Thanh tra nội bộ khó hiệu quả nếu còn tâm lý sợ "vạch áo cho người xem lưng"

19/01/2025 06:24
Thi Thi

GDVN - Theo chuyên gia, để công tác thanh tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học đi vào thực chất, phát huy hiệu quả cần có những giải pháp đồng bộ.

Điều 115, Luật Thanh tra (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) đã khẳng định sự tồn tại, địa vị pháp lý của thanh tra nội bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng như trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ tại các đơn vị này.

Khoản 4, Điều 70, Luật Giáo dục đại học cũng nêu: Cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự thanh tra và tự kiểm tra theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm về thanh tra, kiểm tra trong cơ sở giáo dục đại học.

Một số chuyên gia cho rằng, trên thực tế, hoạt động thanh tra nội bộ dù có vai trò quan trọng nhưng vẫn thiếu sự đồng bộ và chưa đạt hiệu quả cao.

Thanh tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học cần hướng đến thực chất hơn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thanh tra nội bộ là một công cụ quản lý không thể thiếu trong bất kỳ tổ chức giáo dục nào. Thanh tra nội bộ là một nhiệm vụ mang tính chiến lược trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Công tác này giúp đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả trong quản lý, phát hiện và phòng ngừa những sai phạm tiềm ẩn.

thay-tran-dinh-ly-8314.jpg
Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

“Đặc biệt, đối với các cơ sở giáo dục đại học - nơi thực hiện sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, công tác thanh tra nội bộ còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và bảo vệ uy tín của đơn vị. Đây là một cơ chế giúp củng cố niềm tin của xã hội đối với hệ thống giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay”, Tiến sĩ Trần Đình Lý nhìn nhận.

Ngoài ra, theo thầy Lý, trên thực tế việc triển khai công tác thanh tra nội bộ tại một số đơn vị còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, nguồn lực hạn chế, nhân sự chuyên trách về thanh tra nội bộ còn mỏng, chưa được đào tạo bài bản hoặc thiếu kinh nghiệm thực tiễn.

Thứ hai, hệ thống quy định chưa đồng bộ, dù đã có khung pháp lý cơ bản, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách giữa quy định và thực tiễn. Các quy trình, tiêu chí thanh tra đôi khi chưa phù hợp với từng đặc thù đơn vị.

Thứ ba, một số đơn vị, cá nhân có tâm lý lo sợ thanh tra sẽ gây ra căng thẳng, thay vì coi đó là cơ hội để cải tiến.

Tiến sĩ Trần Đình Lý cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên. Theo thầy Lý, đâu đó vẫn còn tình trạng cán bộ hoặc chuyên viên chưa đánh giá đúng vai trò của thanh tra nội bộ, dẫn đến việc thiếu ưu tiên và đầu tư. Bên cạnh đó, quy trình thanh tra đôi khi chưa phù hợp với thực tế hoặc chưa sát với yêu cầu chất lượng. Ngoài ra, công tác thanh tra nội bộ cần sự hợp tác từ nhiều bộ phận, nhưng sự phối hợp này đôi khi chưa mang lại hiệu quả một cách thực chất.

Từ thực tiễn đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu lên một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra nội bộ ở các cơ sở giáo dục đại học, cụ thể:

Đào tạo và nâng cao năng lực, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng mềm cần thiết.

Phải có chính sách phù hợp, từ đó rà soát, xây dựng quy trình thanh tra phù hợp với đặc thù của từng cơ sở giáo dục.

Tăng cường ứng dụng công nghệ, áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu sai sót và tăng tính minh bạch.

Xây dựng văn hóa kiểm tra, biến công tác thanh tra thành một phần của văn hóa tổ chức, hướng đến sự cải tiến liên tục và bền vững.

“Thanh tra nội bộ không chỉ là phát hiện sai sót mà còn đóng vai trò phòng ngừa thông qua kiểm tra định kỳ, rà soát quy trình. Sự minh bạch và khách quan trong hoạt động thanh tra là yếu tố tiên quyết để củng cố niềm tin của toàn thể cán bộ, giảng viên và xã hội.

Tôi cho rằng, thay vì nhìn nhận thanh tra nội bộ như một công cụ kiểm soát, chúng ta cần xem đó là một giải pháp đồng hành cùng sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Mỗi sai sót phát hiện được là một cơ hội để sửa chữa, hoàn thiện và tiến tới chất lượng tốt hơn. Công tác thanh tra nội bộ cần hướng đến thực chất hơn”, Tiến sĩ Trần Đình Lý khẳng định.

Công tác thanh tra nội bộ chưa chú trọng việc thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo

Cùng trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với cơ sở giáo dục và đào tạo có ý nghĩa, tầm quan trọng lớn; vừa là tiền đề, vừa là điều kiện để đảm bảo thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển của nhà trường.

Bên cạnh đó, thanh, kiểm tra nội bộ là công cụ đắc lực của lãnh đạo nhà trường, giúp kiểm soát thường xuyên, sớm phát hiện các vấn đề chưa phù hợp để xử lý và quản lý, quản trị nhà trường một cách tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Công tác này cũng nhằm xem xét, đánh giá các hoạt động giáo dục, điều kiện dạy – học, giáo dục trong nội bộ nhà trường hướng đến mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung, phát triển nhà trường, phát triển đội ngũ giảng viên và sinh viên nói riêng. Dưới góc độ quản lý, thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm thực hiện và thu thập thông tin phản hồi để kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung để thực hiện kế hoạch của nhà trường ngày càng tốt hơn.

gdvn-hoithao-1-4719.jpg
Tiến sĩ Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên. Ảnh: Nhật Lệ.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai công tác thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học. Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng công tác thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học chưa được thực hiện tốt.

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, kiểm tra nội bộ trong Nhà trường chưa được chú trọng, dẫn đến việc một số viên chức, giảng viên, nhân viên nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với cơ sở giáo dục và đào tạo.

Thứ hai, hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ còn thiếu đồng bộ. Trong thời gian qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra thường chú trọng vào việc thực hiện nội quy, quy chế chuyên môn, quản lý đào tạo, chưa thật sự chú trọng việc thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và những nhiệm vụ khác trong lĩnh vực giáo dục.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đa số là những viên chức kiêm nhiệm chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về thanh tra. Do đó năng lực xử lý của người làm công tác thanh tra còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kỹ năng mềm để xử lý thế nào cho thấu tình đạt lý. Chưa có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với người làm công tác thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học.

Để công tác thanh tra nội bộ đi vào thực chất, phát huy hiệu quả, thầy Lăng kiến nghị một số giải pháp liên quan.

Đó là cần phải bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của viên chức, giảng viên, người lao động và sinh viên về hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ. Từ đó, làm cho toàn thể nhà trường hiểu rõ hoạt động thanh tra, kiểm tra là một loại hoạt động cần thiết, gắn liền với hoạt động lãnh đạo, quản lý của nhà trường.

Song song, tăng cường kỷ luật, pháp chế trong nhà trường. Lãnh đạo nhà trường, đơn vị phải gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, nội quy, quy chế; phải thực sự là tấm gương về đạo đức, tác phong, năng lực; tôn trọng và thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định; cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn, về kỹ năng tổ chức, quản lý hoạt động cho đội ngũ viên chức tham gia công tác thanh tra nội bộ.

Chia sẻ thực tế thực hiện công tác thanh tra nội bộ tại Trường Đại học Phú Yên, thầy Lăng cho biết, nội dung và kế hoạch thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo sự chỉ đạo và văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hằng năm căn cứ vào tình hình thực tế, nhà trường xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nội bộ năm học và triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra nội bộ tại Trường Đại học Phú Yên chủ yếu tập trung vào các nội dung cơ bản như: Thanh tra, kiểm tra công tác chuyên môn; Kiểm tra tổng kết lao động năm học; Kiểm tra công tác tuyển sinh hàng năm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra các kỳ thi cấp chứng chỉ; Thanh tra công tác thi tuyển sinh năng khiếu ngành Mầm non; Kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có); Giải quyết các khiếu nại, tố cáo (nếu có); Thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nhà trường.

Thực tế vẫn còn tâm lý nể nang, lo ngại "vạch áo cho người xem lưng"

Đồng ý với quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhìn nhận, thanh tra nội bộ rất cần thiết nhưng thực tế, thời gian qua, công tác này chưa đạt hiệu quả thực sự.

dbqh-nguyen-thi-viet-nga-7460.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quochoi.vn

"Tôi cho rằng do quá trình chúng ta thực hiện, còn có sự nể nang, e ngại. Đôi khi nhìn thấy những thiếu sót, hạn chế, thậm chí là vi phạm nhưng lại vì lý do nào đó có thể không nêu rõ, không chỉ rõ ra. Thực tế vẫn còn tồn tại tâm lý sợ "vạch áo cho người xem lưng", bởi vậy, hiệu quả cuối cùng cũng không được cao", Đại biểu Việt Nga chia sẻ.

Ngoài ra, theo Đại biểu, cần có hướng dẫn chi tiết, thậm chí là chế tài xử phạt có tính răn đe nếu cá nhân, đơn vị nào có vi phạm trong thanh tra nội bộ. Nguyên nhân dẫn đến thanh tra nội bộ còn mang tính hình thức, chưa sâu sát và hiệu quả bởi một phần quy định của chúng ta chưa đủ hoàn thiện. Hàng năm có các công văn hướng dẫn thanh tra, kiểm tra nội bộ nhưng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp xử lý nếu có vi phạm.

"Hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự thanh tra và tự kiểm tra. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm về thanh tra, kiểm tra trong cơ sở giáo dục đại học. Chúng ta cần có thêm những hướng dẫn cụ thể hơn như tiêu chuẩn, quá trình hoạt động, chế tài xử phạt (nếu có vi phạm).

Có những trường hợp có vi phạm nhưng thanh tra nội bộ không phát hiện ra, cho đến khi thanh tra cấp cao hơn vào cuộc thì vấn đề mới được làm rõ".

Hơn thế nữa, khối lượng công việc của hoạt động thanh tra nội bộ là rất lớn, nhưng nhân sự thực hiện lại hạn chế, chế độ phụ thuộc vào quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục đại học. Về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần có những điều kiện đảm bảo để chúng ta có thể thực hiện tốt công tác này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục, thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục.

Nội dung thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục gồm: Thực hiện chính sách và pháp luật về giáo dục; xây dựng, ban hành các văn bản quy định nội bộ của cơ sở giáo dục theo phân cấp và thẩm quyền.

Thanh tra việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế chuyên môn, quy chế thi, quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, quy định về in, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; tự chủ mở ngành đào tạo, ban hành chương trình đào tạo, thực hiện các quy định về giáo trình, bài giảng; việc quản lý tài chính, tài sản; hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; công tác tổ chức cán bộ; việc thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục; nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.

Thi Thi