Trường đại học địa phương tinh gọn bộ máy, đề xuất chuyển về Bộ GDĐT quản lý

02/02/2025 08:06
Phương Thảo

GDVN - Năm mới, trường ĐH địa phương đặt ra nhiều mục tiêu phát triển về quản lý hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo gắn với phát triển kinh tế, xã hội tại chỗ.

Trường đại học địa phương có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập và phát huy nguồn nhân lực tại chỗ. Bên cạnh đó, việc học tập tại các trường đại học địa phương tạo điều kiện cho con em ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn có thêm cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học.

Trong năm 2025, lãnh đạo các trường đại học địa phương đặt ra nhiều mục tiêu phát triển quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dịp đầu năm mới, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào chia sẻ, trong năm 2024, nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

“Điểm nhấn lớn nhất năm 2024 của nhà trường chính là việc tái cơ cấu tổ chức. Trước đây, Trường Đại học Tân Trào có 23 đơn vị trực thuộc, nhưng đến tháng 4/2024, nhà trường đã giảm xuống chỉ còn 16 đơn vị, tương đương giảm 7 đầu mối. Quy trình này bắt đầu từ tháng 7/2023 với việc xây dựng đề án chi tiết và chính thức thực hiện trong năm 2024, đi trước xu hướng tinh gọn đầu mối mà cả nước đang triển khai.

Cùng với đó, trong năm 2024, Trường Đại học Tân Trào đã thành công trong việc hoàn thành kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ hai, khẳng định cam kết của nhà trường trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Điều này không chỉ củng cố vị thế của trường mà còn tạo niềm tin lớn hơn đối với sinh viên và phụ huynh.

Ngoài ra, năm 2024 cũng chứng kiến sự phát triển đội ngũ chuyên môn với một giảng viên của trường đạt tiêu chuẩn phó giáo sư, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của trường”, thầy Tuấn cho biết.

z6047436794150_4fc41c85830c9f03c6676ad83e4bc8f4.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào. (Ảnh: website nhà trường)

Từ những thành công và kinh nghiệm trong năm 2024, Trường Đại học Tân Trào đặt ra các mục tiêu chiến lược quan trọng trong năm 2025.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn thông tin: “Để nâng cao năng lực của Trường Đại học Tân Trào và tăng cường khả năng cạnh tranh trong công tác tuyển sinh, nhà trường có kế hoạch triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trong đó trọng tâm là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, đặc biệt là giảng viên.

Cụ thể, nhà trường chú trọng xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn. Các giảng viên được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các chương trình đào tạo nghiên cứu sinh. Đối với những giảng viên đã đạt học vị tiến sĩ, nhà trường định hướng, khuyến khích thầy cô tiếp tục phấn đấu để đạt các học hàm cao hơn như phó giáo sư, thông qua việc tạo dựng các điều kiện thuận lợi và môi trường học thuật tích cực.

Chính sách của trường mang tính cởi mở, linh hoạt và hỗ trợ tối đa cho cán bộ, giảng viên trong việc thực hiện các mục tiêu này. Đáng chú ý, chỉ trong những ngày đầu năm 2025, đã có hơn 10 giảng viên hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ. Đây là minh chứng cho thấy chính sách đang phát huy hiệu quả tích cực.

Với những tín hiệu lạc quan này, hy vọng rằng năm 2025 sẽ đánh dấu bước tiến mới, đem lại nhiều kết quả nổi bật từ các chính sách đổi mới mà Trường Đại học Tân Trào đã và đang triển khai”.

Nhìn lại hoạt động giáo dục của nhà trường trong năm 2024, Tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai đánh giá, Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã trở thành kim chỉ nam quan trọng, giúp nhà trường định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn mô hình quản lý tài chính phù hợp với tình hình thực tế.

Nghị định này không chỉ tạo cơ chế tự chủ mạnh mẽ hơn mà còn thúc đẩy nhà trường đổi mới trong cách vận hành, quản trị và sắp xếp nguồn lực một cách hiệu quả hơn.

gdvn-ts-le-anh-duc-6016.png
Tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Trước bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, Trường Đại học Đồng Nai cũng đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng nhằm khẳng định vị thế của trường đại học địa phương trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Đức, những mục tiêu này không chỉ phản ánh định hướng phát triển chiến lược của nhà trường mà còn thể hiện sự cam kết đồng hành với các xu thế giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội hiện đại.

“Thứ nhất, nhà trường sẽ thực hiện tái cấu trúc tổ chức và biên chế theo định hướng chung của Trung ương và tỉnh Đồng Nai, nhằm đảm bảo sự tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế. Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn tạo điều kiện để nhà trường tập trung vào các hoạt động cốt lõi như đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhà trường điều chỉnh các đơn vị, phòng, ban nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của người học và xã hội.

Thứ hai, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ viên chức, giảng viên giúp họ bắt kịp với các chuẩn mực và yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Nhà trường sẽ đẩy mạnh việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là các chương trình hợp tác với doanh nghiệp để giảng viên có thể tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật và kỹ năng thực tiễn đang được áp dụng. Điều này không chỉ đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động mà còn giúp nâng cao uy tín và giá trị của nhà trường trong mắt các đối tác.

Thứ ba, nhà trường đang hướng tới việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, trong đó đặc biệt chú trọng đến trí tuệ nhân tạo (AI) để cải tiến quy trình đánh giá chất lượng đào tạo.

Việc ứng dụng AI sẽ giúp nhà trường xây dựng các hệ thống đánh giá khách quan, minh bạch và chính xác hơn, từ đó cung cấp thông tin phản hồi kịp thời để cải thiện chương trình giảng dạy và nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên. Đồng thời, AI cũng sẽ hỗ trợ trong việc phân tích dữ liệu về kết quả học tập, xu hướng nghề nghiệp của sinh viên, giúp nhà trường đưa ra các chính sách và chiến lược phù hợp để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Với sự nỗ lực không ngừng và đoàn kết của tập thể cán bộ, viên chức, giảng viên, Trường Đại học Đồng Nai kỳ vọng sẽ gặt hái được những thành tựu nổi bật, tạo nền tảng vững chắc cho các bước phát triển đột phá trong tương lai”, Tiến sĩ Lê Anh Đức chia sẻ.

NQT_2911.jpg
Trường Đại học Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học: “Ứng dụng AI trong giảng dạy và đo lường chuẩn đầu ra”. (Ảnh: website nhà trường)

Sáp nhập trường đại học địa phương vào đại học vùng, đại học quốc gia cần cân nhắc kỹ lưỡng

Trong kỷ nguyên mới, lãnh đạo trường đại học địa phương nêu ra những quan điểm về xu thế sáp nhập trường đại học địa phương vào các đại học vùng, đại học quốc gia.

Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai đánh giá: “Đây là một yêu cầu khách quan, phản ánh xu thế tất yếu trong quá trình tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động. Xu thế này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học mà còn định hình lại hệ thống giáo dục quốc gia, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, đồng bộ và hội nhập quốc tế.

Việc sáp nhập cho phép các trường địa phương tiếp cận và tận dụng nguồn lực dồi dào từ các đại học vùng hoặc đại học quốc gia, được học hỏi và phát triển bản thân theo các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, khi làm việc trong hệ thống của các trường lớn sẽ giúp mỗi giảng viên mở rộng mạng lưới hợp tác, từ đó nâng cao giá trị cá nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Anh Đức cho rằng, quá trình sáp nhập cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với đội ngũ giảng viên của các trường đại học địa phương vì có thể đối mặt với áp lực lớn. Thậm chí, trong trường hợp không thể thích nghi, nguy cơ tự đào thải là hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, đòi hỏi mỗi giảng viên cần không ngừng nỗ lực thay đổi tư duy, cải thiện kỹ năng và làm mới bản thân để phù hợp với yêu cầu mới, khẳng định vị trí của mình trong một môi trường giáo dục ngày càng cạnh tranh và khắt khe hơn.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn nêu quan điểm, việc sáp nhập các trường đại học địa phương vào các đại học vùng hoặc đại học quốc gia là một hướng đi cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi thực tế triển khai cho thấy không hề đơn giản, có nhiều vấn đề cần xem xét cẩn trọng.

Ví như, có những đại học vùng trước đây mở rộng hoạt động thông qua việc sáp nhập các trường cao đẳng hoặc mở phân hiệu tại các địa phương, nhưng các phân hiệu này lại chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Điều này cho thấy, việc mở rộng hoặc sáp nhập nếu không đi kèm với cải cách cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng quản lý thì sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Để sáp nhập thành công, bản thân các đại học vùng cũng cần phải thực hiện cải cách mạnh mẽ. Chỉ khi các đại học vùng với vai trò là “đại học mẹ” có cơ cấu tổ chức tinh gọn, hiệu quả và hoạt động theo các tiêu chuẩn cao thì việc tiếp nhận các trường đại học địa phương mới mang lại giá trị thực sự.

Việc sáp nhập không thể chỉ là một giải pháp hành chính, mà cần đi kèm với chiến lược phát triển bền vững, từ nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường năng lực đội ngũ, đến xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị sau sáp nhập.

z6067695075350_5c76c985511405b5490f6a56045ac6b0(1) (1).jpg
Trường Đại học Tân Trào đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục lần thứ 2. (Ảnh: website nhà trường)

Nên chuyển các trường đại học về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn, các trường đại học địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao dân trí, giải quyết công ăn việc làm và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và khu vực khó khăn. Tuy nhiên, để các trường này phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có những cơ chế đổi mới từ Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu với Chính phủ để xây dựng một hệ thống quản lý giáo dục đại học tập trung và thống nhất. Theo đó, các trường đại học công lập đa ngành dù ở địa phương hay thuộc các bộ ngành khác nên được chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Việc này đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời thúc đẩy xu thế tự chủ và cạnh tranh của hệ thống giáo dục đại học.

Song song với đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị thí nghiệm, thực hành theo một tiêu chuẩn nhất định cho các trường đại học địa phương, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện đại.

Nhà nước cũng cần ưu tiên đầu tư và hỗ trợ đặc biệt cho các trường đại học ở vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số như: Tăng cường kinh phí hoạt động, đặc biệt cho các ngành đào tạo gắn với phát triển địa phương; Hỗ trợ đào tạo đội ngũ giảng viên từ các chương trình học bổng Chính phủ; Xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu và điều kiện đặc thù của địa phương.

Và nên có chính sách khuyến khích sinh viên theo học các ngành ít hấp dẫn như nông, lâm, ngư nghiệp, bởi các ngành này ít sinh viên đăng ký theo học, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đặc biệt tại các khu vực nông thôn. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ việc làm sau khi tốt nghiệp, đảm bảo sinh viên an tâm học tập và phát triển nghề nghiệp.

2.jpg
Giảng viên và viên chức Trường Đại học Đồng Nai tham gia tập huấn kỹ năng nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường. (Ảnh: website nhà trường)

Về phía Trường Đại học Đồng Nai, Tiến sĩ Lê Anh Đức đề xuất Nhà nước cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét một số cơ chế hỗ trợ đặc thù và mang tính dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh các trường này đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu của địa phương.

“Theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy định về tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ được áp dụng đồng nhất cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, đối với các trường địa phương, nơi tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động trong khu vực cần có cơ chế phân tầng và ổn định tỷ lệ trình độ giảng viên phù hợp với từng nhóm ngành và loại hình đào tạo.

Việc này vừa đảm bảo chất lượng đào tạo vừa giảm áp lực không cần thiết đối với các trường đại học địa phương, tạo điều kiện để họ tập trung vào việc nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực trong dài hạn”, Tiến sĩ Lê Anh Đức kiến nghị.

Phương Thảo