Học ngành Tâm lý học định hướng lâm sàng trẻ em, vị thành niên, có gì đặc biệt?

18/05/2024 07:02
Hải Yến
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội được giao nhiệm vụ đào tạo đại học ngành Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên).

Với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội, khi sự chăm sóc về thể chất ngày một tốt lên, con người lại càng ngày càng gặp phải nhiều các vấn đề về tâm thần, tâm lý và hành vi do áp lực của cuộc sống và công việc hiện đại.

Những con số báo động về sức khỏe tâm thần trên thế giới

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018 cho thấy những con số về vấn đề sức khỏe tâm thần đáng giật mình như:

20% trẻ em và thanh thiếu niên mắc phải các rối loạn tâm thần; trầm cảm (một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất) là nguyên nhân gây ra khuyết tật hàng đầu trên thế giới.

800.000 người tự sát vì trầm cảm mỗi năm, trong đó hơn một nửa có độ tuổi từ 15 đến 44 (là lứa tuổi học tập và lao động tích cực).

Ngoài ra, trẻ em hiện nay đang gặp phải tình trạng rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ (khoảng 1% trẻ em), rối loạn tăng động giảm chú ý (khoảng 5% trẻ em), khuyết tật trí tuệ (khoảng 3%), các rối loạn học tập (khoảng 4%). Nhu cầu được can thiệp, trị liệu và giáo dục hòa nhập cho nhóm trẻ này là vô cùng lớn.

Các rối loạn tâm thần cũng làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh thực thể lây truyền và không lây truyền, v.v. Các bệnh tâm thần hiện đã trở thành bệnh phổ biến nhất, vượt qua cả các bệnh thực thể như ung thư, đái tháo đường hay bệnh tim mạch, và nó xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi, dân tộc, tầng lớp, điều kiện kinh tế - xã hội nào.

Team Building 2024 (24).jpg
Sinh viên Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Điều trị và can thiệp các vấn đề sức khỏe tâm thần tại Việt Nam

Thực tế ở Việt Nam hầu như mọi điều trị và can thiệp các vấn đề sức khỏe tâm thần chỉ dừng lại ở việc điều trị tại bệnh viện và dùng thuốc do bác sĩ tâm thần kê mà chưa có những can thiệp về tâm lý, xã hội, nghề nghiệp. Cách tiếp cận can thiệp một chiều này là không toàn diện và hiệu quả cho người bệnh do bản chất tâm - sinh lý - xã hội phức tạp của con người cũng như gây quá tải cho bệnh viện.

Trong hầu hết các trường hợp người có vấn đề về tâm thần hay tâm lý, vai trò của nhà tâm lý (psychologist), cụ thể là nhà tâm lý lâm sàng (clinical psychologist) là rất quan trọng và hữu ích. Họ vừa là người sẽ hỗ trợ hoặc cùng với bác sĩ tâm thần thực hiện việc đánh giá, chẩn đoán và đề xuất điều trị. Họ cũng tham gia trực tiếp vào quá trình điều trị thông qua các liệu pháp tâm lý, tư vấn cá nhân, nhóm và gia đình. Theo hướng tiếp cận đa lĩnh vực của Tổ chức Y tế thế giới về chăm sóc sức khỏe tâm thần, một trong những lực lượng lao động quan trọng của chăm sóc sức khỏe tâm thần được giao cho các chuyên viên tâm lý lâm sàng.

Việt Nam chuẩn hóa nguồn nhân lực trong lĩnh vực tâm lý

Ý thức rõ được vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết Định số 34/2020/QĐ -TTg Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, trong đó xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634) với mô tả cụ thể về một số chức năng nhiệm vụ chủ yếu. Mã nghề này còn được phân loại thành các mã nghề nhỏ hơn như nhà tâm lý học lâm sàng, nhà trị liệu tâm lý, nhà tâm lý học đường... Điều đáng nói là nghề Nhà trị liệu tâm lý đã được phân biệt rõ với nghề Bác sỹ tâm thần (mã nghề 22128).

Quốc hội vừa qua thông qua Luật khám chữa bệnh (Số 15/2023/QH15) trong đó có xác định chức danh Tâm lý lâm sàng cần phải cấp phép. Bộ y tế cũng ban hành Nghị định 96 quy định chi tiết Luật khám bệnh chữa bệnh, điều 8 có nêu các điều kiện về văn bằng được tham dự kiểm tra đánh giá năng lực để cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh chuyên môn Tâm lý lâm sàng.

Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành cụ thể hóa danh mục kỹ thuật chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề chức danh Tâm lý lâm sàng, trong đó quy định cụ thể với chức danh Tâm lý lâm sàng với phạm vi hành nghề tâm lý lâm sàng phổ thông với các điều kiện cụ thể, làm cơ sở để chuẩn hóa nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Nguồn nhân lực hiện tại không đủ đáp ứng hiện trạng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của cộng đồng trong tương lai

Trên thế giới, có một số trường tại những quốc gia phát triển như Mỹ và Anh đã đào tạo Tâm lý học định hướng tâm lý học lâm sàng ngay từ bậc cử nhân với thời lượng từ 120 – 160 tín chỉ.

Các chương trình cử nhân tâm lý học lâm sàng nghiên cứu lịch sử tâm lý học, sự phát triển bình thường và bất thường trong hành vi, cảm xúc, suy nghĩ, kỹ năng tham vấn và quản lý ca bệnh mà các nhà tâm lý học lâm sàng điều trị. Sinh viên cũng học các kỹ năng giao tiếp cần thiết để làm việc với khách hàng. Khi sinh viên gần kết thúc chương trình giáo dục đại học, họ có thể sử dụng các nguồn thông tin giới thiệu việc làm của trường để khám phá nghề nghiệp tiềm năng. Ngoài ra, các trường cũng hỗ trợ sinh viên xem xét các chương trình sau đại học về tâm lý học lâm sàng.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 35 cơ sở giáo dục đào tạo tâm lý học, trong đó có duy nhất một chương trình đào tạo tâm lý (phân nhánh từ năm thứ 3 theo hướng tâm lý học lâm sàng từ bậc cử nhân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Còn lại, các chương trình tâm lý học lâm sàng đều chỉ được đào tạo ở bậc sau đại học tại 4 cơ sở giáo dục là Trường Đại học Giáo dục (Đại học quốc gia Hà Nội) với chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên (trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ); Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với chuyên ngành Tâm lý học định hướng ứng dụng (bậc Thạc sĩ); Học viện Quản lý Giáo dục với chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng (bậc Thạc sĩ, hiện đang dừng đào tạo) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) với định hướng Tâm lý học lâm sàng (trình độ Thạc sĩ).

Các chương trình thạc sĩ tâm lý học lâm sàng hàng năm chỉ tuyển trung bình 10 – 20 học viên cho mỗi khoá, mỗi năm tổ chức thi tuyển 1- 2 khoá để đảm bảo chất lượng đào tạo. Như vậy, mỗi năm chỉ có khoảng 40 – 80 nhà tâm lý lâm sàng tốt nghiệp và thực hành nghề tại các cơ sở tâm lý và giáo dục khác nhau trên cả nước. Nguồn nhân lực như vậy là không đủ đáp ứng hiện trạng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của cộng đồng trong tương lai.

z5450699809719_f82a75fa0986dc01e4864bf1043d1705.jpg

Trường Đại học Giáo dục có đội ngũ giảng viên uy tín, mạng lưới thực hành nghề nghiệp chuyên sâu

Kế thừa kinh nghiệm đào tạo gần 15 năm ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên bậc Thạc sỹ và Tiến sỹ, Trường Đại học Giáo dục có nhóm nghiên cứu mạnh về Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên cấp Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập từ năm 2016 với nhiều công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng quốc tế; Nhà trường là cơ sở đào tạo duy nhất trong cả nước có 1 giáo sư và 2 phó giáo sư có học vị Tiến sỹ đúng chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng được đào tạo bài bản tại Hoa Kỳ.

Trường có mạng lưới cơ sở thực hành nghề nghiệp dành cho sinh viên đến thực tập tại các bệnh viện như Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 – Thường Tín; Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng; Viện Sức Khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai); Khoa Tâm thần và Khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung Ương); Bệnh viện E, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cùng hệ thống phòng tham vấn tâm lý tại mạng lưới các trường thực hành truyền thống của Nhà trường.

Đội ngũ cán bộ cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm tham gia xây dựng chương trình đào tạo Tâm lý học (định hướng tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) của Trường Đại học Giáo dục là thành viên chủ chốt của các Hiệp hội nghề nghiệp tại Việt Nam và quốc tế. Họ đang tham gia đóng góp xây dựng chính sách về quy trình công nhận mã nghề và quy trình đảm bảo chất lượng cấp chứng chỉ hành nghề Tâm lý học lâm sàng đã xây dựng các học phần bậc học cử nhân đảm bảo chuẩn bị tốt cho các năng lực của nhà tâm lý học lâm sàng và các kỹ thuật nghề tâm lý lâm sàng phổ thông.

Cơ hội việc làm rộng mở

Sinh viên sau tốt nghiệp chương trình cử nhân Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) sẽ có năng lực nhận diện, thu thập và diễn giải các thông tin lâm sàng và tâm lý, xã hội của các cá nhân để xác định vấn đề và nhu cầu tâm lý cá nhân. Có năng lực đánh giá và can thiệp giải quyết các vấn đề về tâm lí hoặc liên quan đến sức khỏe tâm thần, phối hợp can thiệp cho các cá nhân/nhóm với những đặc điểm, điều kiện sức khỏe khác nhau. Làm việc tự chủ, độc lập, trong các môi trường và bối cảnh đa dạng, đảm bảo các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp.

Sinh viên cũng thực hiện quy trình tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học, phương pháp và kĩ thuật triển khai nghiên cứu, xử lý phân tích và trình bày kết quả nghiên cứu, ứng dụng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng.

Người học có cơ hội được làm việc trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tâm lý ở các cơ sở giáo dục, y tế, cộng đồng, xã hội, v.v. có thể đảm nhiệm các vị trí như (i) Chuyên viên tâm lý lâm sàng mức độ cơ bản tại các cơ sở khám chữa bệnh hay (ii) Cán bộ hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên ở các trường đại học và cao đẳng, các học viện, viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu và ứng dụng về giáo dục v.v. trong phát triển đội ngũ và nghề nghiệp tham vấn học đường.

Sinh viên tham gia chương trình cử nhân ngành Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) cũng có cơ hội lấy bằng kép ngành Tham vấn học đường và chương trình đào tạo bằng kép trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Có cơ hội học chuyển thẳng lên các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ ngành Tham vấn học đường và Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên của Trường Đại học Giáo dục.

Quyết định số 2041/QĐ-ĐHGD ngày 17 tháng 5 năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội về việc Ban hành chương trình và giao nhiệm vụ đào tạo đại học ngành Tâm lý học (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên). Thí sinh quan tâm vui lòng click để xem chi tiết khung chương trình đào tạo.

Mọi thắc mắc, hỗ trợ, thí sinh liên lạc theo địa chỉ:

Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội

Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: http://education.vnu.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/education.vnu.edu.vn

Hotline tuyển sinh: 0865964905 hoặc 024) 7301 7123 – máy lẻ 1102 (trong giờ hành chính)

Hải Yến