Sẽ thanh, kiểm tra toàn diện các khâu trong công tác tuyển sinh đại học

17/09/2024 09:16
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tới đây, các cơ sở giáo dục đại học sẽ chịu sự thanh, kiểm tra các khâu trong tuyển sinh đại học, trong đó có đề án, quy chế và hướng dẫn tuyển sinh.

Vừa qua, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường đã ký ban hành Công văn số 1004/TTr-NV2 gửi các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng sư phạm về việc hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học 2024 - 2025 đối với các cơ sở đào tạo.

Qua đó, văn bản của Thanh tra Bộ nhấn mạnh, về công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh năm 2024 và thanh tra, kiểm tra nội bộ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm sẽ được thực hiện theo Công văn số 3765/BGDDT-TTr ngày 28/7/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại công văn hướng dẫn này, các khâu trong công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học và trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đều được thanh tra, kiểm tra.

Trong đó chú trọng tập trung vào thanh tra việc xây dựng, ban hành văn bản, quy định về công tác tuyển sinh; xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố, công khai đề án tuyển sinh; tổ chức thi tuyển sinh; công tác xét tuyển; nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển.

gdvn-thpt-2024-9-6605.jpg
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Đáng chú ý, trong công văn hướng dẫn nói trên, lĩnh vực lâu nay vốn là chủ đề "nóng" là tuyển sinh cũng được nêu cụ thể.

Đơn cử như với việc xây dựng, ban hành văn bản, quy định về công tác tuyển sinh sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra công tác xây dựng, ban hành, công khai quy chế tuyển sinh, văn bản và hướng dẫn tuyển sinh, quy trình tuyển sinh, kết quả tuyển sinh theo từng phương thức, từng trình độ, ngành/nhóm ngành đào tạo của hai năm liền kề trước đó...

Ngoài ra, với việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra việc xác định, phân bổ, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trình độ đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức tuyển sinh theo quy định. Chú ý việc xác định, đảm bảo các tiêu chí xác định chỉ tiêu; việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo trước Bộ Giáo dục và Đào tạo và xã hội theo quy định.

Bên cạnh đó, với việc công bố, công khai đề án tuyển sinh sẽ được tập trung thanh tra, kiểm tra việc xây dựng, công bố, công khai đề án tuyển sinh, trong đó lưu ý các thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo được phép đào tạo, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp.

Các thông tin về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học; chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học;

Kế hoạch tuyển sinh, đối tượng và điều kiện tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành, từng phương thức tuyển sinh và từng tổ hợp tuyển sinh, chương trình đào tạo; quy trình, thủ tục đăng ký dự tuyển và các thông tin cần thiết khác cho thí sinh...

Ngoài ra, trong công văn ban hành mới đây của Thanh tra Bộ cũng đề cập đến việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non trong Công văn số 5360/BGDĐT-TTr ngày 29/9/203 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với các cơ sở đào tạo.

Theo đó, hướng dẫn này nêu rõ một số nội dung sẽ được tập trung thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở đào tạo gồm: Kiểm tra nội bộ năm học của cơ sở đào tạo bám sát nhiệm vụ năm học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm chủ động, linh hoạt phù hợp với điều kiện của từng cơ sở đào tạo; tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học theo phân cấp quản lý, thực hiện tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật; tổ chức, bộ máy và quản trị; tài chính, tài sản của cơ sở đào tạo.

Cụ thể những hạng mục thực hiện thanh tra, kiểm tra được đề cập đến gồm:

Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh hằng năm theo Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị thuộc, trực thuộc cơ sở đào tạo; công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về giáo dục đại học; việc xây dựng, ban hành văn bản, quy định nội bộ của cơ sở đào tạo theo thẩm quyền.

Đồng thời sẽ thanh tra, kiểm tra việc tổ chức, quản lý quá trình đào tạo; quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc tự chủ mở ngành các trình độ của giáo dục đại học, các điều kiện bảo đảm thực hiện ngành đào tạo, chương trình đào tạo; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc liên kết đào tạo với nước ngoài; việc đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản công, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và dạy học; việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học; công khai, giải trình với xã hội....

Ngoài ra, hướng dẫn này cũng nêu rõ, sẽ thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nhà trường, đặc biệt lưu ý nội dung đưa phòng chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.

Việc cập nhật nội dung chương trình, tài liệu giảng dạy về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Trung Dũng