Thị trường sách giáo khoa ngày càng phức tạp bởi tình trạng sách giả, sách in lậu được sản xuất tinh vi và khó lường. Với việc mua phải các sản phẩm sách kém chất lượng, người tiêu dùng đã vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân.
Sách giả được sản xuất tinh vi, người dân khó phát hiện
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang nhận định: “Các cơ sở kinh doanh, đại lý hiện nay có thể dễ dàng bị thu hút bởi chiết khấu lợi nhuận cao, dẫn đến vô tình nhập sách giả.
Các đối tượng bán sách giáo khoa giả, sách lậu, thường không mất tiền bản quyền, chất lượng in ấn cũng không bằng các nhà xuất bản chính thống, do vậy, họ sẵn sàng chia lợi nhuận hoa hồng cao cho đại lý. Trong lúc đó, chính các đại lý cũng không phát hiện ra vì tin tưởng và thấy hình thức sách như sách thật”.
Đây chính là con đường mà sách giáo khoa lậu, sách giả đang “len lỏi” vào học đường. Theo ông Vũ Quốc Khánh, hiện nay, mặc dù cũng có nhà xuất bản đã gắn tem chống hàng giả lên sản phẩm sách giáo khoa, sách tham khảo, song, phương thức này vẫn có thể bị làm giả.
“Khi nhà xuất bản gắn tem chống hàng giả lên bìa sách, các đối tượng có thể lợi dụng điều này, sản xuất tem giả giống mẫu tem thật. Điều đó càng gây khó khăn cho các nhà sản xuất chân chính trong công cuộc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sách giáo khoa, sách tham khảo.
Thực tế, về bản chất, những loại tem nhãn giả hiện nay rất tinh vi, gần giống với loại tem của sách thật. Để phát hiện được, cần phải có kiến thức và công cụ, mới có thể nhìn ra sự khác biệt. Vì vậy, nếu không có những thiết bị chuyên dụng hay chuyên gia thẩm định, thì người dân cũng vô cùng khó khăn trong việc phân biệt sách giả - sách thật”, vị Cục trưởng khẳng định.
Trước đó, vào tháng 8/2024 tại thành phố Hà Giang, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tham gia trưng bày các sản phẩm sách giáo khoa làm giả thương hiệu của nhà xuất bản, trong khuôn khổ hoạt động do Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang tổ chức.
Gian hàng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trưng bày các cuốn sách giáo khoa thật và sách làm giả sản phẩm của Nhà xuất bản ở nhiều môn học như Toán, Tiếng Việt, Tin học, Tiếng Anh, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm… Gian hàng cũng cung cấp những dấu hiệu nhận biết cơ bản để người tiêu dùng có thể phân biệt sách giáo khoa thật và sách giáo khoa giả, hạn chế được thiệt hại về kinh tế cho bản thân và gia đình. [1]
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang, việc hướng dẫn nhận biết, phân biệt sách thật - sách giả chỉ thông qua quan sát bằng mắt thường là chưa đủ, lực lượng quản lý thị trường cần được trang bị thêm kiến thức chuyên sâu hơn và có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra.
Cụ thể, ông Vũ Quốc Khánh chỉ ra: “Không chỉ người dân hiện đang khó phân biệt được sách thật - sách giả, mà phía lực lượng quản lý thị trường cũng cần phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mới có đủ kiến thức để nhận biết về sách thật - sách giả. Từ đó, lực lượng quản lý thị trường đã có những cuộc rà soát diện rộng trên toàn bộ địa bàn.
Khi có dấu hiệu nghi vấn, Đội Quản lý thị trường sẽ kết nối với đơn vị xuất bản để tiến hành kiểm tra. Sau đó, nhà xuất bản sẽ cử các chuyên gia cùng lực lượng quản lý thị trường tham gia kiểm tra, xác định và lập văn bản vi phạm hành chính, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần có sự phối hợp giữa người dân, lực lượng quản lý thị trường và nhà xuất bản trong công cuộc chống sách giả, sách lậu, bởi, đây là một trong những điều hết sức khó khăn đối với người tiêu dùng".
Ông Vũ Quốc Khánh cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự phối hợp của các bên trong cuộc đấu tranh phòng, chống sách giả này: “Chúng tôi mong các nhà xuất bản cung cấp tài liệu, kỹ thuật cũng như thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin để lực lượng quản lý thị trường nắm bắt, bởi theo thời gian, các thủ đoạn làm sách giả ngày càng tinh vi, yêu cầu lực lượng chức năng phải cập nhật kiến thức sâu hơn.
Song song, chúng tôi cũng kêu gọi người dân, nhà trường, phụ huynh và các em học sinh nếu phát hiện sách giả, sách lậu trên địa bàn, hãy báo ngay tới lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn hiệu quả tình trạng trên”.
Cũng theo ông Vũ Quốc Khánh, những năm gần đây, nhờ được Nhà nước tài trợ, các trường học trên địa bàn vùng sâu, vùng xa (nói riêng) và toàn tỉnh Hà Giang (nói chung), không diễn ra tình trạng người tiêu dùng mua phải sách giáo khoa giả. Riêng đối với các trường vùng cao, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thậm chí phát sách đến tận trường.
Đăng ký sách tại nhà trường giúp ngăn chặn sách giáo khoa giả
Chia sẻ về vấn đề này, cô Phạm Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Sơn (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Nhà trường cũng là đơn vị thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lào Cai. Do đó, toàn bộ sách giáo khoa đang sử dụng đều do các đơn vị cung ứng được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên giới thiệu”.
Cô Hợi khẳng định, tất cả đầu sách nhà trường đang sử dụng đều là sách giáo khoa từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nếu trong quá trình học tập, phát hiện trường hợp học sinh sử dụng loại sách giáo khoa giả, kém chất lượng, nhà trường sẽ thu lại, báo cáo lên Phòng Giáo dục và Đào tạo để có kế hoạch xử lý.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Sơn bày tỏ, phụ huynh vô cùng tin tưởng vào nhà trường. Vì vậy, trước khi vào năm học mới, trường sẽ giới thiệu những bộ sách, cuốn sách được chọn lựa. Sau đó, phụ huynh sẽ đến các địa chỉ do trường giới thiệu để mua sách. Ngoài ra, phụ huynh có thể đăng ký với nhà trường để thầy cô lên danh sách mua hộ.
Với các đầu sách tham khảo nằm ngoài danh mục sách nhà trường đưa ra, nếu phụ huynh muốn mua thêm cho con em học tập, các thầy cô sẽ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu đại lý chất lượng và bộ sách đúng. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng phụ huynh mua nhầm sách giả, sách in lậu trôi nổi trên thị trường.
Để ngăn chặn triệt để sách giáo khoa giả, sách in lậu len lỏi vào trường học, có cơ sở giáo dục cũng tổng hợp nhu cầu của phụ huynh, chuyển lên Phòng, Sở để đăng ký mua sách từ các đơn vị cung ứng uy tín.
Thầy Phạm Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Mả (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Tại trường, chúng tôi tổng hợp danh sách đầu sách cần mua, sau đó đăng ký qua Phòng Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, Phòng sẽ gửi danh sách lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, cuối cùng sẽ có công ty cung ứng vận chuyển sách giáo khoa đến trường.
Trên thực tế, phải đăng ký như vậy, mới có thể mua sách theo đúng chương trình. Bởi hiện nay, lựa chọn sách của mỗi khối trong trường có thể khác biệt. Một số môn triển khai học theo bộ sách này, một số môn lại có bộ sách khác. Chưa kể, 100% học sinh nhà trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, phụ huynh thường gặp khó khăn trong việc tìm hiểu bộ sách con em mình đang sử dụng. Vì vậy, các bậc phụ huynh đều trông cậy vào nhà trường và sẵn sàng ủng hộ việc đăng ký sách tại trường".
Thầy Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) cũng cho biết: "Dù ở nhà trường chưa từng xuất hiện tình trạng học sinh sử dụng sách giáo khoa giả, nhưng chúng tôi đều hiểu, nếu có trường hợp đó xảy ra, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cả học sinh và giáo viên.
Tại những nơi khó khăn như ở đây, phụ huynh gần như không nắm bắt được thực trạng sách giáo khoa giả đang xuất hiện trên thị trường hiện nay. Việc phân biệt sách thật - sách giả như thế nào cũng là một thách thức lớn. Vì vậy, phụ huynh chỉ có thể dựa trên danh mục sách mà nhà trường đã phê duyệt, biết rằng đó là bộ sách được lựa chọn cho con em học tập”.
Vị hiệu trưởng chia sẻ, lợi ích của việc đăng ký sách giáo khoa tại nhà trường ngoài việc tránh được nguồn sách giả kém chất lượng, học sinh sẽ được tiếp cận nguồn cung sách chính thống, đúng nội dung nhà xuất bản cung cấp.
Nhiều năm qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy không ghi nhận trường hợp học sinh sử dụng sách giáo khoa giả. Thầy Tùng cho biết, điều này có được nhờ việc phụ huynh đăng ký sách với nhà trường, sau đó trình danh sách lên Phòng, Sở và cuối cùng đăng ký trực tiếp với Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học Lào Cai.
Vị hiệu trưởng nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, công tác phối hợp thông tin tuyên truyền và cung ứng sách giáo khoa đều đảm bảo tốt, đúng theo quy định của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương. Bên cạnh đó, nhờ kênh liên kết giữa Phòng, Sở và công ty cung ứng của nhà xuất bản, nên nguồn cung cấp chắc chắn là sách chính thống.
Như vậy, có thể thấy, việc đăng ký sách giáo khoa tại nhà trường đang trở thành "vũ khí" mạnh mẽ trong công cuộc chống lại sách giả, sách in lậu hiện nay.
Để phổ biến thông tin về sách thật, sách giả đến phụ huynh và học sinh, thầy Phùng Thế Tùng cho biết nhà trường hiện đang thông qua các hội thảo, buổi họp, có sự góp mặt của phụ huynh để tuyên truyền cụ thể hơn về nội dung này.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-tham-gia-trung-bay-sach-that-sach-gia-tai-ha-giang