Sợ phải "chân lấm tay bùn" nên ít thí sinh chọn học ngành Nuôi trồng thủy sản

16/01/2025 06:52
Trần Trang

GDVN - Các trường đại học có nhiều chính sách thu hút thí sinh đăng ký ngành Nuôi trồng thủy sản trước mùa tuyển sinh năm học 2025-2026.

Dù ngành học có truyền thống lâu đời của nhiều trường đại học, Nuôi trồng thủy sản cũng phải đối mặt với áp lực khi nhiều người trẻ không muốn đăng ký học khối ngành Nông - Lâm - Thủy sản.

Người trẻ ít học ngành Nuôi trồng thủy sản vì ngại “chân lấm tay bùn”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long bày tỏ: “Qua một số mùa tuyển sinh, ngành Nuôi trồng thủy sản có thí sinh ít hơn nhiều so với các ngành khác, bất chấp cơ hội việc làm và mức lương hấp dẫn.

Số lượng sinh viên theo học ngành Nuôi trồng thủy sản tại Trường Đại học Hạ Long hằng năm chỉ từ 20 - 25 sinh viên, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu cho quy mô một lớp (quy mô lớp tối thiểu của trường là 30 sinh viên)”.

DSC07793.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: NVCC.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang chỉ ra hai lý do chính. Lý do thứ nhất vẫn là vấn đề tâm lý đã in sâu vào tâm thức người Việt khi cho rằng ngành Nuôi trồng thủy sản là ngành Nông nghiệp, chân lấm tay bùn, vất vả quanh năm. Phần lớn mọi người mong muốn học có công việc văn phòng nhẹ nhàng, không phải lao động chân tay... nên còn nhiều e ngại khi chọn học Nuôi trồng thủy sản.

Thực tế thì ngành Nuôi trồng Thủy sản bây giờ có rất nhiều vị trí việc làm tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước, các phòng thí nghiệm hay sản xuất, kinh doanh thuốc, vật tư, hóa chất, thức ăn chăn nuôi thủy sản với mức lương hấp dẫn.

Duy chỉ có công việc trực tiếp chỉ đạo sản xuất tại các trang trại nuôi trồng là tương đối vất vả, phải theo sát cả quá trình sản xuất. Tuy nhiên, ngoài chế độ lương hàng tháng, cán bộ kỹ thuật lại có cơ hội nhận được thu nhập cao từ lợi nhuận của kết quả sản xuất kinh doanh.

Lý do thứ hai là Quảng Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế phát triển năng động bậc nhất khu vực miền Bắc, nên có rất nhiều ngành nghề khác để học sinh lựa chọn theo học thay vì chọn ngành Nuôi trồng thủy sản”.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề, lựa chọn ngành “hot”, thời thượng nên ngành Nuôi trồng thủy sản có sự cạnh tranh nguồn tuyển. Đặc biệt, xu hướng mỗi gia đình Việt Nam hiện nay có 1-2 con, một số phụ huynh cho rằng ngành Nông nghiệp, Thủy sản không phải là lựa chọn nghề nghiệp tốt cho con em mình.

Khâu truyền thông, tư vấn hướng nghiệp còn hạn chế thậm chí là truyền thông thiên lệch về một số ngành. Vì vậy, thí sinh thiếu thông tin về ngành ít được quan tâm, đặc biệt nêu bật được cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, mức lương cạnh tranh và sự phát triển của ngành Nuôi trồng thủy sản trong tương lai.

Lãnh đạo Trường Đại học Nha Trang cho biết: “Số lượng tuyển sinh hàng năm của ngành Nuôi trồng thủy sản chưa đạt được kết quả kỳ vọng. Chất lượng đầu vào cũng chưa cao do nguồn tuyển hạn chế”.

TS. Quách Hoài Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang.jpg
Tiến sĩ Quách Hoài Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: Website nhà trường.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài, Phó Trưởng khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường ít có cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu về ngành Nông nghiệp nói chung và ngành Thuỷ sản nói riêng.

Phần lớn các em có xu hướng chọn theo xu hướng “đám đông” mặc dù không biết sau này mình sẽ làm công việc gì ở đâu. Đây không chỉ là trăn trở của những người làm đào tạo, mà còn là trăn trở của ngành Nông nghiệp.

“Năm 2024, báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tăng 18%. Riêng xuất khẩu ngành Thuỷ sản, tính đến tháng 11/2024 đã đạt 9,2 tỷ USD và tự tin cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2024, tăng 11,5% so với năm 2023.

Nếu theo đúng lộ trình, nguồn nhân lực trong ngành Thuỷ sản cần phải tăng tương xứng để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tuy nhiên thực tế cho thấy doanh nghiệp lao đao vì thiếu nguồn nhân lực để tuyển.

Do vậy, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Thuỷ sản đang rất thiếu, rất nhiều sinh viên có việc làm trong quá trình đi thực tập tốt nghiệp, 100% sinh viên ra trường có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp. Thu nhập của sinh viên tốt nghiệp ngành Thuỷ sản cũng tương đối cao với mặt bằng chung” - thầy Hoài chia sẻ.

5fbfc1d38a8b29d5709a-699.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài (áo xanh dương) hướng dẫn sinh viên tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Trường đại học có hỗ trợ lớn cho sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản

Tiến sĩ Quách Hoài Nam chia sẻ, để đón lứa học sinh tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường Đại học Nha Trang đã chủ động nghiên cứu phương án tuyển sinh đại học năm 2025 và rà soát cập nhật chương trình giáo dục đại cương, tổng quát để thích ứng với sự thay đổi ở bậc trung học phổ thông.

“Trường Đại học Nha Trang, tiền thân là Trường Đại học Thủy sản là cơ sở đào tạo duy nhất đào tạo tất cả các ngành liên quan đến khối thủy sản. Trường có uy tín và thương hiệu đào tạo, có đội ngũ giảng viên trình độ cao, giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ được đào tạo bài bản ở các quốc gia nghề cá phát triển; có mạng lưới doanh nghiệp uy tín, cựu sinh viên ưu tú hỗ trợ thực hành, thực tập chất lượng, cũng là cơ hội việc làm tiềm năng cho sinh viên; có thế mạnh vượt trội về công nghệ, kỹ thuật nuôi biển công nghệ cao; học phí hợp lý và có nhiều chính sách học bổng từ doanh nghiệp, cựu sinh viên thành đạt và học bổng theo quy định Nhà nước” - thầy Nam bày tỏ.

Theo Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Nha Trang là trường đầu tiên của cả nước công bố dự thảo phương hướng tuyển sinh đại học từ năm 2025 trở đi và đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội.

Trong đó, ngành Nuôi trồng thuỷ sản với 3 chuyên ngành: Công nghệ Nuôi trồng thủy sản; Quản lý sức khỏe động vật thuỷ sản, Quản lý Nuôi trồng thủy sản, đã được định hướng môn học ở cấp trung học phổ thông mà thí sinh phải học, bao gồm: Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh, Sinh học, Hóa học.

Phương hướng tuyển sinh được định hướng theo 2 phương thức: xét tuyển điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, trường đã hình thành các môn học bổ trợ về Sinh học, Hóa học là những môn học quan trọng và cần thiết cho ngành học này.

z6168343229852_146f4ad8960d271e042e0f95967e235b.jpg
Phương thức tuyển sinh năm học 2025 - 2026 của ngành Nuôi trồng thủy sản tại Trường Đại học Nha Trang.

Giới thiệu về ngành Nuôi trồng thủy sản tại Trường Đại học Hạ Long, Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang cho hay, chương trình đào tạo được thiết kế tiên tiến, bám sát thực tiễn.

Với tinh thần học đi đôi với hành, ngay từ năm thứ nhất, song song với việc được cung cấp kiến thức chuyên môn trong các buổi học trên giảng đường, sinh viên được hình thành kỹ năng nghề tại phòng lab và khu nuôi trồng thí nghiệm hiện đại của nhà trường.

Từ năm học thứ hai cho tới năm học cuối, bên cạnh chương trình học tại trường, sinh viên được gửi đi thực tập tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu thủy sản uy tín, các trang trại, công ty lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng và các cơ sở nuôi trồng thủy sản khu vực phía Bắc. Đây là cơ sở quan trọng để sinh viên sau khi ra trường có thể tự tin làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hay các viện nghiên cứu.

Trong thời gian học tập tại trường, sinh viên còn được tham gia nghiên cứu khoa học cùng với các giảng viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm của Trường Đại học Hạ Long và các trường, học viện đào tạo Nuôi trồng thủy sản uy tín của cả nước. Đó là tiền đề để sinh viên có năng lực nghiên cứu khoa học, phục vụ đắc lực cho phát triển chuyên môn.

Sinh viên theo học tại Khoa Thủy sản, Trường Đại học Hạ Long có động lực học tập rất cao nhờ các chính sách mạnh của tỉnh Quảng Ninh như chế độ học bổng, miễn giảm học phí, thưởng điểm tuyển sinh, hỗ trợ mua đồ dùng học tập, tiền ăn ở…

Tổng các khoản hỗ trợ có thể lên tới 250 triệu đồng/sinh viên/toàn khóa học. Sinh viên ra trường sẽ có việc làm ngay với mức lương hấp dẫn, thậm chí có thể đi làm hưởng lương khi chưa có bằng tốt nghiệp.

“Năm 2025, Trường Đại học Hạ Long sẽ tăng cường quảng bá tuyển sinh cho ngành này và tập trung đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức nuôi biển từ Chương trình đào tạo nuôi biển do Đại sứ quán Na Uy tài trợ và Văn phòng thương mại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.

Đặc biệt, từ năm 2025, khoa Thủy sản của trường sẽ thực hiện phân luồng chuyên ngành cho sinh viên ngay từ đầu năm thứ 2 thể theo nguyện vọng của từng sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tập trung rèn nghề theo định hướng chuyên ngành mà mình đã chọn (như ngành tôm, ngành nhuyễn thể, ngành cá biển - rong biển hay nhân viên phòng LAB…), đảm bảo sinh viên ra trường có thể làm việc một cách chuyên nghiệp hơn” - cô Giang chia sẻ.

Với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài cho biết Khoa Thủy sản đã được Nhà nước, dự án WorldBank và Học viện tài trợ cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, là điều kiện tốt để sinh viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo ngành Nuôi trồng thuỷ sản được kiểm định và được chứng nhận chuẩn quốc gia. Các chương trình đào tạo có tính liên thông cao từ bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ nên sinh viên có thể theo học, nâng cao trình độ một cách thuận lợi. Giảng viên cũng là các nhà khoa học, chuyên gia uy tín của ngành.

Trong quá trình đào tạo, Khoa Thuỷ sản đã phối hợp với các đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp tổ chức các chương trình tọa đàm với sinh viên về xu thế hội nhập, yêu cầu của nguồn nhân lực trong thời đại 4.0 để sinh viên tiếp cận và nắm bắt được ngay sau khi tốt nghiệp. Các môn học được thiết kế cùng với các chương trình tham quan, trải nghiệm thực tế tại các trang trại, nhà máy thuốc, thức ăn thuỷ sản.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã dành các suất học bổng cho sinh viên, hỗ trợ thiết lập quỹ hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học cho sinh viên của khoa để làm cầu nối đặt hàng giữa doanh nghiệp và sinh viên, giúp sinh viên có việc làm sớm khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Tiến sĩ Trương Đình Hoài chia sẻ thêm: “Hiện nay, Học viện đang lên các phương án tuyển sinh và lựa chọn các tổ hợp tuyển sinh cho từng khối ngành.

Với lĩnh vực Thuỷ sản, ngoài các tổ hợp như các mùa tuyển sinh trước, dự kiến sẽ có các tổ hợp mới với các môn thi tốt nghiệp như Công nghệ, Giáo dục kinh tế và Pháp luật sẽ được bổ sung để đa dạng hoá tổ hợp xét tuyển, tăng cơ hội cho trúng tuyển cho người học vào học ngành này.

Ngoài ra Học viện dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA-2025 với nhiều quyền lợi như cộng điểm ưu tiên trong lúc xét tuyển, xét tuyển học bổng sinh viên tài năng, học bổng khởi nghiệp…”.

Trần Trang