Giao bài tập Tết cho học sinh cần thiết hay không: Chia sẻ từ hiệu trưởng

18/01/2025 07:40
Ngọc Huyền

GDVN - Theo các thầy cô, thay vì các bài tập Tết cứng nhắc, lặp lại trong sách giáo khoa, học sinh sẽ thích thú hơn nếu giáo viên giao các ‘nhiệm vụ’ gắn với thực tế.

Không nên áp đặt bài tập Tết cho tất cả học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đoàn Minh Điền - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thành Sen (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Việc có nên giao bài tập Tết hay không sẽ còn phụ thuộc vào nguyện vọng, định hướng của mỗi học sinh, mỗi trường học, mỗi vùng miền.

Với học sinh các trường ở vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những ngày nghỉ Tết sẽ là lúc các em phụ giúp bố mẹ công việc gia đình, thậm chí là mưu sinh. Những trường hợp như vậy, giáo viên không nên giao bài tập Tết và cần linh hoạt đối với mỗi đối tượng học sinh”.

Vị hiệu trưởng nhận định, bài tập Tết không phải một mục bắt buộc trong chương trình học. Việc có giao bài tập để học sinh làm trong dịp nghỉ Tết hay không, sẽ phụ thuộc vào giáo viên bộ môn. Tại Trường Trung học phổ thông Thành Sen, Ban giám hiệu trường sẽ đưa ra góp ý cho các giáo viên, để cân đối và điều chỉnh sao cho hợp lý.

thầy Điền.jpg
Thầy Đoàn Minh Điền - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thành Sen (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Thầy Điền cũng nhấn mạnh: “Không nhất thiết phải giao bài tập cho học sinh làm trong dịp Tết. Với một số học sinh có nhu cầu học thêm, ôn luyện trong những ngày này, thầy cô có thể hỗ trợ các em giải những bộ đề nhẹ nhàng, để các em ôn lại kiến thức trong những ngày đầu và cuối đợt nghỉ lễ. Còn trong những ngày nghỉ lễ, các em cần được vui chơi và nghỉ ngơi.

Chẳng hạn, với học sinh lớp 9, lớp 12, thầy cô có thể giao một số bài tập ngắn, các em sẽ tranh thủ thời gian đầu những ngày nghỉ Tết để tăng học lực. Tuy nhiên, thầy cô chỉ được giao một khối lượng rất ít, chỉ với mục đích không quên kiến thức cơ bản”.

Theo thầy Đoàn Minh Điền, giáo viên bộ môn nên hiểu và nắm bắt được nguyện vọng của học sinh mà mình đang phụ trách giảng dạy. Vị hiệu trưởng này cũng chia học sinh thành hai bộ phận: học sinh có định hướng học lên cao và học sinh có định hướng học nghề; đồng thời cho biết, giáo viên cũng cần dựa vào đó để phân loại và hỗ trợ học sinh đạt được mục tiêu.

“Các em có nguyện vọng vào đại học, sẽ rất cần tranh thủ khoảng thời gian được nghỉ để cải thiện năng lực của mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa, các em phải ở nhà làm bài tập xuyên suốt kỳ nghỉ, mà khối lượng bài tập sẽ phù hợp để học sinh hoàn thành trong thời gian ngắn, tuỳ các em phân bổ.

Với những học sinh cuối cấp có học lực khá trở xuống, giáo viên nên lắng nghe và hiểu nhu cầu học sinh, không nên áp đặt giao bài tập Tết, mà có thể cho các em học về văn hoá, các kiến thức xã hội hữu ích, phù hợp với mong muốn, sở thích.

Bài tập Tết xuất phát từ trách nhiệm với học sinh và với phụ huynh, nhất là với những học sinh khối 9 và khối 12 (đều là học sinh cuối cấp). Do đó, các thầy cô mang tâm lý lo lắng, sợ các em nghỉ Tết dài ngày, khi quay lại trường sẽ mơ hồ về kiến thức. Vì vậy, từ tinh thần trách nhiệm, cũng như căn cứ vào tình hình học tập của học sinh, giáo viên mới xây dựng các câu hỏi ôn tập và xác định lượng bài tập phù hợp”, thầy Điền phân tích.

Chị Nguyễn Thanh Phương, một phụ huynh có con học lớp 6 tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cho rằng, việc giao bài tập trong dịp Tết không chỉ giúp các con duy trì thói quen ôn luyện, mà còn rèn luyện được tinh thần trách nhiệm.

Khi có bài tập, các con sẽ phải sắp xếp thời gian hợp lý để vừa hoàn thành bài vở, vừa dành thời gian vui chơi cùng gia đình trong dịp Tết. Đây là cơ hội để các con học cách quản lý thời gian hiệu quả hơn”.

Tuy nhiên, chị Phương cũng bày tỏ, dù biết việc giao bài tập Tết là điều cần thiết, chị vẫn mong muốn giáo viên cân nhắc kỹ lưỡng về lượng bài tập cho học sinh. Các thầy cô nên giao số lượng bài tập phù hợp, chủ yếu là ôn lại những kiến thức đã học trên lớp, tránh gây áp lực quá lớn cho học sinh.

“Với một lượng bài tập vừa phải, các con sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, có thể hoàn thành bài tập một cách thoải mái mà không phải lo lắng quá nhiều, từ đó có thể tận hưởng Tết trọn vẹn mà vẫn không quên nhiệm vụ học hành...

Nhiều phụ huynh sẽ cảm thấy không thoải mái khi nhìn thấy con cái ngồi vào bàn học trong khi cả gia đình đang quây quần vui vẻ trong những ngày Tết. Do đó, để rèn luyện tính tự giác cho con, phụ huynh nên chủ động nhắc nhở con hoàn thành bài tập trong những ngày đầu của kỳ nghỉ Tết, để con có thể thư giãn và tham gia các hoạt động cùng gia đình mà không bị ảnh hưởng đến việc học.

Tôi luôn khuyến khích con làm bài tập sớm, trong 1-2 ngày đầu của kỳ nghỉ. Sau đó, con sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, không phải lo nghĩ gì về bài vở trong suốt những ngày Tết và có thể tận hưởng kỳ nghỉ một cách thoải mái”, chị Phương chia sẻ.

Nhiều nội dung giáo dục thú vị có thể triển khai trong ngày Tết

Chia sẻ về nội dung này, cô Nguyễn Thị Kiều Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Thành (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) nhận định: “Việc giao bài tập Tết cần linh hoạt, tùy thuộc vào yêu cầu của từng bộ môn. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, bài tập được giao trong khoảng thời gian này phải ở mức độ hết sức nhẹ nhàng.

Với học sinh cuối cấp, các bộ môn như Toán, Ngữ văn sẽ cần chú trọng. Nếu giáo viên xét thấy cần giao bài tập bộ môn này, nên ra đề ở mức vừa phải, cơ bản. Giáo viên không nên nhìn vào số ngày nghỉ nhiều mà tăng số lượng bài tập, sẽ khiến học sinh cảm thấy áp lực”.

Cô Kiều Anh cũng gợi ý, thay vì các bài tập cứng nhắc, lặp lại trong sách giáo khoa, học sinh sẽ thích thú hơn nếu giáo viên giao các ‘nhiệm vụ’ gắn với thực tế: “Giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm các video thú vị ghi lại cuộc sống ngày Tết của gia đình, các hoạt động trải nghiệm văn hoá, ẩm thực,... hay những video giới thiệu về quê hương, khi các em học sinh về thăm ông bà cũng sẽ trở thành chủ đề gần gũi, nhân văn, ý nghĩa mà học sinh có thể thực hiện trong ngày Tết. Các em sẽ đăng tải trên mạng xã hội để lan tỏa niềm vui, văn hoá địa phương”.

Cô Nguyễn Thị Kiều Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Thành (Quảng Ninh). Ảnh: NTCC.

Cô Nguyễn Thị Kiều Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Thành (Quảng Ninh). Ảnh: NTCC.

Nữ hiệu trưởng nhấn mạnh, nhiều nội dung giáo dục thực tiễn có thể triển khai cả trong ngày Tết. Cô cho rằng, việc giáo dục học sinh không chỉ gắn với các môn học trong nhà trường, mà còn phải gắn với hoạt động trải nghiệm. Đó cũng là một nội dung giáo dục quan trọng trong chương trình giáo dục hiện nay.

Cùng quan điểm với cô Kiều Anh, thầy Đoàn Trọng Hoàng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Bích Châu (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng ủng hộ việc học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm thay cho bài tập dịp Tết.

Cụ thể, thầy Đoàn Trọng Hoàng chia sẻ: “Quan điểm của tôi là học tập suốt đời, học nhiều nơi, nhiều thời điểm. Tuy nhiên, những ngày nghỉ Tết nên được đưa về đúng bản chất là ngày nghỉ. Tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Bích Châu, thầy cô giáo cũng không hề muốn giao bài tập Tết cho các em.

Nếu giao bài tập mà học sinh không thực hiện, sẽ đồng nghĩa với việc các em không tuân thủ. Nhưng ngày Tết là thời gian gia đình tề tựu, sum vầy và nghỉ ngơi. Các em học sinh cấp trung học phổ thông cũng đều đã lớn, sẽ thích đi chơi cùng gia đình, bạn bè. Vì vậy, nếu giao bài tập Tết quá nhiều, khi người lớn đi chơi, các em lại ở nhà học, thì thực sự thiếu nhân văn”.

Theo thầy Hoàng, việc giao bài tập Tết chỉ trong trường hợp rất cần thiết, chẳng hạn, sắp tới kỳ thi học sinh giỏi hay học sinh chủ động xin thầy cô giao bài tập để ôn luyện.

“Ngày nghỉ cũng không nhiều, do đó, nên để các em học sinh thoải mái vui chơi cùng gia đình. Sau khi hết kỳ nghỉ Tết, học sinh chỉ cần dành thời gian học chăm chỉ, ôn lại kiến thức, chắc chắn kết quả sẽ không bị ảnh hưởng nhiều”, thầy Hoàng khẳng định.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Bích Châu cũng đề xuất những hoạt động kết hợp giữa học tập và trải nghiệm, thay thế cho việc giao bài tập trong dịp Tết. Theo đó, để học sinh có thể vừa học, vừa vui chơi, thầy cô có thể gợi ý cho các em tham gia vào các hoạt động truyền thống tại địa phương, giúp các em vừa tìm hiểu, vừa cảm nhận những giá trị văn hoá đặc sắc.

“Các em học sinh có thể tham gia vào các lễ hội vui xuân, hội đền, chợ Tết hay các hoạt động khác mang đậm bản sắc dân tộc. Đó không chỉ là cơ hội để học sinh trải nghiệm, mà còn là dịp để các em hiểu sâu hơn về phong tục tập quán của những vùng đất mà mình đặt chân đến.

Những hoạt động này sẽ giúp học sinh tích luỹ thêm kiến thức về văn hoá, xã hội và góp phần phát triển kỹ năng sống; từ đó phục vụ tốt hơn cho quá trình học tập và trưởng thành sau này. Nhà trường rất khuyến khích học sinh tham gia những hoạt động trên, bởi đây chính là cách học tập sống động và gần gũi nhất”, thầy Hoàng nhấn mạnh.

Ngọc Huyền