Phụ huynh khó nhận biết SGK thật - giả, cần tăng liên kết với nhà trường

19/12/2024 09:47
Ngọc Huyền

GDVN- Phụ huynh sẽ rất khó phân biệt SGK thật - giả nếu không có sự hỗ trợ từ nhà trường, đặc biệt khi thủ thuật sản xuất sách giả, lậu ngày càng tinh vi.

Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường - phụ huynh

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lương Xuân Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cán Cấu (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Tại nhà trường, hiện chưa xuất hiện tình trạng học sinh, phụ huynh mua nhầm các loại sách giáo khoa không đảm bảo chất lượng. Bởi từ đầu năm học, nhà trường đã trao đổi kỹ với phụ huynh học sinh trong hoạt động này”.

Thầy Bình chia sẻ, phụ huynh học sinh tại Trường Trung học cơ sở Cán Cấu được nhà trường cung cấp danh mục sách giáo khoa cần mua, theo đúng chương trình học của từng khóa. Phụ huynh sẽ chủ động tìm mua tại các nhà sách uy tín theo chỉ dẫn của giáo viên chủ nhiệm.

Do mỗi trường sử dụng một bộ sách riêng, cộng thêm đặc điểm xã hội tại miền núi, nên phụ huynh rất cần sự hỗ trợ và liên hệ chặt chẽ với nhà trường, mới có thể lựa chọn đúng bộ sách cho con em học tập.

Trước đó, Trường Trung học cơ sở Cán Cấu đã khảo sát và xác định một số hiệu sách uy tín, với nguồn cung ứng từ Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học Lào Cai, sau đó mới yên tâm giới thiệu cho phụ huynh.

0-5038.jpg
Một số lưu ý để phân biệt sách giáo khoa thật - giả.

“Để đáp ứng được nguồn sách giáo khoa chính thống, phụ huynh thường mua ở các công ty sách - thiết bị trường học của tỉnh. Bởi các công ty này là một trong những đơn vị phân phối sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, với các trường ở xa, việc tiếp cận nguồn sách giáo khoa sẽ khá khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ từ nhà trường. Một số phụ huynh thậm chí phải nhờ nhà trường mua hộ, nên nhà trường sẽ thống kê để đặt trực tiếp với công ty sách tại thành phố Lào Cai”, thầy Bình chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, thầy Lương Xuân Bình nhận định, rất khó để phụ huynh học sinh phân biệt được sách giả - sách thật nếu không có chỉ dẫn. Hiện tại, nhà trường đã triển khai các buổi họp phụ huynh và tuyên truyền về vấn đề này. Vào đầu năm học, Trường Trung học cơ sở Cán Cấu cũng cung cấp bản sách mẫu, đồng thời nêu rõ các đặc điểm để phụ huynh có thể ghi nhớ và đối chiếu khi đi mua tại các cửa hàng.

Tuy nhiên, vị Phó Hiệu trưởng vẫn còn nhiều trăn trở: “Trong thực tế, dù đã có bản mẫu sách, nhưng để nhìn ra điểm bất thường, phụ huynh học sinh vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Còn đối với nhà trường, nếu kiểm tra kỹ, có thể dễ dàng phát hiện. Do đó, vào đầu năm học, các giáo viên bộ môn đã tiến hành kiểm tra sách giáo khoa của học sinh ngay trong các tiết học đầu tiên”.

Để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa dành cho học sinh, sự trao đổi, kết nối giữa phụ huynh và nhà trường là điều không thể thiếu. Thầy Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: “Nhà trường công bố danh mục sách giáo khoa đến phụ huynh học sinh qua website trường hoặc các kênh mạng xã hội như Zalo. Như vậy, phụ huynh sẽ dễ dàng nắm bắt thông tin và mua tại các nhà sách uy tín bên ngoài”.

Vị Hiệu trưởng cho biết thêm, nhà trường sẽ hỗ trợ phụ huynh trong quá trình tìm mua sách giáo khoa chuẩn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thông qua giới thiệu địa điểm và đưa ra các lưu ý để phụ huynh có thể cơ bản nhận diện và lựa chọn được sách chuẩn.

Thay đổi tem chống hàng giả để các đối tượng không thể bắt chước

Hiện nay, sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tem chống hàng giả. Tuy nhiên, một số đối tượng lại lợi dụng chính điều này để làm giả tem, khiến sản phẩm sách giả càng thêm tinh vi.

Theo kinh nghiệm của thầy Lương Xuân Bình, để đảm bảo sách đến tay học sinh là sách thật, các trường học cần phải căn cứ vào tem chống hàng giả để kiểm tra nguồn gốc sách.

Bên cạnh đó, các thầy cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, có thể dựa vào bản mẫu sách giáo khoa được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai gửi về để kiểm tra và xác định sách chuẩn. Những bản mẫu này giúp giáo viên nhận diện đúng sách thật khi tiếp nhận từ các nhà cung cấp, đồng thời phát hiện sách giả trong quá trình giảng dạy học sinh.

Theo thầy Lương Xuân Bình, những năm qua, Trường Trung học cơ sở Cán Cấu không ghi nhận tình trạng sách lậu len lỏi vào học đường. Để có được sự thành công này, thầy Bình cho biết, nhà trường phải đảm bảo chất lượng sách giáo khoa khi đến tay học sinh, tức là phải luôn đảm bảo được nguồn cung ứng cũng như đơn vị phân phối sách giáo khoa chính thống, đồng thời có sự hỗ trợ, sát sao từ phía nhà trường.

Ngoài ra, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cán Cấu cũng cho rằng, việc tuyên truyền, trang bị kiến thức về sách giáo khoa thật - giả vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần nắm vững một số thông tin cơ bản về sách giáo khoa, đồng thời phải mua sách từ đơn vị cung cấp uy tín như các công ty phát hành sách chính thức, các đại lý sách được cấp phép. Việc mua sách ở những hiệu sách nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến nguy cơ mua phải sách giả.

Về phía Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh, thầy Bùi Duy Quốc cũng cho rằng, việc đảm bảo chất lượng sách ngay từ các đại lý, văn phòng phẩm sẽ giúp ngăn chặn được sách giả len lỏi vào học đường.

Vị Hiệu trưởng khẳng định: “Tôi cho rằng, phụ huynh tại Đà Nẵng có cơ hội tiếp cận với thông tin, với công nghệ khá nhiều, vì vậy, họ sẽ xác định được những địa điểm mua sách uy tín và có sự kiểm tra kỹ càng đối với tài liệu học tập của con em mình”.

thầy bui duy quốc.jpg
Thầy Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh. Ảnh: NTCC.

Thầy Bùi Duy Quốc nhận định, sách giáo khoa giả có thể vẫn còn len lỏi tại các chợ sách lậu, văn phòng phẩm nhỏ, lẻ, không đảm bảo uy tín. Vì vậy, phụ huynh nên tìm mua sách giáo khoa tại các đơn vị lớn, có tên tuổi. Bởi các đơn vị này thường sẽ có công ty quản lý hoạt động nhập sách, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.

Tuy nhiên, trước sự “phát triển” của hoạt động sản xuất sách giáo khoa kém chất lượng, giả mạo sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Duy Quốc bày tỏ sự lo lắng: “Nếu các đối tượng thay đổi cách thức, sản xuất tinh vi hơn, thậm chí làm giả cả tem chống hàng giả, thì phụ huynh sẽ càng thêm gian nan khi lựa chọn, mua sách.

Hiện nay, Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh đã tích cực đẩy mạnh khâu tuyên truyền, kết nối với phụ huynh để trao đổi thông tin về tài liệu học tập một cách nhanh chóng. Điều này cũng góp phần tư vấn, giới thiệu giúp phụ huynh có thêm những lựa chọn an toàn.

Tuy nhiên, để phụ huynh có thể yên tâm khi mua sách giáo khoa cho con tại các đơn vị bên ngoài, tôi rất mong, cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, đồng thời phối hợp với nhà trường để xử lý nếu phát hiện xuất bản phẩm giả trong trường”.

Thầy Bùi Duy Quốc đề xuất, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm, đặc biệt, tăng cường kiểm tra tất cả đơn vị đang buôn bán sách giáo khoa, nhằm xác minh nguồn gốc rõ ràng để các trường tại địa bàn có thể tin tưởng và đến mua.

Bên cạnh đó, vị Hiệu trưởng mong muốn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có những hướng dẫn cụ thể nhằm phân biệt tem thật - giả của mỗi loại sách giáo khoa trong phạm vi nội bộ các trường học; hoặc có thể phóng to tem, lồng ghép thêm một số chi tiết mới trong tem để các đối tượng không thể bắt chước, làm giả.

Ngọc Huyền