Đề kiểm tra môn Ngữ văn THPT có cần làm theo Công văn 7991​?

24/12/2024 06:46
Trần Văn Tâm

GDVN - Dù môn Ngữ văn vẫn có thể kiểm tra với dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhưng đối chiếu ma trận thì không phù hợp.

Ngày 17/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 7991/BGDĐT-GDTrH quy định kiểm tra, đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số theo quy định tại Thông tư 22/2021-TT/BGDĐT.

hinh-1-3-3713.jpg
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 7991/BGDĐT-GDTrH về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Công văn 7991/BGDĐT-GDTrH quy định kiểm tra, đánh giá như thế nào?

Theo công văn, ma trận đề kiểm tra các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, gồm 2 phần: trắc nghiệm khách quan (7/10 điểm) và tự luận (3/10 điểm).

Trong đó, phần trắc nghiệm khách quan có 3 dạng câu hỏi:

Một là, dạng câu hỏi Nhiều lựa chọn (3/10 điểm): Mỗi câu hỏi có 4 đáp án, học sinh chỉ chọn 1 đáp án theo lệnh hỏi. Đây là dạng câu hỏi trắc nghiệm quen thuộc với học sinh.

Hai là, dạng câu hỏi Đúng – Sai (2/10 điểm): Mỗi câu hỏi bao gồm 4 đáp án, mỗi đáp án học sinh phải chọn Đúng hoặc Sai. Một số tài liệu xếp loại câu hỏi này vào loại Nhiều lựa chọn phức hợp hoặc Nhiều lựa chọn có nhiều phương án đúng.

Ba là, dạng câu hỏi Trả lời ngắn (2/10 điểm): Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn gần với dạng câu hỏi tự luận. Học sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Đối với môn học không sử dụng dạng này thì chuyển toàn bộ số điểm sang dạng câu hỏi “Đúng – Sai”.

Đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn theo những văn bản chỉ đạo nào?

Công văn 7991 khiến giáo viên dạy môn Ngữ văn tranh luận, bởi môn Ngữ văn cũng là môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Có giáo viên cho rằng Công văn 7991 quy định bao gồm cả môn Ngữ văn, có giáo viên cho rằng không áp dụng cho môn Ngữ văn.

Hiện tại, việc ra đề Ngữ văn dựa trên một số văn bản sau:

Một là, căn cứ theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/07/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, tại Điều 7 như sau:

Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Hai là, căn cứ theo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018, quy định hình thức kiểm tra cụ thể như sau:

Đề kiểm tra định kì có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và hình thức tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá năng lực đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình.

Ba là, căn cứ theo Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH, ngày 21/07/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định hình thức câu hỏi kiểm tra cho môn Ngữ văn.

Như vậy, cả Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT và Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH không quy định hình thức câu hỏi kiểm tra, trong khi đó, Chương trình Ngữ văn có gợi ý hình thức câu hỏi đề kiểm tra khá linh hoạt: đề có thể 100% tự luận, hoặc kết hợp trắc nghiệm với tự luận.

Đề kiểm tra môn Ngữ văn theo Công văn 7991/BGDĐT-GDTrH được không?

Dù môn Ngữ văn vẫn có thể kiểm tra với dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhưng đối chiếu ma trận thì không phù hợp.

Ma trận đề kiểm tra định kì kèm theo Công văn 7991/BGDĐT-GDTrH gồm 2 phần: trắc nghiệm khách quan và tự luận với tỷ lệ điểm là 70-30.

Việc này có thể khắc phục việc các đề kiểm tra định kì áp giống cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp.

hinh-2-3-6222.jpg

Còn theo ma trận đề kiểm tra môn Ngữ văn theo Tài liệu hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mô hình đề kiểm tra định kỳ gồm 2 phần Đọc hiểu và Viết: Tỷ lệ điểm dự kiến cho các phần Đọc hiểu - Viết là 60-40, 50-50 hoặc 40-60 (tuỳ vào mục đích kiểm tra hoặc độ khó của văn bản đọc và yêu cầu viết).

Nếu mục đích kiểm tra của giáo viên chú trọng vào kỹ năng Đọc hiểu của học sinh thì phần Đọc có thể thiết kế với các câu hỏi có tổng điểm là 6/10.

Ngược lại, nếu giáo viên muốn kiểm tra trọng tâm vào phần Viết của học sinh thì tổng điểm của phần Đọc hiểu có thể giảm và điểm Viết tăng thành 6/10 điểm.

Theo đó, bảng ma trận đề kiểm tra tự luận 100% hoặc tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan như sau:

hinh-3-3-5742.jpg
hinh-4-3-1016.jpg

Hiện nay, các môn thi tốt nghiệp bằng hình thức trắc nghiệm được không ít trường thiết kế đề kiểm tra định kì 100% câu hỏi trắc nghiệm.

Theo người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 7991 hướng dẫn các trường xây dựng đề kiểm tra linh hoạt theo Thông tư 22 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đánh giá nhiều kỹ năng cho học sinh, khắc phục được vấn đề nêu trên.

Từ đó, theo quan điểm của người viết, đề kiểm tra, đánh giá định kì của môn Ngữ văn không nên áp dụng rập khuôn theo Công văn 7991/BGDĐT-GDTrH mà nên theo công văn hướng dẫn riêng cho bộ môn có tính đặc thù này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm