Trăn trở của nhiều thầy cô về việc giao bài tập Tết

09/01/2024 06:53
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Làm thế nào nào để học sinh “vui chơi không quên nhiệm vụ học tập” nhưng cũng nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh khi giao bài tập về nhà?

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến dịp tết Nguyên đán, câu chuyện về việc giao bài tập Tết lại trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn. Người ủng hộ không giao bài tập Tết để học sinh có được những ngày nghỉ vui vẻ, thoải mái. Người lại yêu cầu giáo viên nên giao bài tập để các con làm trong những ngày không tới trường, tránh quên đi những kiến thức đã học.

Lịch nghỉ Tết của trường sớm hơn lịch nghỉ chung của cả nước nên học sinh được nghỉ, bố mẹ thì vẫn đi làm. Không người quản thúc, không phải đến trường, nhiều em cầm điện thoại, mở máy vi tính chơi game, xem Tiktok suốt ngày. Nếu có bài tập Tết, học sinh sẽ bớt "dính" các thiết bị điện tử.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vì sao phụ huynh phản đối việc giao bài tập Tết?

“Nếu giáo viên giao bài tập vừa đủ sẽ không vấn đề gì. Đằng này, các năm trước, tôi nhìn sấp bài con phải làm miệt mài suốt mấy ngày Tết đôi khi còn không xong nên thấy xót và thương con. Tết, trẻ con vui nhưng vẫn không được thoải mái vì đống bài tập đè nặng”, chị Thanh Huyền, một phụ huynh có con học bậc trung học cơ sở chia sẻ.

Bản thân người viết là giáo viên tiểu học nhưng xem xấp tài liệu ôn tập của cháu đang học bậc trung học cơ sở, tôi cũng thấy choáng thật. Môn nào cũng có bài tập. Đặc biệt, những môn như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, lượng bài tập được giáo viên giao khá nhiều.

Có năm, cháu gái tôi nhất định không theo ba mẹ đi chơi xa vì “con chưa làm xong bài tập cô cho”. Mặc dù, anh chị tôi đã thuyết phục cháu đi chơi về làm cũng được nhưng cô bé sợ làm không xong sẽ bị thầy cô nhắc nhở.

Cháu nói, mấy môn giải bài tập có thể tranh thủ làm nhưng 2 đề tập làm văn thì phải có thời gian mới viết được. Anh chị tôi đã nổi cáu với cháu, thậm chí có những lời lẽ nặng nề như “mấy ngày Tết mà bắt mấy đứa nhỏ làm lượng bài tập nhiều như thế chẳng khác nào hành xác bọn trẻ”…không khí gia đình mất vui hẳn. Thế là ngày Tết lẽ ra phải vui lại trở nên căng thẳng, nặng nề chỉ vì chuyện bài tập của con.

Người viết đã không ít lần nhận được chia sẻ của một số phụ huynh về bài tập Tết. Phần đông, cha mẹ học sinh không phản đối việc giáo viên giao bài tập về nhà dịp Tết mà bất bình khi lượng bài tập được giao quá nhiều.

Thực tế cũng cho thấy, sau một kỳ nghỉ dài, học sinh thường quên khá nhiều kiến thức đã học trước đó. Có học sinh lớp của tôi quên luôn mặt chữ vì hơn chục ngày không động vào sách vở.

Giao bài tập Tết, giáo viên sẽ vất vả nhiều hơn. Đó là phải soạn đề ôn tập, chấm, sửa bài cho học sinh. Dù có vất vả thêm một chút nhưng thầy cô đều muốn giúp các em ôn bài. Vui chơi không quên nhiệm vụ học tập nên nhiều thầy cô đều muốn giao bài tập vào những ngày học sinh nghỉ học.

Học sinh áp lực vì lượng bài tập quá nhiều

Ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên các môn độc lập ra bài tập về nhà cho môn học mình dạy. Nếu mỗi môn khoảng hơn chục câu hỏi, bài tập thì học sinh cũng sẽ phải làm ít nhất mấy chục bài. Tuy nhiên, có không ít giáo viên tỏ ra môn dạy của mình quan trọng nên lại ra quá nhiều bài tập.

Điều này đã tạo nên sự quá tải, gây áp lực lớn cho học sinh và dẫn đến sự bức xúc cho một số phụ huynh.

Bên cạnh đó, ở một số địa phương, lịch thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thường rơi vào khoảng đầu tháng 3. Sau thời gian nghỉ Tết, học sinh trở lại trường bình thường đã vào giữa tháng 2. Nhiều thầy cô than phiền, còn khoảng 20 ngày sẽ không đủ thời gian cho giáo viên ôn tập.

Vì thế, tranh thủ 20 ngày nghỉ Tết, nhiều thầy cô thường giao thêm bài tập về nhà để các em ôn luyện. Những bài tập dành cho học sinh giỏi luôn không dễ chút nào. Vì thế, có em miệt mài suốt ngày đêm mới có thể hoàn thành xong bài tập.

Ở bậc tiểu học, giáo viên chủ nhiệm dạy gần hết các tiết học trong thời khóa biểu. Vì thế, việc giao bài tập về nhà cho học sinh cũng chỉ khoảng 2 thầy cô (giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy ngoại ngữ) nên lượng bài tập cũng không quá nhiều.

Tuy nhiên, học sinh tiểu học phần lớn khả năng tự học chưa cao nên phụ huynh phải nhắc nhở nhiều. Thậm chí, có không ít em, ba mẹ phải ngồi bên cạnh học cùng.

Làm thế nào giao bài tập Tết để học sinh, giáo viên, phụ huynh đều vui?

Lịch nghỉ tết Nguyên đán hiện nay ở các bậc học thường dao động từ 10 đến 15 ngày. Thời gian nghỉ khá lâu, nếu các em không ôn bài thường xuyên rất dễ sẽ quên kiến thức.

Vậy làm thế nào nào để học sinh “vui chơi không quên nhiệm vụ học tập”, đồng thời cần nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh khi giao bài tập dịp Tết?

Theo người viết, trước khi giao bài tập Tết cho học sinh, các giáo viên (bậc trung học) nên ngồi lại với nhau thống nhất số lượng kiến thức ôn tập cho học sinh để tránh lượng bài tập giao cho các em quá nhiều.

Đối với bậc tiểu học, thầy cô cũng nên hệ thống lại một số kiến thức trọng tâm, cơ bản của các môn như Toán, Tiếng Anh. Câu hỏi, bài tập ở mức độ bình thường để học sinh ôn tập một cách nhẹ nhàng. Môn tiếng Việt chỉ cần yêu cầu về nhà đọc bài, trả lời câu hỏi là ổn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên