Tại tọa đàm “Nâng cao chuẩn đại học với Thông tư 01 - Gỡ khó hay gặp khó” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và Tập đoàn EQuest tổ chức ngày 10/12/2024, các chuyên gia, lãnh đạo và đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều chia sẻ, trao đổi nhằm tháo gỡ những khó khăn của các trường đại học trong thực hiện Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Cụ thể là về thực hiện quy định tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, diện tích đất trên người học (25m2/sinh viên) và “ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt”…
Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ giáo dục và Đào tạo), Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự khẳng định, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, cùng với các chuẩn chất lượng khác đều có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra định hướng cho việc quy hoạch (đất giáo dục, hệ thống giáo dục đại học,…) để các trường xây dựng kế hoạch đạt chuẩn/nâng cao chất lượng; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, giám sát,… đối với các cơ sở giáo dục đại học.
“Qua thời gian áp dụng và chuẩn bị để đạt chuẩn Thông tư số 01, có thể thấy rằng, các cơ sở giáo dục đại học tọa lạc ở các thành phố lớn đang gặp vướng mắc về diện tích đất và không gian làm việc; còn các cơ sở giáo dục đại học đặt ở địa phương thì gặp khó khăn để đạt tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ,... Chính vì thế, những vấn đề được bàn đến trong tọa đàm có ý nghĩa rất thiết thực”, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng đánh giá.
Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ nên quy định trong phạm vi ngành
Tiêu chí 2.3, Thông tư số 01 quy định: "Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ.
Và tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ".
Cô Phụng bày tỏ, quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ là nhân tố cần thiết trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, tạo ra định hướng cho các trường trong tuyển dụng, bồi dưỡng, quy hoạch, phát triển đội ngũ giảng viên.
Đồng thời, quy định này cũng thúc đẩy các trường xây dựng chính sách ưu tiên, thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ về trường đại học để làm việc. Do đó, nếu không có những quy định định hướng đi trước như Thông tư số 01 thì rất khó tạo ra động lực để toàn hệ thống giáo dục đại học nâng chuẩn chất lượng giảng viên.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho hay, quy định tiêu chí 2.3 có tính khả thi. Bởi, năm 2014, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam chỉ đạt 14,8% giảng viên có trình độ tiến sĩ/tổng số giảng viên. Sau 05 năm, đến 2019, con số này đã tăng gấp đôi, đạt 28,78% (do kết quả của các đề án 322, 911 đã phát huy tác dụng và chính sách thu hút giảng viên của các trường để mở ngành mới, xác định chỉ tiêu tuyển sinh…). Đến 2023 cả hệ thống giáo dục đại học đạt 32,4% tiến sĩ/tổng số giảng viên.
Vì vậy, quy định Tiêu chí 2.3, Thông tư số 01 là phù hợp và khả thi đối với tất cả các trường trong hệ thống.
“So với các nước phát triển trong khu vực, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Do đó, sau khi đạt chuẩn Thông tư số 01, cũng cần nâng chuẩn về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ để hệ thống giáo dục đại học chất lượng hơn, giúp cho việc công nhận bằng cấp, trao đổi sinh viên, thuận lợi cho người học lên trình độ cao hơn ở các nước phát triển”, cô Phụng chia sẻ.
Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ/tổng giảng viên toàn thời gian trong các trường đào tạo trình độ tiến sĩ có thể quy định tính trong phạm vi ngành thì sẽ đảm bảo công bằng và khả thi hơn. Điều này không phải để trường nào, ngành nào cũng đào tạo lên trình độ tiến sĩ mà chính sách cần xây dựng sao cho việc đào tạo trình độ tiến sĩ chỉ nên tập trung ở những trường theo định hướng nghiên cứu, được đầu tư tốt về điều kiện nghiên cứu, tạp chí khoa học, giảng viên có nhiều công bố kết quả nghiên cứu,...
Đưa ra dẫn chứng cho nội dung này, cô Phụng chia sẻ: “Ở các nước phát triển, tỷ lệ trường đầu tư theo định hướng nghiên cứu không nhiều và không cần nhiều, trong quan sát của tôi thì chỉ chiếm khoảng dưới 20% tổng số cơ sở giáo dục đại học”.
Trước một số ý kiến chia sẻ của lãnh đạo trường đại học nêu ra trong tọa đàm, về bổ nhiệm cán bộ quản lý, cô Phụng cho rằng, hiện nay, luật chỉ quy định tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng; còn các chức danh khác do trường quy định trong quy chế tổ chức hoạt động của trường, để mỗi trường tự xác định vị trí, xây dựng thương hiệu cho trường. Tuy nhiên, liên quan đến giảng viên chủ trì mở ngành thì phải có giảng viên trình độ tiến sĩ, giảng viên chức danh phó giáo sư, giáo sư.
Đối với trường đại học tư thục, Thông tư số 01 quy định tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trên giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 70%. Điều này là cần thiết để các trường phải có quy hoạch đội ngũ giảng viên về độ tuổi để đảm bảo sự kế thừa và phát triển bền vững.
Về biên chế của các trường đại học công lập, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định hiện hành về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương (bao gồm cả lương và phụ cấp) từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp”, cô Phụng cho đây là quy định khá mở đối với các trường trong tổ chức bộ máy và nhân sự.
Tuy nhiên, Khoản 4, Điều 6, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, quy định: "Hội đồng trường của trường đại học công lập ban hành danh mục vị trí việc làm của đơn vị theo quy định của Luật Giáo dục đại học và Nghị định này".
Theo cô Phụng, những quy định này không phân biệt mức độ tự chủ tài chính của các trường công nên các trường có thể tự chủ tuyển lao động chuyên môn theo các quy định trên. Cô Phụng mong muốn, các trường nên được tự chủ hơn, thoát khỏi biên chế khi không còn được nhà nước cấp ngân sách chi thường xuyên và kể cả được cấp ngân sách chi thường xuyên thì các trường vẫn nên được trả lương cho giảng viên bằng những nguồn khác của trường.
Áp dụng Chuẩn quá cứng nhắc sẽ sinh ra đối phó, lãng phí không cần thiết
Tiêu chí 3.1, Thông tư số 01 nêu: “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2”. Theo cô Phụng, các trường cũng cần lưu ý đến quy định, đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc trung ương thì được nhân hệ số vị trí khuôn viên là 2,5.
Đến năm 2030, các trường phải đạt yêu cầu về diện tích đất. Nghĩa là các trường có 6 năm để chuẩn bị. Và hiện nay chưa có bất cứ chế tài hay hạn chế nào về đầu tư, xác định chỉ tiêu tuyển sinh,... đối với các trường chưa đạt chuẩn về diện tích đất. Vì vậy, cô Phụng cho rằng, quy định diện tích đất là định hướng để yêu cầu các địa phương muốn đầu tư phát triển giáo dục thì trước hết, cần quy hoạch đất cho giáo dục; các nhà đầu tư muốn đầu tư mở trường đại học cũng cần tính đến tiêu chuẩn này; ngoài ra, các trường chưa đạt chuẩn cũng cần phấn đấu theo lộ trình để đạt chuẩn.
“Hiện nay, có nhiều trường đã cố gắng mở các phân hiệu ở tỉnh lân cận để đạt chuẩn về diện tích đất. Đây là tín hiệu tốt cho việc áp dụng các chuẩn chất lượng vào thực tế. Về việc này, tôi không muốn nói đến sự lãng phí vì phần lớn phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư, sử dụng của trường sở hữu phân hiệu.
Thực tế, có những trường đã thành công khi đầu tư theo lộ trình. Ban đầu, các trường chỉ sử dụng cho việc đào tạo quốc phòng, an ninh (nếu đủ điều kiện), xây dựng nhà xưởng thực hành, thực nghiệm; chuyển sinh viên năm cuối về làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp… và dần đưa sinh viên về học với thời gian dài hơn, phụ thuộc vào mức độ đầu tư và mức độ đô thị hóa ở các vùng ven…
Các văn bản pháp luật cũng chấp nhận việc trường có thể thuê đất dài hạn để hoạt động giáo dục và thực tế cũng chấp nhận trường có thể thuê địa điểm/cơ sở vật chất dài hạn để việc đào tạo đạt chuẩn…”, cô Phụng bày tỏ.
Với quy định diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2, cô Phụng cho rằng, khi đưa ra chuẩn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu kỹ và phải dựa trên chuẩn quốc gia, đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác,... nhưng thực tế vẫn cần có thêm những nghiên cứu, đánh giá về sự cần thiết và tính khả thi của con số 25m2/sinh viên.
Bởi, chuẩn này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục hay không thì dường như chưa rõ. Thực tế hiện nay, những trường chưa đạt chuẩn về diện tích đất hầu như lại là những trường có bề dày truyền thống, đang tọa lạc ở đô thị lớn và chất lượng đào tạo thuộc top đầu. Tất nhiên, nếu các trường có khuôn viên rộng lớn hơn thì chất lượng giáo dục có thể sẽ tốt hơn nhưng những trường có khuôn viên rộng, đã đạt chuẩn này thì không tất nhiên tốt hơn các trường có diện tích chật hẹp.
“Trong điều kiện hiện nay, tính đến năm 2030, chưa chắc tất cả các trường đã đạt chuẩn về diện tích đất (vì không đủ năng lực, thời gian để xin và được cấp đất, xin phép được thành lập phân hiệu và xây dựng được phân hiệu đưa vào hoạt động; hoặc có quan điểm coi là không thực sự cần thiết đối với trường đào tạo các ngành khoa học xã hội, kinh tế…); Nghị định số 125/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đã không còn quy định chuẩn về diện tích đất như một điều kiện tại thời điểm thành lập trường đại học như ở các văn bản trước.
Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thể tiếp tục nghiên cứu để xem xét các điều kiện thay thế chuẩn diện tích đất 25m2/sinh viên bằng các thủ tục/tiêu chuẩn bắt buộc khác như về công nghệ và điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo như: diện tích sàn xây dựng, thư viện số, các phòng lab tiêu chuẩn và phòng thí nghiệm ảo; điều kiện tiêu chuẩn về học liệu và hạ tầng thông tin để tăng tỷ lệ đào tạo trực tuyến đến mức tối đa; các điều kiện tiêu chuẩn để sinh viên có không gian vui chơi, hoạt động thể chất và trách nhiệm giải trình của các trường”, cô Phụng chia sẻ.
Thông tư số 01 cũng quy định ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.
Về nội dung này, cô Phụng đánh giá, quy định trên là cần thiết vì hầu hết giảng viên cần nơi làm việc tại trường để có điều kiện nghiên cứu trong môi trường học thuật, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp, đảm bảo thời gian, hiệu quả công việc, gắn bó với trường hơn.
Tuy nhiên, nơi làm việc của giảng viên không cần quá chú trọng đến sự riêng biệt.
Tất cả diện tích dành cho công việc của giảng viên như: phòng bộ môn, văn phòng khoa, thư viện của giảng viên (nếu có riêng), phòng thí nghiệm, phòng Lab, phòng nghỉ của giảng viên trên khu giảng đường,… và các không gian khác dành cho công việc của đối tượng giảng viên (không tính trùng với những không gian đã được tính dành cho người học, khối chuyên viên) thì đều được tính là diện tích làm việc của giảng viên. Tổng số diện tích này được chia cho 70% giảng viên toàn thời gian, nếu đạt 6m2 thì nên coi là đạt chuẩn.
Liên hệ thực tế với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, cô Phụng cho rằng: “Các kiểm định viên khi áp dụng tiêu chuẩn trên trong kiểm định chất lượng giáo dục cũng nên tính toán linh hoạt theo “nguyên tắc” đảm bảo chất lượng; để cả hệ thống cùng hướng tới các điều kiện thực sự có tác động tới việc bảo đảm và nâng cao chất lượng thực tế.
Nếu việc áp dụng quy định Thông tư số 01 quá cứng nhắc sẽ sinh ra đối phó và có thể trong những hoàn cảnh nhất định sẽ thành lãng phí không cần thiết”.