So sánh điểm chuẩn, học phí ngành Tâm lý học giáo dục ở nhiều trường đại học

21/01/2025 06:22
Ngọc Đại

GDVN - Thời điểm này, nhiều thí sinh bắt đầu quan tâm đến học phí, phương thức xét tuyển đối với ngành Tâm lý học giáo dục của một số cơ sở giáo dục đại học. 

Hiện nay, ngành Tâm lý học giáo dục (mã ngành 7310403) được đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đại học như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn,...

Ở mỗi cơ sở đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục, việc xác định mức điểm trúng tuyển, học phí, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm có khác biệt.

Năm 2024, điểm trúng tuyển ngành Tâm lý học giáo dục biến động ra sao?

Thống kê điểm trúng tuyển ngành Tâm lý học giáo dục của một số cơ sở giáo dục đại học. Bảng: Ngọc Đại
Thống kê điểm trúng tuyển ngành Tâm lý học giáo dục của một số cơ sở giáo dục đại học. Bảng: Ngọc Đại

Theo bảng số liệu trên, trong 2 năm tuyển sinh gần nhất (năm 2023 và năm 2024), mức điểm trúng tuyển (xét theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông) đối với ngành Tâm lý học giáo dục ở một số cơ sở giáo dục đại học có nhiều biến động.

Cụ thể, theo bảng số liệu tổng hợp điểm trúng tuyển ngành Tâm lý học giáo dục của một số trường cho thấy, năm 2024, ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm trúng tuyển cao nhất với 28 điểm (tăng khoảng 1,5 điểm so với năm 2023).

Ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên có điểm trúng tuyển là 27,8 điểm (tăng hơn 3 điểm so với năm 2023).

Tiếp đó, điểm trúng tuyển ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2024 dao động từ 24,2 - 26,8 điểm. So với năm 2023, mức điểm trúng tuyển năm 2024 đối với ngành này của nhà trường tăng hơn 1 điểm.

Năm 2024 là năm đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đưa vào tuyển sinh và đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục. Mức điểm trúng tuyển ngành Tâm lý học giáo dục năm 2024 của nhà trường là 26,68 điểm.

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) có đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục. Năm 2024, điểm trúng tuyển ngành này của nhà trường là 23,8 điểm (tăng hơn 5 điểm so với năm 2023).

Điểm trúng tuyển ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Quy Nhơn năm 2024 là 23 điểm (tăng 8 điểm so với năm 2023).

Đợt tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Vinh xác định mức điểm trúng tuyển đối với ngành Tâm lý học giáo dục là 22 điểm.

Lộ trình tăng học phí theo quy định hiện hành

Thông tin về mức học phí ngành Tâm lý học giáo dục luôn là nội dung được nhiều thí sinh quan tâm, tìm hiểu trước khi đưa ra lựa chọn đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Thực tế cho thấy, mỗi cơ sở giáo dục đại học lại có quy định khác nhau về mức học phí đối với ngành Tâm lý học giáo dục.

Đơn cử, theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), nhà trường quy định dự kiến học phí được tính theo năm học cho khóa 4 năm (tương đương 8 học kỳ chính) hoặc số tín chỉ học tập mà sinh viên đăng ký học của từng ngành, nhóm ngành, chương trình và sẽ tăng từ 10-15% trong năm tiếp theo.

Trên website của nhà trường, năm học 2024-2025, ngành Tâm lý học giáo dục có mức học phí là 21,7 triệu đồng/năm học.

Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình

Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) quy định dự kiến sinh viên không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên nộp học phí theo quy định hiện hành; lộ trình tăng học phí thực hiện theo quy định hiện hành.

Còn theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Vinh, đối với sinh viên chính quy, dự kiến học phí thực hiện theo Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đề cập đến dự kiến học phí tính theo niên chế. Trong đó, năm học 2024-2025, học phí đối với sinh viên chính quy là 1,4 triệu đồng/năm học; năm học 2025-2026 mức học phí là 1,5 triệu đồng/năm học; năm học 2026-2027 mức học phí là 1,7 triệu đồng.

Chênh lệch về chỉ tiêu tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục giữa các trường

Mỗi cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục cũng có sự khác biệt về chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể như sau:

Số liệu thống kê theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của một số cơ sở giáo dục đại học. Bảng: Ngọc Đại
Số liệu thống kê theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của một số cơ sở giáo dục đại học. Bảng: Ngọc Đại

Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) dự kiến tuyển sinh 100 chỉ tiêu ngành Tâm lý học giáo dục.

Một số trường có dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh ngành này ít hơn so với Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) như: ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Vinh tuyển sinh 70 chỉ tiêu, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh 68 chỉ tiêu và Trường Đại học Quy Nhơn 66 chỉ tiêu, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh 60 tiêu.

Về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học giáo dục có việc làm, theo tìm hiểu của phóng viên, năm học 2024-2025, ngành Tâm lý học giáo dục mới được đưa vào tuyển sinh và đào tạo tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Vinh, nên chưa có sinh viên nào của ngành này tốt nghiệp.

Trong khi đó, một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục đã có sinh viên tốt nghiệp. Cụ thể, theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) ban hành đầu tháng 2/2024, trong số 30 sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học giáo dục, có 15 sinh viên có việc làm.

Còn theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Quy Nhơn ban hành vào đầu tháng 4/2024, năm 2022, ngành Tâm lý học giáo dục có 6/12 sinh viên tốt nghiệp (100% các em có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp).

Nhiều phương thức xét tuyển đối với ngành Tâm lý học giáo dục

Bên cạnh điểm trúng tuyển, học phí, phương thức tuyển sinh đối với ngành Tâm lý học giáo dục là một trong những nội dung được nhiều thí sinh quan tâm.

Năm 2024, ngành Tâm lý học giáo dục ở hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đào tạo đều sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển thẳng.

Cụ thể, năm 2024, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tuyển sinh từ 18-25 chỉ tiêu đối với phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; từ 8-13 chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển thẳng, phương thức do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và nhà trường quy định; từ 20-28 chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục năm 2024 với các phương thức như: xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển thẳng.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục với các phương thức xét tuyển gồm: sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và của Đại học Quốc gia Hà Nội (10%); xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (60%) và sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (30%).

Năm 2024, ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) sử dụng các phương thức xét tuyển như: xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp Trung học phổ thông; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh hiện hành; Xét tuyển theo phương thức riêng của Đại học Huế; và xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục với các phương thức xét tuyển gồm: sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông; xét tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Quy Nhơn, nhà trường tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục với các phương thức xét tuyển như: xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; xét kết quả học tập trung học phổ thông; sử dụng dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; và sử dụng phương thức thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển.

Ngành Tâm Lý học giáo dục của Trường Đại học Vinh sử dụng các phương thức xét tuyển như: xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét kết quả học tập trung học phổ thông; xét tuyển thẳng; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức.

Ngọc Đại