Thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo là tín hiệu mừng cho trường nghề

05/12/2024 08:49
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo các chuyên gia, việc chưa sự thống nhất, đồng bộ quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo hiện đang gây ra nhiều khó khăn cho các trường nghề.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, để có sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học thì việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là một chủ trương đúng đắn và cần sớm thực hiện.

Chưa tạo được tính liên thông giữa các trình độ

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa (Khánh Hoà) chia sẻ, việc thống nhất quản lý nhà nước trong hệ thống giáo dục và đào tạo là một tín hiệu tích cực và cần thiết trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Từ đó, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.

Trước hết, việc thống nhất quản lý nhà nước sẽ giúp đồng bộ hóa chương trình giảng dạy, một hệ thống giáo dục liên thông sẽ giúp đảm bảo rằng các chương trình giảng dạy giữa các trình độ, từ mầm non đến đại học, có sự liên kết chặt chẽ, giúp người học có thể tiếp cận kiến thức một cách liền mạch.

Bên cạnh đó, việc có một cơ chế quản lý thống nhất sẽ giúp giảm thiểu sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định và chính sách giáo dục, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Đồng thời, khi hệ thống giáo dục thống nhất và liên thông, người học sẽ có cơ hội phát triển toàn diện hơn, từ đó tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Mô hình quản lý thống nhất sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học trong việc chuyển tiếp giữa các trình độ, cũng như trong việc lựa chọn nghề nghiệp và định hướng tương lai.

Thầy Nhân chỉ ra rằng, hiện nay, việc chưa thống nhất về mặt quản lý nhà nước trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam đã gây ra một số khó khăn.

Thứ nhất, thiếu sự liên thông và đồng bộ giữa các trình độ và các hình thức đào tạo, dẫn đến việc học sinh, sinh viên gặp khó khăn trong việc chuyển tiếp từ trung cấp, cao đẳng lên đại học do các quy chế và chương trình đào tạo không thống nhất.

Thứ hai, không cùng một cơ quan quản lý nhà nước, dẫn tới việc xây dựng chương trình đào tạo không đồng bộ, các chương trình có thể không tương thích với nhau, gây ra chất lượng đào tạo không đồng đều có thể dẫn đến sự phân hóa trong chất lượng đào tạo giữa các trường học.

Cũng theo thầy Nhân, hiện nay, trường cao đẳng, trung cấp nghề không thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên không xuất hiện thông tin trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gây ra một số khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Cao đẳng Y - Dược Lê Hữu Trác
Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Cao đẳng Y - Dược Lê Hữu Trác

Cùng bàn về vấn đề này, theo lãnh đạo của một trường cao đẳng, việc thống nhất quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo sẽ bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học.

Đồng tình với quan điểm khi thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội quản lý khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có thông tin tuyển sinh, mã trường trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cho công tác tuyển sinh của trường nghề có phần bị hạn chế.

"Nhiều em khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển chỉ tìm kiếm thông tin trường trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng ở đó lại “vắng bóng” mã trường cao đẳng, trung cấp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nên học sinh ít tiếp cận được thông tin về trường cao đẳng, trung cấp.

Vì vậy, nhà trường phải có chính sách hỗ trợ học tập, hỗ trợ đầu ra việc làm, thực hiện tốt chiến dịch truyền thông thì may ra mới thu hút được thí sinh vào trường", vị lãnh đạo chia sẻ.

Còn theo chuyên gia giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đối với tất cả các cấp học, trình độ đào tạo ở nước ta là một vấn đề cấp thiết.

Theo thầy Tống, từ khi các trường nghề chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hệ thống giáo dục nghề nghiệp không chủ động được đầu vào.

Đồng thời, người tốt nghiệp trình độ cao đẳng muốn liên thông lên trình độ đại học cũng gặp muôn vàn khó khăn.

Việc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý còn giáo dục nghề nghiệp lại do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý đã gây ra nhiều bất cập, dẫn tới việc chương trình xây dựng khác nhau, người học khó khăn khi muốn liên thông, học lên cao hơn do phải đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của trường đại học, trong khi mỗi trường đại học lại có điều kiện tuyển sinh đào tạo liên thông khác nhau.

Cần sớm thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo

Cùng bàn về nội dung trên, theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc giao quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cho 2 bộ(Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khiến cho việc liên thông giữa các trình độ đào tạo thiếu tính gắn kết, nhất quán. Bởi 2 cơ quan có những quy định riêng của mình về cách vận hành, chương trình giáo dục, quản lý đào tạo khác nhau.

Vì vậy, việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học là một tín hiệu đáng mừng và hợp lý.

Điều này sẽ giảm bớt những vướng mắc trong việc chia tách, đồng thời tạo sự gắn kết, liên kết chặt chẽ giữa các bậc học cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn nếu có sự thống nhất về một đầu mối quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hơn nữa, cách làm này cũng phù hợp với cuộc cách mạng về đổi mới, tinh gọn bộ máy theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ảnh minh họa: Nguồn Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng
Ảnh minh họa: Nguồn Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng

Còn theo thầy Nhân, việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo sẽ giúp tạo ra một hệ thống giáo dục đồng bộ hơn, từ giáo dục mầm non đến đại học.

Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo rằng các chính sách và chương trình đào tạo được thống nhất, cân bằng được việc tuyển sinh giữa đại học và cao đẳng, phân luồng học sinh cũng sẽ thuận lợi, thực chất hơn. Việc liên thông giữa các bậc học cũng sẽ thuận lợi hơn nếu như có sự thống nhất về một đầu mối quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời, nếu được về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý có thể sẽ có những quy định và tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề.

Đồng tình với những quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần sớm đưa việc quản lý trường cao đẳng, trung cấp về lại Bộ Giáo dục và Đào tạo để tập trung nguồn lực lại, khai thác hiệu quả hơn cả cơ sở vật chất cùng lực lượng quản lý và giảng dạy. Giảm bớt các quy trình, thủ tục rườm rà.

Việc hình thành hệ thống thống nhất cả về quản lý và chương trình đào tạo không chỉ giúp hạn chế đầu mối quản lý mà còn giúp việc hướng nghiệp, đào tạo, phân luồng hiệu quả hơn.

Thu Trang