CSGDĐH đào tạo đa lĩnh vực nên một bộ chuyên ngành quản lý không còn phù hợp

09/01/2025 06:22
Doãn Nhàn

GDVN -Trước đây, trường ĐH “trực thuộc” một bộ chủ quản thường được xây dựng theo mô hình đơn ngành nhưng hiện nay hầu hết các trường đã mở rộng đa ngành, đa lĩnh vực.

Trong bối cảnh đất nước đang quyết liệt triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy với ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, đề xuất chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý được đánh giá là bước đi phù hợp. Chủ trương này không chỉ góp phần giảm đầu mối quản lý mà còn đảm bảo tính hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả, đúng với tinh thần “1 việc không giao cho 2 người”.

Nhiều trường cùng nhóm ngành đào tạo nhưng trực thuộc các bộ/ngành khác nhau

Theo thống kê, cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 cơ sở giáo dục đại học công lập, 67 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng (số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021). Trong đó, ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn có nhiều bộ/ngành và địa phương cùng tham gia quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học.

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: Trường Đại học Mở Hà Nội
Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: Trường Đại học Mở Hà Nội

Sự phân tán trong quản lý này đặt ra nhiều bất cập trong thực tiễn vận hành. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội đánh giá điều này dẫn đến sự thiếu đồng nhất trong chính sách quản lý giáo dục giữa các bộ/ngành khác nhau, phân tán nguồn lực và quản lý chồng chéo giữa các bộ/ngành.

Trong đó, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng nhận định, việc nhiều bộ/ngành, địa phương cùng tham gia quản lý cơ sở giáo dục đại học dẫn đến nguồn ngân sách bị phân tán, do đó việc xây dựng các cơ sở giáo dục đại học đạt tầm cỡ khu vực và thế giới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn lực tập trung cũng làm hạn chế khả năng phát triển đội ngũ nhân lực, đặc biệt là các nhà khoa học. Điều này dẫn đến tình trạng các bài toán nghiên cứu lớn khó được giải quyết hiệu quả. Việc có nhiều đầu mối cùng quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học cũng là một sự lãng phí.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng một cơ sở giáo dục đại học ở miền Bắc cũng cho rằng, nên thống nhất đầu mối quản lý các cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ các trường công an, quân đội).

Hiện nay, việc quản lý các cơ sở giáo dục đại học giữa các bộ, ngành hiện nay cũng đang có sự chồng chéo, khi nhiều trường đào tạo cùng nhóm ngành nhưng lại thuộc quản lý của các bộ/ngành, địa phương khác nhau.

Đơn cử như khối trường sức khỏe. Hầu hết các trường chuyên đào tạo khối ngành sức khỏe (không tính các trường, khoa thuộc các đại học quốc gia và đại học vùng) đều trực thuộc Bộ Y tế. Trong khi đó có 2 trường cũng chuyên đào tạo khối ngành sức khỏe nhưng trực địa phương quản lý, đó là Trường Đại học Y khoa Vinh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Tương tự, cả nước hiện có 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật. Trong đó, 3 trường trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) và 3 trường còn lại trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học, Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên).

Hay cùng đào tạo luật nhưng Trường Đại học Luật Hà Nội trực thuộc Bộ Tư pháp, trong khi Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh lại trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hay cùng đào tạo nhóm ngành kỹ thuật xây dựng, nhưng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng miền Tây,... trực thuộc Bộ Xây dựng, trong khi Trường Đại học Xây dựng Hà Nội do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Theo vị lãnh đạo, công tác quản lý chồng chéo, phân mảng, không tập trung dẫn đến cơ chế chính sách cho phát triển mỗi nơi áp dụng theo một cách khác nhau, thiếu thống nhất. Nguồn lực đầu tư cho phát triển đại học của các cơ quan quản lý cũng không đồng nhất, cách hiểu và áp dụng cơ chế tự chủ đại học mỗi nơi một khác,...

“Môi trường cho phát triển giáo dục đại học thiếu đồng nhất, đồng bộ làm cho cơ hội phát triển của một số trường, nhất là trường địa phương gặp khó hơn”, vị hiệu trưởng trăn trở.

Từ đó, vị này cho rằng nếu chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạo thuận lợi giúp huy động được sự quan tâm của nhiều lực lượng trong xã hội đến giáo dục, từ cả trung ương đến địa phương.

Bước đi cần thiết cho sự tinh gọn và hiệu quả

3N7A5325.jpg
Ảnh minh họa: Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH)

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng cũng cho rằng trong bối cảnh nhà nước đang thực hiện chủ trương thu gọn đầu mối quản lý thì việc chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý là hợp lý.

Việc tập trung quản lý về Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp nâng cao hiệu năng, hiệu lực của hệ thống quản lý, khi có thể tăng cường tính đồng bộ trong chính sách, tập trung nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài chính) cho các mục tiêu chiến lược của quốc gia trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, việc tập trung nguồn lực sẽ giúp đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, nâng cao vị thế giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục quốc tế.

“Qua đó mới hy vọng có cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc tế và tăng nguồn sinh viên nước ngoài du học tại Việt Nam (xuất khẩu giáo dục), hạn chế sinh viên trong nước ra nước ngoài du học (trường hợp không xuất sắc) tránh chảy máu ngoại tệ”, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, trước đây các trường đại học “trực thuộc” một bộ chủ quản thường được xây dựng theo mô hình đơn ngành, ví dụ các trường sư phạm trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường nông nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý,... Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã chuyển đổi hoặc mở rộng mô hình đào tạo sang đa ngành, đa lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường lao động. Đơn cử như các trường kinh tế đào tạo ngành công nghệ, trường kỹ thuật cũng mở rộng đào tạo các ngành xã hội,...Vì vậy, việc gắn mác "trực thuộc" không còn nhiều ý nghĩa vì các trường đã vượt ra khỏi lĩnh vực quản lý chuyên môn của một bộ/ngành cụ thể.

Như vậy việc chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý cũng giúp các bộ/ngành và địa phương giảm đầu mối quản lý, từ đó có điều kiện tập trung hơn vào các nhiệm vụ chính khác. Việc tập trung quản lý tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giúp thống nhất các chính sách, từ đó tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ trong quản trị một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Cần có lộ trình thực hiện

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. Ảnh: Học viện Ngân hàng
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. Ảnh: Học viện Ngân hàng

Ở một góc nhìn khác, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng, mỗi cơ sở giáo dục đại học ra đời đều có sứ mệnh riêng và các trường thuộc bộ/ngành, địa phương cũng không ngoại lệ.

“Qua quan sát có thể thấy một số cơ sở giáo dục đại học có cơ quan chủ quản mạnh về tài chính, quan điểm lẫn tầm nhìn có rất nhiều thuận lợi trong quá trình phát triển, từ các đề tài nghiên cứu khoa học, đến đặt hàng đào tạo, hay các hỗ trợ về chính sách, nguồn lực, chủ trương và định hướng ngành.

Ngược lại, hiện cũng có không ít cơ sở giáo dục đại học có cơ quan quản lý trực tiếp can thiệp quá sâu vào hoạt động của nhà trường. Có trường ngay cả việc bổ nhiệm vị trí trưởng phòng cũng phải xin ý kiến cơ quan chủ quản. Việc này dẫn đến sự trì trệ, cản trở sự phát triển của các trường và đi ngược xu thế tự chủ của các trường đại học”, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung phân tích.

Cho rằng mỗi mô hình quản lý đều có ưu nhược điểm riêng, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung nhấn mạnh, cần có đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả quản lý, và lấy ý kiến các bên liên quan (gồm cơ sở giáo dục đại học, các bộ/ngành, địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo) về việc chuyển cơ quan chủ quản, nhằm đảm bảo tính khách quan tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học.

Doãn Nhàn