Dự kiến quy đổi điểm xét, điểm trúng tuyển về thang chung, trường ĐH thấy hợp lý

09/12/2024 06:30
Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ GDĐT cần ban hành một khung quy định cụ thể và thống nhất về cách thức quy đổi điểm, tránh tình trạng mỗi trường đưa ra cách quy đổi khác nhau.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Trong đó, quy định cách thức quy đổi điểm xét, điểm trúng tuyển đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích) và phải quy về thang điểm chung. Nội dung này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Cần quy định khung thang điểm chung cụ thể 30 hoặc 100 điểm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) đánh giá, điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển cần được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng ngành, chương trình hoặc nhóm ngành đào tạo là một quy định hợp lý, giúp đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

Thầy Dũng chia sẻ thêm: “Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học, việc có một thang điểm chung sẽ tạo ra một mặt bằng xét tuyển đồng bộ giữa các trường và các phương thức xét tuyển, giúp tránh tình trạng các trường sử dụng nhiều cách quy đổi điểm không đồng nhất, dẫn đến chênh lệch không đáng có.

Bên cạnh đó, điều này còn tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong quá trình tổ chức đào tạo, nâng cao hiệu quả giáo dục bởi sự tương đồng về năng lực đầu vào của các thí sinh”.

th.s lê dũng uef.jpg
Thạc sĩ Lê Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Theo Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, cách quy đổi điểm xét tuyển theo thang điểm chung tạo ra một hệ quy chiếu thống nhất để đánh giá năng lực của thí sinh. Việc này cũng gây ảnh hưởng một phần đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh và chất lượng thí sinh trúng tuyển nên cần có quy định rõ ràng.

“Thực tế hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa ra quy định cụ thể về thang điểm chung, điều này dẫn đến các trường phải tự quy đổi theo cách riêng, gây khó khăn trong việc đảm bảo sự đồng bộ trên toàn hệ thống giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên hoạch định sẵn một thang điểm chuẩn chung, chẳng hạn thang điểm 30 hoặc thang điểm 100, để các trường căn cứ vào đó xây dựng công thức quy đổi điểm, đồng thời giúp thí sinh hiểu rõ hơn về cách thức tính điểm và cảm thấy yên tâm hơn trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển”, Thạc sĩ Lê Dũng bày tỏ.

Cùng bàn về vấn đề này, phó hiệu trưởng một trường đại học địa phương nêu quan điểm: “Việc quy đổi điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp về một thang điểm chung là rất cần thiết để đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh, đồng thời duy trì chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành một khung quy định cụ thể và thống nhất về cách thức quy đổi điểm, tránh tình trạng mỗi trường tự đưa ra cách quy đổi khác nhau, dẫn đến sự không đồng nhất và có khả năng gây bất công trong tuyển sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể yêu cầu quy đổi điểm về một thang điểm tối đa là 30 điểm. Điều này sẽ tránh việc tổng điểm xét tuyển sau khi cộng lại vượt quá 30 điểm như hiện tượng đã từng xảy ra khiến không ít thí sinh đạt điểm tối đa vẫn không đỗ vì không có thêm điểm cộng ưu tiên”.

img_5797-1451983739.jpg
Việc có một thang điểm chung sẽ tạo ra một mặt bằng xét tuyển đồng bộ giữa các trường và các phương thức xét tuyển. (Ảnh: Website trường UEF)

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Anh Tú - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hạ Long nêu ý kiến: “Việc quy đổi điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn về một thang điểm chung có thể góp phần tạo ra sự đồng nhất hơn trong quy trình xét tuyển.

Tuy nhiên, để đạt được sự công bằng tuyệt đối là điều rất khó, bởi mỗi phương thức xét tuyển đều có những đặc điểm và lợi thế riêng, phù hợp với mục tiêu và định hướng đào tạo của từng cơ sở giáo dục. Đối với một số ngành học, nhà trường mong muốn tuyển được các thí sinh có năng lực đặc thù phù hợp với ngành đó.

Các phương thức như xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét học bạ, hay xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế không chỉ khác biệt về cách đánh giá năng lực thí sinh mà còn phản ánh những khía cạnh học thuật hoặc kỹ năng riêng biệt. Vì thế, dù được quy đổi về cùng một thang điểm chung, các phương thức này vẫn sẽ có những yếu tố khác biệt”.

Ở một khía cạnh khác, Thạc sĩ Lê Dũng cho rằng, quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm chung có thể giúp nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo, nhưng điểm đầu vào không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục.

“Mặc dù các trường đại học top đầu thường tuyển sinh viên có điểm đầu vào cao hơn, điều này không đồng nghĩa rằng chất lượng đào tạo của các trường top dưới kém hơn. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chương trình giảng dạy, phương pháp đào tạo, môi trường học tập và đặc biệt là sự nỗ lực của sinh viên.

Một số thí sinh ở bậc phổ thông chưa đạt thành tích nổi bật, có điểm đầu vào đại học không cao nhưng khi chọn được ngành nghề yêu thích, được học tập trong môi trường phù hợp, với chương trình đào tạo chất lượng, sự hỗ trợ tận tình từ đội ngũ giảng viên, thí sinh vẫn có thể nỗ lực và phát huy thế mạnh riêng, đạt được mục tiêu học tập và chuẩn đầu ra”, thầy Dũng nhận định.

Quy đổi điểm cộng ưu tiên phải hướng đến sự công bằng và tạo cơ hội cho mọi thí sinh

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo là cách thức quy đổi điểm xét, điểm trúng tuyển đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung, đồng thời không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa này.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác. Qua đó, hạn chế việc lạm dụng, gây mất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.

Trao đổi về vấn đề này, phó hiệu trưởng một trường đại học địa phương chia sẻ: “Quy định này không chỉ thể hiện sự rõ ràng trong quá trình xét tuyển mà còn giúp các trường thực hiện đúng quy chế.

Thí sinh từ các vùng miền khác nhau, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện học tập hạn chế hơn sẽ không bị thiệt thòi vì các yếu tố như không có điều kiện học ngoại ngữ hoặc tiếp cận thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để có thêm điểm cộng ưu tiên.

Bên cạnh đó, hạn chế lạm dụng điểm cộng ưu tiên và điểm khuyến khích trong tuyển sinh cũng rất cần thiết, đảm bảo rằng các chính sách ưu tiên được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng”.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Lê Anh Tú - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hạ Long: “Đối với việc cộng điểm ưu tiên và quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, những năm trước nhà trường đã áp dụng quy chuẩn rõ ràng, trong đó điểm từ các loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được quy đổi về thang điểm 10 để cộng vào điểm xét tuyển.

Đồng thời, để tránh tình trạng lạm dụng các điểm cộng này, nhà trường đã nghiên cứu kỹ lưỡng phương án quy đổi nhằm đảm bảo phù hợp và công bằng cho tất cả thí sinh.

Ngoài ra, trường vẫn duy trì nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để tạo điều kiện và đa dạng cơ hội xét tuyển cho tất cả các đối tượng thí sinh, bất kể điều kiện học tập của các em”.

z6106822681556_88382629c233deb52cbd5138794f9ff7.jpg
Tiến sĩ Lê Anh Tú - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hạ Long. (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Tú, các quy định về cách thức quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm chung có tiềm năng cải thiện chất lượng đầu vào và tăng tính công bằng. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả thực sự, cần thử nghiệm và theo dõi qua từng năm, sau đó tiến hành điều chỉnh dựa trên kết quả thực tiễn. Việc này đòi hỏi sự linh hoạt và hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở giáo dục đại học.

Về phía Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Lê Dũng đề xuất: “Khi ban hành quy chế tuyển sinh mới với những thay đổi liên quan đến thang điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng các quy định rõ ràng về cách cộng điểm ưu tiên và điểm thưởng sao cho phù hợp với từng thang điểm áp dụng.

Cùng với đó là giám sát chặt chẽ cách thực hiện của các cơ sở giáo dục để đảm bảo các phương thức xét tuyển không bị lạm dụng hoặc tạo ra sự ưu ái không đáng có cho một nhóm đối tượng. Mặt khác, việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh nên được duy trì và cần cân nhắc đến tính đặc thù của từng ngành, từng trường, sao cho các trường đại học vừa tuyển được những thí sinh phù hợp nhất, vừa duy trì tính công bằng trong hệ thống tuyển sinh chung”.

Phương Thảo