Cực khó để xác định giáo viên có ép buộc học sinh học thêm hay không?

21/11/2024 08:40
Bùi Nam

GDVN - Ngành giáo dục nên chủ động nghiên cứu tìm giải pháp để giảm học thêm, giảm chi phí, gánh nặng tài chính, lo cho các em trong độ tuổi ăn học.

Trưa 20/11, sau khi lắng nghe 37 ý kiến và hai tranh luận, góp ý xây dựng dự thảo luật Nhà giáo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

Vấn đề dạy thêm luôn nhận được quan tâm lớn từ nhân dân và nhận nhiều ý kiến trái chiều.

GDVN_dạy thêm.png
Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm o ép, ép buộc học thêm

Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Chamaléa Thị Thủy và Đỗ Huy Khánh về việc "yêu cầu nhóm yếu học thêm" và có chính sách đáp ứng nhu cầu được học thêm của học sinh, phụ huynh, ông Sơn cho biết "Bộ chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, nguyên tắc chuyên môn, ví dụ như ép buộc học sinh". [1]

Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý vì dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và học sinh.

Bên cạnh đó, cũng không nên cấm tiệt mà nên có giải pháp để giáo viên dạy không o ép, ép buộc hay giảm gánh nặng tài chính vì kinh phí học thêm khá lớn như hiện nay.

Tuy nhiên, để quản lý việc không o ép, ép buộc học sinh học thêm hiện nay rất khó, giáo viên sẽ có rất nhiều cách kêu gọi học sinh học thêm mà không bị xử lý vì o ép hay ép buộc.

Giáo viên dạy học sinh chính khóa chỉ cần vài câu, chỉ cần cho nhiều điểm thấp, chỉ cần không quan tâm đến học sinh trên lớp,…là sẽ có học sinh học thêm rất nhiều mà không có cơ quan chức năng nào có cơ sở để xử lý giáo viên đó ép buộc học sinh học thêm.

Giáo viên hiện nay rất “tinh vi”, muốn học sinh học thêm thì có đủ mọi cách để “đàng hoàng” dạy thêm mà không bị coi là ép buộc, hiện nay có rất nhiều giáo viên dùng cách này để dạy thêm mà không bị xử lý.

Đừng mong giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa bằng cái tâm trong sáng, đối xử công bằng bình đẳng với học sinh học thêm và không học thêm.

Suốt quãng thời gian dài giảng dạy, chứng kiến hàng loạt bất cập dạy thêm, là một giáo viên phổ thông - tôi chưa từng thấy 1 giáo viên nào dạy thêm học sinh chính khóa mà đối xử công bằng học sinh học thêm và học sinh không học thêm.

Một khi đã nhận tiền từ học sinh thì không thể có chuyện đối xử công bằng với đối tượng khác, khi đã nhận tiền thì phải muốn có thêm nhiều tiền hơn và gần như bắt buộc phải có cách, không ai tránh khỏi.

Do đó, rất khó để xác định việc giáo viên có ép buộc học sinh học thêm hay không nếu vẫn còn cho phép dạy học sinh chính khóa.

Đối tượng và thời gian dạy thêm nên được làm rõ

Với nhiều quy định như hiện nay tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm như cấm dạy thêm học sinh học 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học, không dạy trước chương trình,…nhưng việc dạy thêm vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Giáo viên biết vi phạm nhưng vẫn cố tình dạy thêm vì nguồn lợi quá lớn từ dạy thêm, dẫn đến bức xúc lớn trong phụ huynh, học sinh.

Nhu cầu học sinh học thêm là có thật nhưng học sinh muốn học với người dạy mình tốt hơn, công tâm hơn và không nên để giáo viên dạy chính khóa dạy học thêm vì quá nhiều bất cập.

Người viết cho rằng đối tượng được dạy thêm không nên là giáo viên dạy tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc giáo viên dạy chính khóa.

Về thời gian để giáo viên dạy thêm, cũng trong sáng 20/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có báo cáo về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ về dự Luật.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian thực tế lên lớp của nhà giáo ít hơn thời giờ làm việc của công chức, viên chức. Do vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá đầy đủ về tương quan giữa thời gian làm việc và thu nhập của hai nhóm này.

Về việc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc quy định số tiết giảng dạy/tuần đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được tính toán trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, chương trình giáo dục, các nhiệm vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm gắn với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Theo đó, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo bao gồm hoạt động chuẩn bị và tổ chức giảng dạy, giáo dục, đánh giá đối với người học; hoạt động học tập, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; phục vụ cộng đồng và các hoạt động khác. Hoạt động nghề nghiệp được thể hiện thành chế độ làm việc của nhà giáo và được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trên năm hoặc trên tuần theo từng cấp học, trình độ đào tạo bảo đảm quy định tuần làm việc 40 giờ theo Bộ luật Lao động.[2]

Có thể hiểu là thời gian làm việc giảng dạy và các công việc khác được quy đổi, giáo viên cũng không ngoại lệ, được tính 40 giờ/tuần.

Như vậy, việc giáo viên dạy thêm thời gian này cũng cần được làm rõ, vì hiện nay giáo viên sáng dạy tại trường, chiều lấy giờ hành chính để dạy thêm thu tiền, điều này có vẻ không phù hợp các quy định hiện hành.

Giáo viên không thể có “đặc quyền” dùng giờ hành chính để dạy thêm thu tiền, dự thảo Luật Nhà giáo và quy định về dạy thêm học thêm sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này.

Tiến tới giáo viên công lập dạy thêm không thu tiền được không?

Người viết là giáo viên vô cùng tâm đắc với bài viết “Tổng Bí thư: Tiến tới, Nhà nước phải nuôi các cháu trong độ tuổi đi học” trên báo Vietnamnet ngày 9/11.

Sáng 9/11, phát biểu tại tổ Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dành thời gian đề cập những vấn đề trong dự án Luật Nhà giáo.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, giáo dục đào tạo có ý nghĩa chiến lược trong công tác cán bộ, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của người thầy. Trong giáo dục và đào tạo cần xác định đâu là khâu đột phá, trọng tâm.

Tổng Bí thư cho rằng, trước hết phải xác định vai trò rất quan trọng của giáo dục và đào tạo, trong đó người thầy là chủ thể chính. Trong Luật Nhà giáo cần phải giải quyết thật tốt tương quan giữa thầy và trò.

“Nhà nước có chính sách rất quan trọng là phổ cập giáo dục, tiến dần từ tiểu học đến trung học, các cháu đến tuổi là được đến trường. Tiến tới, Nhà nước bỏ học phí, nuôi các cháu trong độ tuổi đi học. Tiến bộ là phải như vậy!”, Tổng Bí thư nói. [3]

Trong điều kiện hiện nay, Tổng bí thư đã nêu trong thời gian tới sẽ tiến tới nhà nước bỏ học phí, nuôi các cháu trong độ tuổi ăn học là thông tin được nhân dân vô cùng cảm kích, đồng thuận rất cao, kỳ vọng sớm thành hiện thực.

Nhà nước đầu tư nhiều nguồn lực, có thể sắp tới sẽ miễn học phí cho các em học sinh, nhưng số tiền lớn nhất, gia đình lo lắng nhiều nhất chính là tiền học thêm, học phí hiện nay học sinh phổ thông chiếm ít hơn số tiền phụ huynh lo cho con được học thêm.

Ngành giáo dục phải chủ động nghiên cứu tìm giải pháp để giảm học thêm mà học sinh vẫn học tốt, giảm chi phí gánh nặng tài chính, lo cho các em trong độ tuổi ăn học là việc vô cùng đáng trân quý.

Tiến đến các hoạt động dạy chính khóa, dạy thêm trong các trường công lập đều miễn phí khi đó giáo dục mới đúng thực chất, mọi người đều dạy hết sức, ai cũng thương yêu học sinh và phụ huynh không phải lo lắng vì khoản tiền học thêm.

Giáo viên công lập đa số học từ ngành sư phạm được miễn học phí, được hỗ trợ sinh hoạt phí, có thể có học bổng,…khi đi dạy được hưởng lương từ ngân sách, được hưởng các khoản phụ cấp đặc thù,…nhiệm vụ phải làm cho học sinh học tốt lên, không nên đã dạy hưởng lương từ ngân sách lại hưởng thêm lương từ dạy thêm, mà đa phần dạy thêm lại thực hiện trong giờ hành chính, giờ làm việc của các đối tượng công chức, viên chức khác,…

Việc dạy thêm học thêm là vấn đề lớn, nhạy cảm, phức tạp còn rất nhiều ý kiến trái chiều, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu xem xét thấu đáo, toàn diện và việc dạy thêm phải được quản lý chặt chẽ, khoa học, thời gian dạy thêm thu tiền không trái thời gian làm việc quy định trong Luật Lao động.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/bo-giao-duc-chu-truong-khong-cam-day-them-4818296.html

[2] https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-bo-gddt-noi-ve-tuong-quan-tien-luong-cua-giao-vien-voi-cong-chuc-20241120085344273.htm

[3] https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-tien-toi-nha-nuoc-phai-nuoi-cac-chau-trong-do-tuoi-di-hoc-2340377.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam