ĐH Huế cần làm rõ trách nhiệm hội đồng đánh giá luận án TS đạo văn 12 trang

04/12/2024 06:38
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu bỏ những nội dung xác định là sao chép khiến luận án của bà L.T.A.H không đáp ứng yêu cầu học thuật, Trường ĐH Khoa học có quyền thu hồi bằng TS đã cấp.

Vừa qua, Đại học Huế đã có kết luận vụ việc luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H - Trưởng phòng nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bị tố đạo văn, sai sử liệu. Bà L.T.A.H là nghiên cứu sinh của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. [1]

Theo kết luận, nội dung luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H có khá nhiều đoạn, ý sử dụng các ý tưởng, đoạn văn giống với các công trình của các tác giả khác đã công bố mà tác giả không trích dẫn nguồn, theo đó lỗi đạo văn được xác định là 12 trang. Về việc sai sử liệu, qua xác minh Đại học Huế kết luận việc tố cáo đã đúng một phần.

Giám đốc Đại học Huế đề nghị tác giả luận án nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa những nội dung đã được chỉ ra trong kết luận nội dung tố cáo và nộp lưu chiểu theo quy định hiện hành.

Không thể cứ công nhận tiến sĩ xong là hội đồng đánh giá luận án hết trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền – Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần nhìn nhận trách nhiệm của cả người thực hiện, người hướng dẫn cũng như hội đồng đánh giá luận văn tiến sĩ đạo văn 12 trang, sai sử liệu nêu trên.

ong_nguyen_ba_thuyen.jpg
Ông Nguyễn Bá Thuyền – Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, Luật Giáo dục Đại học đã có quy định các hành vi người học không được làm, trong đó có gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.

“Mặc dù vậy, chúng ta chưa có quy định về việc trong trường hợp luận án bị phát hiện có sai phạm sau khi đã công nhận thì xử lý trách nhiệm của người dẫn luận án và hội đồng đánh giá luận án như thế nào? Không thể nào cứ rút kinh nghiệm mà không có chế tài xử lý nào được. Phía cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu và bổ sung thêm quy định này để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ cũng như đảm bảo trách nhiệm giám sát học thuật. Nếu hội đồng sai sót, thì cần phải chịu trách nhiệm với sai sót của mình.

Tại sao một luận án đạo văn đến 12 trang mà người hướng dẫn lẫn hội đồng đánh giá luận án lại không phát hiện ra? Bên cạnh đó, Đại học Huế đã có quá trình xác minh tố cáo và xác định luận án này có đạo văn, có sai sử liệu thì liệu yêu cầu chỉnh sửa có hợp lý hay không? Theo tôi, trong trường hợp xác định luận án có sai phạm nghiêm trọng thì nên xem xét thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp”, ông Thuyền tâm tư.

Ngoài ra, theo ông Thuyền, Đại học Huế đề nghị tác giả luận án chỉnh sửa những nội dung đã xác định là đạo văn, sai sử liệu thì cũng cần thẩm định kỹ xem chất lượng luận án có đạt yêu cầu?

“Việc yêu cầu chỉnh sửa với một luận án đã bị kết luận đạo văn, sai sử liệu, theo tôi, là một trường hợp khá hiếm. Điều này dễ dẫn đến sự thiếu công bằng đối với những người học thật, nghiên cứu thật sự”, ông Thuyền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng, không thể cứ công nhận tiến sĩ xong là hội đồng đánh giá hết trách nhiệm mà nhìn rộng ra là đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch và công bằng trong quá trình giám sát học thuật. Hơn thế nữa, trong việc thành lập hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cũng phải hết sức khách quan.

Cùng bàn về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: "Trong trường hợp này, ngoài trách nhiệm của bản thân người làm luận án thì chúng ta cũng cần quy trách nhiệm của người hướng dẫn, hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ đó. Tại sao không ai phát hiện ra luận án có vấn đề mà đến khi có người tố cáo mới vỡ lở?

Ở đây tôi muốn nói, hội đồng đánh giá luận án cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Rõ ràng, một luận án tiến sĩ mà bị phát hiện đạo văn đến 12 trang thì rất ảnh hưởng đến uy tín của bản thân người đó và cơ sở đào tạo tiến sĩ này. Xã hội không thể chấp nhận được chuyện nhà nghiên cứu lại không liêm chính, đi sao chép tác phẩm của người khác rồi nhận nó là của mình. Khi đó, tấm bằng tiến sĩ không phản ánh được năng lực, trình độ của người nghiên cứu, vì người đó đã vi phạm liêm chính học thuật", Đại biểu nhấn mạnh.

dbqh-pham-văn-hoa.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Cũng theo ông Hòa, nếu chỉnh sửa luận án và giữ nguyên bằng tiến sĩ đã cấp sẽ tạo tiền lệ không tốt trong đào tạo và cấp bằng tiến sĩ. Vụ việc này nên được xử lý một cách minh bạch và công bằng.

Cần có quy định cụ thể xử lý các bên liên quan nếu để lọt các luận án không đảm bảo chất lượng mà vẫn được cấp bằng

Cùng trao đổi với phóng viên, một chuyên gia giáo dục đại học, hiện đang là lãnh đạo tại một trường đại học ở Hà Nội nhìn nhận, hiện nay chưa có quy định trực tiếp nào cho phép rút hoặc chỉnh sửa luận án sau khi đã được lưu chiểu trong một khoảng thời gian dài (chẳng hạn, 6 năm trong trường hợp tại Đại học Huế).

"Khi một luận án đã được hội đồng đánh giá thông qua, tác giả được công nhận trình độ tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ, luận án đó được xem là kết quả chính thức của quá trình đào tạo. Việc lưu chiểu tại các thư viện (như Thư viện Quốc gia hoặc thư viện của cơ sở đào tạo) nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt (như phát hiện sai sót nghiêm trọng, vi phạm đạo đức nghiên cứu, hoặc có yêu cầu từ cơ quan quản lý), cơ quan đào tạo hoặc cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể tiến hành xem xét lại", vị này chia sẻ.

anh.png
Theo chuyên gia, cần có quy định cụ thể hơn trong vấn đề xử lý các bên liên quan nếu để lọt các luận án không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa ra bảo vệ, thông qua và cấp bằng. Ảnh minh họa: Tuệ Nhi.

Vị lãnh đạo cũng bày tỏ thêm, cần xác định rõ rằng quá trình học tập và cấp bằng tiến sĩ của bà L.T.A.H được áp dụng theo quy chế nào trong thời gian bà theo học.

"Được biết, giai đoạn bà L.T.A.H theo học là từ năm 2013 đến năm 2018. Trong thời gian này có 3 văn bản quy định liên quan đến đào tạo trình độ tiến sĩ gồm: Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ; Thông tư 05/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ kèm theo Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT; Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Cả ba thông tư này đều quy định rõ việc xử lý vi phạm trong quá trình đào tạo, bao gồm hình thức thu hồi bằng đã cấp. Tại mục b, khoản 2, Điều 31, Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT nêu, việc thu hồi bằng tiến sĩ được thực hiện theo quy định hiện hành và trong trường hợp sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án mà nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu.

Như vậy, nếu xác định được 12 trang sao chép trong luận án của bà L.T.A.H, và khi bỏ đi những nội dung này khiến luận án không đáp ứng yêu cầu học thuật, thì Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) hoàn toàn có quyền thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp. Đồng thời, bà L.T.A.H cũng cần hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được cấp trong thời gian học nghiên cứu sinh", chuyên gia cho biết thêm.

Theo chuyên gia, nếu bà L.T.A.H tự nhận thấy mình không xứng đáng với học vị tiến sĩ do vi phạm các quy định trong quá trình đào tạo, bà có thể tự nguyện trả lại bằng tiến sĩ cho Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế). Điều này không chỉ giúp bảo toàn danh dự cá nhân mà còn giảm thiểu chi phí và thời gian cho các khâu thẩm định tiếp theo.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo cũng nhìn nhận, hiện nay, các quy định chưa đề cập cụ thể đến việc xử lý trách nhiệm của giảng viên hướng dẫn, các thành viên hội đồng đánh giá luận án, và phản biện độc lập trong trường hợp để lọt các luận án không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa ra bảo vệ, thông qua và cấp bằng. Đây là một lỗ hổng trong quy chế đào tạo mà các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, bổ sung nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong quá trình đào tạo.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học có thể xây dựng các quy định nội bộ về vấn đề này, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan khi xảy ra sai sót.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://laodong.vn/ban-doc/ket-luan-vu-to-cao-luan-an-tien-si-dao-van-o-hue-1424806.ldo

Tuệ Nhi