Đạt tỷ lệ 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ sẽ giúp nâng tầm GDĐH Việt Nam

16/01/2025 06:24
ĐÀO HIỀN

GDVN -Trên thực tế tỷ lệ 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ không phải là con số nhỏ, song mục tiêu này được đặt ra phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.

Trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu phấn đấu đối với giáo dục đại học đến năm 2030, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.

Theo thống kê từ hệ thống HEMIS của Bộ Giáo dục và Đào tạo do các cơ sở đào tạo kê khai, số lượng giảng viên toàn thời gian năm 2024 của cả nước là 91.297 người. Trong đó, giảng viên có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ là 743 người; phó giáo sư, tiến sĩ là 5.629 người; tiến sĩ là 23.776 người; thạc sĩ là 53.412 người và đại học có hơn 6.000 người...[1]

Như vậy có thể thấy, hiện nay, tổng giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ là hơn 30.000 người, chiếm 33% tổng số giảng viên.

Theo ý kiến của lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, mục tiêu về tỷ lệ giảng viên tiến sĩ được đề cập trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là điều hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay. Qua đó xây dựng định hướng cho các đơn vị cố gắng phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Phát triển đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là một nhiệm vụ trọng tâm và đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung.

Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao sẽ tạo ra một bộ máy đào tạo nhân lực chất lượng. Bởi, những giảng viên có học hàm, học vị cao không chỉ đóng vai trò truyền đạt kiến thức chuyên sâu mà còn là người dẫn dắt, định hướng tư duy nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Điều này đảm bảo rằng các chương trình đào tạo không chỉ đáp ứng chuẩn quốc tế mà còn gắn kết chặt chẽ với thực tiễn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

thầy Nhâ.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Theo đánh giá của thầy Nhân, giảng viên có trình độ cao là nguồn lực chính trong cơ sở giáo dục đại học đảm bảo việc thực hiện, hướng dẫn, định hướng các nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và chuyển giao tri thức. Điều này góp phần nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và công nghệ của đất nước.

Khi đó, việc tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ cao sẽ là yếu tố cốt lõi để đáp ứng các chuẩn mực giáo dục quốc tế, từ đó giúp các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam sử dụng được nguồn người học tại chỗ. Chất lượng đào tạo lúc này sẽ được nâng cao tương đương chất lượng quốc tế song chi phí lại thấp hơn khi ta tận dụng được nguồn lực sẵn có.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong nước sẽ góp phần thu hút, tạo sự hấp dẫn đối với người học trong nước, đồng thời thu hút thêm sinh viên quốc tế, thúc đẩy trao đổi học thuật và tạo dựng uy tín toàn cầu. Đây cũng là nền tảng để thực hiện tầm nhìn đến năm 2045, đưa giáo dục Việt Nam trở thành một hệ thống phát triển bền vững và tiên tiến.

“Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao sẽ trực tiếp tác động đến việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, khi đất nước có đội ngũ giảng viên trình độ cao sẽ hỗ trợ các trường đại học thực hiện tốt quyền tự chủ trong tổ chức, tài chính, học thuật, trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và phục vụ cộng đồng.

Vậy nên, việc đảm bảo tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40% vào năm 2030 là một mục tiêu cần thiết, mang tính chiến lược, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam lên trình độ tiên tiến trong khu vực”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân nêu quan điểm.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cũng cho rằng, việc phát triển đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là nhiệm vụ cấp thiết, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.

Trong bối cảnh xã hội đang đứng trước sự thay đổi mạnh mẽ của các thành tựu khoa học, đồng thời là những vấn đề thách thức mới được đặt ra. Khi đó, để có thể giải quyết được những vấn đề mới từ thực tiễn thì giảng viên chính là đội ngũ tiên phong nghiên cứu và tìm ra giải pháp phù hợp. Như vậy, chính giảng viên phải nâng cao trình độ để áp dụng những tri thức, phương pháp mới vào công tác giảng dạy. Từ đó người học cũng sẽ được lĩnh hội những tri thức mới của thời đại.

hop HĐ Trường lần 6 (2).jpg
Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ). Ảnh: website nhà trường

Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, sự lớn mạnh của đội ngũ giảng viên có vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của các trường đại học. Trên thực tế, những cơ sở đào tạo sở hữu đội ngũ giảng viên chất lượng thì thường sẽ có vị thế, uy tín trong xã hội.

Như vậy, nếu cơ sở giáo dục đại học tập trung đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng thì bản thân các đơn vị đó sẽ ngày càng khẳng định được danh tiếng và chất lượng đào tạo của mình.

“Trước những yêu cầu, thách thức mà quá trình công nghiệp hoá, hiện đại học và hội nhập quốc tế đã đặt ra, đội ngũ giảng viên phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu đổi mới.

Khi chất lượng giảng viên của trường đại học được nâng lên thì chất lượng đào tạo cũng sẽ ngày một cải thiện hơn. Mặt khác, xã hội sẽ có nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn.

Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đại học phải có định hướng, giải pháp khác nhau để xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên tuỳ theo mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi đơn vị”, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh nhấn mạnh.

Nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của các trường

Không thể phủ nhận rằng, giảng viên giữ một vị trí vô cùng quan trọng đối với sự vận hành của các cơ sở giáo dục đại học.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, đối với trường đại học, giảng viên là yếu tố then chốt quyết định chất lượng đào tạo, là nhân tố trung tâm trong quá trình giảng dạy và đào tạo sinh viên. Khi đội ngũ giảng viên được đào tạo bồi dưỡng tốt sẽ đảm bảo chất lượng giáo dục, xây dựng uy tín học thuật và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đội ngũ giảng viên có năng lực và trình độ cao là nguồn lực chính để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Đây không chỉ là thước đo của chất lượng học thuật mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

“Có thể nói rằng, trong chiến lược phát triển của bất kỳ cơ sở giáo dục đại học nào, công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên luôn giữ vị trí trọng tâm và mang ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Việc phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn là đầu tư chiến lược cho tương lai. Một đội ngũ giảng viên chất lượng về chuyên môn, thành thạo về kỹ năng, tinh thông về đạo đức sẽ đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững cho cơ sở đào tạo trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt”, thầy Nhân đánh giá.

văn hoá.jpg
Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tích cực khuyến khích, hỗ trợ giảng viên nâng cao trình độ. Ảnh: website nhà trường

Theo thông tin từ Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay nhà trường đang có 25/78 giảng viên có trình độ tiến sĩ, chiếm 32% trong tổng số giảng viên cơ hữu của nhà trường.

Để đạt được con số 40% tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ như chiến lược đã nêu, Đảng uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường đã ban hành chủ trương khuyến khích viên chức còn trong độ tuổi công tác tham gia học tập nâng cao trình độ. Theo đó, nhà trường hỗ trợ toàn bộ chi phí học ngoại ngữ và học phí nghiên cứu sinh. Đặc biệt, sau khi được cấp bằng tiến sĩ, nhà trường sẽ tặng thưởng tương đương 15 lần mức lương tối thiểu.

Đối với giảng viên có học vị tiến sĩ, nhà trường có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các bài báo khoa học quốc tế với mức thưởng từ 20 đến 50 triệu đồng/bài. Nếu viên chức đăng ký xét duyệt chức danh phó giáo sư hoặc giáo sư, trường chi trả toàn bộ chi phí liên quan và thưởng từ 20 đến 30 lần mức lương tối thiểu khi đạt chuẩn học hàm.

Bên cạnh đó, hiện nhà trường đang áp dụng chế độ phụ cấp thêm hàng tháng cho đội ngũ giảng viên có học vị và học hàm. Cụ thể, ngoài thu nhập tăng thêm thấp nhất 10 triệu đồng/tháng, giảng viên có trình độ tiến sĩ được nhận thêm 1 triệu đồng/tháng, phó giáo sư được nhận thêm 1,5 triệu đồng/tháng, và giáo sư được nhận 2 triệu đồng/tháng.

“Hiện tại, nhà trường đang có 16 nghiên cứu sinh đang theo học. Với lộ trình và chính sách đồng bộ như trên, đến năm 2030, dự báo nhà trường sẽ đạt trên 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Điều này đảm bảo mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục mà Nhà trường đặt ra”, thầy Nhân chia sẻ.

Là cơ sở giáo dục đại học đặt tại tỉnh Phú Thọ, so với những trường đại học tại các trung tâm, thành phố lớn, Trường Đại học Hùng Vương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc phát triển, cạnh tranh với các trường đã có vị thế lâu năm.

Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng là Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, nhìn chung, các cơ sở giáo dục đại học đặt tại địa phương đều gặp khó trong công tác thu hút, tuyển dụng cũng như phát triển đội ngũ giảng viên trong trường.

Tuy nhiên, đối với Trường Đại học Hùng Vương, trong 4 - 5 năm trở lại đây, nhà trường được tỉnh Phú Thọ hỗ trợ tài chính để tập trung, bồi dưỡng, nâng cao trình độ giảng viên. Nhờ vậy, nhà trường đã phần nào “gỡ” được những điểm khó và có điều kiện thuận lợi để tập trung bồi dưỡng, xây dựng nguồn lực phát triển thương hiệu, uy tín của trường.

Theo thông tin thầy Thanh chia sẻ, hàng năm tỉnh Phú Thọ hỗ trợ Trường Đại học Hùng Vương hơn 1 tỷ đồng để nhà trường triển khai Đề án đào tạo giảng viên trình độ cao.

Ghi nhận từ thực tế, thầy Thanh cho biết có rất nhiều lý do khiến đội ngũ giảng viên không mặn mà với việc nâng cao trình độ như các quy định về đào tạo tiến sĩ ngày càng chặt, việc tham gia nghiên cứu sinh sẽ mất nhiều thời gian, chi phí…

Do đó, với nguồn hỗ trợ từ tỉnh Phú Thọ, nhà trường đã hỗ trợ và giải quyết được một số rào cản để khuyến khích giảng viên tham gia nâng cao trình độ như có thêm ngân sách để chi trả toàn bộ học phí, sinh hoạt phí đối với giảng viên tham gia nghiên cứu sinh.

Chưa kể, sau khi giảng viên tham gia nghiên cứu sinh và quay lại trường đảm nhận công tác đào tạo sẽ tiếp tục được nhận hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, nhà trường đang có hơn 30% tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Với những chính sách đãi ngộ cụ thể đó, nhà trường đã huy động được khoảng 40 giảng viên tham gia nghiên cứu sinh. Do đó, mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ đối với Trường Đại học Hùng Vương không phải là con số quá thách thức.

20012024-hoi-nghi-nghien-cuu-sinh-6.jpg
Trường Đại học Hùng Vương chúc mừng nhiều thầy cô đã hoàn thành khóa nghiên cứu sinh.
Ảnh: website nhà trường

Chia sẻ về công tác động viên, khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh cho biết nhà trường đã xây dựng chiến lược lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý và đãi ngộ xứng đáng với đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Bên cạnh đó điều chỉnh chính sách lương, phụ cấp ưu đãi, cơ chế đãi ngộ phù hợp, tạo động lực và điều kiện cho đội ngũ giảng viên phát triển.

Theo đó, nhà trường đã đưa ra một lộ trình cụ thể, mang tính bắt buộc và áp dụng với từng Khoa, quy hoạch đến từng người để tất cả giảng viên đều có nhận thức và tự giác xác định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn là yêu cầu tất yếu.

Trong quá trình giảng viên tham gia nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ, nếu gặp khó khăn, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện để đội ngũ này ngày càng phát triển ổn định, duy trì được tính liên tục, tính kế thừa và khắc phục được những hạn chế còn tồn tại.

“Trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Hùng Vương, nhà trường xác định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên là yêu cầu cấp bách, quyết định đến chất lượng đào tạo cũng như uy tín và sự tín nhiệm của xã hội.

Với những kết quả tích cực nhà trường đã đạt được trong thời gian qua, thời gian tới đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Hùng Vương sẽ tiếp tục phát triển cả về chất và lượng. Qua đó nhà trường thêm kỳ vọng sẽ có điều kiện để khẳng định vị thế cũng như xây dựng uy tín của đơn vị trong hệ thống giáo dục đại học trong và ngoài nước”, thầy Thanh chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-dua-dat-chuan-tien-si-20241220223321014.htm

ĐÀO HIỀN