Là GV, tôi không tham gia dạy thêm vì thấy bất công với học sinh chính khóa

29/10/2024 06:50
LÃ TIẾN (lược ghi)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - "Các em học sinh hay tâm sự với tôi về các thầy cô dạy bộ môn của mình tìm mọi cách ép học sinh học thêm, hình thức rất tinh vi" .

Những ngày qua, tuyến bài phản ánh thực tế dạy thêm học thêm với thông tin khách quan, chân thực được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải thu hút rất nhiều sự quan tâm không chỉ của phụ huynh mà cả giáo viên, chuyên gia, đại biểu Quốc hội.

Tạp chí lược ghi chia sẻ của một giáo viên Ngữ văn về vấn đề dạy thêm, học thêm để độc giả có thêm góc nhìn khách quan.

"Tôi là một giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn ở địa phương. Gần đây chủ đề dạy thêm học thêm nóng hơn bao giờ hết khi dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trưng cầu ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn. Tôi không tham gia dạy thêm vì tôi thấy có quá nhiều bất công khi dạy thêm học sinh chính khoá.

18-1789-8994.png

Các em học sinh hay tâm sự với tôi về việc các thầy cô dạy bộ môn của mình tìm mọi cách ép học sinh học thêm, hình thức rất tinh vi, kể cả môn Ngữ văn ở các lớp có dạy thêm cũng vậy.

Có khi chỉ thầy cô lừ mắt một cái, gọi lên cho bài rất khó và cho 0 điểm là biết phải làm gì rồi. Có nhiều em học sinh hoàn cảnh rất khó khăn, chỉ vì mượn vở học thêm của bạn để xem và học hỏi cách làm cũng bị giáo viên xử lý, nói thiếu tự trọng.

Có khi hai bài làm giống nhau nhưng bạn học thêm được điểm cao vì "học thật", bạn còn lại điểm thấp vì "học vẹt". Là những học sinh còn ở độ tuổi trong sáng các em khó chấp nhận được điều này, chỉ thấy đó là một sự bất công. Và trước các kì thi học kì thì học sinh học thêm sẽ biết trước tác phẩm sẽ thi, có khi còn được chỉ rõ đoạn văn nào, nhân vật nào sẽ có trong đề thi của tác phẩm ấy.

Tôi nghĩ rằng chương trình đổi mới giáo dục, nhất là thực hiện sách giáo khoa mới ba năm nay sẽ tránh được nạn dạy thêm tràn lan. Nhưng không, đầu năm học mới nhiều thầy cô đã "bắn tin" về chương trình sách mới khó, ngữ liệu thi ngoài sách giáo khoa nên phải ôn tập nhiều hơn… để nhắc học sinh học thêm.

Điều đó phần nào khiến không ít học sinh lo lắng và tham gia lớp học thêm của giáo viên dạy chính khóa. Chẳng cứ gì Trường Tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội), tình trạng dạy thêm ngay sát cổng trường, trong nhà dân, nhà riêng, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn rất cao nhưng không một ai kiểm soát hiện hữu ở nhiều nơi. Ở địa phương tôi cũng vậy nhưng chưa bao giờ tôi thấy sự can thiệp tích cực từ hiệu trưởng".

Từ thực tê trên, tôi này đề xuất 2 nội dung để hạn chế tình trạng dạy thêm học sinh chính khóa một cách tràn lan:

Thứ nhất, không nên trao quyền cho hiệu trưởng ký đồng ý thì cho giáo viên được dạy thêm học sinh chính khoá ở nhà hoặc ngoài nhà dân. Dạy thêm học sinh chính khoá làm mất công bằng trong giáo dục, thiệt thòi cho các em.

Các thầy cô hoàn toàn có thể dạy thêm ở trung tâm, dạy gia sư, dạy trường dân lập… bằng năng lực của mình, miễn là không dạy thêm học sinh chính khoá (ngoài trung tâm, ở nhà riêng, ở nhà dân) để đảm bảo công bằng và hiệu quả thực sự trong giáo dục.

Hiệu trưởng có thể được phép ký duyệt cho giáo viên dạy thêm nhưng không được ký duyệt cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khoá.

Thứ hai, cần có ngân hàng đề thi chung cả nước để tránh giáo viên có "vị trí" ở trường mớm đề cho học sinh học thêm ôn luyện. Qua nhiều năm tôi thấy những học sinh học thêm ở lớp mà giáo viên là tổ trưởng, tổ phó dạy điểm bao giờ cũng cao hơn các học sinh khác.

Cùng trong một lớp, cùng một cô dạy nhưng chỉ những học sinh học thêm điểm cao, còn lại lẹt đẹt dù các em cũng học ngoài trung tâm.

Lợi thế với các em học thêm khi đi thi là được làm trước bài dạng sẽ có trong đề thi. Có bài y như vừa học thêm hôm trước hoặc sáng học chiều thi. Trong khi với học sinh cấp trung học phổ thông, các em không học thêm cô giáo dạy chính khoá, chỉ học trung tâm bên ngoài điểm vẫn rất cao.

Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nguyên tắc dạy thêm, học thêm: "Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh". Hiện tại giáo viên dạy thêm trong vai trò tổ trưởng (nơi tôi dạy) lại áp dụng dự thảo nửa vời, cho rằng dự thảo yêu cầu không cho kiểm tra ngữ liệu dạy thêm nhưng chỉ vận dụng đối với người ra đề. Còn lại những ai dạy trùng thì là ngẫu nhiên không phải băn khoăn gì.

Khi chúng tôi đề xuất để đảm bảo khách quan cho học sinh thì phải khoanh vùng dạy thêm cho toàn tổ và khi ra đề thì không vào ngữ liệu đã dạy thêm ấy, khi đó tất cả học sinh mới bình đẳng như nhau.

Một số giáo viên dạy thêm viện cớ rằng dạy thêm theo sở trường, sở thích, ai thích ngữ liệu nào thì dạy chứ không muốn khoanh vùng, kiểm tra trùng thì ngẫu nhiên. Tuy nhiên, đây là nhóm dạy thêm có lợi ích nhóm, trong đó có tổ trưởng, là vấn đề không thể không băn khoăn.

Vì thế, để đảm bảo sự công bằng cho học sinh làm trọng, dự thảo Thông tư phải có giải pháp hữu hiệu hơn để quản lý. Sắp tới kiểm tra học kì một số lớp, một số học sinh được làm bài đúng ngữ liệu dạy thêm và nói do trùng hợp ngẫu nhiên là điều không nên để xảy ra.

Đồng nghiệp, cùng là giáo viên còn không lắng nghe, không làm đúng quy định chỉ vì lợi ích dạy thêm thì học sinh biết kêu ai? Chúng tôi đề nghị nếu để xảy ra bất công bằng đối với thi cử như vậy cần thanh tra kiểm tra xem các lớp học thêm dạy gì, dạy như thế nào, tại sao một số lớp trùng ngữ liệu đề thi học kì?

Tổ trưởng, tổ phó cần chịu trách nhiệm nếu một số lớp học thêm trùng ngữ liệu đề thi học kì. Có như vậy mới đảm bảo công bằng cho các em học sinh và chúng tôi mới có động lực để cống hiến cho nghề nghiệp và thực sự chắp cánh ước mơ cho học sinh của mình".

* Chia sẻ của một bạn đọc là giáo viên Ngữ văn được phóng viên Tạp chí lược ghi.

LÃ TIẾN (lược ghi)