Đại biểu Quốc hội, chuyên gia "hiến kế" để trường đại học địa phương phát triển

27/07/2024 06:22
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo chuyên gia, đại biểu quốc hội để các trường đại học địa phương tồn tại và phát triển bền vững cần nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới cách quản trị.

Hệ thống các trường đại học địa phương trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho các tỉnh/thành cũng như cả nước. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường đại học địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là trong bối cảnh tự chủ đại học. Nhiều trường đứng trước nguy cơ giải thể hoặc sáp nhập.

Nguyên nhân khiến các trường đại học địa phương rơi vào tình trạng tuyển sinh khó khăn

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân khiến các trường đại học địa phương tuyển sinh khó khăn. Trong đó, có nguyên nhân đến từ việc thành lập quá nhiều trường đại học. Thậm chí, đã từng có thời điểm người ta ví trường đại học mọc ra “như nấm sau mưa”.

Chính vì trong một thời gian ngắn xuất hiện quá nhiều trường đại học, dẫn đến tình trạng các trường phải cạnh tranh với nhau trong tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường đại học địa phương còn bị cạnh tranh bởi các trường đào tạo nghề.

dbqh-nguyen-thi-viet-nga.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: quochoi.vn)

Cũng theo bà Nga, hiện nay vẫn tồn tại một tâm lý của phụ huynh và học sinh rằng đã học đại học thì phải học các trường ở trung ương, thành phố lớn mới "danh giá". Thậm chí, khi không còn sự lựa chọn nào khác thì thí sinh mới chọn học ở địa phương.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, khó khăn tuyển sinh của các trường đại học địa phương xuất phát từ nhiều nguyên nhân, phải kể đến như:

Nhu cầu thay đổi: Nhu cầu thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, trong khi chương trình đào tạo và ngành học của nhiều trường đại học địa phương chưa đáp ứng kịp xu hướng mới.

Chất lượng đào tạo: Chất lượng đào tạo ở một số trường đại học địa phương chưa cao, dẫn đến thiếu sức hút đối với thí sinh.

Cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên: Nhiều trường đại học địa phương còn thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên chất lượng cao, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường.

Tự chủ đại học: Việc thực hiện tự chủ đại học khiến các trường đại học địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút thí sinh, đặc biệt là so với các trường đại học lớn và có thương hiệu.

Thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương: Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển các trường đại học địa phương, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư cho các trường.

Trường đại học địa phương cần thực hiện thêm sứ mệnh “khu vực”

Chia sẻ về mô hình trường đại học địa phương hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Kinh tế của nước ta, đặc biệt là kinh tế địa phương hiện nay chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì thế loại hình trường này không có nhu cầu quá lớn về nhân lực được đào tạo chuyên sâu. Nhiều trường đại học địa phương rơi vào tình trạng mở ra chương trình đào tạo nhưng chỉ tuyển sinh được một vài năm đầu. Những năm học sau càng ngày càng giảm sút, thậm chí không tuyển sinh được.

Các trường đại học địa phương muốn tồn tại và phát triển cần phải đổi mới theo phương án mở rộng nhiều hình thức hoạt động đào tạo khác nhau. Trong đó giải pháp quan trọng nhất là cần đổi mới chương trình đào tạo, hoạt động của nhà trường. Đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên.

“Năng lực chuyên môn và hoạt động sáng tạo của giảng viên đại học có tầm quan trọng hàng đầu hiện nay để thu hút người học một cách hiệu quả. Giảng viên là người tham gia vào quá trình giáo dục và là người bảo đảm cuối cùng cho chất lượng giáo dục. Giảng viên không chỉ có vai trò lãnh đạo trong việc tổ chức quá trình giáo dục những môn học được giao phụ trách mà còn đảm nhận vai trò tương tự như vai trò của người quản lý. Để làm được như vậy, một giảng viên đại học hiệu quả phải là một chuyên gia sư phạm và người hỗ trợ học tập, người đam mê giảng dạy, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực chuyên môn và sử dụng hiệu quả nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau để hỗ trợ việc học của sinh viên.

Thực tế, chất lượng giáo dục đại học phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của quá trình giảng dạy. Trong bối cảnh giáo dục đại học thay đổi nhanh chóng, giảng dạy không chỉ đơn thuần là đến lớp mà còn là tham gia vào quá trình thiết kế và phát triển chương trình, xác định mục đích giảng dạy, dạy cái gì, dạy như thế nào, đánh giá hiệu quả giảng dạy thông qua kết quả học tập của sinh viên ở từng môn học để có những điều chỉnh kịp thời”, thầy Vận nhấn mạnh.

GDVN_t Van.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Mộc Trà)

Cũng theo Giáo sư Đặng Ứng Vận, các trường đại học địa phương nên lưu ý thêm “sứ mệnh thứ ba” của trường đại học.

“Từ trước tới nay chúng ta chỉ bàn về sứ mệnh của trường đại học là đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội và nghiên cứu khoa học. Nhưng thực chất, trường đại học còn một sứ mệnh khác là sứ mệnh khu vực, trở thành trung tâm văn hóa khoa học của địa phương và khu vực lân cận.

Nếu trông chờ vào việc sáp nhập với các đại học vùng, đại học quốc gia cũng không thể giải được bài toán về nhân lực. Từ trước tới nay chúng ta vẫn luôn bàn về chuyện cung nhân lực mà không bàn về vấn đề cầu nhân lực có hay không. Nếu cầu nhân lực có thì các trường đào tạo có thể dễ dàng “tiêu thụ” được. Thế nhưng cầu nhân lực không phải luôn luôn có. Nếu nền kinh tế ở địa phương chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không thể đào tạo mỗi năm vài trăm sinh viên tốt nghiệp cho 1 tỉnh. Như vậy chỉ khoảng 5 năm sau là nhân lực sẽ bão hòa”, Giáo sư Đặng Ứng Vận nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, theo thầy Vận, các trường đại học địa phương cũng không nên phụ thuộc vào việc ở địa phương là chưa cần tự chủ mà phải có tinh thần “kinh doanh học thuật”.

“Điều này chính là quá trình tìm kiếm quyền và năng lực tự chủ tài chính thông qua những thu nhập ngoài nhà nước. Trường đại học địa phương phải thực sự phục vụ xã hội, đáp ứng các yêu cầu kinh tế - xã hội của địa phương. Cho dù đó là lực lượng lao động lành nghề, tư vấn chính sách hay nghiên cứu định hướng giải pháp hay giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương cũng cần đáp ứng”, Giáo sư Đặng Ứng Vận nhấn mạnh.

Muốn tồn tại, các trường đại học địa phương phải nâng cao chất lượng đào tạo

Trước thực trạng trường đại học địa phương tuyển sinh khó khăn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các trường đại học địa phương nếu muốn thu hút được sinh viên thì phải nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, ủy ban nhân dân tỉnh cần có sự quan tâm, đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên phải thực sự có kinh nghiệm, năng lực và uy tín trong đào tạo. Có như vậy thì mới nâng cao được chất lượng đào tạo.

Theo bà Nga, hiện nay, một số trường đại học địa phương có chất lượng đào tạo và uy tín tốt đã thực hiện được yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao tại chỗ cho địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường chất lượng đào tạo chưa tốt, rơi vào tình trạng “lay lắt” tồn tại, tuyển sinh được ít, kinh phí không đủ. Chính vì thế các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo hơn nữa.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường đại học địa phương gặp khó khăn khi đào tạo giáo viên theo Nghị định Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Bà Nga cho rằng cần sửa đổi Nghị định này để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

“Nghị định 116 có thể hiểu một cách đơn giản là các địa phương thiếu giáo viên phải đặt hàng đào tạo với các trường đại học theo hình thức đấu thầu. Sau đó, các trường đại học sẽ đào tạo sinh viên sư phạm cho các địa phương. Nếu làm được như vậy sẽ rất tốt vì địa phương sử dụng ngân sách để hỗ trợ sinh viên tiền học phí và sinh hoạt phí trong quá trình theo học. Đồng thời, sẽ thu hút được sinh viên giỏi vào các trường sư phạm.

Ngoài ra, khi địa phương đặt hàng có thể căn cứ vào khả năng thực tế của địa phương thiếu bao nhiêu giáo viên, thiếu giáo viên môn gì để đặt hàng đào tạo. Nhưng vướng mắc của các địa phương hiện nay nằm ở nhiều nguyên do:

Thứ nhất, quy định của Nghị định 116 là sinh viên được đào tạo từ nguồn kinh phí đặt hàng ra trường mà không phục vụ trong ngành giáo dục thì phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí. Nhưng hiện nay, sinh viên tốt nghiệp sư phạm không phải tự nhiên trở thành giáo viên mà phải qua một kỳ thi tuyển viên chức. Sẽ ra sao nếu họ thi không đỗ? Ví dụ tỉnh chỉ có 5 chỉ tiêu giáo viên nhưng có tới 100 người nộp hồ sơ thì đương nhiên chỉ có 5 người đỗ, 95 người còn lại sẽ trượt. Như vậy, đôi khi năng lực của sinh viên tốt nghiệp không phải kém nhưng chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có hạn...

Tuy nhiên, nếu không bắt bồi hoàn khi thi trượt sẽ có trường hợp có người lợi dụng cố tình thi trượt để không phải bồi hoàn kinh phí. Vấn đề này hiện nay chưa giải quyết được. Nếu muốn giải quyết được vấn đề này thì ngành giáo dục phải giải quyết được bài toán nhân lực đó là thi đỗ vào trường sư phạm coi như đã vào ngành giáo dục. Sau khi ra trường người học không cần thi tuyển mà được xếp việc luôn”, bà Nga kiến nghị.

Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng chỉ ra thực trạng, hiện nay nhiều địa phương còn e dè nếu bỏ kinh phí của tỉnh ra đào tạo sinh viên sư phạm nhưng ra trường sinh viên này vì nhiều lý do không phục vụ cho tỉnh mà lại đi làm việc ở các tỉnh khác. Lúc đó, cử nhân sư phạm vẫn phục vụ trong ngành giáo dục, không phải bồi hoàn kinh phí nhưng lại không phải phục vụ cho tỉnh. Trong khi đó họ lại được đào tạo bằng ngân sách của tỉnh.

“Ví dụ như Hải Dương rất gần Hưng Yên hay Hà Nội. Nếu người lao động thấy chính sách thu hút giáo viên ở các tỉnh lân cận tốt hơn sẽ sang các tỉnh lân cận để làm. Hoặc có thể một lý do rất đơn giản giáo viên nữ lập gia đình với người ở tỉnh khác rồi về sinh sống tại tỉnh khác. Khi ấy, họ vẫn phục vụ trong ngành giáo dục, không phải bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, kinh phí mà tỉnh bỏ ra đào tạo lại không thu được kết quả", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.

Chính vì thế, theo bà Nga, các trường đại học địa phương muốn tồn tại thì ngoài sự hỗ trợ của ủy ban nhân dân tỉnh cũng cần tìm hướng thay đổi bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo không phải được đánh giá từ các báo cáo của nhà trường mà được đánh giá bằng uy tín của trường đó trong đào tạo đối với việc cung cấp nhân lực cho xã hội. Điều này phụ thuộc vào chất lượng sinh viên ra trường có đáp ứng được công việc không, bao nhiêu % sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo và được đánh giá cao.

Cũng theo bà Nga, việc nâng cao chất lượng đào tạo cần chú trọng vào rất nhiều yếu tố như: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình, nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo… Bên cạnh đó, các trường cần cân đối về học phí để vừa phát triển được đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo vừa đảm bảo mức học phí hợp lý, đáp ứng được điều kiện của số đông.

Cùng bàn về vấn đề này, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, việc địa phương không giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên phổ thông cho trường đại học địa phương như tinh thần của Nghị định 116 vì những bất cập liên quan đến tuyển dụng giáo viên.

Một sinh viên được “đặt hàng” đào tạo theo quy định tại Nghị định 116, được miễn học phí và được cấp sinh hoạt phí hàng tháng, được lấy từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên, sau khi sinh viên này tốt nghiệp thì vẫn phải tham dự thi tuyển giáo viên như quy trình bình thường và không chắc sinh viên này có trúng tuyển hay không? Nếu không trúng tuyển thì xử lý kinh phí đã bỏ ra như thế nào? Hoặc cũng không thể chắc chắn rằng sau khi sinh viên ra trường (4 năm sau khi đặt hàng) thì số lượng vị trí việc làm có còn như lúc đầu hay không? Có còn vị trí để tuyển sinh viên đó hay không? Đó là những bất cập của Nghị định 116 khiến cho Nghị định này chưa thể được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua.

Để khắc phục những vấn đề trên, cần có sự chung tay góp sức của các bên liên quan, bao gồm:

Về phía Ủy ban nhân dân tỉnh cần có chính sách đầu tư phù hợp về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường đại học địa phương để đảm bảo điều kiện học tập và giảng dạy tốt nhất cho sinh viên.

Giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường đại học địa phương sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên phổ thông và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Cần có chính sách thu hút và giữ chân đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao cho các trường đại học địa phương.

Cần đảm bảo việc trả lương đầy đủ và đúng hạn cho cán bộ, giảng viên của các trường đại học địa phương cũng như có chính sách hỗ trợ học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi của các trường đại học địa phương.

Về phía các trường đại học địa phương cần nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc đổi mới chương trình đào tạo, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút sinh viên và tạo uy tín cho nhà trường.

Các trường cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để có thể cập nhật nhu cầu thị trường lao động và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời, bản thân các trường cần quản lý tài chính hiệu quả, minh bạch, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách hợp lý.

Sự phát triển của các trường đại học địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, cần có sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương để các trường đại học địa phương có thể phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo.

“Ngoài những giải pháp trên, tôi cũng cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban nhân dân tỉnh, trường đại học địa phương và các cơ quan liên quan để xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đại học địa phương một cách hiệu quả và bền vững”, bà Tú Anh nêu quan điểm.

29db0ba9ecb149ef10a0.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo bà Tú Anh, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản, các trường đại học địa phương cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tranh thủ nguồn lực địa phương, hướng tới phát triển bền vững. Một số giải pháp thiết thực bao gồm:

Nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo trong đó chú trọng cập nhật chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, chú trọng đến tính thực tiễn và kỹ năng mềm cho sinh viên.

Nâng cao chất lượng giảng dạy thể hiện trong việc áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tích hợp công nghệ giáo dục, khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng môi trường học tập thân thiện và khơi gợi hứng thú cho sinh viên.

Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và xin việc sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, hợp tác với doanh nghiệp trong các dự án nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Và cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu trường đại học bằng cách quảng bá hình ảnh, giới thiệu về chất lượng đào tạo, thành tích của nhà trường qua các kênh truyền thông hiệu quả.

Trường đại học địa phương cũng cần tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học, các hoạt động ngoại khóa thu hút sinh viên và cộng đồng. Và xây dựng đội ngũ cựu sinh viên để tạo dựng mạng lưới quan hệ, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm và thu hút nguồn tài trợ.

Rồi phát triển dịch vụ đào tạo ngắn hạn nhằm cung cấp các chương trình đào tạo ngắn hạn cho cán bộ, công nhân viên doanh nghiệp và các đối tượng khác, dịch vụ tư vấn để cung cấp dịch vụ tư vấn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, quản lý doanh nghiệp cho doanh nghiệp và các tổ chức, dịch vụ nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp dịch vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp và các tổ chức.

Thu hút nguồn lực tài chính bằng cách hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để triển khai các dự án giáo dục, nghiên cứu khoa học và phát triển cộng đồng. Đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm để đầu tư cho cơ sở vật chất, học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học.

Đặc biệt, trường đại học địa phương cần tăng cường hiệu quả quản lý tài chính, tự chủ trong việc sử dụng nguồn thu, tạo nguồn thu bền vững cho nhà trường.Việc tranh thủ nguồn lực địa phương là yếu tố quan trọng để các trường đại học địa phương phát triển bền vững.

Theo Đại biểu Tú Anh, bằng cách thực hiện các giải pháp nêu trên, các trường đại học địa phương có thể nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên, tăng cường hợp tác với cộng đồng và doanh nghiệp, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài ra, các trường đại học địa phương cũng cần thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động, đổi mới quản trị theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch để nâng cao uy tín và thu hút sự tin tưởng của cộng đồng.

Cần mạnh dạn giải thể những trường đại học địa phương hoạt động không hiệu quả

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định: “Cần có sự kiểm định và đánh giá chất lượng thực sự nghiêm túc với các trường đại học địa phương. Cần rà soát và đánh giá triển vọng phát triển của các trường đại học địa phương để có quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp”.

Cũng đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh cho rằng khó khăn tuyển sinh của các trường đại học địa phương là một vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Việc khắc phục những khó khăn này cần sự chung tay góp sức của các trường đại học, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan. Bằng cách đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, có chính sách hỗ trợ phù hợp, các trường đại học địa phương hoàn toàn có thể thu hút được thí sinh và góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và cả nước.

“Ngoài những giải pháp trên, tôi cũng cho rằng cần có sự đánh giá toàn diện về hiệu quả hoạt động của các trường đại học địa phương. Đặc biệt, việc phát triển hệ thống các trường đại học địa phương cần hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, bà Tú Anh nhấn mạnh.

Bà Tú Anh cũng đề xuất một số chính sách để quy hoạch mạng lưới các trường đại học hiệu quả, nhất là đối với mô hình trường đại học địa phương.

Thứ nhất, cần phân cấp hợp lý mạng lưới trường đại học:

Xác định rõ vai trò của từng loại trường: Phân biệt trường đại học nghiên cứu, trường đại học tổng hợp, trường đại học chuyên ngành, trường đại học địa phương… trên cơ sở năng lực và sứ mệnh cụ thể.

Tránh tập trung quá nhiều trường đại học ở một số địa phương: Phân bố hợp lý trường đại học trên cả nước, đảm bảo sự tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả mọi người.

Ưu tiên phát triển các trường đại học địa phương: Hỗ trợ các trường đại học địa phương phát triển về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên để đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học của địa phương.

Đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo: Thường xuyên đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo để đảm bảo hiệu quả và uy tín của nhà trường.

Thứ hai, đối với mô hình trường đại học địa phương cần: Ưu tiên đào tạo các ngành học thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương; Liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học lớn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên; Và cung cấp các dịch vụ đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Nhật Lệ