Theo đại diện một số cơ sở đào tạo, mặc dù là ngành học quan trọng, nền tảng trong lĩnh vực Nông nghiệp, thế nhưng, ngành Khoa học cây trồng hiện chưa nhận được nhiều thí sinh quan tâm, lựa chọn. Do đó, cần được Nhà nước quan tâm, đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn nữa.
Cơ hội việc làm rộng mở nhưng khó tuyển sinh
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Bùi Thị Cúc – Phụ trách Bộ môn Khuyến nông và Khoa học cây trồng, Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm nghiệp bày tỏ, ngành Khoa học cây trồng có vai trò rất quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế đất nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi mục tiêu đến năm 2050 của Việt Nam là trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao tại các công ty, tập đoàn lớn như Win Eco, T&T group, Vegetexco, Vigecam, Vinafood 2, … hàng năm rất lớn.
Cô Cúc thông tin, ngành Khoa học cây trồng là ngành mới được tuyển sinh và đào tạo tại Trường Đại học Lâm nghiệp từ năm 2018. Tuy nhiên, trên thực tế, xu hướng của học sinh hiện nay thường thích lựa chọn các ngành như Kinh tế, Kế toán…., ít quan tâm đến khối ngành kỹ thuật Nông nghiệp như Khoa học cây trồng, Lâm nghiệp.
Do vậy, việc tuyển sinh ngành Khoa học cây trồng của Trường Đại học Lâm nghiệp nói riêng cũng như nhiều trường đại học khác có đào tạo ngành này không được khả quan. Trung bình hàng năm chỉ tuyển được 10 – 20 sinh viên/ năm. Có thể nói rằng, đây là một thách thức rất lớn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Năm 2025, Trường Đại học Lâm nghiệp dự kiến tuyển sinh 50 chỉ tiêu cho ngành Khoa học cây trồng.
Nói về điểm nổi bật của nhà trường trong đào tạo ngành Khoa học cây trồng, cô Cúc cho hay, trong quá trình xây dựng, thay đổi chương trình đào tạo, Viện cũng như Nhà trường đã tham vấn các nhà khoa học, nhà tuyển dụng, sinh viên…. để có sự thay đổi phù hợp với nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, tăng cường kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, sử dụng máy móc, trang thiết bị trong phòng thí nghiệm và trên thực tế sản xuất.
Đặc biệt, chương trình đào tạo bên cạnh việc được xây dựng theo Chương trình khung của khối ngành nông lâm nghiệp, còn có những đặc thù riêng của nhà trường. Theo đó, ngoài kiến thức và kỹ năng về khoa học cây trồng, nông nghiệp, sinh viên còn được trang bị những kiến thức và kỹ năng về hệ thống nông lâm kết hợp như lâm sinh, trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững; kiến thức về phát thải các bon, quản lý môi trường, quản trị kinh doanh….
Hơn nữa, sinh viên của ngành còn được tham gia nghiên cứu cùng các giảng viên và nhà khoa học của trường ngay từ những năm thứ 2, thứ 3, hoặc được thầy cô hướng dẫn để thực hiện các nghiên cứu theo định hướng bản thân lựa chọn.
Mục tiêu đào tạo ngành Khoa học cây trồng tại trường Đại học Lâm nghiệp là đào tạo cử nhân trình độ đại học ngành Khoa học cây trồng có kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên môn sâu, rộng, có năng lực thực hành nghề nghiệp thành thạo, có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và hội nhập quốc tế.
Chính vì vậy, trong quá trình đào tạo, Viện đã luôn luôn kết hợp với cơ quan, đơn vị sản xuất và nghiên cứu để đưa sinh viên đến thực tập, làm việc thực tế tại cơ quan, các trang trại sản xuất giống, nông nghiệp công nghệ cao tại một số địa phương như Sơn La, Điện Biên, Hà Nội hay tại viện nghiên cứu như Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam….
Trên thực tế, sinh viên ngành Khoa học cây trồng của nhà trường đi thực tập và sau khi ra trường đi làm tại các doanh nghiệp đều được đánh giá cao, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc. Thậm chí, những cựu sinh viên sau khi ra trường dù không làm đúng ngành nhưng vẫn được đánh giá là nhờ các kỹ năng được trang bị khi học ngành Khoa học cây trồng đã giúp ích nhiều trong công việc.
Cô Cúc thông tin thêm, sắp tới, ngoài những giảng viên đã và đang được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nhà trường cũng dự định đầu tư các trang thiết bị và cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm chuyên dụng, khu thí nghiệm kết hợp thực hành thực tập và trải nghiệm với những mô hình như nông nghiệp công nghệ cao, thủy canh, hữu cơ…
Đặc biệt, nhà trường còn có sự liên kết trong đào tạo với chuyên gia ở các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để giảng dạy, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm cho giảng viên và sinh viên ngành Khoa học cây trồng.
Cần cơ chế thu hút sinh viên các ngành Nông nghiệp
Còn theo Thạc sỹ Lê Minh Tuấn - Phó trưởng Bộ môn Bộ môn Khoa học Cây trồng, Khoa Nông nghiệp – Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), ngành Khoa học cây trồng của nhà trường mỗi năm chỉ tuyển khoảng 50 chỉ tiêu. Tuy nhiên, những năm gần đây chỉ tuyển được khoảng 80% chỉ tiêu đặt ra. Dự kiến, năm 2025, nhà trường cũng giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh ngành Khoa học cây trồng với khoảng 50-60 chỉ tiêu.
Điểm nổi bật là Trường Đại học An Giang trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nên được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên cho đào tạo các mã ngành về nông nghiệp so với các trường thành viên khác.
Hơn nữa, việc đào tạo ngành Khoa học cây trồng cũng phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương nói riêng cũng như Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung khi có nhiều tập đoàn về lĩnh vực nông nghiệp, tạo cơ hội việc làm rộng mở cho các em. Hiện nay, tỉnh An Giang đang chú trọng về những nhân lực có thể ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp và Trường Đại học An Giang cũng đang hướng đến xu thế đó.
Với những thuận lợi như vậy, sinh viên ngành Khoa học cây trồng ra trường có việc làm gần như 100% đối với các sinh viên nam, tỷ lệ trung bình sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình đạt 80%.
Cũng theo thầy Tuấn, hiện nay nhiều thí sinh rất e ngại chọn học các ngành Nông nghiệp như ngành Khoa học cây trồng do sợ vất vả. Trong khi đó, hiện Nông nghiệp vẫn đang là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam.
Để ngành học ngày càng phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội thầy Tuấn mong rằng, có ưu tiên, cơ chế thu hút sinh viên ngành Nông nghiệp giống với sinh viên Sư phạm.
Thông tin về ngành Khoa học cây trồng, Tiến sĩ Phạm Văn Ngọc – Phó Trưởng Bộ môn Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) bày tỏ, đây là ngành học có lịch sử đào tạo từ rất lâu đời và quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Nếu không có nhân lực Khoa học cây trồng được đào tạo bài bản, sẽ không thể có được những sản phẩm nông sản chất lượng để xuất khẩu.
Việt Nam vốn nổi tiếng là có khí hậu phong phú, đa dạng có từ ôn đới, nhiệt đới, á nhiệt đới nên có thế mạnh, lợi thế về khí hậu, vị thế về địa hình để phát triển nền Nông nghiệp nước nhà.
Hơn nữa, ngành Khoa học cây trồng còn là nền tảng, liên quan đến các ngành Nông nghiệp khác. Không chỉ đào tạo ra những nhân lực lao động Nông nghiệp thông thường, ngành Khoa học cây trồng còn đào tạo nhân lực phục vụ cho các viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo về cây trồng.
Thầy Ngọc thông tin, thuận lợi của nhà trường là đào tạo cho những người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, do đó có mô hình đào tạo phù hợp hơn cho sinh viên ngành Khoa học cây trồng so với các cơ sở ở thành phố lớn. Hơn nữa, việc đào tạo ngành Khoa học cây trồng cũng phù hợp hơn với điều kiện thực tế của địa phương và các tỉnh xung quanh.
Không những vậy, trong quá trình giảng dạy, sinh viên ngành Khoa học cây trồng của nhà trường còn có cơ hội tham gia chương trình thực tập ở nước ngoài khi có năng lực tốt về ngoại ngữ. Thậm chí, sau khi thực tập ở nước ngoài về, các em còn có khoản thu nhập tương đối cao.
Mặc dù có nhiều thuận lợi như vậy, thế nhưng số lượng tuyển sinh ngành Khoa học cây trồng các năm gần đây của Nhà trường lại không cao, chỉ đạt 30-50% chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm lại tương đối cao.
Hiện, nhà trường đang thay đổi chương trình cho phù hợp hơn với thực tế như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong dạy học, đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo nhiều cơ hội giới thiệu việc làm cho người học.