Ngày 29 tháng 11 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 3806/QĐ-BGDĐT về Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo.
Theo một số lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, khi có Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn cho các đơn vị trong quá trình triển khai, thực hiện công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, để nâng cao được các chỉ số về chuyển đổi số trong công tác quản lý và dạy học, việc đầu tư xây dựng hạ tầng số là rất quan trọng.
Còn khó khăn về kinh phí để thực hiện chuyển đổi số
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ bày tỏ, theo kết quả thực tế so với các tiêu chí theo Quyết định số 3806/QĐ-BGDĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đang đạt được Mức đáp ứng cơ bản và tiếp cận Mức đáp ứng tốt.
Thầy Bình thông tin, đối chiếu với các tiêu chí, hiện Sở có vài tiêu chí tỷ lệ còn thấp như: Tỷ lệ cơ sở giáo dục triển khai phần mềm quản trị trường học kết nối dữ liệu thành công (qua API) với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; Tỷ lệ các cơ sở giáo dục đã triển khai dịch vụ công tuyển sinh đầu cấp trực tuyến toàn trình và Kết quả chuyển đổi số trong dạy và học của các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ đạt những tiêu chí trên còn thấp là do khó khăn về kinh phí nên việc trang bị các phần mềm tổ chức tuyển sinh đầu cấp toàn trình, phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến, hệ thống quản lý học tập trực tuyến chưa được triển khai ở các đơn vị.
Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục trên địa bàn hiện nay phải sử dụng các phần mềm, hệ thống miễn phí để tổ chức dạy học trực tuyến nên chưa đảm bảo một số yêu cầu theo quy định.
Đơn cử, các phần mềm dạy học trực tuyến còn hạn chế trong việc lưu trữ tải học liệu dạy học trực tuyến kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh; quản lý hồ sơ, tiến trình học tập, kết quả học tập của học sinh và các hoạt động dạy của giáo viên; hỗ trợ quản lý các thông tin khác theo yêu cầu cơ sở giáo dục phổ thông và cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương.
Cũng theo thầy Bình, việc triển khai thí điểm học bạ số là bước chuẩn bị trong triển khai học bạ số đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, kết quả triển khai chính thức mới đánh giá được hiệu quả của triển khai học bạ số đối với chuyển đổi số.
Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Tiến Thắng – Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, hiện phòng đã đạt Mức đáp ứng tốt (Mức độ 3) theo Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo.
Để đạt được mức độ chuyển đổi số trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao các đơn vị trường về vấn đề công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đồng thời, tiếp tục nâng cao, cải thiện trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tiếp tục.
Bên cạnh đó, các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy và học được triển khai đầy đủ, đảm bảo đồng bộ liên thông từ phòng giáo dục và đào tạo đến các nhà trường, hỗ trợ tốt cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã triển khai sử dụng Hệ thống quản lý nhà trường, Hệ thống quản lý hồ sơ sổ sách giáo dục điện tử, quản lý văn bản ký số, quản lý kế toán, cơ sở vật chất, thanh toán không dùng tiền mặt, các phần mềm hỗ trợ dạy học, họp trực tuyến… Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin, hạ tầng mạng đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác thực hiện được chuyển đổi số, nâng cao mức độ chuyển đổi số của phòng còn gặp một số khó khăn như cơ sở hạ tầng mạng, máy tính ở một số trường đã xuống cấp, một số điểm trường chưa có điện lưới, chưa có mạng internet cố định tốc độ cao. Hơn nữa, một số giáo viên có tuổi đời cao việc ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số còn hạn chế, các thao tác thực hành còn chậm.
Cũng theo thầy Thắng, xây dựng hạ tầng số như LMS hay LCMS,… là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình số hoá cho ngành Giáo dục bởi đó là nền móng vững chắc cho sự thành công của chuyển đổi số. Do đó, việc xây dựng hạ tầng số phải được ưu tiên hàng đầu để tạo nền tảng cho các bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi số.
Trên thực tế, Điện Biên Đông là một huyện vùng cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vậy nên, việc kêu gọi xã hội hóa từ người dân là rất khó.
Chính vì vậy, để thực hiện việc xây dựng hạ tầng số, phải huy động các nguồn lực xã hội, đồng thời có sự đầu tư kinh phí từ nhà nước và cả từ địa phương.
Thầy Thắng thông tin thêm, việc thực hiện thí điểm phần mềm Học bạ số nhằm đáp ứng nhu cầu số hóa toàn diện học bạ thông qua ký số và ký dấu. Học bạ điện tử được lưu trữ trên dữ liệu số, để truy cập cần kết nối internet và tài khoản học sinh được cấp. Học bạ điện tử sẽ giúp nhà trường và giáo viên ký học bạ nhanh chóng, dễ dàng. Vậy nên, thời gian tới, khi Hệ thống học bạ điện tử được áp dụng triển khai toàn bộ sẽ giúp công tác quản lý được tự động hóa theo quy trình và trên một mô hình tập trung. Tất cả các dữ liệu phần mềm chính thống được chuyển đồng bộ, tự động từ các trường tới cấp phòng quản lý và cấp sở.
Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số giúp tăng tính công khai, minh bạch
Còn theo thầy Lê Thanh Kính – Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm nay, tình hình thực hiện chuyển đổi số của ngành giáo dục trên địa bàn đã tăng lên, đạt Mức đáp ứng tốt (Mức độ 3) theo Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo.
Có thể thấy rằng, Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là cơ sở để các đơn vị có các tiêu chí rõ ràng trong việc đánh giá công tác thực hiện chuyển đổi số.
Thầy Kính bày tỏ, trước đây, chúng ta chỉ nói là nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học, chưa có các tiêu chí, chỉ số rõ ràng nên mới chỉ đánh giá trên khả năng đạt được, chưa có kết quả thực hiện một cách chính xác cao.
Khi có Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số tức là có cấu trúc cụ thể, chỉ số được phân thành nhóm, tiêu chí chính, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, kết quả của các cơ sở một cách rõ ràng, … Không những vậy, Bộ chỉ số này còn có tính mở, hiệu quả, cho phép các đơn vị cập nhật để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sự linh hoạt trong khai thác và vận dụng.
Dựa trên thang điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số, các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo sẽ đánh giá được mình đang nằm ở mức nào, gặp khó khăn gì để dễ dàng tập trung vào đầu tư, cải thiện những điểm yếu và trên cơ sở đó định hướng cho các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện.
Hơn nữa, việc có thang điểm đánh giá cũng thể hiện tính minh bạch, khách quan, công khai, khiến các đơn vị khác đều phải “tâm phục khẩu phục” với kết quả thực hiện chuyển đổi số của đơn vị thực hiện.
Thầy Kính thông tin thêm, hiện hạ tầng số với các phần mềm về quản lý, dạy học trên địa bàn cơ bản được địa phương đầu tư, trang bị và vẫn đang tiếp tục củng cố, đầu tư thêm. Sự quan tâm của địa phương về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học được triển khai từ rất sớm, coi đây là một khâu đột phá. Hiện, hầu hết các giáo viên trên địa bàn huyện đều có chứng chỉ bồi dưỡng về chuyển đổi số.
Việc đầu tư trong xây dựng, phát triển hạ tầng số đối với phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ yếu đến từ nguồn ngân sách của địa phương hoặc bằng nguồn hoạt động của từng cơ sở giáo dục chứ không kêu gọi nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, việc đầu tư cho sự phát triển này vẫn chưa đủ.
Vậy nên, thầy Kính đề nghị, mỗi địa phương cần có một mục đầu tư riêng cho chuyển đổi số trong giáo dục, trong đó quy định mức kinh phí đầu tư là bao nhiêu, chi bao nhiêu phần trăm để các đơn vị có cơ sở thực hiện hiệu quả hơn.
Theo Bộ chỉ số, mức độ chuyển đổi số đối với các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương được đánh giá theo thang điểm tối đa là 100 điểm, kết quả được đánh giá ở ba mức độ:
Mức chưa đáp ứng (Mức độ 1): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số dưới 50 điểm. Ở mức này, cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương chưa đáp ứng công tác chuyển đổi số.
Mức đáp ứng cơ bản (Mức độ 2): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số từ 50 đến 75 điểm. Ở mức này, cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương đã đáp ứng cơ bản công tác chuyển đổi số.
Mức đáp ứng tốt (Mức độ 3): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số trên 75 điểm. Ở mức này, cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương đáp ứng tốt công tác chuyển đổi số.