Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, thí sinh dự thi 4 môn gồm hai môn bắt buộc là Toán học và Ngữ văn, hai môn tự chọn từ các môn lựa chọn được học ở lớp 12, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo khảo sát lựa chọn các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh nhiều tỉnh thành, có tình trạng chênh lệch lớn giữa số lượng thí sinh đăng ký tổ hợp xã hội và tổ hợp tự nhiên. Trong đó, môn Sinh học xếp trong nhóm cuối với rất ít thí sinh đăng ký. Có tình trạng trường hơn 600 học sinh nhưng không một em nào đăng ký thi môn Sinh học.
Trước thực tế này, đại diện các trường đại học có tuyển sinh khối ngành sức khỏe có nêu nguyên nhân.
Hạn chế trong lựa chọn tổ hợp khiến môn Sinh học “yếu thế”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Dương Văn Bá, Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng Đào tạo và Sau đại học của Trường Đại học Hòa Bình cho biết có nhiều lý do khiến môn Sinh học không thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Môn Sinh học chỉ xuất hiện trong các tổ hợp tuyển sinh của những trường đại học thuộc các khối ngành Nông - Lâm - Y - Sinh. Điều này làm cho sự lựa chọn của thí sinh trở nên hạn chế hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay, các trường đại học, đặc biệt là các trường đào tạo khối ngành sức khỏe, có rất nhiều tổ hợp môn khác nhau để học sinh lựa chọn.
Năm học 2024 - 2025, ngành Y khoa của Trường Đại học Hòa Bình không chỉ sử dụng tổ hợp B00 (Toán học, Hóa học, Sinh học), mà còn xét tuyển với các tổ hợp khác như A00 (Toán học, Vật lí, Hóa học) hay D07 (Toán học, Hóa học, Tiếng Anh).
Điều này mang đến nhiều cơ hội cho thí sinh có thể chọn lựa tổ hợp môn phù hợp với khả năng và sở thích của mình mà không nhất thiết phải thi môn Sinh học. Vì vậy, các học sinh muốn theo đuổi các ngành sức khỏe không cảm thấy bị ràng buộc phải đăng ký môn Sinh học, và điều này cũng khiến nhiều em không chọn môn học này trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Có cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Sinh viên, Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) cũng cho rằng học sinh muốn chọn những môn học mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Sinh học cũng không phải là môn thi bắt buộc đối với khối ngành sức khỏe, trong bối cảnh các trường y dược có nhiều tổ hợp tuyển sinh khác.
Năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) có 3 tổ hợp tuyển sinh, trong đó 2 tổ hợp không có môn Sinh học là A00 (Toán học, Vật lý, Hóa học) và D07 (Toán học, Hóa học, Tiếng Anh). Một số ngành học tại Trường Đại học Y dược cũng không đòi hỏi phải có kiến thức Sinh học sâu rộng.
"Các ngành học liên quan đến Kỹ thuật xét nghiệm, Kỹ thuật hình ảnh không đòi hỏi nhiều kiến thức Sinh học như đào tạo bác sĩ. Bên cạnh đó, sinh viên khi theo học tại trường sẽ được đào tạo kiến thức Sinh học từ lý thuyết căn bản” - thầy Đông chia sẻ.
Tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình, trừ ngành Dược học không tuyển sinh bằng môn Sinh học, 6 ngành còn lại đều có tổ hợp xét tuyển bao gồm môn Sinh học.
Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thanh Bình - Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo đại học, Trường Đại học Y Dược Thái Bình cũng cho rằng, việc có ít ngành tuyển sinh tổ hợp có môn Sinh học là một trong những nguyên nhân chính khiến ít thí sinh đăng ký môn học này.
Dù lượng thí sinh đăng ký môn Sinh học làm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông không nhiều, đại diện nhà trường cho rằng tình trạng này không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo khối ngành sức khỏe.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thanh Bình chia sẻ: “Đối với khối ngành sức khỏe, nếu không có kiến thức môn Sinh tốt thì các sinh viên có thể gặp một số khó khăn trong quá trình học.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo đại học sẽ giảng dạy kiến thức về di truyền và giải phẫu, không giống nội dung môn Sinh học ở bậc trung học phổ thông. Sinh viên đều được đào tạo về kiến thức Sinh học để đảm bảo theo được các học phần.
Các nội dung này khi xây dựng chương trình đại học đều đã được các trường cân nhắc, lựa chọn để khi sinh viên hoàn thành các học phần tiên quyết là có đủ kiến thức và năng lực để học các môn học tiếp theo và đạt chuẩn đầu ra”.
Thiếu định hướng, học sinh thường chọn tổ hợp môn học theo số đông
Bàn luận sâu hơn về vấn đề chọn tổ hợp, Thạc sĩ Dương Văn Bá cho rằng ngay khi vào lớp 10, học sinh phải lựa chọn các môn học sẽ theo suốt 3 năm trung học phổ thông là quá sớm.
"Đây là một quyết định quan trọng nhưng lại được đưa ra khi các em chưa có một định hướng nghề nghiệp rõ ràng, vì hầu hết học sinh vào thời điểm này chưa thể xác định được công việc yêu thích trong tương lai. Do đó, nhiều em thường chọn theo xu hướng của bạn bè hoặc lựa chọn các môn học đã quen thuộc với các em từ bậc trung học cơ sở.
Việc lựa chọn tổ hợp môn khoa học xã hội vì thế trở thành một sự lựa chọn phổ biến. Tổ hợp này được cho là "an toàn" hơn so với các môn khoa học tự nhiên như Sinh học, Vật lí hay Hóa học. Điều này giúp học sinh cảm thấy tự tin hơn trong suốt quá trình học tập và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.
Chính vì vậy, môn Sinh học, dù có vai trò quan trọng đối với một số ngành học, lại không thu hút được sự quan tâm của nhiều học sinh. Khi các em bước vào lớp 12, dù có một số học sinh có bắt đầu yêu thích môn Sinh học và mong muốn theo học các ngành có liên quan đến Sinh học, việc lựa chọn lại tổ hợp môn học vẫn là một quyết định khó khăn. Các em không chỉ phải cân nhắc về đam mê, năng lực cá nhân mà còn phải đối mặt với áp lực điểm số" - thầy Bá chia sẻ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thanh Bình cũng cho biết thêm, Sinh học bị nhiều học sinh đánh giá là một môn học khó. Qua khảo sát với các học sinh trung học phổ thông, các em cho rằng đề thi môn Sinh học có nhiều nội dung yêu cầu phải ghi nhớ và học thuộc, khác với môn Vật lí và Hóa học có nhiều bài tập vận dụng thực tế.
Không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết về các khái niệm, các em còn phải nắm vững các đặc điểm cấu trúc, chức năng của các sinh vật. Chính vì vậy, việc ôn luyện và chuẩn bị cho kỳ thi Sinh học đòi hỏi một sự kiên trì và chăm chỉ đáng kể.
“Thực tế các em chưa có sự quan tâm đúng mức đối với môn Sinh trong thời gian học phổ thông chứ không phải là các em không đủ năng lực để tiếp thu các kiến thức Sinh học.
Bằng chứng là phân tích kết quả học tập năm thứ nhất của sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình trong 2 năm vừa qua cho thấy không có sự khác biệt giữa hai nhóm sinh viên được xét tuyển bởi các tổ hợp có và không có môn Sinh học” - thầy Bình bày tỏ.