đặt chân xuống thành phố mang tên Bác để nhập học.

Nhưng đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát dữ dội, theo chủ trương chung, nhà trường chuyển từ hình thức dạy trực tiếp sang hình thức trực tuyến.

Một cảm giác phấn khích ùa về, bởi vì lần đầu tiên được làm quen phần mềm Teams cùng cách học trên hệ thống Teams. Vừa lo với công nghệ thông tin vừa thú vị với cách học chưa bao giờ học nhưng vẫn nhớ hình ảnh giảng đường, hàng ghế đá, khuôn viên trường đại học biết bao.

Dịch bệnh ngày càng khó dự đoán, nguy hiểm chờ chực càng nhiều. Một học phần. Hai học phần. Ba học phần. Rồi cách học online đã thành quen với tôi và mọi người. Ngày ngày, được ngồi vào bàn với cái lap-top là một niềm vui, tôi được nhìn thấy thầy cô và các bạn khắp mọi nơi, được trao đổi, được kết bạn giao lưu với bạn bè.

Chính đại dịch đã để lại cho tôi nhiều chiêm nghiệm, nhận ra giá trị của tình người trong cuộc sống vô thường, giá trị của sức khỏe mà cuộc sống bộn bề lo toan khiến ta sao nhãng, coi thường. Tôi bỗng thấy trân quý nhiều hơn những gì ta đang có.

Nhân dân ta có câu “Tôn sư trọng đạo” khẳng định vị thế cao quý của nghề giáo, vị trí của người thầy trong xã hội. Đạo lý đẹp đẽ đầy tính nhân văn, đề cao việc học ấy đã được gìn giữ và mài giũa ngày càng thêm sáng ngời theo thời gian, tỏa sáng trong bất kỳ thời đại nào. Một mùa lễ nữa sắp tới, tôi nhớ về người thầy đáng kính trong khóa cao học vừa qua. Thầy là Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền, giảng viên của khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn.

HÌNH THẦY HIỀN 01.jpg
Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền, Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn.

Học phần thầy dạy cho lớp tôi là “Thi pháp học”, đúng với chuyên ngành thầy nghiên cứu, bảo vệ luận án tiến sĩ: “Thi pháp tiểu thuyết sử thi Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975”. Sức nặng trong tiết dạy của thầy được đo bằng tấm lòng của một nhà giáo.

Cơ duyên thì không nói trước được. Đang lúc tôi không biết sẽ nhờ thầy cô nào hướng dẫn viết luận văn, bất chợt tôi nghĩ tới thầy. Thật bất ngờ, thầy đã nhận lời ngay dù trước đó tôi đã nghe có một bạn nói thầy từ chối hướng dẫn bạn ấy.

Chúng tôi được thầy gợi ý cách chọn đề tài, cách viết luận văn. Làm việc với thầy, tôi càng kính trọng thầy hơn nữa bởi cái cách làm việc với tinh thần nhẹ nhàng, thoải mái, cách hướng dẫn thật đơn giản khiến cả bọn chúng tôi nhẹ nhõm trong lòng.

Chúng tôi chỉ gặp thầy có hai lần trong suốt thời gian viết luận văn, còn lại chủ yếu làm việc qua điện thoại, email và zalo. Thầy không muốn chúng tôi đi lại nhiều về Thành phố Hồ Chí Minh vì đường sá xa xôi, mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc.

HÌNH THẦY PHẠM NGỌC HIỀN 4.jpg
Thầy Phạm Ngọc Hiền (đứng thứ bảy từ trái qua).

Thầy là tấm gương học tập cho tôi noi theo. Trước khi trở thành thầy giáo trường trung học phổ thông, thầy đã trải qua nhiều công việc tại quê nhà Phú Yên: làm nông, thợ máy, thợ mộc, nghề vẽ, buôn bán.

Đến năm 2007, thầy vào Thành phố Hồ Chí Minh dạy ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Văn Hiến để thử thách mình ở môi trường giáo dục mới mẻ.

Năm 2011, thầy chuyển sang công tác ở Trường Đại học Sài Gòn cho đến nay. Chất quê, hồn quê luôn canh cánh trong lòng người con miền viễn xứ nên khi vào Sài Gòn, thầy chọn chỗ trọ gần ngã tư Bình Triệu và sông Sài Gòn – “một nơi mà theo tôi là khá lý tưởng vì yên bình và thơ mộng, ban mai chim hót líu lo, buổi trưa gà gáy inh ỏi, tối đến ếch nhái kêu điếc tai”, thầy nói.

Sau này, thầy mua được một căn hộ trên tầng 7 của một chung cư ở quận Bình Tân. Thầy nói thầy chọn ở trên cao để được ngắm bao quát khung cảnh thành phố, được hít thở không khí trong lành và đặc biệt vào thời điểm đó, ở đây còn mang hơi thở, nhịp sống miền quê.

HÌNH THẦY HIỀN 02.jpg
Thầy Hiền là tấm gương cho học trò noi theo.

Chính vùng đất miền Trung đầy nắng gió, núi non trùng điệp, “đất cày lên sỏi đá” đã hun đúc nên tính cách của con người nơi đây chịu thương chịu khó trong lao động, miệt mài trong học tập để xây dựng tương lai. Thầy tôi cũng trong số ấy. Được học thầy là một sự may mắn với tôi, bởi ở thầy tôi nhận thấy một nhân cách cao lớn. Những câu nói của thầy làm tôi thấm thía, suy ngẫm.

“Mặc dù biết đời phức tạp nhưng ta hãy nên nhìn nó bằng cặp mắt trìu mến”, câu nói đã đã truyền cảm hứng cho tôi về thái độ sống của một người từng trải như thầy. Mỗi lần gặp chuyện, tôi tự nhủ hãy yêu cuộc đời này, hãy nhìn nó bằng ánh mắt trìu mến, chan chứa tình thương yêu thì nó sẽ cho ta sự bình yên.

Tôi cũng còn nhớ lời dạy của thầy về nghề giáo để tự nhắc nhở mình: “Muốn đánh giá sự nghiệp của người thầy, không nên căn cứ vào tài sản, chức vụ, bằng cấp... mà nên căn cứ vào việc có bao nhiêu học trò cũ vẫn còn nhớ đến người thầy đó”.

Thời gian cứ chạy đi vù vù mà không hề biết mệt mỏi, kéo theo biết bao cái muốn giữ mà không giữ được. Tôi cũng đã hoàn thành luận văn và tốt nghiệp với loại ưu. Dù không còn được học thầy nhưng bài học về nhân cách sống đối với mọi người và thế giới xung quanh, thái độ với công việc, cách nghiên cứu khoa học của thầy vẫn đồng hành mãi với tôi.

Bây giờ nhớ lại, vẫn muốn đi học, vẫn muốn nghe thầy giảng, giảng từ nội dung kiến thức đến cách sống, cách ứng xử với đời, với nghề.

Tri thức là vô biên, vậy nên ta phải “học, học nữa, học mãi” để không trở thành một vị khách lạc lõng trong thời đại chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhân cách là giá trị cốt lõi của con người trong bất kỳ thời đại nào. Có tri thức thì sẽ có nhân cách, tri thức góp phần định hình nên nhân cách. Có nhân cách, ta sẽ biết yêu cuộc sống này hơn, trân quý những điều mình đang có và chắp bút viết tiếp câu chuyện truyền cảm hứng đến những người xung quanh.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chào đón bài tham gia Cuộc thi viết "Sống Đẹp" từ học sinh, giáo viên và quý độc giả trên cả nước.

Nội dung bài viết tôn vinh những câu chuyện tử tế, người tốt - việc tốt trong nhà trường, xã hội nhằm nhân lên lối sống đẹp, văn minh, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là ở thế hệ trẻ;

Lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Chỉ rõ, phê phán những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn chưa đẹp trong nhà trường, xã hội;

Phát hiện, đề xuất các giải pháp, cách làm hay để giáo dục học sinh, lan tỏa góp phần xây dựng con người Việt Nam đủ năng lực, phẩm chất sẵn sàng đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Về hình thức trình bày, tác phẩm dự thi là bài phản ánh (độ dài từ 600 từ - 1500 từ, được đánh máy cỡ chữ 14, font chữ Times New Roman kèm ảnh minh họa), phóng sự ảnh, video...

Bài viết gửi kèm các thông tin bắt buộc bao gồm: họ và tên, nơi công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại của tác giả; thông tin về nhân vật trong tác phẩm.

Thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 31/05/2025. Mỗi tác giả tham gia cuộc thi được gửi tham gia tối đa 5 tác phẩm.

Tác phẩm dự thi gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Bài và ảnh: Trần Văn Tâm