Thí sinh chọn tổ hợp môn xã hội thi tốt nghiệp nhiều vì nghĩ dễ học, dễ lấy điểm

15/12/2024 06:40
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo đánh giá của giáo viên, lý do khiến học sinh chọn thi môn xã hội vì cho rằng các môn này dễ học, dễ đạt điểm cao, ít áp lực trong giai đoạn ôn tập.

Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên triển khai thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh lớp 12 sẽ chỉ phải thi 4 môn thi, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn (thay vì thi 6 môn như các năm học trước).

Cụ thể, 2 môn thi bắt buộc bao gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn sẽ nằm trong số các môn học còn lại ở lớp 12.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều trường và địa phương đã tổ chức khảo sát và thống kê lựa chọn của học sinh.

Thí sinh chọn môn xã hội vì nghĩ dễ học hơn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Đình Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Đắk Lắk) thông tin: Năm 2025 nhà trường có khoảng 400 học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Qua đánh giá khảo sát, các em sẽ chọn môn thi tốt nghiệp theo tổ hợp sẽ xét tuyển đại học và trường ghi nhận phần lớn học sinh lựa chọn các môn xã hội để làm tổ hợp môn thi tốt nghiệp.

Theo đó, các môn thi được lựa chọn nhiều nhất là Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Các môn học như Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học được ít học sinh lựa chọn hơn, điển hình như môn Tin học trường ghi nhận chỉ có 2-3 em đăng ký.

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh chọn thi tốt nghiệp bằng các môn xã hội áp đảo các môn tự nhiên, thầy Dũng cho biết tâm lý học sinh thường cho rằng các môn xã hội “nhẹ nhàng” hơn các môn tự nhiên và chỉ cần chăm chỉ học thuộc lòng là đã có thể dễ dàng vượt qua.

Trong khi đó, đặc điểm của những môn tự nhiên sẽ yêu cầu cao về tư duy nên thí sinh phải có năng lực học tập tốt mới có thể chinh phục được những môn học này.

Đối với môn Tiếng Anh, thầy Dũng chia sẻ vì Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng nằm tại khu vực nông thôn nên hầu hết học sinh không có điều kiện tốt để tiếp cận, trau dồi và rèn luyện ngoại ngữ.

Mặt khác, hiện nay trang thiết bị của trường để phục vụ cho môn Tiếng Anh, rèn luyện các kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu thực hành của người học.

“Khi cơ hội học tập, điều kiện tiếp cận tri thức mới còn khiêm tốn sẽ ảnh hưởng đến trình độ ngoại ngữ của học sinh tại trường. Đó cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ thí sinh lựa chọn môn Tiếng Anh để thi tốt nghiệp chưa được cao”, thầy Dũng cho hay.

IMG_0349.jpg
Phần lớn học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Đắk Lắk) lựa chọn thi môn xã hội. Ảnh minh họa: website nhà trường

Bên cạnh đó, thầy Dũng còn cho biết thêm, từ phía học sinh, việc lựa chọn các môn xã hội như Địa lý, Lịch sử sẽ “an toàn” hơn khi dễ học, dễ đạt điểm cao cũng như giảm tải áp lực cho các em trong giai đoạn cam go chuẩn bị tranh tuyển vào đại học.

Cùng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhưng tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, tỷ lệ học sinh chọn môn thi tốt nghiệp lại có sự thay đổi, chuyển biến qua từng năm, từng giai đoạn.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk), từ năm 2019 trở về trước, học sinh của trường có thiên hướng lựa chọn các môn thi xã hội khi 70% học sinh chọn tổ hợp môn xã hội, 30% lựa chọn tổ hợp môn tự nhiên.

Theo đó, nguyên nhân lớn tác động đến quyết định học sinh lựa chọn các môn xã hội là do năng lực còn chưa tốt nên các em sợ những môn tư duy. Có thể hiểu, việc lựa chọn môn xã hội trong trường hợp này là “cần cù bù thông minh”.

“Thông thường, những trường trung học phổ thông có đầu vào thấp thì tỷ lệ học sinh lựa chọn môn xã hội sẽ cao. Ngược lại, với những cơ sở có đầu vào cao, năng lực học tập tốt thì phần lớn các em sẽ lựa chọn môn thi tự nhiên”, cô Hương nêu đánh giá.

Theo thông tin cô Hương chia sẻ, từ năm 2023 đến nay, tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk), tỷ lệ học sinh lựa chọn các môn thi có dấu hiệu đảo chiều khi phần lớn học sinh nhà trường lại đăng ký các môn tự nhiên. Trong bối cảnh đó, nhà trường đã phải sắp xếp, cơ cấu lại lớp học cũng như điều chỉnh việc xây dựng các tổ hợp môn cho phù hợp.

Từ câu chuyện thực tế của trường mình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) cho biết, tỷ lệ học sinh lựa chọn môn thi tốt nghiệp sẽ còn thay đổi ngay cả khi kỳ thi đã cận kề.

snapedit_1733287266194.jpeg
Cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: website trường

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên tại Trường Trung học phổ thông Hòa Hội (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), năm 2024 trường có 274 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong đó hơn 80% học sinh lựa chọn môn thi tự nhiên, gần 20% học sinh chọn môn thi xã hội.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Đình Thái - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vì trường nằm trên địa bàn của một huyện ven biển thuộc tỉnh nên điều kiện, chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế.

Nhìn chung, sức học của học sinh tại đây không thật sự xuất sắc. Qua phiếu khảo sát nhà trường thực hiện, được biết, lý do các em lựa chọn môn thi tự nhiên là vì e ngại việc học các môn xã hội sẽ khó lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Theo thống kê, tại Trường Trung học phổ thông Hòa Hội (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), môn Vật lý được học sinh lựa chọn nhiều nhất. Trong khi đó với môn Sinh học lại khá “kén” thí sinh khi chỉ số ít học sinh theo đuổi các ngành học thuộc lĩnh vực sức khỏe mới lựa chọn những tổ hợp có môn học này.

“Theo quy định, học sinh được tự do lựa chọn các môn thi không bắt buộc. Tuy nhiên trên thực tế các trường lại không thể tự do, thoải mái cũng như dễ dàng tổ chức, xây dựng các tổ hợp môn theo mong muốn của thí sinh vì còn phải dựa theo tình hình đội ngũ, điều kiện của nhà trường.

Đây không chỉ là bất cập mà còn là khó khăn của hầu hết các trường trung học phổ thông khi thực hiện, triển khai”, thầy Thái trăn trở.

Học sinh rất khó xác định môn thi phù hợp dù có được tư vấn kỹ lưỡng

Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với cấp trung học phổ thông, học sinh có quyền chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Về lý thuyết, học sinh sẽ có hơn 100 cơ hội trong việc lựa chọn tổ hợp. Tuy nhiên, thực tế ở mỗi trường sẽ chỉ có từ 5-8 tổ hợp dựa theo điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Việc chọn môn sẽ diễn ra ngay khi học sinh bước vào lớp 10, cho tới khi thi tốt nghiệp, môn học các em chọn phải nằm trong tổ hợp đã học và cũng không được thi quá 2 môn lựa chọn.

Đánh giá từ thực tế, cô Nguyễn Thị Xuân Hương cho rằng nội dung này tồn tại nhiều bất cập khi để học sinh phải lựa chọn môn học, xác định tổ hợp xét tuyển ở năm học đầu tiên cấp trung học phổ thông.

Xét về độ tuổi, học sinh lớp 10 mới chỉ 14 - 15 tuổi và đang trong giai đoạn “sắp trưởng thành”. Về nhận thức, học sinh trong độ tuổi này chưa đủ chín chắn để có thể nghiêm túc suy nghĩ và có định hướng ngành nghề, công việc mình sẽ làm trong tương lai.

Trên thực tế, ngay từ khi học sinh vào lớp 10, giáo viên đã có nhiệm vụ dựa theo học bạ 9 năm của học sinh để tư vấn, hỗ trợ các em trong việc lựa chọn, xác định môn thi theo đúng năng lực, sở trường. Thế nhưng, sự định hướng này chỉ có khả năng hỗ trợ trong giai đoạn đầu khi học sinh chưa có nhận thức toàn diện. Trong 3 năm học trung học phổ thông, năng lực của các em vẫn sẽ tiếp tục được phát triển, khi đó các em sẽ có những định hình rõ ràng hơn về công việc, nghề nghiệp. Vậy nên trường hợp thay đổi tổ hợp môn là điều không thể tránh khỏi.

Trước những bất cập đó, cô Hương cho rằng cần phải nhìn nhận rõ tiềm ẩn rủi ro khi để thí sinh lựa chọn các môn thi ngay từ năm học đầu cấp.

“Trường hợp học sinh đang học tại trường A với tổ hợp môn do trường A xây dựng. Trong 3 năm học trung học phổ thông, vì một nguyên nhân nào đó học sinh phải chuyển trường sang khu vực khác. Trường hợp ngôi trường mới không có tổ hợp môn mà học sinh đang học tại trường A thì học sinh phải xử lý như thế nào?

Khi đó, bài toán đặt ra cho học sinh một là phải tìm được trường học có tổ hợp môn giống như mình đang học tại trường cũ. Hai là phải chấp nhận học lại từ đầu theo tổ hợp môn của trường mới. Chưa kể hiện nay, mỗi trường đang dạy - học riêng một bộ sách giáo khoa”, cô Hương nêu ví dụ.

gdvn_anhh1.jpg
Khi 14-15 tuổi, học sinh vẫn còn mơ hồ trong việc định hình nghề nghiệp trong tương lai. Ảnh minh họa: NA

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Đình Dũng cũng cho rằng, ở độ tuổi 14-15, học sinh sẽ khó có thể đưa ra lựa chọn đúng từ ban đầu dù đã được tư vấn, định hướng từ gia đình và thầy cô.

“Việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là xu thế tất yếu nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Dù chương trình đã được triển khai, áp dụng trong các cơ sở giáo dục trong suốt 3 năm học vừa qua nhưng đối với học sinh vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Đặc biệt với học sinh mới bắt đầu vào lớp 10, khi phải xác định lựa chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp từ năm học đầu cấp sẽ tạo thêm một áp lực mới khi các em chưa “đủ sức” để có thể lựa chọn hay đưa ra quyết định.

Nhà trường đã phối hợp với các trường trung học cơ sở trên địa bàn thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi các em đang học lớp 9. Tuy nhiên lên bậc phổ thông, số lượng học sinh chuyển đổi, thay đổi định hướng cũng như lựa chọn lại các môn thi tốt nghiệp không phải ít. Trước tình hình đó, nhà trường buộc phải hỗ trợ các em trong việc bổ sung kiến thức các môn học chuyển đổi. Tuy nhiên thực tế cho thấy, ngay cả khi các em được đổi tổ hợp thì cũng gặp nhiều rủi ro về việc thiếu hụt kiến thức so với những bạn đã học môn đó từ năm lớp 10”, thầy Dũng nhận định.

trường PĐP (đắk lắk) đinh hướng nn.jpg
Trường THPT Phan Đình Phùng (Đắk Lắk) đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: website nhà trường

Tại Trường Trung học phổ thông Hòa Hội (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), ngay khi học sinh trúng tuyển vào lớp 10, nhà trường đã tổ chức các buổi tư vấn cho học sinh trong việc lựa chọn môn thi cũng như xác định tổ hợp đúng với năng lực và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Chưa kể, nhà trường cũng tổ chức rất nhiều đợt khảo sát, đăng ký lựa chọn tổ hợp và sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh nếu các em muốn thay đổi.

Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thái, học sinh lớp 10 chưa đủ khả năng để xác định và đưa ra được quyết định cũng như chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Do đó, việc các em thay đổi lựa chọn trong quá trình học là điều dễ hiểu, trường học phải xây dựng các phương án để ứng phó khi những trường hợp đó xảy ra.

Mặc dù giáo viên và nhà trường sẵn sàng hỗ trợ học sinh trong việc thay đổi môn thi nhưng không thể phủ nhận rằng, việc thay đổi sẽ dẫn đến nhiều bất cập và gây ra khó khăn cho các em trong việc học. Khi thay đổi môn thi, các em chỉ có 1 khoảng thời gian ngắn để bổ sung kiến thức cho môn thay đổi thay vì được ôn tập từ ban đầu. Đối với nhà trường cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc đảm bảo nguồn lực hỗ trợ học sinh.

“Nếu tính xác suất sẽ có hơn 100 tổ hợp cho học sinh tự do lựa chọn. Thế nhưng trên thực tế, không có đơn vị nào đủ sức để xây dựng đầy đủ những tổ hợp môn đó. Chưa kể, trong bối cảnh thừa - thiếu giáo viên cục bộ, nhà trường không thể điều phối giáo viên dạy môn học này sang phụ trách môn học kia. Khi học sinh được tự do lựa chọn sẽ có những môn học được đăng ký nhiều, đồng nghĩa với việc giáo viên phụ trách môn học đó phải đảm nhận khối lượng công việc lớn. Ngược lại, với những môn học “kén” học sinh, giáo viên sẽ khó khăn trong việc đảm bảo đủ số giờ đứng lớp. Lúc này, bài toán đặt ra cho các trường trung học phổ thông lúc này là phải tìm cách dung hòa điều kiện của nhà trường với mong muốn, nhu cầu của học sinh.

Đối với Trường Trung học phổ thông Hòa Hội (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà trường đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để học sinh có thể lựa chọn tổ hợp môn mà đơn vị có thể tổ chức.

Thứ hai, khi xây dựng các tổ hợp môn đó, trường sẽ dựa theo đội ngũ giáo viên hiện có của trường để tránh tình trạng môn này có nhiều thí sinh học, môn kia lại không có ai đăng ký.

Bên cạnh đó, trường tích cực ghi nhận ý kiến của cha mẹ học sinh, thống nhất trong hội đồng trường về hình thức ôn tập để xây dựng phương án tối ưu, hỗ trợ người học tốt nhất có thể”, thầy Thái chia sẻ.

ĐÀO HIỀN