Quy định mới về thanh tra chuyên ngành, thanh tra nội bộ trong lĩnh vực giáo dục

15/01/2025 08:45
Minh Chi

GDVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục, thanh tra nội bộ trong cơ sở GD.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2025.

Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục

Theo đó, nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo; Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo; trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành; các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức và cá nhân có liên quan.

DSC_9758.JPG
Ảnh minh hoạ: MC

Trong đó, nội dung thanh tra chuyên ngành đối với Sở Giáo dục và Đào tạo gồm: Thanh tra việc tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân các quyết định, kế hoạch, chương trình, dự án, chính sách phát triển giáo dục, phân luồng, hướng nghiệp học sinh tại địa phương phù hợp với chiến lược phát triển ngành giáo dục và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quyết định mức thu học phí hằng năm đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh theo quy định của pháp luật; quyết định biên chế công chức của cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thanh tra việc trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành: Văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về giáo dục; phương án tích hợp nội dung về mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo vào quy hoạch của tỉnh theo Luật Quy hoạch và các quy định có liên quan; kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn; kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được phân công trên phạm vi địa bàn tỉnh; văn bản chấp thuận về việc thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục theo phân cấp trên địa bàn…

Cũng theo Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT, nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm gồm: Việc ban hành văn bản quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác thanh tra nội bộ và việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Thanh tra việc thực hiện quy định về chuẩn cơ sở đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo; quy chế tuyển sinh; quy chế đào tạo; liên kết đào tạo; quy định về mở ngành đào tạo; biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình; việc in, quản lý văn bằng, chứng chỉ; quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học…

Về việc thanh tra quản lý dạy thêm, học thêm đối với giáo dục phổ thông, Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT nêu rõ, nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên gồm: Việc thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em; thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học, quản lý cấp phát văn bằng.

Bên cạnh đó, thanh tra công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.

Ngoài ra, Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT cũng quy định rõ nội dung thanh tra chuyên ngành về thi, tuyển sinh đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, nội dung thanh tra chuyên ngành về thi, gồm: Công tác tổ chức và quản lý kỳ thi; đăng ký dự thi và chuẩn bị tổ chức thi; công tác in sao, vận chuyển và bảo quản đề thi; bảo quản bài thi; công tác coi thi; công tác chấm thi; xét công nhận tốt nghiệp.

Nội dung thanh tra chuyên ngành về tuyển sinh, gồm: Chỉ tiêu tuyển sinh; việc xây dựng và công bố đề án tuyển sinh; các điều kiện bảo đảm cho công tác xét tuyển; việc thực hiện quy định về xét tuyển; thanh tra việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển…

Thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với trường mầm non, trường mẫu giáo; các cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục

Nội dung thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục gồm: Thực hiện chính sách và pháp luật về giáo dục; xây dựng, ban hành các văn bản quy định nội bộ của cơ sở giáo dục theo phân cấp và thẩm quyền.

Thanh tra việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế chuyên môn, quy chế thi, quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, quy định về in, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; tự chủ mở ngành đào tạo, ban hành chương trình đào tạo, thực hiện các quy định về giáo trình, bài giảng; việc quản lý tài chính, tài sản; hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; công tác tổ chức cán bộ; việc thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục; nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.

Nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành, thanh tra nội bộ là tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng thanh tra; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Toàn văn thông tư xem tại đây.

Minh Chi