Năm 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng Bằng khen cho 251 nhà giáo tiêu biểu. Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội vinh dự có một nhà giáo được khen thưởng là Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sàng về xã hội, tâm lý và giáo dục.
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh cũng là người đại diện cho gần 1,6 triệu nhà giáo cả nước phát biểu tại buổi lễ Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024 vừa qua.
Lý do chọn ngành Tâm lý học
Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, tôi luôn muốn tìm hiểu lý do vì sao mỗi người lại có cách hành xử và suy nghĩ khác nhau. Tại sao cùng một sự kiện tiêu cực xảy ra trong đời, có người lại rơi vào trầm cảm, trong khi người khác vẫn phát triển một cách lành mạnh?
Sự tò mò đó đã thúc đẩy tôi chọn học ngành Tâm lý học, đặc biệt là Tâm lý lâm sàng, để khám phá cách hoạt động của tâm trí con người. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu trẻ em và thanh thiếu niên, giai đoạn tâm lý đang trong quá trình hình thành, vì đây là thời điểm giúp tôi quan sát rõ ràng các vấn đề tâm lý”.
Cô Đặng Hoàng Minh theo học ngành Tâm lý học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và được cấp bằng đại học vào năm 2001.
Năm 2002, cô được cấp bằng thạc sĩ ngành Tâm lý học, chuyên ngành Tâm lý học cá nhân hóa và những biến đổi xã hội, Trường Đại học Toulouse II-Le Mirail, Cộng hoà Pháp.
5 năm sau đó, cô được cấp bằng tiến sĩ ngành Tâm lý học, chuyên ngành Tâm lý học cá nhân hóa và những biến đổi xã hội, Trường Đại học Toulouse II-Le Mirail, Cộng hoà Pháp.
Năm 2012, Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Tâm lý học. Năm 2023, cô Minh là giáo sư duy nhất của ngành Tâm lý học đạt tiêu chuẩn chức danh.
Theo bản đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, cô Minh đã công bố 90 bài báo khoa học, trong đó có 23 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Cô cũng có 18 sách được xuất bản, trong đó 16 cuốn thuộc nhà xuất bản có uy tín.
Ngoài công việc nghiên cứu và giảng dạy, Giáo sư Đặng Hoàng Minh còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng và đóng góp vào các chính sách quốc gia về sức khỏe tâm thần. Cô là Giám đốc Quỹ Tài năng trẻ Tâm lý học – Giáo dục học Việt Nam, tổ chức chuyên phát hiện và khuyến khích tài năng trẻ trong lĩnh vực này.
Đồng thời, cô cũng là sáng lập viên của “Mạng lưới hiểu biết sức khỏe tâm thần Việt Nam”, với mục tiêu xóa bỏ định kiến và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề sức khỏe tâm thần.
Ngành Tâm lý học vẫn cần rất nhiều sự quan tâm
Cô Minh nhớ lại thời điểm 20 năm trước, khi ngành Tâm lý học chưa được quan tâm nhiều, sự hỗ trợ từ các cơ quan, đoàn thể và nhà hoạch định chính sách còn hạn chế. Quá trình thu thập dữ liệu và nghiên cứu gặp nhiều khó khăn do sự hiểu biết cộng đồng chưa cao.
Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, sự quan tâm của công chúng đã gia tăng, cùng với đó là sự hỗ trợ từ các bên liên quan cũng được mở rộng. Dù vậy, cô cũng thừa nhận rằng ngành Tâm lý học và các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe tâm thần vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
Nghiên cứu của Giáo sư Đặng Hoàng Minh được phân thành ba hướng chính. Thứ nhất là nghiên cứu về các vấn đề tâm bệnh ở trẻ em và vị thành niên. Cô đã thực hiện nhiều nghiên cứu đánh giá tỷ lệ các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu và ảnh hưởng của những trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực. Những nghiên cứu này đã tạo ra các công cụ đánh giá tâm bệnh hữu ích và có giá trị trong việc hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp sớm.
Thứ hai, cô tập trung vào việc nghiên cứu năng lực sức khỏe tâm thần của các nhóm dân số khác nhau. Cô Minh đã tiến hành các nghiên cứu để phân tích kiến thức và thái độ của cộng đồng về sức khỏe tâm thần, cùng với việc phát triển các chương trình nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với các vấn đề như rối loạn trầm cảm, lo âu. Các nghiên cứu này không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về thực trạng sức khỏe tâm thần mà còn góp phần xây dựng các chương trình giáo dục cộng đồng.
Hướng nghiên cứu thứ ba của cô là xây dựng và triển khai các chương trình trị liệu tâm lý và can thiệp sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các chương trình dựa vào trường học.
Đây là một lĩnh vực mà cô đã thể hiện rõ vai trò tiên phong và sáng tạo, với các sáng kiến như “Hiểu biết về sức khỏe tâm thần của trẻ em ở các bà mẹ Campuchia và Việt Nam” vào năm 2021 và “Chương trình hỗ trợ sức khỏe tâm thần dựa vào trường học” năm 2023.
Những sáng kiến này đã nhận được sự quan tâm từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định vai trò quan trọng của các sáng kiến này trong việc cải thiện nhận thức và ứng phó với các vấn đề sức khỏe tâm thần trong cộng đồng học đường.
Giáo sư Đặng Hoàng Minh chia sẻ: "Để một chương trình hỗ trợ tâm lý học đường thành công, ngoài việc chuyên gia thiết kế những chương trình dựa trên bằng chứng khoa học, nhà trường cũng cần có sự tiếp nhận và hiểu biết phù hợp. Vai trò của người lãnh đạo trường học rất quan trọng trong việc triển khai các chương trình này".
Qua những chương trình cô Minh đã thực hiện ở thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) và tỉnh Khánh Hòa, cô nhận thấy học sinh rất sẵn lòng tham gia vào những chương trình hỗ trợ tâm lý học đường. Trong chương trình, các bạn được tổ chức thành các câu lạc bộ tâm lý từ 20 - 30 em, với sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.
“Mỗi tháng, sẽ có hai buổi sinh hoạt để các em trao đổi về những kiến thức liên quan đến tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm là gì, sức khỏe tâm thần là gì, những khó khăn trong mối quan hệ bạn bè, và các chiến lược quản lý cảm xúc.
Các em rất năng động và sáng tạo, nhưng cần được nhà trường hỗ trợ về điều kiện và thời gian để phát huy tối đa khả năng của mình” - cô Minh tâm sự.
Cô Minh cho biết, để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học về Tâm lý học, cô và các chuyên gia trong ngành nỗ lực để cách thức truyền tải thông tin về ngành này cũng được mở rộng hơn trước.
“Mọi người đã nhận thức được rằng Tâm lý học là một ngành khoa học rất gần gũi và lấy cảm hứng từ thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo và diễn đàn, không chỉ dành riêng cho những người trong ngành mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Đây là cách giúp Tâm lý học hòa nhập vào đời sống xã hội và thu hút thêm nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của ngành”.
Mới đây, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững”. Đây là một sự kiện nằm trong Chương trình Đối tác Hợp tác Học thuật Toàn cầu (NORPART), được tài trợ bởi chính phủ Na Uy, diễn ra trong hai ngày 5-6/12/2024.
Hội thảo lần này tập trung vào các chủ đề quan trọng như các rối loạn thần kinh phát triển và rối loạn phát triển; sự phát triển ở thời kỳ trẻ thơ, dinh dưỡng và chăm sóc; sự lành mạnh của trẻ em và gia đình trong bối cảnh các thách thức về môi trường và đô thị hóa; cùng với việc dạy và thúc đẩy sức khỏe tâm thần thông qua các sáng kiến về truyền thông và kỹ thuật. Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh có vai trò là một trong các chủ tọa của hội thảo.
Cũng theo cô Minh, Trường Đại học Giáo dục đã đào tạo Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên được 16 năm, chương trình Tiến sĩ được 7 năm và năm nay là lần đầu tiên nhà trường bắt đầu đào tạo cử nhân ngành Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên).
Cô Minh bày tỏ: “Tôi tin rằng thế hệ sinh viên mới sẽ rất tích cực và đầy hứa hẹn, vì chất lượng đầu vào của các bạn rất tốt. Khác với thời chúng tôi, khi một số người chọn học Tâm lý học chỉ vì không có lựa chọn khác, thì hiện nay, các bạn sinh viên thực sự đam mê ngành Tâm lý học và tự nguyện đăng ký theo học. Ngành Tâm lý học cũng có sự cạnh tranh rất cao khi có nhiều trường đại học cùng đào tạo ngành này.
Các bạn trẻ hiện nay có nhiều năng lực, tinh thần sáng tạo và ngoại ngữ tốt, cùng sự kết nối quốc tế. Điều này sẽ góp phần giúp ngành Tâm lý học phát triển nhanh chóng và tiến gần hơn với các xu hướng quốc tế”.
Bên cạnh đó, với tư cách một nhà giáo, trong hành trình nhiều thách thức nhưng đầy ý nghĩa, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh kỳ vọng Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện, tin tưởng vào đội ngũ nhà giáo, ban hành nhiều chính sách phù hợp trong sử dụng, tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là các nhà giáo, nhà khoa học trẻ, xuất sắc trong tương lai cũng như các thầy cô giáo ở vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn, vất vả. Những chính sách về phát triển nhân lực sẽ là động lực quan trọng giúp các nhà giáo tiếp tục đổi mới và cống hiến.
Trong phát biểu tại buổi lễ Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua, cô Minh cũng bày tỏ: “Chúng tôi cũng kỳ vọng, Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục sẽ quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn, ưu tiên đầu tư vun cao, đầu tư cho các cơ sở giáo dục trọng điểm.
Chúng tôi cũng mong muốn mọi cơ sở giáo dục đều tạo môi trường, điều kiện và động lực để đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học được phát huy vai trò, được tin tưởng giao nhiệm vụ, được tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật; được tạo điều kiện phát triển sức sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, trong giảng dạy; được tinh giản thủ tục hành chính trong khoa học và được cống hiến hết mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Do vây, những những chính sách về phát triển nhân lực nhà giáo này sẽ là động lực quan trọng giúp chúng tôi tiếp tục đổi mới và cống hiến”.