Thực trạng đào tạo nghề cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

14/01/2025 06:22
Thạc sĩ Phạm Thanh Nga (Sở Tư pháp Hà Nội)

GDVN - Chỉ khi có kiến thức và kỹ năng lao động tiên tiến, phụ nữ dân tộc thiểu số mới có thể bắt kịp với tình hình phát triển kinh tế và xã hội hiện đại.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó có khoảng ba phần tư diện tích là rừng núi nên có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rải rác trên diện tích trải dài từ Bắc đến Nam.

Đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc khác nhau chiếm khoảng 15% dân số cả nước.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên và địa lý nên có sự chênh lệch giữa trình độ phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số vùng núi so với khu vực thành thị, đồng bằng.

Vì vậy, để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền và dân tộc cũng như thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam đã có nhiều chính sách để hỗ trợ việc giáo dục, nâng cao dân trí, kỹ năng sống và làm việc cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Một trong những chính sách đáng chú ý là việc phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Đây là một việc làm hết sức đúng đắn. Vì chỉ khi có kiến thức và kỹ năng lao động tiên tiến, phụ nữ dân tộc thiểu số mới có thể tự mình thay đổi phương thức lao động, cải thiện chất lượng lao động, bắt kịp với tình hình phát triển kinh tế và xã hội hiện đại, có thu nhập ổn định và phát triển bền vững, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách với khu vực đồng bằng và thành thị.

Trong bài viết này tác giả tổng hợp và phân tích thực trạng việc đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ đó đưa ra những khuyến nghị giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo này trong thời gian tới.

daotaonghe.jpg
Ảnh minh họa: Baodantoc.vn

Tổng quan về đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Tổng quan về đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống. Người Kinh chiếm 85,4% dân số Việt Nam, 53 dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm 14,6% dân số cả nước.

Phụ nữ người dân tộc thiểu số thường tập trung ở các vùng núi và vùng sâu vùng xa, tuy nhiên họ cũng phân bố rải rác trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhiều làng, xã có tới vài dân tộc thiểu số khác nhau cùng sinh sống.

Vị trí địa lý đóng một vai trò quan trọng trong các tập tục văn hóa của các dân tộc thiểu số, song cũng đồng thời tạo ra những thách thức trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công như y tế và giáo dục.

Tuy các dân tộc thiểu số có sự khác biệt với nhau về phong tục tập quán, nhưng rừng núi vẫn đóng vai trò quan trọng với phần lớn các dân tộc thiểu số.

Hình thức quản lý rừng truyền thống theo cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong phong tục tập quán cũng như nghề nghiệp để mưu sinh của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Sản xuất lâm nghiệp và nông nghiệp là nghề nghiệp chính của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng.

Thực trạng tình hình đào tạo nghề phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Nhà nước đã ban hành khoảng 180 văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số.

Có nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả tốt như Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Mặc dù, ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhưng các chính sách dân tộc đã được ưu tiên bố trí nguồn lực kết hợp các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, với ngân sách địa phương nhằm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Các chính sách giai đoạn này tập trung thực hiện ba khâu đột phá Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: bảo vệ môi trường; đào tạo nghề - phát triển cán bộ dân tộc thiểu số; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trong đó, chính sách đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp thiết thực và hữu hiệu nhằm giúp cho họ có việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững.

Đề án 1956 năm 2009 của Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" với nội dung chính là dạy nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động, đã giúp người dân nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng được tiếp cận rất nhiều nghề phi nông nghiệp, tạo việc làm bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Thông qua các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong khoảng 5 năm đã có khoảng 1 triệu người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, chiếm tỷ lệ 14% trên tổng số gần 8 triệu người trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề.

Theo tìm hiểu, giai đoạn 2010 - 2017, đã đào tạo được hơn 812.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 21,8% tổng số người được hỗ trợ học nghề. Năm 2016 - 2017, đã có khoảng 1.600 người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động.

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã đào tạo hỗ trợ cho 924 lao động hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc theo các chương trình hợp tác (thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2018).

Từ năm 2016 đến nay, trong tổng số học viên học nghề, có 2568 học viên là người dân tộc thiểu số. Sau học nghề, số người có việc làm đạt 85,6%.

Trong đó có khoảng 12,6% được doanh nghiệp tuyển dụng; 10,9% được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 75% tự tạo việc làm và 1,5% thành lập tổ hợp tác xã, doanh nghiệp.

Những hạn chế trong việc đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Dù đã có nhiều cố gắng và nỗ lực của cả chính quyền trung ương cũng như địa phương, việc đào tạo nghề cho người dân vùng dân tộc thiểu số vẫn còn những tồn tại bất cập như:

Thứ nhất, công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số thời gian được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện nhưng thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Dù có nhiều lớp đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người sau đào tạo thường có việc làm không bền vững lại quay trở lại làm công việc nương rẫy như trước và không áp dụng nhiều kiến thức đã được đào tạo.

Số lao động là phụ nữ dân tộc thiểu số được đào tạo nghề có trình độ trung cấp, cao đẳng nghề còn thấp, phần lớn họ chỉ được học nghề ngắn hạn.

Bên cạnh đó một số nghề được đưa vào chương trình giảng dạy có kiến thức quá cao so với trình độ nhận thức của học viên nên họ khó có thể tiếp thu cũng như áp dụng trong thực tế.

Những hạn chế trong đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số một phần là do một số địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số học nghề theo nhu cầu thực tế mà chỉ để hoàn thành theo chỉ tiêu đào tạo được giao. Điều này dẫn tới đào tạo chưa hướng học theo nhu cầu thực tế.

Thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện nay, khi tham gia các lớp đào tạo nghề, phụ nữ dân tộc thiểu số được nhận hỗ trợ học phí, tiền ăn, tiền đi lại. Quy định này nhằm tạo động lực để khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số đi học nghề.

Thực tế, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia đào tạo nghề từ lâu nhưng một bộ phận không nhỏ phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn không tham gia vì chưa thực sự hiểu rõ lợi ích cũng như việc áp dụng những kiến thức đã được đào tạo ra sao.

Ngoài ra, một số người học nghề nhưng do trình độ có hạn, nên việc tiếp thu kiến thức không dễ. Thêm nữa, thời gian học không nhiều, nên rất khó khăn để những người này có cơ hội thực hành và vận dụng những kiến thức đã học và tạo thu nhập ổn định.

Vì vậy, việc thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia những lớp học đào tạo nghề là không dễ dàng. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, sau 06 năm thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh chỉ đào tạo nghề được trên 25.000 người.

Ngoài ra, công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp còn nhiều bất cập, người lao động chưa sống được bằng nghề. Một số địa phương không duy trì được nghề sau đào tạo, gây lãng phí thời gian của người dân và kinh phí đào tạo.

Thứ ba, bên cạnh việc đưa ra chính sách phù hợp thì việc phụ nữ dân tộc thiểu số có tiếp cận và tận dụng được chính sách để học được nghề và thực hiện khởi nghiệp thành công hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Do sự đặc thù về hệ thống chính sách dân tộc hiện nay nằm ở nhiều bộ, ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau nên để chính sách thực sự trở thành nguồn lực và động cơ thúc đẩy khởi nghiệp thành công ở vùng phụ nữ dân tộc thiểu số cần phải có sự kết nối, điều phối hiệu quả của nhiều Bộ, ngành.

Cùng với đó trước khi đào tạo ngành chức năng cũng như địa phương phải định nghĩa lại bản chất của khởi nghiệp và xác định lại vai trò của khởi nghiệp ở khu vực đặc thù này.

Khởi nghiệp đối với khu vực này bên cạnh việc tạo công ăn việc làm, giảm nghèo và phát triển kinh tế còn đi kèm với mục tiêu bảo tồn sự đa dạng văn hóa và hỗ trợ sự hòa nhập của các nhóm dân tộc thiểu số vào dòng chảy khởi nghiệp chung của quốc gia. Có như thế mới khuyến khích được bà con học nghề và sống được bằng nghề.

Bên cạnh đó, hàng năm nguồn kinh phí của Trung ương bố trí cho Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thấp, trong khi cơ chế điều hành phân bổ kinh phí liên tục thay đổi: Năm 2012 kinh phí giao trực tiếp cho các cơ sở dạy nghề; năm 2013 giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư; năm 2014 - 2015 giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là chủ đầu tư đào tạo nghề phi nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ đầu tư đào tạo nghề nông nghiệp; năm 2016 đưa vốn đào tạo nghề lồng ghép vào chương trình nông thôn mới, giao cho cấp cơ sở tự quyết định song lại không có hướng dẫn cụ thể nên rất khó vận dụng.

Ngoài ra, chính sách và công tác hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hướng dẫn vay vốn sau đào tạo và tiêu thụ sản phẩm từ cơ sở vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Đây là một vấn đề hết sức cần thiết và phải được nghiên cứu, triển khai kỹ lưỡng.

Vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện các chính sách về đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số hiện nay.

Nếu chỉ chú trọng công tác đầu vào, đào tạo không thôi mà không chú trọng kết quả đầu ra cũng như tạo công việc phù hợp để những người đã được đào tạo có cơ hội làm việc, vận dụng những kiến thức đã học cũng như tạo ra thu nhập ổn định từ công việc thì việc hỗ trợ đào tạo sẽ không có ý nghĩa gì cả.

Một số đề xuất

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện bất bình đẳng giới ở Việt Nam, vấn đề này vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng đặc biệt tới cộng đồng dân tộc thiểu số. Cần có nhiều chương trình cụ thể hơn hướng tới đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số.

Ví dụ, để tăng cường tiếp cận các dịch vụ giáo dục cần được cung cấp dưới hình thức dễ tiếp cận, nhất là về ngôn ngữ vì phụ nữ dân tộc thiểu số có tỷ lệ biết chữ thấp hơn so với nam giới.

Mỗi địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ngành nghề đào tạo sát thực tế, nhu cầu học nghề của từng bộ phận người dân.

Các khóa, lớp đào tạo nghề cần dài hạn hơn, chương trình yêu cầu phù hợp trình độ dân trí cũng như tâm lý học viên. Đồng thời, đẩy mạnh tư vấn để học viên thấy rõ lợi ích của việc học nghề.

Nhằm giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác đào tạo nghề, các cấp chính quyền cần hỗ trợ người lao động chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Sau khi học viên ra trường, cơ quan quản lý trực tiếp cần sát sao, theo dõi các học viên nhằm hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu cho học viên tìm kiếm công việc đúng ngành nghề đã học; có cơ chế vay vốn ưu đãi hay dạy nghề gắn với giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, địa phương cần tập trung chính sách xuất khẩu lao động cho khu vực đặc biệt khó khăn, góp phần giải quyết việc làm lâu dài.

Đặc biệt, trước khi đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số cần có những khảo sát về nhu cầu trước khi đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số để có thể xác định cơ cấu ngành nghề và mức độ, đầu tư cơ sở vật chất, phân bổ ngân sách cho việc đào tạo.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện nay, Nhà nước cần có những chính sách để khuyến khích nhà đầu tư mở các nhà máy sản xuất tại các vùng có người phụ nữ dân tộc thiểu số sinh sống để có thể tiêu thụ trực tiếp các sản phẩm nông, lâm nghiệp làm nguyên liệu chế biến hàng hóa.

Đồng thời cần mở các cơ sở đào tạo nghề tại nơi có đồng bảo thiểu số sinh sống, đào tạo cho họ những kỹ năng, tác phong lao động công nghiệp gắn với những ngành nghề công nghiệp mà nhà máy, công ty sẽ có ở khu vực đó.

Ngoài ra, mỗi địa phương cần có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như khuyến khích giáo viên có trình độ chuyên môn đến giảng dạy, đào tạo cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Hiện nay, bên cạnh phát triển những ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp thì ngành dịch vụ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế.

Vì vậy, khi đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số cần chú trọng đào tạo những kỹ năng và kiến thức cần thiết để phụ nữ dân tộc thiểu số có thể phát triển dịch vụ như dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, văn hóa nghệ thuật,…

Và nên thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp để tập hợp những những người lao động phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế một cách chuyên nghiệp và theo hướng phát triển bền vững. Từ đó việc đào tạo kỹ năng lao động, sản xuất chuyên nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ trở nên thiết thực hơn, đào tạo gắn liền với việc tạo việc làm, thực hành nghề nghiệp cho người lao động là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, phát triển nông thôn mới và những dịch vụ phát triển kèm theo như khách sạn, nhà hàng, sân khấu biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng biển của nước ta được thiên nhiên ưu đãi có cảnh đẹp hữu tình, với nhiều đặc sản vùng miền. Điều này là một lợi thế rất lớn để nước ta phát triển loại hình dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế, mở cửa chào đón du khách từ khắp các quốc gia trên thế giới, thì việc tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển kinh tế trên chính vùng đất của họ là việc làm hết sức cần thiết và thuận lợi.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ ở đồng bằng đã lên vùng cao, hướng dẫn phụ nữ dân tộc thiểu số làm homestay (mô hình khách du lịch thuê nhà của người dân bản địa, sống cùng họ, tham gia các hoạt động hàng ngày cùng chủ nhà), phát triển du lịch sinh thái.

Nhiều doanh nghiệp xã hội đã được ra đời để hỗ trợ mô hình kinh doanh này, dạy ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp cho phụ nữ dân tộc thiểu số để họ có thể giao tiếp tốt và giới thiệu được văn hóa dân tộc mình với những du khách nước ngoài.

Để tiếp tục hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số được đào tạo nghề một cách hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2030, nhà nước cần có những chính sách thiết thực hơn nữa, kết hợp các dự án đầu tư công tư PPP phối hợp với doanh nghiệp và người dân địa phương vùng dân tộc thiểu số sinh sống để có thể đào tạo kỹ năng nghề nghiệp giúp phụ nữ làm chủ được cuộc sống của mình.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014

2. Nghị quyết số 88/2014/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

3. Thông tư 58/2017/TT-BTC hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

4. Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"

5. https://tuoitrethudo.vn/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-vung-dan-toc-thieu-so-huong-thoat-ngheo-ben-vung-16888.html

6. https://tuoitrethudo.vn/dao-tao-nghe-gan-voi-thi-truong-lao-dong-viec-lam-65809.html

Thạc sĩ Phạm Thanh Nga (Sở Tư pháp Hà Nội)