Dự báo điểm chuẩn nhóm ngành nông, lâm, thủy sản thấp vì ít thí sinh lựa chọn

30/07/2024 08:55
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo đại diện một số cơ sở giáo dục đại học, điểm chuẩn nhóm ngành nông, lâm, thủy sản được dự báo ở mức 15-18 điểm.

phổ điểm thi trung học phổ thông năm 2024 có xu hướng cao hơn năm trước, lãnh đạo, đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học dự báo rằng điểm chuẩn của các ngành thuộc nhóm ngành nông, lâm, thủy sản sẽ không có nhiều thay đổi.

Ngoài ra, các thầy cô cũng chia sẻ về những thách thức mà các ngành thuộc nhóm ngành này đang phải đối mặt.

Dự báo điểm chuẩn không có biến động

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiểu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết, mặc dù điểm thi trung học phổ thông năm nay cao hơn năm trước, nhưng điểm chuẩn của các ngành thuộc nhóm ngành nông, lâm, thủy sản sẽ không có nhiều thay đổi.

Hiện nay, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên đã công bố điểm sàn, theo đó, mức điểm sàn dao động từ 15 (đối với chương trình đại trà) đến 16 điểm (đối với chương trình tiên tiến). Mức điểm sàn này cũng được áp dụng cho năm 2023.

Đáng chú ý, năm 2023, điểm chuẩn của Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên cũng là 15-16 điểm, nghĩa là bằng với mức điểm sàn.

Về tình hình tuyển sinh, thầy Hiểu chia sẻ, nhà trường năm nay tuyển 1500 chỉ tiêu, một số ngành phải giảm chỉ tiêu vì những năm trước không tuyển đủ. Mặc dù nguồn lực đào tạo của trường rất lớn, nhưng số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học trong ba năm gần đây chỉ dao động từ 400-500 sinh viên/năm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế dự đoán mức điểm chuẩn nhóm ngành này vẫn sẽ ổn định, có thể dao động từ 15-18 điểm, tương tự như năm 2023.

Năm 2023, điểm chuẩn của Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế là 15-18 điểm. Trong đó ngành Thú y có điểm số cao nhất (18 điểm). Các ngành còn lại đều ở mức 15 - 16 điểm.

Năm 2024, chỉ tiêu của trường là 1500. Thầy Văn cho hay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường trong các năm gần đây dao động từ 1500-1700, nhưng số lượng nhập học chỉ khoảng 800-900 sinh viên, một số ngành chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu được đề ra.

2_thay Van-min.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Quách Hoài Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang chia sẻ rằng mặc dù xu hướng của thí sinh đối với nhóm ngành nông, lâm, thủy sản không như mong đợi, nhưng điểm chuẩn của các ngành thủy sản tại trường sẽ không giảm so với năm trước. 16-16.5 là mức điểm chuẩn đối với các ngành thủy sản của trường trong năm 2023.

Thầy Nam dự đoán, điểm chuẩn năm nay nếu tăng, sẽ chỉ tăng tối đa 1 điểm ở một số ngành. Cụ thể, điểm chuẩn một số ngành như Nuôi trồng thủy sản, Chế biến thủy sản và Kinh tế thủy sản có thể tăng từ 0,5 đến 1 điểm.

Trường Đại học Nha Trang ban đầu là Trường Đại học Thủy sản, với bề dày đào tạo tất cả các ngành trong lĩnh vực thủy sản. Trong những năm vừa qua, tình hình tuyển sinh các ngành này tại trường ổn định, mỗi năm tuyển được 300-400 sinh viên.

Hiện nay, ngành Nuôi trồng thủy sản và ngành Công nghệ chế biến thủy sản là hai ngành chủ lực, thu hút được nhiều sinh viên theo học tại trường. Đây cũng là 2 ngành học mà nhà trường được Tập đoàn thủy sản Minh Phú đặt hàng đào tạo, với số lượng 100 kỹ sư. Sinh viên theo học chương trình đào tạo Minh Phú được hỗ trợ chi phí đào tạo, chỗ ở ký túc xá toàn khóa học. Chương trình này thu hút nhiều thí sinh ở các tỉnh như: Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang…

Lĩnh vực quan trọng nhưng ít được quan tâm

Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiểu, thực tế, nền kinh tế hiện nay rất cần nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Tỷ lệ có việc làm của sinh viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên và các trường đào tạo lĩnh vực này rất cao. Thậm chí ở một số ngành như Chăn nuôi, Công nghệ thực phẩm, sinh viên chưa ra trường đã có việc làm.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đến cơ sở đào tạo để tuyển dụng, lại không có đủ ứng viên để phỏng vấn. Số lượng sinh viên tham gia phỏng vấn rất ít so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Với xu hướng hiện nay, học sinh muốn chọn những ngành "hot", hiện đại như công nghệ, du lịch, dẫn đến việc các ngành truyền thống như nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút sinh viên.

“Chúng tôi đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) để đề xuất có thêm những chiến lược truyền thông bài bản hơn cho các ngành này”, thầy Hiểu nhấn mạnh.

Nông Lâm Thái Nguyên.jpg
Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên tổ chức Ngày hội việc làm năm 2024. Ảnh: Website nhà trường

Theo Tiến sĩ Quách Hoài Nam, một trong những nguyên nhân khiến các ngành thủy sản không thu hút nhiều sinh viên là do hiện nay Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực này, sản xuất vẫn còn phân tán và nhỏ lẻ, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, gia đình, hoặc cá nhân tự sản xuất, vậy nên chưa tạo ra sự hấp dẫn đối với người học.

Cũng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn trăn trở về tình trạng thiếu hụt nhân lực. Thầy cho biết, khi Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế tổ chức ngày hội việc làm, mặc dù thu hút được nhiều doanh nghiệp và tổ chức tham gia với gần 3000 chỉ tiêu tuyển dụng, nhưng cung vẫn không đủ cầu. Đây là thực trạng đáng báo động vì nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng đội ngũ nhân lực chất lượng cao dành cho khối ngành này chưa cao.

c50f2b470b9eaec0f78f.jpg
8194799786059764550.gif
Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế không đủ sinh viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ảnh: NTCC

Thầy Văn nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức điều tra xác định nhu cầu nguồn nhân lực và xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn tới năm 2040.

“Nhà nước cần có chiến lược truyền thông để giới trẻ nhận thức đúng về vai trò quan trọng của nông, lâm nghiệp, thủy sản, tôn vinh những người làm việc trong ngành này và có chính sách ưu đãi về lương cho lực lượng lao động.

Đồng thời, cần có cơ chế giáo dục hướng nghiệp từ trung học cơ sở, trung học phổ thông để học sinh hiểu rõ hơn về cơ hội việc làm và tầm quan trọng của nhóm ngành này”, thầy Văn nêu ý kiến.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cũng đề xuất việc cấp bù ngân sách để hỗ trợ học phí và học bổng cho sinh viên theo học nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, vì đây là nhóm ngành đặc thù cần được ưu tiên phát triển.

Thí sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin ngành học trước khi đăng ký nguyện vọng

Bàn về vấn đề lựa chọn ngành học, thầy Hiểu khuyến nghị các thí sinh nên tìm hiểu kỹ về ngành nghề, cơ hội trúng tuyển và cơ hội việc làm trước khi đặt nguyện vọng. Các thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tình trạng chọn ngành không phù hợp, dẫn đến việc phải chuyển ngành hoặc bỏ học giữa chừng.

Ngoài ra, điểm thi năm nay có thể cao hơn năm trước, do đó, nếu chọn các ngành nghề có điểm trúng tuyển xấp xỉ năm trước thì có thể gặp rủi ro cao.

Thầy Hiểu cũng hy vọng thí sinh dành nhiều sự quan tâm hơn tới các ngành khối nông, lâm nghiệp.

"Ngành nông, lâm hiện nay không còn như ngày xưa 'chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời', mà điều kiện làm việc đã tốt hơn rất nhiều, thu nhập cũng không thấp, và phần lớn là làm trong khối doanh nghiệp," Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên khẳng định.

Đồng quan điểm, thầy Nam cũng khuyên các thí sinh nên tìm hiểu kỹ về ngành nghề và trường đại học mình mong muốn. Trường đại học không nhất thiết phải là top đầu mà còn cần phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình và định hướng tương lai. Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của các trường đại học trong 2-3 năm gần đây, đó là số liệu có tính ổn định hơn, chứ đừng nhìn vào điểm sàn để đưa ra quyết định.

nguyễn-tuấn---ngày-hội-tư-vấn-tuyển-sinh.jpg
Ngày hội tuyển sinh của Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: NTCC

"Trong trường hợp các bạn đã trúng tuyển sớm và muốn theo học ngành đó, hãy để nguyện vọng đó là nguyện vọng 1. Còn nếu vẫn còn băn khoăn, do dự, các bạn có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường khác trước rồi mới đến nguyện vọng trúng tuyển sớm," thầy Nam gợi ý.

Riêng với lĩnh vực thủy sản tại Trường Đại học Nha Trang, vị phó hiệu trưởng nhận định điểm chuẩn sẽ không thay đổi nhiều so với năm ngoái, nên nếu điểm thi của thí sinh cao hơn điểm chuẩn năm ngoái thì hoàn toàn có thể tự tin đăng ký và trúng tuyển.

Châu Anh