Luận án TS đạo văn 12 trang: Đang xử lý, ĐH Huế yêu cầu chỉnh sửa có phù hợp?

06/12/2024 06:32
Thi Thi

GDVN - Nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, ĐH Huế dựa trên cơ sở nào để đề nghị bà L.T.A.H chỉnh sửa luận án đã nộp lưu chiểu từ 6 năm trước? 

Vừa qua, Đại học Huế đã có kết luận vụ việc luận án tiến sĩ Lịch sử (mã số: 62.22.03.13) của bà L.T.A.H - Trưởng phòng nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bị tố đạo văn, sai sử liệu. Bà L.T.A.H là nghiên cứu sinh của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

Theo kết luận, nội dung luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H có khá nhiều đoạn, ý sử dụng các ý tưởng, đoạn văn giống với các công trình của các tác giả khác đã công bố mà tác giả không trích dẫn nguồn, theo đó lỗi đạo văn được xác định là 12 trang. Về việc sai sử liệu, qua xác minh Đại học Huế kết luận việc tố cáo đã đúng một phần.

Trong kết luận nội dung tố cáo có nêu các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện và kiến nghị:

Đối với Đại học Huế: Giám đốc Đại học Huế đề nghị tác giả luận án nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa những nội dung đã được chỉ ra trong kết luận nội dung tố cáo và nộp lưu chiểu theo quy định hiện hành.

Đối với Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, chủ trì phối hợp với Ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học Huế theo dõi và xác nhận việc chỉnh sửa luận án của tác giả theo kết luận nội dung tố cáo.

Giám đốc Đại học Huế kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng thẩm định nội dung luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H để giải quyết theo thẩm quyền.

Khoản 6, Điều 3, Quyết định số 1860 quy định liêm chính học thuật trong đào tạo trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế nêu, đạo văn là việc sử dụng các ý tưởng, đoạn văn, số liệu hoặc tài sản trí tuệ của người khác nói chung mà không trích dẫn nguồn.

Về xử lý hành vi đạo văn trong học tập và đào tạo, Đại học Huế quy định, mức độ trùng lặp đối với một hoặc nhiều sản phẩm khác nếu được xác định trên 25% nội dung của toàn bộ sản phẩm sẽ bị coi là vi phạm về liêm chính học thuật; Căn cứ mục đích, yêu cầu và đặc thù của từng bậc đào tạo; chương trình đào tạo, thể loại sản phẩm học thuật cụ thể, công cụ xác định mức độ trùng lặp và hình thức xử lý vi phạm.

Sự việc trên đã gây xôn xao dư luận xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về cơ sở nào khiến Đại học Huế đề nghị bà L.T.A.H chỉnh sửa luận án đã nộp lưu chiểu từ 6 năm trước? Luận án đang trong quá trình xử lý vậy yêu cầu chỉnh sửa có phù hợp?

Hơn thế nữa, có ý kiến cho rằng, luận án tiến sĩ mà đạo văn 12 trang là vi phạm nghiêm trọng tính liêm chính học thuật trong nghiên cứu, cần có các biện pháp xử lý phù hợp, tránh gây bức xúc và tạo tiền lệ không tốt.

j.jpg
Đại học Huế. Ảnh: Mộc Hương.

Liên quan đến vụ việc nêu trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Công Hào - Trưởng ban Thanh tra pháp chế, Đại học Huế.

Tiến sĩ Nguyễn Công Hào cho biết: “Bà L.T.A.H là nghiên cứu sinh năm 2013 nên áp dụng theo quy định của Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ; Thông tư 05/2012/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo thông tư 10/2009.

Theo quy định của Thông tư 05/2012/TT-BGDĐT, việc thẩm định hồ sơ quá trình đào tạo, nội dung và chất lượng luận án được thực hiện trong các trường hợp sau: Thẩm định ngẫu nhiên: rút xác suất trong số hồ sơ luận án đã bảo vệ theo báo cáo của cơ sở đào tạo để thẩm định; khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo về hồ sơ quá trình đào tạo, nội dung và chất lượng luận án.

Trường hợp có đơn, thư khiếu nại, tố cáo về nội dung, chất lượng luận án hoặc luận án có ít nhất 2 ý kiến thẩm định không tán thành, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định luận án, ủy nhiệm Thủ trưởng cơ sở đào tạo có nghiên cứu sinh tổ chức họp Hội đồng thẩm định luận án có sự giám sát của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với luận án đạt yêu cầu khi thẩm định nhưng có ý kiến của người thẩm định độc lập hoặc của Hội đồng thẩm định yêu cầu phải sửa chữa, thì Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện cùng với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh xem xét và quyết định các điểm cần bổ sung chỉnh sửa".

Về việc yêu cầu bà L.T.A.H “phải chỉnh sửa những nội dung đã được chỉ ra trong kết luận tố cáo và nộp lưu chiểu theo quy định hiện hành”, phóng viên băn khoăn, cơ sở nào để Đại học Huế yêu cầu rút luận án đã nộp lưu chiểu để chỉnh sửa, thầy Hào cho rằng, trong các quy định hiện hành, không có quy định luận án đã nộp lưu chiểu được phép rút ra để chỉnh sửa, nhưng cũng không có quy định cấm chỉnh sửa.

Ngoài ra, về việc Đại học Huế đề nghị tác giả chỉnh sửa luận án, đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lập hội đồng thẩm định luận án, phóng viên nêu câu hỏi "Bộ sẽ thẩm định bản luận án đã nộp lưu chiểu 6 năm trước hay bản luận án mới chỉnh sửa theo yêu cầu?". Tiến sĩ Nguyễn Công Hào chia sẻ, Bộ sẽ thẩm định bản luận án đã nộp lưu chiểu chứ không phải bản luận án đã chỉnh sửa theo kết quả xác minh tố cáo.

Thầy Hào cũng cho biết, Đại học Huế đã mời các chuyên gia, giáo sư đầu ngành ở cả trong và ngoài đơn vị tham gia xác minh thông tin tố cáo luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H, đảm bảo tính khách quan, công tâm. Còn về thẩm định nội dung luận án, nhà trường đã kiến nghị lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có ý kiến bày tỏ, trong thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý vụ việc, Đại học Huế yêu cầu tác giả chỉnh sửa luận án là bất hợp lý. Về nội dung này, thầy Hào lý giải: "Quan điểm của Đại học Huế là sai thì phải yêu cầu sửa, đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định nội dung. Khi Bộ có ý kiến cuối cùng, Đại học Huế sẽ chỉ đạo Trường Đại học Khoa học thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định".

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ, trong vụ việc này không chỉ nhìn nhận trách nhiệm của tác giả luận án mà còn là trách nhiệm của hội đồng đánh giá luận án, người hướng dẫn. Tuy nhiên, trong các quy chế về đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Đại học Huế chưa có quy định về việc xử lý trách nhiệm của hội đồng đánh giá luận án, người hướng dẫn.

Về việc này, thầy Hào chia sẻ: "Hiện, trong văn bản quy định liêm chính học thuật của Đại học Huế, thông thường chủ yếu tập trung đến khía cạnh chống đạo văn trước khi bảo vệ; hay nói cách khác là ngăn chặn trước. Thời gian tới, trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu Bộ có quy định thì chắc chắn các đơn vị sẽ áp dụng. Đồng thời, các bộ phận, đơn vị sẽ có tham mưu cho Giám đốc Đại học Huế để có những điều chỉnh về đào tạo...".

Tiến sĩ Nguyễn Công Hào cũng khẳng định, Đại học Huế là nơi có quy trình đào tạo rất chặt chẽ, có truyền thống và uy tín. Đối với trường hợp luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H đạo văn 12 trang, thầy Hào cho rằng, đây là việc hy hữu.

Khoản 4, Điều 5, Quyết định số 1860/QĐ-ĐHH về quy định liêm chính học thuật trong đào tạo trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế nêu, trường hợp có đơn thư khiếu nại/tố cáo về vi phạm liêm chính học thuật đối với các sản phẩm học thuật đã công bố của cựu người học tại các đơn vị đào tạo thành viên, thủ trưởng các đơn vị đào tạo thành viên sẽ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định tính liêm chính học thuật của sản phẩm liên quan để nghiên cứu, xem xét tính chính xác của hành vi và mức độ vi phạm.

Giám đốc Đại học Huế quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đối với trường hợp có đơn thư khiếu nại/tố cáo về vi phạm liêm chính học thuật đối với các sản phẩm học thuật đã công bố của cựu người học tại các đơn vị thuộc và trực thuộc. Hội đồng sẽ triển khai thẩm định và quyết định các hình thức xử lý theo các quy định hiện hành.

Thi Thi