Hướng tới kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng một nền giáo dục hiện đại, vừa kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn minh nhân loại.
Trong đó, xếp hạng đại học được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu này. Theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 05 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 trường đại học tốt nhất thế giới và 05 cơ sở thuộc nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á. Đưa Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và thuộc top 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học hàng đầu châu Á.
Xếp hạng đại học: Động lực nâng tầm chất lượng và vị thế quốc gia
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Vũ Anh - Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định rằng việc đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng đại học thế giới không chỉ khẳng định uy tín và chất lượng của cơ sở giáo dục mà còn tạo sức hút mạnh mẽ đối với nguồn lực từ xã hội, Chính phủ, sinh viên xuất sắc và các nhà khoa học hàng đầu. Điều này giúp nâng cao giá trị và vị thế của các cơ sở giáo dục, thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Theo Tiến sĩ Bùi Vũ Anh, các bảng xếp hạng đại học sử dụng những tiêu chí đánh giá trực tiếp liên quan đến các kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục, như chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và mức độ quốc tế hóa,... Vì vậy, chúng phản ánh một phần quan trọng những thành tựu mà cơ sở giáo dục đã đạt được.
Trước các mục tiêu cụ thể về xếp hạng đại học được Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Tiến sĩ Bùi Vũ Anh đánh giá rằng đây là những mục tiêu rõ ràng và cần thiết. Chuyên gia nhấn mạnh xếp hạng đại học có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, góp phần thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học trong nước vươn tầm khu vực và thế giới.
“Để hội nhập hiệu quả, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cần không ngừng nâng cao uy tín, chất lượng và vị thế. Và xếp hạng đại học là một trong các công cụ minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực và mục tiêu phát triển này”, Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu đang thực hiện bảng xếp hạng (thành viên chủ chốt nhóm thực hiện Bảng xếp hạng đại học Việt Nam - VNUR), Thạc sĩ Nguyễn Vinh San (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) cũng nhận định rằng việc đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế không chỉ giúp các trường đại học khẳng định vị thế toàn cầu mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, việc có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín mang lại nhiều lợi thế quan trọng cho các trường đại học, như: Thu hút sinh viên quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế; Nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học; Gia tăng khả năng thu hút đầu tư từ Nhà nước và các đối tác.
Đồng thời, các tiêu chí xếp hạng quốc tế đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu toàn cầu về chương trình đào tạo, nghiên cứu và tác động xã hội. Những yêu cầu này không chỉ thúc đẩy sự phát triển nội tại của các trường mà còn góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn.
Ở trong nước, xếp hạng đại học tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, qua đó thúc đẩy việc cải thiện chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đồng thời nâng cao chất lượng tổng thể của hệ thống giáo dục.
Nhấn mạnh về vai trò của xếp hạng đại học, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San cho rằng, đây không chỉ là mục tiêu nhằm nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục Việt Nam mà còn là động lực thúc đẩy cải cách giáo dục đại học. Việc này giúp đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, đồng thời là nhiệm vụ chiến lược nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền giáo dục đại học cạnh tranh trên thế giới.
Nhận diện thách thức: Rào cản trên hành trình tăng hạng đại học
Theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, trong những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trên các bảng xếp hạng quốc tế, phản ánh sự nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Số lượng các trường đại học góp mặt trong các bảng xếp hạng uy tín thế giới ngày càng tăng lên, vị trí trên bảng xếp hạng cũng được cải thiện đáng kể qua từng năm. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam còn có mặt trong nhiều loại hình xếp hạng khác nhau của giáo dục đại học: xếp hạng các đại học phát triển bền vững, xếp hạng theo lĩnh vực đào tạo, xếp hạng nghiên cứu …
Tuy vậy, vị trí trên bảng xếp hạng của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, chủ yếu nằm ở quanh TOP 1000, thậm chí là 1500+. Chỉ có 01 trường lọt TOP 500 (theo kết quả QS 2025). Điều này phản ánh khoảng cách đáng kể của giáo dục đại học nước ta so với các nền giáo dục hàng đầu thế giới, đòi hỏi phải có các chính sách đủ mạnh để nâng cao vị thế và thứ hạng trong các bảng xếp hạng thế giới.
Cùng chung nhận định, Tiến sĩ Bùi Vũ Anh cũng cho rằng số lượng và vị trí xếp hạng của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay còn chưa cạnh tranh được với các trường đại học ở một số nước trong khu vực và quốc tế.
Trên trường quốc tế, theo kết quả Bảng xếp hạng QS Sustainability 2025, Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục được xếp hạng, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp thứ 325 thế giới. Trên Bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2024, Việt Nam có 13 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, với thứ hạng cao nhất là nhóm 301-400 thuộc về Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
So sánh với các quốc gia Đông Nam Á, theo kết quả Bảng xếp hạng đại học QS 2025, Malaysia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với 28 cơ sở giáo dục được xếp hạng, tiếp theo là Indonesia với 26 trường, Thái Lan có 13 trường, còn Việt Nam có 6 trường, Philippines 5, Singapore 4, và Brunei 2 trường.
Trong khi đó, Bảng xếp hạng THE WUR 2025 cho thấy Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, với Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đứng ở vị trí 501-600. Các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia (25 trường), Indonesia (31 trường), và Thái Lan (20 trường) có số lượng trường đại học được xếp hạng vượt trội so với Việt Nam. Singapore, mặc dù chỉ có 4 trường đại học, nhưng 2 trường hàng đầu của họ đạt vị trí rất cao: thứ 17 và 30 thế giới.
Theo Tiến sĩ Bùi Vũ Anh, một trong những thách thức lớn mà các trường đại học Việt Nam đang đối mặt là việc nâng cao chất lượng công bố quốc tế. Các bảng xếp hạng hiện nay không chỉ đánh giá dựa trên số lượng công bố mà còn yêu cầu chất lượng theo nghĩa rộng, bao gồm số trích dẫn, tính dẫn dắt, và tầm ảnh hưởng đối với cộng đồng khoa học toàn cầu. Tuy nhiên, các công bố của Việt Nam có tính định hướng, dẫn dắt và ảnh hưởng tới các công trình khác theo các tiêu chí xếp hạng không nhiều.
Bên cạnh đó, uy tín nghiên cứu và giảng dạy ở tầm quốc tế cũng còn rất hạn chế, thể hiện qua số lượng học giả quốc tế đến và đi trao đổi nghiên cứu, giảng dạy, số lượng người học quốc tế đến và đi cũng đang rất ít. Số lượng các nhà khoa học của các trường đại học của Việt Nam có tầm ảnh hưởng quốc tế chưa nhiều.
“Tựu chung lại thì uy tín khoa học ở tầm quốc tế của các trường đại học của Việt Nam đang là một thách thức lớn”, chuyên gia nhận định.
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, các thách thức lớn mà các trường đại học Việt Nam đang phải đối mặt khi muốn tăng hạng đó là hạn chế về nguồn lực để phát triển, cơ sở vật chất, tài chính và nhân lực.
Cụ thể, nguồn lực của giáo dục đại học Việt Nam không chỉ chưa đủ mạnh mà còn bị phân tán do số lượng trường đại học quá đông và quy mô phần lớn lại nhỏ. Cụ thể, khoảng 10% số trường có quy mô dưới 1.000 sinh viên, gần 30% nằm trong khoảng 1.000 – 5.000 sinh viên, và hơn 10% có quy mô từ 5.000 – 10.000 sinh viên. Đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu có học vị tiến sĩ cũng còn thấp, đồng thời phân tán rộng khắp các trường, dẫn đến khó khăn trong việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học còn hạn chế, tạo nên rào cản lớn trong việc cạnh tranh trên các bảng xếp hạng quốc tế, vốn rất coi trọng các công bố khoa học quốc tế. Hơn nữa, cơ chế chính sách về tự chủ đại học vẫn còn yếu, chưa tạo đủ điều kiện thuận lợi để các trường phát triển, chứ chưa nói đến việc tạo ra những đột phá trong đào tạo và nghiên cứu nhằm cải thiện thứ hạng.
“Chìa khóa” thực hiện
Đánh giá về các mục tiêu xếp hạng trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San cho rằng đây là một hành trình dài đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ các trường đại học Việt Nam. Với mục tiêu rõ ràng cùng những giải pháp và hành động cụ thể, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San cũng lưu ý rằng trong cuộc cạnh tranh xếp hạng, không chỉ có mỗi bạn nỗ lực. Để đạt được thứ hạng cao, các trường phải nỗ lực hơn và tiến bộ nhanh hơn đối thủ. Đây chính là ưu điểm của hệ thống xếp hạng đại học, khi nó thúc đẩy các cơ sở giáo dục không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng. Việc thăng hạng đã khó, nhưng giữ được vị trí đó còn khó khăn hơn nhiều.
Với tình hình giáo dục đại học hiện nay, để đạt được các mục tiêu xếp hạng đã đề ra, Việt Nam cần có những chính sách mạnh mẽ và phù hợp, tránh sự dàn trải. Các quốc gia thành công trong việc xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế, như Trung Quốc, là những tấm gương điển hình. Việt Nam hiện cũng sở hữu những trường đại học có tiềm năng vươn tầm thế giới, như các Đại học Quốc gia, Đại học Vùng, hoặc những trường mới được nâng cấp lên Đại học. Các trường này cần được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện về tự chủ để phát triển và đóng vai trò là đầu tàu, giúp đưa giáo dục đại học Việt Nam vươn ra thế giới. Cần phải xác định và tách riêng nhóm các trường đại học có khả năng vươn tầm quốc tế để đầu tư và hỗ trợ, giúp họ đạt được các tiêu chuẩn quốc tế.
Về phía các cơ sở giáo dục đại học, cần có chiến lược thu hút và đào tạo đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ quốc tế. Đồng thời, cần tạo điều kiện để họ nâng cao năng lực và công bố quốc tế. Các chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các trường đại học hàng đầu thế giới cũng cần được thúc đẩy, cùng với việc xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với chuẩn quốc tế nhằm thu hút sinh viên quốc tế.
Tiến sĩ Bùi Vũ Anh cũng cho rằng việc nâng cao thứ hạng của các trường đại học không chỉ là kết quả của nỗ lực riêng lẻ của mỗi cơ sở giáo dục, mà còn phải có sự hỗ trợ từ các chính sách vĩ mô của nhà nước. Trong đó, Tiến sĩ Bùi Vũ Anh đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi các chính sách này, với trọng tâm là chuyển các chính sách thành các hoạt động cụ thể và có kế hoạch triển khai rõ ràng, nhằm đảm bảo hiệu quả trong thực tế.
Cụ thể, để đạt được các mục tiêu trên, hệ thống cơ chế, chính sách từ phía cơ quan quản lý cần cởi mở, trao cho các cơ sở giáo dục quyền tự chủ cao hơn trong việc huy động nguồn lực xã hội, cơ chế khai thác nguồn lực được giao cho các cơ sở giáo dục nhằm mục tiêu phát triển. Các cơ sở giáo dục xác định mục tiêu cần đạt được, có kế hoạch tự chủ, tích cực huy động nguồn lực từ xã hội để thu hút và hỗ trợ được nhiều nhà khoa học giỏi đến làm việc. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nên chủ động đăng ký thực hiện các nhiệm vụ gắn với thực tiễn, đề xuất Chính phủ đầu tư, đặt hàng thực hiện.
Đảng và Chính phủ đã có những quyết sách đột phá như Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 52-NQ/TW, Nghị quyết số 45-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 107/NQ-CP và mới đây nhất là Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...
Tuy nhiên, Tiến sĩ Bùi Vũ Anh nhấn mạnh rằng điều quan trọng tiếp theo là hiện thực hóa các chính sách thành các hoạt động triển khai cụ thể, đầy đủ, nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện.
“Có lẽ “chìa khóa chính” để thực hiện thành công những mục tiêu đến năm 2030 nằm ở việc chuyển các chính sách thành các hoạt động thực tiễn một cách đầy đủ và hiệu quả. Có như vậy, những mục tiêu nêu trên mới có thể đạt được”, Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu nhận định.