5 vấn đề cần quan tâm của giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh mới

25/02/2025 06:22
GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục

GDVN - Cơ sở giáo dục đại học - trung tâm đổi mới sáng tạo, người giảng viên - người trí thức, trong quá trình hoạt động của mình, cần nhận diện đúng 5 vấn đề cốt lõi.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91- KL/TW, ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; đặc biệt Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Như vậy, năm 2024 có 3 văn kiện rất quan trọng đã được ban hành liên quan trực tiếp đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - thúc đẩy mạnh mẽ 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được xác định từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trách nhiệm các cơ sở giáo dục đại học rất nặng nề, cần quyết liệt triển khai bằng các kế hoạch hành động ở từng đơn vị nhà trường, khoa bộ môn và từng giảng viên.

Cơ sở giáo dục đại học - trung tâm đổi mới sáng tạo, người giảng viên - người trí thức, trong quá trình hoạt động của mình, cần nhận diện đúng về 5 vấn đề cốt lõi sau đây:

Thứ nhất, triết lí giáo dục đại học

Hãy bắt đầu từ nghiên cứu trường đại học của Mỹ. Ông Ezra Cornell (Hiệu trưởng đầu tiên, 1865) của Đại học Cornell đã xác định đây là một đại học mà "bất kỳ ai cũng có thể học hỏi về bất kỳ nghiên cứu nào, là nơi mà có sinh viên xuất thân từ mọi thành phần xã hội, có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, người nước ngoài, người nhập cư hay người da màu”.

Việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu ở Cornell rất nghiêm ngặt, mọi khía cạnh đều hướng đến mục tiêu chuẩn bị cho bạn tri thức và kỹ năng để đóng góp cho thế giới. Người học sẽ tương tác chặt chẽ với các giảng viên đẳng cấp và cộng đồng sinh viên đa dạng, giúp bạn thúc đẩy bản thân và phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Cornell xếp thứ 14 (QS), thứ 19 (Times Higher Education), thứ 16 (các trường đại học tại Mỹ).

Như vậy, chưa cần tìm hiểu triết lí giáo dục bằng hệ thống các thuật ngữ khó hiểu mà chúng ta đang bàn luận, có thể chốt lại chu trình IPO (I: đầu vào - hết sức nhân văn, dân chủ; P: quá trình - dạy, học, nghiên cứu nghiêm túc, giảng viên giỏi, sinh viên đa dạng; O: đầu ra, thúc đẩy bản thân, phát huy tối đa tiềm năng của mình, đóng góp cho thể giới…).

Những điều trên đây đã được duy trì 160 năm nay đã quá đủ để nói lên triết lí giáo dục của giáo dục đại học là gì.

phong-thuc-hanh-cadcam-hien-dai-1266.jpg
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên trong giờ thực hành (Nguồn: Website nhà trường).

Thứ hai, về bối cảnh

Giáo dục đại học Việt Nam sau hơn nửa thế kỉ đã được bật lên đặc tính vốn có, 7 năm qua đã được luật hóa là tự chủ đại học.

Bối cảnh rất thuận lợi là: Định hướng của Đảng, các quan điểm của quốc tế (UNESCO, UNDP, World Bank…), Luật pháp (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học sửa đổi…), Khung trình độ quốc gia và thực tiễn đổi mới giáo dục gần 40 năm qua và môi trường số.

Toàn hệ thống đang hướng đến mục tiêu đổi mới sáng tạo trong kỉ nguyên vươn mình của đất nước.

Giáo dục đại học cần bổ sung 3 tính chất "xanh, số, bản sắc" trên nền 3 trụ cột: đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ thành công và tư vấn chính sách hiệu quả.

Mô hình giáo dục đại học cần thiết kế vừa đồng tâm (để tăng sức hút) vừa kết nối (để tăng sức mạnh) đồng thời lại phải tìm chỗ đứng cho riêng mình để không bị thay thế trong thế giới cạnh tranh.

Thứ ba, về môi trường

Nghiên cứu hệ thống giáo dục đại học tiên tiến đã yêu cầu các trường xác định tầm nhìn mới: Chuyển tải kiến thức và hiểu biết bền vững, khơi nguồn cảm hứng cho toàn cầu với giá trị: suy nghĩ phía trước, hợp tác, cam kết chất lượng là tâm điểm cho các hoạt động.

Truyền cảm hứng cho mọi thành viên, tạo ra một môi trường gồm các giảng viên cùng nhau nghiên cứu đưa ra các chương trình, nội dung, lĩnh vực cần đổi mới.

Mục tiêu thiết kế môi trường là có thể làm thay đổi chất lượng con người trong chu trình đào tạo.

Với người điểm chuẩn thấp (I), nếu họ được trải nghiệm trong môi trường sáng tạo (P), có thể trở thành người có ích cho xã hội không kém gì người có điểm chuẩn cao. Bởi hiệu quả chất lượng công việc sau này có thể không chỉ đến từ bằng cấp (O).

Như vậy, giáo dục đại học duy trì công bằng, tạo cơ hội cho mọi người. Điều này cần nhấn mạnh bởi môi trường là thành tố quyết định nhân cách chuyên gia. Với đặc điểm môi trường dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, môi trường giáo dục đại học đang được hoàn thiện tốt hơn.

Các trường cần môi trường tự chủ đúng hướng, phù hợp với bối cảnh đất nước. Thiết kế tứ diện với đỉnh là mục tiêu chiến lược, 4 mặt gồm: đảng ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu trên nền tảng và đoàn kết, dân chủ, trí tuệ - đây là môi trường để cán bộ, giảng viên, người học hoạt động.

Để có bộ luật chắc chắn và hiệu năng, hiệu quả, cần xác định quy trình 3 bước khi hoàn thiện luật pháp nhà trường: căn cứ khoa học của vấn đề (thông qua hội thảo, hội nghị chuyên gia…) để lập luận về vấn đề cần bàn trong Đảng ủy và Hội đồng trường; lựa chọn của hệ thống quản lí (tập thể lãnh đạo) phù hợp điều kiện, nguồn lực, thời gian nhà trường; hoàn thiện nghị quyết, quy định, quy chế… và cuối cùng là văn bản pháp chế là sản phẩm với yêu cầu chính sách phải đi vào cuộc sống.

Cần tách bạch 3 khâu trên để nhà khoa học, nhà quản lí, nhà làm luật đúng vị thế của mình, khách quan hóa quá trình.

Như vậy, cần hội tụ tư duy quản trị với quản lí và pháp chế đúng, sẽ tạo ra nhà trường phát triển bền vững.

Thứ tư, về năng lực người học

Để quản lí, chúng ta ban hành chuẩn, đây cũng là điều khó khăn với giáo dục đại học Việt Nam, khi các trường quen với việc làm chuẩn đơn ngành (các năng lực, kĩ năng cụ thể, đo được nhưng đang rời rạc và thiếu nền tảng).

Trong khi bối cảnh mới đang cần hội tụ 3 năng lực lõi ở người học: Năng lực sáng tạo trên nền học vấn rộng; năng lực ngoại ngữ trên nền văn hóa toàn cầu, năng lực công nghệ trên nền nhân văn đạo đức.

Mặt khác, trong hành vi cụ thể của người học, chúng ta thường đo đạc và xác nhận được kiến thức, kĩ năng người học, còn thái độ ít được xem trọng trong đánh giá năng lực người học.

Cần nhìn vấn đề rộng hơn như Hiệu trưởng Đại học Harvard đã nói: Cách giáo dục tốt nhất là giúp người học 3 khả năng: khả năng nhìn thế giới, khả năng khám phá, khả năng tư duy linh hoạt.

Thứ năm, về năng lực giảng viên

Người giảng viên đã dựa vào tri thức khoa học và phương pháp khoa học để chuyển hóa sư phạm thành tri thức dạy học và phương pháp dạy học. Đây là nền tảng cơ bản của phương thức giáo dục đại học. Tuy nhiên, năng lực không đều nhau giữa các giảng viên. Đặc biệt khi được giao tự chủ phát triển chương trình, điểm khó nhất của các trường là các giảng viên chưa thực hiện được yêu cầu “chúng ta phải mở rộng quan niệm của mình bằng cách đưa vào nhà trường không chỉ nội dung của chủ đề môn học mà còn cả nền văn hóa”.

Do đó, giáo dục đại học phải đặc biệt coi trọng học vấn nền tảng, cơ bản, cốt lõi để người học có khả năng dịch chuyển; Sử dụng công nghệ để thực hiện chủ trương giáo dục mở, xã hội hóa nguồn lực người, giáo dục khai phóng, đổi mới sáng tạo và sự kiên trì, bền bỉ.

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục